Loan báo Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông

244

Nhân ngày Quốc tế truyền thông năm nay, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội mời gọi mọi người trên khắp thế giới cùng tham dự vào “Mesa Comun” (Bàn ăn Chia sẻ). Sáng kiến cho phép các tín hữu của Giáo hội Công giáo chia sẻ các tài nguyên mục vụ dạng nghe/nhìn trên mạng.

Chủ đề của ngày Truyền thông năm nay “Mạng xã hội: cửa ngõ của chân lý và đức tin; không gian mới để loan báo Tin mừng”, sẽ nêu bật việc sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội, chẳng hạn như YouTube, Facebook, và Twitter, như những phương tiện loan báo Tin mừng trên khắp thế giới.

Hội đồng Giáo hoàng đang tiếp tục mở rộng lời mời gọi đến các Văn phòng Truyền thông xã hội của các Hội đồng Giám mục, các giáo phận và các cộng đoàn dòng tu để gởi các tài liệu của họ trước ngày 12/5, các tài liệu này sẽ được chia sẻ trên trang mạng chính thức.

Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội khẳng định: sáng kiến này là “Lãnh vực mới để hiệp thông và chia sẻ”.

Nguồn: Zenit

Các phương tiện truyền thông trong sứ vụ loan báo Tin mừng

alt

Dẫn nhập

Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, càng ngày người ta càng thấy vai trò to lớn của công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng, tới mức dường như những khái niệm chân lý đã thay đổi từ chỗ quan niệm chân lý là điều phù hợp với thực tế khách quan và với ý định của Thiên Chúa, người ta đã dần chấp nhận chân lý là điều được phổ biến và chấp nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Cái có thật và có giá trị là cái được nói tới hay được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; ngược lại điều gì không được nói tới hay không được giới thiệu trên đó đều không thật hay có thật nhưng chẳng có liên quan gì với con người hôm nay.”[1] Điều này cho ta thấy các phương tiện truyền thông đang trở thành công cụ không thể thiếu được của con người sống trong thời đại ngày nay. Mặc dù còn tồn tại không ít những bất cập trong việc quản lý và sử dụng các phương tiện này, nhưng những tiện ích to lớn mà chúng mang lại cho con người thì không ai có thể phủ nhận. Hằng ngày chúng đang là những phương tiện chuyên chở Tin mừng Cứu độ của Chúa đến với mọi người ở mọi nơi. Là những người Thừa Sai Đức Tin (TSĐT) sống trong thế kỉ XXI, chúng ta cũng không thể không quan tâm đđến phương tiện vô cùng lợi hại này trong khi thi hành sứ mạng của mình.

1. Các phương tiện truyền thông với sứ vụ loan báo Tin mừng

Trong công cuộc loan báo Tin mừng thời đại ngày nay, Giáo hội không thể không dấn thân vào thế giới truyền thông đang nở rộ. Mạng lưới truyền thông toàn cầu đang trải rộng và ngày càng ảnh hưởng cách sâu đậm đến nhiều nền văn hóa và tác động trực tiếp đến đời sống của chúng ta. Chúng sẽ chuyển tải cho chúng ta tin tức, thông tin và đặc biệt các mục giải trí. Trong lãnh vực truyền thông truyền giáo, điều này lệ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta phản ứng thế nào đối với một “nơi họp chợ” (areopagus)[2] hiện đại như thế.

Có một thời, truyền thông tường thuật những biến cố, giờ thì các biến cố thường được uốn nắn để đáp ứng nhu cầu của truyền thông. Do đó, mối tương quan giữa thực tế và truyền thông càng lúc càng phức tạp và đây là một hiện tượng mang tính chất mâu thuẫn sâu đậm. Một mặt, mối tương quan này có thể làm mờ đi sự phân biệt giữa sự thật và ảo tưởng; nhưng mặt khác, nó có thể mở ra những cơ hội chưa từng có khiến sự thật được nhiều người biết đến dễ dàng hơn. Nhiệm vụ của Giáo hội là bảo đảm cho điều sau thực sự xảy ra. Điều này cũng để đáp ứng những khao khát chính đáng của con người là được biết sự thật.

