Sự tích bức tượng “Chúa Kitô Cứu Thế” tại Rio

151
Đây là một trong số Bảy Kỳ Quan Mới của thế giới, bức tượng được dựng lên để ngăn chặn sự bùng phát của tình trạng vô luân.

Nếu bạn theo dõi Olympic năm nay, bạn sẽ nhiều lần nhìn thấy bức tượng nổi tiếng “Chúa Kitô Cứu Thế” sừng sững nhìn xuống thành phố Rio. Nó được xếp là một trong số “Bảy Kỳ Quan Mới của thế giới” và là điểm tham quan nổi tiếng nhất của Brazin. Cao 124 feet, sải tay rộng tới 92 feet, bức tượng này cao sấp sỉ tượng Nữ Thần Tự Do.

Vậy, đâu là lý do đầu tiên để người ta xây dựng bức tượng?

Theo BBC, vào đầu thế kỷ XX, một nhóm dân Rio địa phương, quen gọi là “Catholic Circle” thấy cần phải tái xác định lại việc thành phố này là thành phố của Đức Kitô.

“Thế Chiến I đã khởi động, [Catholic Cirlce] e ngại tình trạng vô luân sẽ lan tràn. Giáo hội và nhà nước đã tách biệt khi Brazin trở thành một quốc gia cộng hòa vào cuối thế kỷ trước, họ nhận thấy, bức tượng chính là cách giúp tái xác định lại việc Rio – sau này là thủ đô của Brazin – là một thành phố Kitô giáo”.

Dự án sau đó, do Tổng giáo phận Rio đề xướng, và đệ trình lên tổng thống để xin được phê duyệt.

Sau khi được phê duyệt, nhóm Catholic Circle đã nghĩ tới nhiều ý tưởng và địa điểm, nhưng sau cùng đa số đã chọn núi Corcovado. Kiến trúc sư người Brazin, Heitor da Silva Costa đã có một hoạch định quy mô cho bức tượng và, mong muốn nó trở thành một tượng đài tầm mức xứng đáng dâng lên Đức Giêsu Kitô.

“Bức tượng Chúa Cứu Thế sẽ là hình ảnh đầu tiên lộ ra giữa bóng mờ bao phủ trái đất để đón nhận sự chào mừng của mặt trời. Rồi, mặt trời sau khi bao phủ bức tượng bằng ánh quang chói lòa, sẽ cao dần lên, tạo thành một vầng hào quang trên đầu bức tượng, hình ảnh đó thật thích hợp để tôn vinh Đấng Vừa Là Thiên Chúa, Vừa Là Con Người”.

Để bức tượng dễ dàng được nhìn thấy, da Silva Costa biết kích cỡ nó phải khủng, và ông cần tới những trợ giúp để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Ông phối hợp cùng với điêu khắc gia người Pháp gốc Ba Lan, Paul Landowski thành một nhóm. Vị điêu khắc gia này đã sáng tác một bức tượng bằng đất sét, nó được chuyển tới Rio để đúc lại thành một bức tượng bê-tông.

Ban đầu, da Silva Costa không thích dùng chất liệu bê-tông để làm một bức tượng theo phong cách Art Deco như vậy, nhưng sau rốt cuộc ông cũng đồng ý với ý tưởng này, nhưng có dùng hoạt thạch (đá Rapoko) phủ lên lớp ngoài cùng.

Một nhóm các công nhân đã khởi công xây dựng bức tượng khổng lồ này hồi năm 1922 và hoàn thành nó năm 1931. Công trình được hoàn thành nhờ hệ thống giàn giáo và cần trục bằng thép, còn vật liệu thì được vận chuyển lên núi bằng một hệ thồng đường ray.

Bức tượng chính thức mở cửa đón khách tới thăm vào này 12 Tháng Mười 1931, và vào năm 2006, Tổng giám mục Rio đã thánh hiến một nhà nguyện nhân dịp 75 năm khai trương bức tượng.

Năm 2010, chính phủ đã cho thực hiện một cuộc đại trùng tu bức tượng do nhiều năm hư hoại và bị sét đánh khiến cho cấu trúc của bức tượng bị biến dạng trong những năm gần đây.

Vào lúc khai mạc các cuộc thi đấu Olympic năm nay, ngọn đuốc Olympic đã được hồng y Orani Tempesta làm phép tại chân của bức tượng này. Mặc dù không được Ủy ban Olympic chính thức thông qua, nhưng phần lớn cư dân Rio đều mong muốn có một phép lành. Cha Omar Raposo, linh mục quản nhiệm Thánh địa Tượng đài Chúa Kitô Cứu Thế, nói rằng: “Đức Kitô, với vòng tay rộng mở, chào đón và bảo bọc tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới tuôn về, dù sao đi nữa, con dân Brazin cũng vẫn hy vọng rằng, vận may mà bức tượng mang lại sẽ vẫn ở lại với các vận động viên Brazin”.

Ước chừng có khoảng 10.000 người đến thăm bức tượng mỗi ngày dịp Olympics này.

Philip Kosloski
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://aleteia.org

Previous articleNgày 22/08: Đức Maria Trinh Nữ Vương
Next articleĐức Phanxicô sẽ đến Axixi ngày 20 tháng 9-2016