Những Vết Thương Còn Ẩn Khuất

36

Thứ Sáu Tuần Thánh Mùa Conavirus

Những Vết Thương Còn Ẩn Khuất

          Đại dịch Coronavirus còn đang mạnh mẽ phủ sự chết chóc của nó lên mặt địa cầu. Số người chết, bị nhiễm, nghi nhiễm, bị cách ly tăng vùn vụt lên từng ngày, từng vùng và từng quốc gia trên thế giới, và xung quanh đó, là bầu khí hoang mang, lo sợ.

          Những khoảng cách giầu nghèo – sang hèn – no đói – sướng khổ trước đây từng là những hố sâu ngăn cách tưởng không có gì có thể lấp đầy, cũng chẳng thể bắc một nhịp cầu vững chãi đi qua, nay bỗng thu hẹp lại để những bàn tay có thể với tới xoa dịu những nỗi đau. Chưa bao giờ người ta nhận ra cả thế giới xích lại gần nhau và gắn chặt số phận với nhau đến thế.

          Những chân giá trị trở lại với vị trí cũ Thiên Chúa đã thiết lập. Những giá trị từng bị coi thường trong một chặng dài lịch sử, như sự quan tâm và tình liên đới, sự cảm thông và lòng thương xót… Thói ích kỷ, sự hưởng thụ và vô cảm, sùng bái vật chất và sự thịnh vượng đã bị đánh bật bởi sự chia sẻ và trợ giúp.

          Những tác hại nặng nề của trận đại dịch Coronavirus cộng với những hậu quả khác mà con người đang gây ra cho nhau, cho thiên nhiên khiến cho nhân loại sống trên quả địa cầu đầy những vết thương, nay lại thêm vết chí mạng.

          Không ai dám nói trước được ngày mai, chẳng ai dám “tiên tri” về tương lai. Vì một khi tâm trí hoang mang và buồn sầu, người ta quay quắt với câu hỏi muôn thuở: Chúa có hay không? Chúa ở đâu trong đại dịch này? Chúa đã làm gì để ngăn chặn?

          Chắc chắn việc chữa lành những vết tử thương cho nhân loại không thể đến từ nhân loại, mà vẫn chỉ có một Đấng Cứu Thế hùng mạnh còn mang trên Thân thể những vết thương (x.1Pr 2,24), bảo đảm cho sự chiến thắng chung cuộc mà những vết thương trên Thân thể mình là chiến tích.

          Thân thể đầy những vết thương của Đức Giêsu mà người ta thấy được chính là Hội thánh, cũng đang ở trong cơn khổ nạn trường kỳ vì bị loại trừ, khinh khi và bách hại (x. Ga 15,5); những vết thương ghi trên Thân thể khi Người chịu nạn vẫn không ngừng hiện tỏ qua những vết thương của nhân loại bị đày ải dưới sức mạnh của sự dữ và tội lỗi, tối tăm và chết chóc.

          Nếu Đấng Cứu Thế đã chịu chết khổ nhục và đã phục sinh mà trên Thân thể Người vẫn mang những thương tích, thì nhân loại trong những vết thương của mình, có thể nhìn vào đó để khơi dậy niềm hy vọng vào Đấng bảo đảm sự chiến thắng ngay trong thân xác mình, thân xác được dâng làm hy tế cứu chuộc loài người.

          Sẽ không có một Đấng Cứu Thế không đau đớn phần xác và đau khổ phần hồn để gánh tội trần gian và chữa lành những vết thương cho nhân loại (x.Mt 8,16-17); sẽ không có một con đường theo Chúa Kitô rộng rãi, không có gian nan thử thách; sẽ không có thứ “Kitô giáo duy vật” loại trừ thập giá, vì sẽ chẳng có được sự phục sinh vinh hiển; sẽ không có ân huệ nếu không đón nhận những nỗi khổ một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên Chúa (1Pr 2,19)

          Đức Giêsu không ban cho người ta thứ bình an giả tạo, đầy ắp sự thoả mãn những ham muốn và không phải nhọc công chiến đấu (x.Lc 12,51-53), mà là thứ bình an xuyên qua cuộc khổ nạn và chết chóc (x.Ga 14,27-28).

          Nên đừng lầm tưởng rằng những vết thương và sự chiến thắng của Đấng Cứu Thế sẽ miễn trừ cho chúng ta khỏi mọi sự dữ do chiến tranh, thiên tai, dịch bịnh, khỏi những đớn đau về thể xác, khủng hoảng tâm lý và khỏi cả cái chết.

          Nhưng những vết thương của Đức Giêsu dạy chúng ta biết chịu đựng những điều tồi tệ một cách bình tĩnh, tin tưởng và phó thác cho Đấng có quyền năng biến điều không thể trở nên có thể (x.Lc 1,37) và nếu Đấng đã cứu thoát linh hồn người ta khỏi tội lỗi, sẽ không để thân xác phải tuyệt vọng (x.Rm 8,35-39)

          Chính những vết thương của Đức Giêsu là bảo chứng cho sự chiến thắng cuối cùng, khi tiếng cười ngạo nghễ của sự gian ác đạt đến chóp đỉnh, tưởng rằng với quyền năng của mình, con người đã giết được Thiên Chúa.

          Đại dịch Coronavirus này như đang phơi bày những vết thương còn ẩn khuất của Hội thánh, lộ ra những nỗi đau của nhân loại y, là tiếng rên rỉ cầu cứu đầy hy vọng trong hoàn cảnh tuyệt vọng (x.Mc 15,34). Và nhất định Chúa sẽ đáp lời, vì đó là Những Vết Thương Còn Ẩn Khuất trên Thân thể Chúa Kitô.

Đại dịch Coronavirus này cũng cho thấy sự bất lực của con người khi quyền lực tưởng như vô địch của nó phải lung lay, rệu rã và vỡ nát trước sức mạnh của con virus corona bé xíu, khiến người ta phải nhìn lại Đấng Cứu Rỗi nào mình tôn thờ; Quyền năng nào mình dựa vào? Con đường nào mình đang đi và sẽ dẫn mình tới đâu?

Thái Hà 10/4/2020

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

Previous articleNGẮM CÂY ĐINH – TA NGHĨ GÌ ?
Next articleÝ nghĩa và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể