SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG của HỘI THÁNH VIỆT NAM HÔM NAY

41

SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

của

HỘI THÁNH  VIỆT NAM HÔM NAY

  NHẬP ĐỀ

  1. Chúng tôi, hồng y, tổng giám mục, giám mục và giám quản tham dự khóa họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 06 đến 11 tháng 10 năm 2003 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, thân ái gửi đến anh chị em lời chào thăm và cầu chúc bình an trong “ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (Sách lễ Roma). Chúng tôi cám ơn về tâm tình hiệp thông của anh chị em dành cho các chủ chăn của mình trong lời cầu nguyện. Xin Chúa liên kết chúng ta trong tình yêu của Ngài, để Hội Thánh luôn được “bình an và hiệp nhất như ý Chúa muốn” (Sách lễ Roma).

Năm nay, nhân kỷ niệm 25 năm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày 16 tháng 10, và hướng tới Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 48, từ ngày 10 đến 17 tháng 10 năm 2004 tại Mêhicô, với chủ đề : “Thánh Thể, ánh sáng và sự sống của ngàn năm mới”, chúng tôi mời anh chị em hãy đáp lại lời gọi “Ra khơi” của Đức Thánh Cha, qui hướng lời cầu nguyện và hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc “Loan báo Tin Mừng” .

Anh chị em thân mến,

  1. LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ SỨ MẠNG

  1. Khơi nguồn từ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Loan báo Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi đặc biệt của Hội Thánh, là chân tính sâu xa nhất của Hội Thánh, một Hội Thánh phát xuất từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Ba Ngôi được diễn tả qua việc Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để cứu độ trần gian (x. Ga 3,16) và việc Chúa Cha cử Thánh Thần đến với Hội Thánh để tiếp tục và hoàn tất sứ mạng của Chúa Con. Ba Ngôi là cội nguồn của Hội Thánh, vì thế, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo (x. Ad Gentes 2). Chúa Giêsu đã nhiều lần cho các môn đệ hiểu rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng của họ đến từ Ngài và sứ mạng của Ngài đến từ Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18 ; x. Ga 20,21).

  1. Noi gương Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất. Ngay từ đầu, Ngài đã xác định sứ mạng của Ngài là rao giảng Tin Mừng theo lệnh truyền của Đức Chúa Cha : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18 ; x. Is 61,1).

Để rao giảng Tin Mừng, Ngài đã không biết mệt mỏi đi đến khắp mọi nơi, tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, thực hiện rất nhiều việc lạ lùng để làm chứng Nước Chúa đã đến.

Xác định rao giảng Tin Mừng theo ý Chúa Cha là lẽ sống (x. Mc 1,38 ; Lc 4,43) nên Ngài hiến trọn cuộc đời, đến tự nguyện hy sinh cả mạng sống, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thánh Giá để hoàn thành thánh ý Chúa Cha.

  1. Trung thành với truyền thống của Hội Thánh sơ khai.

Chúa Giêsu đã thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,15 ; Mt 28,19-20). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh không hiện hữu cho mình nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiệän hữu là để loan báo Tin Mừng và  làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 28,19) đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (x. Ga 10, 52).

Vâng lệnh Chúa Giêsu Kitô, dưới tác động của Thánh Thần, Hội Thánh sơ khai hăng hái dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, sẵn sàng hiến mạng sống để làm chứng về hồng ân cứu độ mà  Chúa Giêsu đã thực hiện qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người (x. Cv 2,37-40 ; 1 Cr 9,16).

  1. Tuân theo  giáo huấn của  Hội  Thánh.

Ý thức việc loan báo Tin Mừng là chân tính của Hội Thánh lữ hành (x. Ad Gentes), Hội Thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này (x. Evangelii Nuntiandi ; Redemptoris Missio). Mở đầu ngàn năm mới, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một lần nữa mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh hãy “ra khơi truyền giáo” (x. Novo Millennio Ieunte). Ngài đặc biệt trao nhiệm vụ truyền giáo trong thiên niên kỷ mới cho các Hội Thánh tại châu Á  (x. Ecclesia in Asia), trong đó có Hội Thánh tại Việt Nam.

  1. LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI VIỆT NAM HÔM NAY .

  1.  Tiếp nối bước chân truyền giáo.

Đáp lời mời  gọi của Chúa Giêsu Kitô, từ nhiều thế kỷ nay biết bao thế hệ môn đồ của Chúa đã hăng hái lên đường. Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau ra đi đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới.

Nhờ các vị thừa sai tràn đầy nhiệt huyết, quê hương Việt Nam đã được đón nhận Tin Mừng. Nhờ đời sống đức tin anh dũng của các bậc tiền nhân, đức tin đã không ngừng phát triển, để truyền lại cho chúng ta ngày nay một gia sản quí giá.

Đầu thiên niên kỷ mới, sứ mạng loan báo Tin Mừng được đặc biệt trao vào tay chúng ta. Chúng ta hãy tiếp bước các vị thừa sai đầy nhiệt tình tông đồ, hãy phát triển truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo. Đức Thánh Cha kêu gọi : Thiên niên kỷ thứ nhất truyền giáo cho châu Âu. Thiên niên kỷ thứ hai truyền giáo cho châu Mỹ. Thiên niên kỷ thứ ba phải truyền giáo cho châu Á (x. Ecclesia in Asia). Ta hãy đáp lại kỳ vọng của Hội Thánh, đem Tin Mừng cho anh chị em trên lục địa mênh mông này. Và đặc biệt đem Tin Mừng cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Để việc truyền giáo có kết quả, Đức Thánh Cha khuyên nhủ ta hãy ra đi với một nhiệt tình tông đồ mới, đến với những môi trường đang cần ánh sáng Tin mừng và sử dụng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay .

  1. Với một nhiệt tình tông đồ mới.

Hãy lên đường với tinh thần tông đồ, là sự hăng hái được thúc đẩy bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là lòng nhiệt thành truyền giáo được nung đốt bởi lửa của Chúa Thánh Thần, là những sáng kiến do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Đó chính là tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đi “loan báo Tin Mừng cho người nghèo…” (Lc, 4,18). Đó là tinh thần của các Tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần, mở tung cửa ra đi đến với mọi người, tới mọi chân trời để làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh (x. Cv 2). Đó là tinh thần của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi, sống hoà thuận thương yêu nhau (x. Cv 2, 44-46)  và rao truyền đức tin trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đó là tinh thần của các vị thừa sai ra đi, đến với mọi đất nước, dù khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo. . .

  1. Đến với những môi trường đang cần ánh sáng Tin mừng.

Hãy mạnh dạn đến với những môi trường mới. Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó làø những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật … Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của Tin Mừng.

Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng.

Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh (x. Gaudium et Spes 1). Hội Thánh phải loan báo Chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô trở nên tất cả cho mọi người. Tin Mừng phải hội nhập vào mọi lãnh vực của con người.

  1. Bằng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay.

Việc truyền giáo phải đặt nền tảng trên lời cầu nguyện và thái độ sẵn sàng dấn thân lên đường theo Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời. Đó là cung cách thấm nhuần tinh thần Phúc âm, được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tình, thân ái. Đó là thái độ kính trọng, đối thoại với người nghe. Đó là vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng.

III. NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ

  1. Trong quá khứ, các giáo phận, giáo xứ, hội dòng; các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân đã làm việc truyền giáo. Năm nay, Năm Truyền Giáo của Hội Thánh Việt Nam, chúng tôi đề nghị mọi thành phần Dân Chúa hãy tuỳ theo ơn gọi và chức năng của mình, tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng những việc cụ thể sau :

Về phương diện thiêng liêng :

–       Cầu nguyện cho việc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu. Vì khi nhìn thấy đồng lúa chín bao la mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ cầu nguyện : “xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Mt 10, 38). Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đaị biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt ; có nhiều tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng. Ngoài ra nên có những thánh lễ đặc biệt, những giờ chầu Thánh Thể chung và những buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hơn nữa, việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo phải được tiếp tục trong gia đình và với bản thân mỗi người, không chỉ bằng lời kinh mà còn bằng những hi sinh hãm mình hằng ngày.

–       Nêu gương sống lương tâm công giáo . Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đăïc biệt hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, Nước “đầy tràn sự thật và sự sống,  đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đâỳ tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền tụng Lễ Chúa Kitô Vua). Người tín hữu cũng hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận, như Lời Chúa phán : “chính nơi điều nầy mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy : ấy là nếu anh em thương yêu nhau” (Ga 13,35) ; “để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta và thế gian tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

  1. Về phương diện đối thoại.

–       Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn. Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài công giáo là trình bày Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn.

–       Trao đổi với người ngoài công giáo về một đề tài chung. Noi gương Chúa Giêsu trong câu chuyện bên bờ giếng Giacóp được Phúc âm Thánh Gioan thuật lại, từ một việc rất nhỏ trong đời sống là “nước uống”,  Người đã  lắng nghe, trao đổi và soi sáng về việc đạo, về đền thờ, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để dẫn tới “Nước hằng sống” (x. Ga 4 ). Từ đó, chúng ta nhận ra trong thời đại ngày nay, việc đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ dẫn đến thông cảm, hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.

  1. Về phương diện thực hành:

–   Thiết lập ban truyền giáo. Mỗi giáo xứ cần thiết lập một ban truyền giáo dưới sự hướng dẫn của Cha xứ và sự cộng tác của mọi giới cũng như mọïi đoàn thể. Ban truyền giáo sẽ cổ vũ sự cầu nguyện, tạo điều kiện học tập và động viên mọi thành phần dân Chúa tham gia việc loan báo Tin Mừng.

–       Kết nghĩa. Để tương trợ trong việc truyền giáo, các giáo xứ đã hình thành lâu đời nên kết nghĩa với giáo xứ, giáo điểm xa xôi, hẻo lánh. Mỗi gia đình công giáo nên kết nghĩa với một gia đình ngoài Công Giáo trong địa bàn dân cư của mình. Việc kết nghĩa được thực hiện cụ thể qua cầu nguyện, thăm viếng, giao lưu, chia sẻ vật chất.

–       Làm việc bác ái. Việc bác ái cụ thể được thấy qua những cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo về mọi mặt. Việc bác ái trong lâu dài phải nhắm đến phát triển toàn diện, giúp người nghèo có một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì “Phát triển là tên gọi mới của hòa bình” (x. Progressio Populorum). Những hoạt động xã hội bác ái là những lời rao giảng dễ được đón nhận, vì “người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi 41).

KẾT LUẬN

Anh chị em thân mến,

  1. Đầu thiên niên kỷ này, chúng tôi muốn tiếp lời Đức Thánh Cha, chuyển đến anh chị em lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô : “Anh em hãy đi khắp thế gian, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Ước chi lệnh truyền này chất vấn cuộc sống đạo của chúng ta, thôi thúc tâm hồn tông đồ và hướng dẫn toàn bộ kinh nguyện cùng mọi hoạt động của chúng ta. Một cách đặïc biệt năm nay sẽ là năm lên đường của cả Hội Thánh Việt Nam.

        Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban tràn đầy ơn thiêng trong một Mùa Hiện Xuống mới, “để trong thiên niên kỷ thứ III này, Hội Thánh sẽ được một mùa gặt bội thu trên lục địa rộng lớn và tràn trề sức sống này” (Ecclesia in Asia 1) trong đó có quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Nguyện xin Đức Mẹ La Vang dẫn đưa chúng ta trên đường truyền giáo. Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu, để đức tin được truyền thống anh hùng của các Ngài nuôi dưỡng, trổ sinh nhiều hoa trái làm vinh danh Chúa và góp phần đem lại hạnh phúc cho đồng bào Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Previous articleTruyền thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng
Next articleTruyền thông : phương tiện loan báo tin mừng