Phép lạ Thánh Thể xuyên thế kỷ

165

Phép lạ Thánh Thể xuyên thế kỷ

Lanciano của Ý có lẽ là nơi diễn ra phép lạ Thánh Thể nổi tiếng nhất trong lịch sử Giáo hội, nhưng ít người biết những sự kiện tương tự đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ sau đó cho đến gần đây.

Phép lạ Lanciano

Giữa thế kỷ thứ 8, một linh mục thuộc dòng Thánh Basil có xu hướng muốn tìm chứng cớ khoa học cho mọi thứ, và thường xuyên hoài nghi về việc bánh và rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Thế nhưng, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi vào một thánh lễ nọ. Khi lặp lại lời Chúa Giêsu trong lúc cử hành thánh lễ, “đột nhiên vị linh mục tận mắt nhìn thấy bánh hóa thành thịt còn rượu biến thành máu”, theo tài liệu được lưu trữ tại tu viện Phép lạ Thánh Thể ở TP Lanciano.

Ðó chính là câu trả lời trực tiếp đối với lòng nghi ngờ của ông, và niềm tin nhanh chóng thay thế mọi hoài nghi. Vị linh mục lập tức mời nhiều người đang tham dự lễ đến nhìn tận mắt phép lạ Thánh Thể. Và sau hơn 12 thế kỷ, người thời nay vẫn có thể chiêm ngưỡng những phần còn lại của phép lạ này đang được trưng bày tại nhà thờ San Francesco ở TP Lanciano. Trang National Catholic Register dẫn lại kết quả xét nghiệm mẫu vật vào năm 1971 cho thấy phần “thịt” thật sự từ cơ thể người. Còn máu cũng là máu người, thuộc nhóm AB, tương tự như nhóm máu chiết xuất từ Vải liệm Turin. Ðến năm 1973, một ủy ban khoa học do Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định để kiểm tra các phát hiện ban đầu ở Lanciano, đã xác nhận kết quả trên, nhưng không thể giải thích được hiện tượng này theo khía cạnh khoa học.

Nhà thờ diễn ra phép lạ Lanciano

Phép lạ Bolsena

Lễ Mình Máu Thánh Chúa đã được cử hành từ giữa thế kỷ 13, và không ngạc nhiên khi có mối liên hệ với một phép lạ Thánh Thể. Thánh Juliana xứ Liege (ngày nay thuộc Bỉ) đã nhận được lời nhắn nhủ từ Chúa Giêsu, và chuyển lời Người lên Ðức Giám mục Liege và Ðức Giáo Hoàng Urban IV để ấn định một ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Lễ được cử hành ở địa phương và nhiều năm sau, qua một phép lạ, thì trở thành ngày lễ chính thức cho toàn Giáo hội. Sự việc bắt đầu vào năm 1263, và một lần nữa với một linh mục mang đầy hoài nghi là cha Pierre de Prague, người xứ Bohemia. Trên đường hành hương đến Rome, cha đã dừng lại TP Bolsena của Ý để dâng lễ. Giống như trường hợp của vị linh mục thuộc dòng Thánh Basil cách đó gần nửa thiên niên kỷ, trong lúc làm lễ, cha chứng kiến máu chảy từ bánh lễ xuống bàn tay và thấm vào chiếc khăn bên dưới.

Cha chạy vội đến thị trấn Orvieto gần đó, nơi Ðức Urban IV đang có mặt, và mang theo khăn thánh nhuốm máu. Trước sự chứng kiến của nhiều vị trong giáo triều, cha kính cẩn dâng chiếc khăn cho Vương Cung Thánh Ðường Orvieto. Một năm sau (1264), Ðức Giáo Hoàng Urban IV chính thức ấn định lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Vào dịp kỷ niệm 700 năm của ngày lễ này, Ðức Phaolô VI đã dâng thánh lễ và trên bàn thờ đặt chiếc khăn thánh. Những người đến thăm Vương Cung Thánh Ðường Orvieto hiện nay vẫn có thể chiêm ngưỡng thánh tích quý giá.

Tảng đá ghi dấu phép lạ ở Bolsena 1263

Những phép lạ ở Ba Lan

Lễ Giáng Sinh năm 2013, một phép lạ thánh thể đã diễn ra tại nhà thờ Thánh Hyacinth ở TP Legnica (Ba Lan), cách Krakow khoảng 320 km. Trong lúc cho Rước lễ, một chiếc bánh thánh đột nhiên rơi xuống sàn. Linh mục nhanh chóng cầm bánh lên và cho vào khay nước để bánh tan ra. Thế nhưng, hai tuần sau, cha Andrzej Ziombra cùng một linh mục khác “phát hiện chiếc bánh không những chẳng bị phân rã mà còn xuất hiện một đốm đỏ bao phủ 1/5 diện tích bề mặt”. Cha Ziombra kể lại: “Chúng tôi quyết định báo cho Ðức Giám mục, và ngài đã thành lập một ủy ban khoa học thần học đặc biệt để phân tích sự kiện này”.

