Thánh Tâm Chúa Giêsu – Suối Nguồn Thương Xót

151

 

{1.      Dẫn nhập

Thánh Tâm Chúa Giêsu nói cho chúng ta điều gì? Theo lời của Đức Thánh Cha Phanxico thì “Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người. Nó là suối nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới. Chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân” (buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 09/06/2013). Tha nhân đây chính là tất cả con người trên khắp thế giới: khởi đi từ các gia đình, cho đến những bệnh nhân và tất cả những người dân lao động.

{2.      Thánh Tâm Chúa Giêsu yêu thương các gia đình

Gia đình là nền tảng của xã hội, là hội thánh tại gia; đất nước, Giáo hội có thăng tiến hay suy vong cũng là do những thành viên gia đình góp công xây dựng hay phá huỷ. Gia đình ảnh hưởng đến xã hội, đất nước không chỉ trong một hai thế hệ, mà còn kéo dài hết đời nọ đến đời kia. Gia đình quan trọng như thế nhưng nhìn vào thực trạng gia đình ngày nay, ai trong chúng ta cũng phải lo sợ vì biết bao sự dữ đang không ngừng tìm mọi cách tấn công vào tổ ấm của con người.

Ai sẽ cứu chúng ta khi mà loài người ai cũng đều có những giới hạn, mong manh, yếu đuối, và cuối cùng tất cả đều phải chết? Chỉ có một người duy nhất luôn thiết tha, hằng thổn thức ngày đêm về gia đình nhân loại, Đấng đã vượt qua những giới hạn của kiếp nhân sinh và là Đấng duy nhất sống lại từ cõi chết: không ai khác hơn chính là Chúa Giêsu với trái tim đầy lòng thương xót.

Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Là Thiên Chúa, Người nhìn thấy hết mọi nỗi bế tắc của các gia đình; Người biết tự sức con người không thể nào vượt qua được. Trong quãng thời gian ba năm rao giảng Nước Trời, Người đã thương xót và làm nhiều phép lạ cứu giúp các gia đình, trong đó phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới Cana cứu cho gia đình đôi tân hôn khỏi cảnh bẽ bàng, cứu cho gia đình bà goá thành Naim khỏi cảnh người đầu bạc khóc thương kẻ đầu xanh… Khi làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa có thân xác, tâm hồn và Người cũng mang luôn lấy thân phận tội lỗi của kiếp phàm nhân. Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, Người không có tội, nhưng vâng lời Chúa Cha, Người mang lấy tội của con người mà hậu quả chính là cái chết trên thập giá như có lời chép: “Ngài đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”( Pl 2,8). Và sau ba ngày, Người đã phục sinh để mọi kẻ tin vào Người được bước qua cái chết mà vào sự sống: “Ai tin vào Tôi sẽ không phải chết bao giờ” (Ga 11,26)

Thánh Tâm Chúa Giêsu chứa đựng tấm lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Thánh Tâm Người có quyền năng lấp đầy tất cả mọi nỗi khốn khó của thế gian, có sức mạnh hàn gắn mọi cõi lòng tan vỡ, là dòng suối ngọt ngào làm mới lại tình yêu nhân thế, nhất là tình yêu giữa vợ chồng, con cái trong gia đình.

Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày đêm vẫn tha thiết mời gọi: “Hỡi những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11, 28).

Thuở xưa gia đình thứ nhất của nhân loại là Adam và Eva đã nghe lời Satan mà phạm tội, để rồi phải rước lấy hậu quả là sự chết đau thương. Ngày nay Thiên Chúa đã gửi Con của Người đến chữa lành mọi vết thương tội lỗi và làm mới lại tình yêu của Người với các gia đình. Người muốn các gia đình hãy đặt tất cả những nỗi lo âu vào lòng thương xót của Người để được Người quan tâm chăm sóc như lời trong Kinh Thánh: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5, 7).

  1. Thánh Tâm Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân

Chẳng ai muốn mình đau bệnh. Tuy nhiên, thực tế là ốm đau bệnh tật đã trở nên một phần của đời sống con người. Lý do đơn giản là vì con người thì giới hạn và vì đã phạm tội chống lại Thiên Chúa.

Bi kịch chính là con người muốn được chữa lành, được mạnh khỏe, và trường thọ nhưng thực tế họ lại không có khả năng làm được điều mình mong muốn và khát khao. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể trở nên nguồn ủi an cho chúng ta.

Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa ước mong nhân thế được sống hạnh phúc trong tình yêu thương của Người. Do đó, Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta được cứu chữa và bình phục, không những về phần thể xác mà còn về phần linh hồn cho dù chúng ta mọn hèn, yếu đuối và tội lỗi. Đức Giêsu, Người Tôi Trung của Chúa, chính là lời diễn tả đầy sống động về tình yêu của Thiên Chúa đối với các bệnh nhân như lời Kinh Thánh: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53,3-4).

Là Đấng Emmanuel, Con Thiên Chúa đã trở nên người phàm, sống giữa và sống với loài người. Người chia sẻ với chúng ta ngay cả đến những đau ốm, bệnh tật thể xác. Và nhờ sự hiện diện đầy tình yêu liên đới và chữa lành của Người, chúng ta tìm gặp được sức mạnh đỡ nâng ngay giữa những khó khăn, đau đớn vì bệnh tật. Thực thế, Con Tim của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người đong đầy lòng thương xót đối với các bệnh nhân như chính Kinh Thánh đã kể cho chúng ta biết rằng: “Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh tật của họ” (Mt 14,14).

  1. Thánh Tâm Chúa Giêsu đối với người lao động

Trước khi bắt đầu đời sống công khai, Đức Giêsu đã có khoảng 30 năm sống ẩn dật ở Nadaret. Nơi đây, Người đã nhiều lần nhìn thấy cha nuôi, thánh Giuse và Mẹ Người, Đức Maria, phải thức khuya dậy sớm, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” từng ngày, phải thao thức suy trước tính sau, chạy ngược chạy xuôi làm lụng và kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nơi đây, qua mẫu gương lao động của cha và mẹ Người, Đức Giêsu đã học biết cách yêu mến và chuyên cần làm việc. Điều này góp phần làm cho Đức Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn khoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Lúc đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần Đức Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng phải làm việc” (Ga 5,17). Cho dù làm việc nhiều, nhưng Người luôn làm mọi việc trong sự thông hiệp với Chúa Cha để phục vụ cho hạnh phúc của loài người mà không hề quản ngại vất vả, hy sinh.

Từ những bài học nhận được nơi Đức Maria, Thánh Giuse, và qua kinh nghiệm của bản thân, con tim Đức Giêsu từ lâu đã dành một chỗ rất đặc biệt cho người lao động. Hình ảnh ấy đã đi vào bài giảng của Người về Nước Trời qua dụ ngôn người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16).

Đức Giêsu kể rằng có một ông chủ muốn tìm thợ để làm trong vườn nho của mình. Ông ra chợ vào lúc sáng sớm, rồi vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, và đặc biệt cả ở vào giờ thứ mười một. Tin Mừng cho biết rằng khoảng giờ mười một, ông chủ lại ra chợ và thấy vẫn còn có người đứng không, liền hỏi: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Các người này liền trả lời: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Dù chỉ còn khoảng 1 giờ nữa là hết ngày làm việc, nhưng ông vẫn tạo điều kiện cho họ vào làm trong vườn nho. Ngạc nhiên hơn, sau đó ông còn trả công cho những người đến làm sau như thể họ đã làm đủ một ngày.

Ông chủ này làm như thế có lẽ không phải vì vườn nho của ông cho bằng vì đồng lương, vì cuộc sống của những người thợ và gia đình của họ. Ông thấu hiểu những người thợ này cần việc làm để có tiền trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình. Ông nhận ra nỗi ưu tư lo lắng hằn sâu trên gương mặt, nơi ánh mắt của những con người lao động bình dân chất phác này: Ai sẽ lo cho mẹ già, cho con thơ của họ đang ở nhà và biết bao những nhu cầu khác nữa cần được chu cấp?

Hình ảnh ông chủ và tấm lòng của ông đối với người lao động diễn tả trong dụ ngôn chính là lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu, và tình yêu dạt dào của Người dành cho kẻ đang ngày ngày phải vất vả bươn chải vì mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Họ là những người được Chúa Giêsu nhắm tới một cách đặc biệt khi nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

{5.      Tạm kết

Yêu trọn vẹn khiến Thánh Tâm nhận lãnh

Ngọn giáo đâm cho máu chảy tỏ tường

Chúng con nhìn mà kính lạy vết thương

Như bằng chứng của mối tình khôn tả.

Đây biểu tượng nói lên lòng yêu Chúa

Và tỏ bày hai lễ tế Người dâng

Lễ xưa kia trên thập tự máu hồng

Là mầu nhiệm ngày nay trên thế giới.

(Thánh Thi Kinh Sáng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Thánh linh mục Piô Năm Dấu từng nói: “Chúng ta hãy nhớ rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta không chỉ để thánh hóa chúng ta, mà còn vì linh hồn của chúng ta. Ngài muốn cứu độ các linh hồn”.

Thật thế, Thánh Tâm chính là đại dương vô biên về lòng thương xót của Chúa Giêsu, nơi đã tuôn chảy Máu và Nước đến giọt cuối cùng, và là nguồn ân sủng, là lương thực trường sinh nuôi dưỡng người tín hữu mỗi ngày.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, xin thương xót chúng con, xin giúp chúng con chân nhận tình yêu bao la và vô điều kiện của Ngài để chúng con có thể cảm nghiệm được lòng thương xót bao la của Ngài dành cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết tìm đến với Thánh Tâm Người để được hưởng nhờ ơn cứu độ. Người là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Previous articleThánh Tâm Chúa Giêsu Tuôn Tràn Lòng Thương Xót
Next articleChương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta