CHIA TAY ANH : TÙNG XÍCH LÔ – KẺ LÃNG DU GIỮA CHỢ ĐỜI

270

CHIA TAY ANH : TÙNG XÍCH LÔ – KẺ LÃNG DU GIỮA CHỢ ĐỜI

Anh ra đi khá đột ngột và để lại trong lòng những kẻ từng biết Anh, đã biết Anh hay như vừa biết Anh một lòng thương nỗi nhớ. Đơn giản vì Anh là người sống có tình và hết mình.

Dòng tâm sự Anh để lại còn đó : “Nghĩ tới nghĩ lui, cuộc sống của mình chỉ đơn giản thế này thôi. Lâu lâu được anh em thương, có món ngon, lại hú mình.
Mình chỉ thấy, mình hơi sướng hơn thường dân ở chỗ, là mình không có lo đến ngày đầu tháng.
Mình sướng hơn đám thượng dân ở chỗ, ngày lễ mình chẳng cần phúng điếu ma sống nào cả.
Hễ khi nào, mình rỗng túi, lúc đó mình mới kéo cầy. Lúc đó mình mới thật sự hơi khổ chút xíu thôi.
A lô, có ai cần phụ bếp nướng không?”

Đơn giản, Anh chỉ là “thằng Tùng Xích Lô”.

“Xích lô” ! Dễ thương lắm chứ ! Có lẽ hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại có đầu óc sáng tạo nơi chiếc xích lô. Chiếc xích lô đã gắn bó với biết bao nhiêu mảnh đời và biết bao nhiêu thân phận. Dễ thương lắm khi với 2 cái bánh trước và một cái bánh phía sau mà rong ruỗi mọi ngóc ngách của cuộc đời và để tìm kế sinh nhai.

Cũng nhờ chiếc xích lô mà cưu mang bao nhiêu gia đình trong thời gian đói kém. Ngay cả Cha Giám Tỉnh đương nhiệm của DCCT cũng đã một thời gắn với chiếc xích lô.

Vâng ! Có lẽ cái tên gắn với cả cuộc đời phiêu lãng của Anh. Anh lên rừng xuống biển, Anh vượt suốt trèo đèo và vượt lên cả những rào cản của con người, của xã hội để đi tìm công lý và nói lên tiếng nói của công lý.

Anh đã sống, đã làm những điều chả ai muốn làm và chả ai dám làm. 5 năm về trước, Anh Anh không ngần ngại lao vào vụ Kurt Lender Jensen, người đàn ông Đan Mạch đã làm 24 cây cầu ở Vùng Bảo Lộc, Lâm Hà và bị làm khó dễ đủ điều ở Ninh Thuận. Đơn giản là Anh thấy bất bình trước cảnh xử tệ với người mà đất nước phải thọ ơn.

Chả hiểu sao đời Anh lại vướng vào cái “nghiệp” nấu ăn. Trên trang mạng của Anh, tất cả tâm tình, khí huyết gắn liền với cái bếp và nhất là thức ăn ngon bổ dưỡng được Anh gửi lại cho mọi người. Anh đã để lại những kinh nghiệm mà Anh đã trải cho những ai yêu mến cái bếp hay nói đúng hơn là cho những ai muốn phục vụ người khác trong bữa ăn. Từng thớ thịt, từng miếng cá mà anh sắt thái đủ để nói đến tấm lòng của Anh dành cho người khác.

Em vẫn thích câu nói của Anh : “Hễ khi nào, mình rỗng túi, lúc đó mình mới kéo cầy”. Phải chăng đó là triết lý sống của Anh và có lẽ cũng là kẻ đang viết đôi dòng về Anh. Qua tâm tình chọn lựa sống đó, Anh cho mọi người thấy rằng Anh không phải là tuýp người vun vén. Nhưng, thật ra, chả phải vậy đâu. Anh không vun vén tiền bạc nhưng hình như anh vun vén tình cảm bởi lẽ tất cả những ai đến với Anh, những ai chơi với Anh, những ai biết Anh đều nhận ra Anh là người đậm chất yêu thương.

“A lô, có ai cần phụ bếp nướng không?” : Một tay bếp điêu luyện, một người chế biến thức ăn tuyệt vời nhưng Anh vẫn nhận mình chỉ là người “phụ”.

Vâng ! Trong Anh vẫn toát ra tâm tình của một con người khiêm hạ đến tận cùng. Cũng mong được biết nấu ăn như Anh để “phụ” người cần.

Xã hội ngày nay cần và rất cần những nhân cách nơi Anh : phiêu lãng, sống thật với lòng mình và mang hơi ấm của cái bếp đến với những người xung quanh.

3 g 30 sáng nay, 20 tháng 9, Anh lặng lẽ ra đi không một lời trăn trối sau cú nghẹt tim. Dẫu không trăn trối nhưng lối sống của Anh quả là bài học cho những kẻ chỉ biết mãi vun vén cho mình cũng như không dám lên tiếng và nói tiếng nói của chân lý và công bằng.

Vĩnh biệt Anh : phù thủy quanh chiếc bếp ! Anh đi bình an nhé ! Một ngày nào đó kẻ mọn này cũng đoàn viên với Anh thôi vì kẻ trước người sau. Cảm ơn Anh đã để lại cho em cũng như nhiều người khác về con người, về lối sống của mộ kẻ lãng du giữa cuộc đời và nhất là đã sống hết mình, hết tình với những ai từng chung sống.

Previous article“Truyền giáo” thời nay có nghĩa là gì?
Next articlePHƯƠNG PHÁP SOẠN GIẢNG