Dường như ở vào giai đoạn nào của lịch sử, người ta vẫn thường đặt ra rất nhiều những thắc mắc, những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Sau cuộc sống này còn gì nữa?[3] Và ở mỗi thời, Giáo hội đều đưa lại một câu trả lời thỏa mãn tối hậu cho những thắc mắc sâu xa nhất trong tâm hồn con người – đó chính là Đức Giêsu, “Đấng đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ.”[4] Do đó, người Kitô hữu không thể im lặng, vì Chúa đã phó thác cho chúng ta Lời cứu rỗi mà mọi tâm hồn đều mong mỏi nhận được. Tin mừng đem lại viên ngọc đắt giá mà mọi người đều kiếm tìm. (Xc. Mt 13,45-46). Ý thức được bổn phận của mình, Giáo hội sử dụng các phương tiện truyền thông như những phương tiện của thời đại để chuyển tải “viên ngọc quý” đến với mọi người trên thế giới.

2. Truyền thông truyền giáo theo lệnh truyền của Thiên Chúa

Việc rao giảng Tin mừng luôn là một sứ vụ cấp bách của mọi Kitô hữu và là sứ mạng đặc thù của những người sống trong ơn gọi Thừa Sai, vì đây lệnh truyền của chính Đức Giêsu. Ngài đã nói với các môn đệ của Ngài: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm hãy nói ra giữa ban ngày; điều anh em nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27). Hơn lúc nào hết, giờ chính là lúc Giáo hội rao giảng về Đức Giêsu trên mái nhà thế giới cho tất cả mọi người được nghe. “Mái nhà hầu như luôn được đánh dấu bởi một rừng đài phát tuyến gửi đi và nhận về những sứ điệp thuộc mọi thứ từ bốn phương thiên hạ. […] Công bố đức tin từ mái nhà ngày nay có nghĩa là nói lời của Chúa Giêsu trong và qua thế giới năng động của ngành truyền thông.”[5]

Việc loan báo Tin mừng qua truyền thông vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, là một thách đố mà Giáo hội sẽ phải đương đầu. Nhưng cũng chính những thách đố này đòi hỏi chúng ta nhìn lui lại thời kỳ đầu của Kitô giáo, để nhận được ánh sáng và sự can đảm cần thiết. Bản chất của sứ điệp mà Giáo hội loan báo chính là Đức Giêsu: “Cả lịch sử nhân loại đều quy chiếu về Ngài: thời đại của chúng ta và tương lai của thế giới được tỏa sáng nhờ sự hiện diện của Ngài.”[6]

Đọc những chương đầu của sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy việc loan báo Đức Kitô của các Tông đồ được xem như một sự loan báo bộc phát, tràn đầy niềm tin, mang tính thuyết phục, và được thực hiện nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ đã rao truyền Đức Giêsu để thực hiện lời Ngài đã truyền dạy cho họ. Trước khi về trời, Ngài đã nói với các Tông đồ: “Các con sẽ là nhân chứng của của Thầy tại Giêrusalem, và trong toàn cõi Giuđêa và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8). Và cho dù họ là “những người thất học, và thuộc hàng lê dân” (Cv 4,13), họ đã đáp ứng lời dạy của Đức Kitô một cách mau chóng và độ lượng.[7]

Ngày nay, đối với những người sử dụng các phương tiện truyền thông trong công tác truyền giáo, và tất cả những người, bằng cách này hay cách khác góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến Tin mừng, hay những thông tin khác bằng các phương tiện truyền thông. Trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, mọi người đều thấy rõ rằng những người đó mang những trách nhiệm hết sức quan trọng, vì chính họ trong khi thông tin và cổ động, có thể hướng dẫn nhân loại một cách ngay chính hay sai lạc.[8] Và như vậy, để tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, tất cả những ai tham gia vào việc phổ biến hay tiếp nhận sản phẩm của truyền thông đều phải tuân giữ nguyên tắc: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37).

 3. Phương tiện truyền thông là một phương cách

 Có thể nói, Lời Chúa, những giáo huấn, thông điệp, các hoạt động của Giáo hội cũng như các tin tức liên quan được chuyển tải đến thế giới bằng nhiều phương cách khác nhau, và phương tiện truyền thông là một trong muôn vàn phương cách đó. Bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin ngày càng được đăng tải, loan truyền trực tiếp, nhanh chóng và rộng rãi.

  Ngày nay, Giáo hội khuyến khích việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội đại chúng vào việc loan báo Tin mừng, như lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố trong Tông huấn Ecclesia in Asia rằng: “Vì các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng có ảnh hưởng lớn cả ở các vùng xa xôi của Châu Á, chúng có thể trợ giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin mừng tới mọi góc cùng của châu lục.”[9] Chính vì thế, các loại hình truyền thông ngày càng lan tỏa rộng rãi về số lượng cũng như chất lượng. Nhưng cũng có thắc mắc được đặt ra: Những phương tiện truyền thông có thật sự góp phần hữu ích thiết thực cho việc loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa không? Việc chạy theo phương tiện truyền thông của thời đại có thể làm biến đổi Tin mừng của Chúa, dẫn đến việc hiểu sai lạc, những hoạt động sống đức tin bị tục hóa theo lối sống kiểu “đời”?