Hai viện khoa học nhận được yêu cầu giám định mẫu vật lấy từ bánh thánh, họ tìm được mô cơ tim trong bánh. Khi tiếp nhận kết quả, Bộ Giáo lý Ðức tin công nhận đây là trường hợp xảy ra tự nhiên, có nghĩa là không có sự can thiệp của bàn tay con người. Trước đó, ngày 12.10.2008, tại nhà thờ Thánh Anthony ở Sokółka, Tổng Giáo phận Białystok (cũng thuộc Ba Lan), một linh mục cũng lỡ tay làm rơi bánh thánh trong lúc dâng lễ. Cha quyết định làm tan bánh bằng cách cho vào vò nước. Theo một số nguồn tin, một nữ tu có trách nhiệm thu dọn bàn thờ đã cất chiếc vò vào kho. Một tuần sau, ngày 19.10, sơ kiểm tra và phát hiện chiếc bánh thánh đã bị phân rã một phần, nhưng phần còn lại xuất hiện vết đỏ lạ. Kết quả giám định nhiều vòng sau đó xác nhận có mô cơ tim trên bánh thánh, mà không giải thích được lý do.

Ðến năm 2009, Tổng Giáo phận Białystok thông báo: “Trường hợp ở Sokółka không hề đi ngược lại với đức tin của Giáo hội, mà xác tín đức tin”. Trên thực tế, các phép lạ kể trên càng làm tăng thêm lòng tin tưởng của các tín hữu Công giáo. Cha Carlos Martins thuộc dòng Ðồng hành Thánh giá ở Ontario (Canada) nhận định: “Những sự kiện này cho thấy sự tiếp xúc với Chúa Giêsu được biểu hiện dưới một hình thức khác đối với các con chiên của Người”.

Phép lạ ở các nơi khác

Ngày 8.12. 1991, hàng trăm người tham dự thánh lễ ở nhà nguyện ngoài trời thuộc tu viện Betania, Venezuela. Cha Byerley, phó cáo thỉnh viên của án tuyên thánh cho tôi tớ Chúa Maria Esperanza Bianchini (người chứng kiến Ðức Mẹ thị hiện), mô tả lại cảnh tượng một linh mục bẻ bánh thánh làm đôi và phát hiện một đốm đỏ bên trong một mẩu bánh. Vị linh mục thông báo vụ việc cho Ðức cha Pio Bello Ricardo, Giám mục Los Teques. ÐGM nhanh chóng yêu cầu thực hiện giám định và nhận được kết quả đốm đỏ chứa nhóm máu AB. Thế là từ đó, mẩu bánh được bảo quản cẩn thận trong tu viện Betania ở Los Teques.

Theo dõi thông tin trong một cuộc trưng bày về phép lạ Thánh Thể

Còn tại giáo xứ thánh Maria ở Buenos Aires (Argentina), phép lạ Thánh Thể không những diễn ra một mà đến 3 lần – vào các năm 1992, 1994 và 1996. Một trường hợp cụ thể là ngày 15.8.1996, bánh thánh rơi xuống đất trong thánh lễ và được đặt vào khay nước đợi tan. Ðến ngày 26.8, chiếc bánh biến thành máu. Khi ấy, Ðức Hồng y Jorge Maria Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires – ngày nay là Ðức Thánh Cha Phanxicô – đề nghị giáo sư Ricardo Castañon Gomez hỗ trợ kiểm tra mẫu vật để xác định điều gì đã xảy ra. Ông Gomez tìm đến nhiều chuyên gia khác nhau, và kết quả thu được ngày càng thêm rõ ràng. Năm 2000, một chuyên gia nổi tiếng về mô tế bào phát hiện có da người và bạch cầu trong mẫu. Cũng chuyên gia này vào năm 2003 cho hay mẫu mô tìm được chứa tế bào “thuộc về một người trải qua nỗi thống khổ vô cùng khủng khiếp”.

Năm 2005, giáo sư Gomez tiếp tục nhờ cậy chuyên gia hàng đầu của Ðại học Columbia, Mỹ và nhà khoa học này khẳng định đây là mô tim, cụ thể từ tâm thất trái. Với những gì thu thập được, giáo sư Gomez kết luận Thiên Chúa “thông qua phép lạ muốn cho các tín hữu thấy được cơ tim của mình, nơi nuôi sống toàn bộ quả tim, cũng như Thánh Thể đã mang đến ý nghĩa tương tự cho Giáo hội Công giáo”. Trước câu hỏi tại sao lại là tâm thất trái, nhà khoa học này phân tích bởi vì đây là nơi có những giọt máu tinh khiết nhất, giống như Chúa Giêsu đã gột sạch mọi tội lỗi cho thế gian.

Previous articleMột năm vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris
Next articleCon đường mòn in dấu hơn 3.000 năm lịch sử của Thánh Kinh