Vì Đâu Nên Nỗi?

137

Vì Đâu Nên Nỗi?

Dân gian có câu: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Trong tâm thức người Việt, những nơi chốn linh thiêng đều được uý kính, tránh những gì bất kính, phàm tục và ô uế.

Khi Môsê thấy bui gai bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi, tò mò, ông đến gần. Chợt có tiếng từ trong bui gai gọi ông: “Môsê, Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh” (Xh 3,4-5)

Đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái là nơi tuyệt đối thánh thiêng, nơi được phủ bóng Vinh quang Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa chí tôn chí thánh và đầy uy quyền ngự giữa dân Người. Phải thanh tẩy mình theo nghi thức, phải sạch tội mới được trình diện trước Nhan Thánh Thiên Chúa.

Nhà thờ Công giáo, nơi Chúa Kitô quy tụ dân để giáo huấn, tham dự các bí tích, nhất là nơi cử hành bí tích Thánh Thể – hy tế cứu chuộc và là Bánh Trường Sinh Chúa Kitô ban cho con cái Người; chỉ điều này thôi cũng đủ để cho Nhà thờ được xem là thánh thiện và thiêng liêng.

Giữa những náo động của trần thế, sự lộng hành của ma quỷ và sự nhộn nhạo của tính xác thịt, làm cho những tâm hồn xao động, chao đảo, Nhà thờ là nơi trú ẩn, cầu nguyện để phục hồi, củng cố niềm hy vọng, và tìm kiếm bình an cho linh hồn;
Nhà thờ, nơi thánh thiện và thiêng liêng, hoà quyện với cung thánh mà Chúa Thánh Thần tạo ra trong tâm hồn người tin, để tìm kiếm, gặp gỡ và trò chuyện với Chúa Kitô;

Nhà thờ, nơi chúng ta truyền lại cho con cái biết về đức tin, biết yêu mến Thiên Chúa và các thánh, biết thực hành những nghi thức phụng tự, biết tôn kính nơi thánh thiêng.

Đức tin và sự tôn thờ Thiên Chúa, kết hợp với thái độ kính trọng mà chúng ta dành cho nơi thánh, toát ra vẻ thiêng liêng.

Xin đừng tục hoá nơi thánh bằng những hành vi nhân danh lợi ích, phục vụ nhu cầu dân Chúa. Nếu không có chỗ mà nhu cầu lại cấp bách, hãy chăng tấm màn che nơi thánh.

Vì những hình ảnh, âm thanh trong đêm văn nghệ múa hát được tổ chức trên cung thánh sẽ lưu giữ rất lâu trong ký ức người tín hữu, nhất là trong tâm hồn trong sáng của trẻ em, sẽ bào mòn sự tôn thờ Thiên Chúa trong mắt người tín hữu, để lại ấn tượng không tốt nơi những người khác tôn giáo.

Hy tế Chúa Kitô trên bàn thờ mất đi sự thánh thiêng, sẽ không còn ranh giới giữa những gì là thiêng thiêng và những gì là phàm tục.

Tất cả chỉ còn là biểu tượng, là phương tiện chứ không phải là cứu cánh.

Vậy thứ đạo ấy là gì? Ai đã làm cho đạo ra nông nỗi này?

Lm. Ngô Văn Kha

Previous articleTại sao Các tín hữu Công giáo sử dụng thập giá có Đức Giêsu trên đó?
Next articleBãi đậu xe “trả tiền” bằng Kinh Kính Mừng