  Để trả lời được những câu hỏi trên quả thật không dễ dàng! Thực ra, phương tiện truyền thông chỉ là một phương cách, một cái vỏ bao bọc nội dung sức sống được chứa bên trong nó. Cái vỏ sẽ không thể thay thế cho nội dung bên trong được. Có thể nhờ cái vỏ bên ngoài mà nội dung bên trong trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng cũng có nguy hiểm! Cái vỏ nhiều màu sắc bên ngoài nhiều khi được chú ý làm nổi bật hấp dẫn, sẽ lấn át và làm lu mờ nội dung bên trong.

Phương tiện truyền thông là sản phẩm của trí tuệ con người, nó được dùng để phục vụ nhu cầu cuộc sống con người. Những phương tiện này cũng có tính hai mặt của nó. Chính vì vậy, nếu biết sử dụng đúng, ngay chính, nó sẽ là phương tiện tích cực giúp ích rất nhiều. Còn không nó sẽ là con dao hai lưỡi quay trở lại làm đứt tay người sử dụng nó. Vì thế, khi sử dụng những phương tiện kỹ thuật khoa học thời đại, nó đòi hỏi chúng ta phải có nhiều kiến thức.

Nhìn ở một khía cạnh nào đó, ta có thể thấy rằng việc rao giảng Tin mừng trong thời đại ngày nay sẽ bị giới hạn rất nhiều nếu không có các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại. Ngay từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày.”[10]

Dùng phương tiện trần gian, để trình bày, mời gọi mọi người cùng hướng dẫn họ đến với Tin mừng của Chúa. Nhưng phải cảnh tỉnh trung thành với nội dung Tin mừng của Chúa, với cung cách sống đức tin hợp với nền văn hóa xã hội, và nhất là tôn trọng sự thật cùng đạo đức tình người.[11] Hay nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Ở giữa trần gian, nhưng không do trần gian, mà cho trần gian, với những phương tiện của trần gian.”

4. Các phương tiện truyền thông trong công cuộc tân Phúc Âm hoá

Việc loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô luôn là một sứ vụ thiêng liêng và cao cả của mọi thành phần trong Giáo hội. Cách riêng với những người Thừa Sai, sứ vụ này đòi hỏi phải được thực hiện ở mọi nơi và trong mọi thời. Chính vì thế, ở mỗi thời kỳ và tại những vùng miền khác nhau, chúng ta cần phải có những phương tiện và cách thức cho phù hợp để thi hành sứ vụ của mình.

Cùng với các phương thức truyền thông theo truyền thống như: làm chứng bằng đời sống, dạy giáo lý, gặp gỡ cá nhân, làm việc đạo đức bình dân, cử hành phụng vụ và các việc tương tự, hiện nay việc sử dụng các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng trong việc Phúc Âm hoá và dạy giáo lý. Thật vậy, “Giáo hội sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa, nếu không biết tận dụng những phương tiện ưu thế này mà con người nhờ kỹ năng của mình càng ngày càng làm cho chúng được tinh xảo hơn.”[12] Chúng ta cần có những quan tâm cần thiết đối với các phương tiện truyền thông, vì đây là những phương tiện có thể giúp chúng ta thi hành sứ vụ tái Phúc Âm hoá và tân Phúc Âm hoá trong môi trường chúng ta đang phục vụ. Vì các phương tiện này đã chứng minh được nguyên tắc cổ xưa: “xem, xét, làm” là hữu hiệu, cũng cần lưu ý đặc biệt tới khía cạnh thính thị của các phương tiện truyền thông khi tổ chức việc Phúc Âm hoá.

Tuy nhiên, một điều cũng quan trọng không kém là khi tiếp cận với các phương tiện truyền thông và nền văn hoá mà các phương tiện ấy đã tốn nhiều công sức để hình thành nên, Giáo hội cần phải luôn luôn nhớ rằng: “Không phải chỉ dùng các phương tiện ấy để phổ biến thông điệp Kitô giáo và giáo huấn đúng đắn của Giáo hội là đủ, mà còn phải đưa thông điệp ấy ăn sâu vào “nền văn hoá mới” do các phương tiện hiện đại ấy tạo ra… với những ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và cả một tâm lý mới.” Công cuộc Phúc Âm hoá hiện nay phải xuất phát từ sự có mặt tích cực và đầy thiện cảm của Giáo hội ngay trong thế giới truyền thông.[13]

   Tùy vào hoàn cảnh, thời điểm và văn hóa của mỗi vùng miền, mà có những phương tiện phù hợp. Chúng ta không thể sử dụng internet để rao giảng Tin mừng cho bà con dân tộc ít người ở vùng Tây Nguyên, Lai Châu hay ở Hòa Bình, vì internet là điều còn quá xa lạ với họ. Nhưng việc duy trì và cổ võ những phương tiện truyền thông bình dân và những hình thái diễn tả cổ truyền khác phù hợp với khả năng và tầm nhận thức của người tiếp nhận. Ngược lại, chúng ta cũng không chỉ áp dụng các phương tiện truyền thống để rao giảng Tin mừng cho người dân ở các khu vực thành thị, trong khi những phương tiện đang rất hấp dẫn với họ là những phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, chúng ta cũng “nhìn nhận rằng trong một số xã hội, những phương tiện truyền thống còn có thể hữu hiệu hơn những phương tiện mới mẻ trong việc rao giảng Tin mừng, bởi lẽ chúng làm cho nhiều người có thể tham dự hơn, và đạt được những mức độ cảm tình và động lực sâu xa hơn.”[14]

Như vậy, mỗi người chúng ta đều có thể tham gia đóng góp phần mình vào trong công cuộc tân Phúc Âm hoá. Mỗi phương tiện đều có những lợi thế và hấp dẫn của riêng nó và mỗi người đều có thể sử dụng tất cả những phương tiện phù hợp với khả năng và hoàn cảnh để loan báo Tin mừng, miễn là biết cách để làm cho nội dung của Tin mừng phù hợp và hấp dẫn hơn bằng chính những phương tiện mà chúng ta sử dụng. Nhưng trước sự hiện diện tràn ngập của các phương tiện truyền thông trong thế giới hiện nay, chúng ta cần có sự chọn lọc để có những phương tiện phù hợp với sứ vụ loan báo Tin mừng trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Kết luận

Do truyền thông có tầm ảnh hưởng lớn trên đời sống con người, cách riêng đối với những người tín hữu, nên Công đồng Vaticanô II ban hành Sắc lệnh Inter Mirifica đề nghị nhiều phương pháp cụ thể nhằm bảo đảm rằng Giáo hội không được chậm trễ đưa các phương tiện truyền thông vào những hình thức phục vụ đa dạng phù hợp cho việc mục vụ tông đồ, đặc biệt trong việc rao giảng Tin mừng. Ngoài ra, còn có nhiều Huấn thị Mục vụ và các tài liệu khác của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội.

Những lợi hại của các phương tiện truyền thông là rất lớn, vì nó tác động trực tiếp đến đời sống con người, nhưng mãi mãi nó cũng chỉ là những phương tiện, là những công cụ, những đồ dùng có thể được sử dụng vào việc tốt hay việc xấu. Chọn lựa thế nào là quyền của người sử dụng. Chính vì thế, trước khi Giáo hội dùng những phương tiền lợi hại này để phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin mừng, đòi hỏi phải chú trọng tới yếu tố con người. Một người có đủ tài đức biết sử dụng những phương tiện này để loan báo Tin mừng, cổ vũ cho công bình và bác ái thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Ngược lại, phương tiện này khi nằm trong tay của người có tài nhưng thiếu cái tâm thì nó lại trở thành một loại vũ khí “giết chóc” vô cùng nguy hiểm, đúng như điều đã được khẳng định trong Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae: “Người ta có thể dùng các phương tiện thông tin để loan báo Tin mừng, nhưng cũng có thể dùng chúng để bắt Tin mừng chết lặng trong tâm hồn con người.”[15]

Trong lĩnh vực truyền thông Kitô giáo, Giáo hội xác định rằng Giáo hội dùng phương tiện truyền thông như một quà tặng của Thiên Chúa để trình bày, mời gọi mọi người cùng hướng dẫn họ đến với Tin mừng của Chúa. Và “Đức Giêsu là khuôn mẫu và chuẩn mực cho việc truyền thông của chúng ta.”[16]

Previous articleTruyền thông : phương tiện loan báo tin mừng
Next articleSỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG