Các thiên thần của thành Rome

40

Các thiên thần của thành Rome

Nhà điêu khắc thiên tài người Ý Bernini đã đích thân thiết kế 10 bức tượng thiên thần trên cây cầu nổi tiếng thành Rome, với mỗi tượng mang theo một biểu tượng từng xuất hiện trong cuộc khổ hình của Chúa Giêsu.

Hầu như ai từng đến Rome đều công nhận Ponte Sant’Angelo (Cầu Các Thiên Thần) hoàn toàn xứng đáng được xem là cây cầu đẹp nhất thành phố vĩnh hằng. Nó có niên đại từ thế kỷ thứ hai, trước khi trở thành một trong những điểm hành hương quan trọng của các tín hữu khi thăm thủ đô Ý. Thế kỷ 17, những bức tượng nổi tiếng trên cầu đã được đưa vào vị trí, nhờ vào bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc Bernini (1598 – 1680).

Nguồn gốc

Từ năm 133 đến 134, hoàng đế La Mã Hadrian, tên đầy đủ là Publius Aelius Hadrianus, đã ra lệnh xây một cây cầu mới trên bờ sông Tiber, nối liền khu vực được lên kế hoạch làm lăng. Dựa trên những viên gạch cổ dùng để xây cầu, một số nhà khảo cổ cho rằng cây cầu nhiều khả năng được dùng để vận chuyển nguyên vật liệu từ trung tâm thành Rome đến nơi xây lăng bên kia bờ sông, vốn thuộc khu vực có thể chưa có người ở hoặc chưa được phát triển như phần còn lại của Rome. Cây cầu được đặt tên Pons Aelius.

Sau khi Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô hoàn thành vào thế kỷ 4, cây cầu này được các tín hữu và người hành hương gọi là cầu của Thánh Phêrô, vì nó nằm trên trục đường chính dẫn đến ngôi thánh đường. Ðến năm 590, Ðức Giáo Hoàng Gregory I thấy được hình ảnh một tổng lãnh thiên thần tra thanh kiếm đẫm máu vào vỏ trên nóc lăng. Ngài xem đây là dấu hiệu cho thấy bệnh dịch hạch tàn phá thành Rome trong nhiều năm cuối cùng đã đến hồi kết thúc.

Ðể tưởng nhớ sự kiện đó, Ðức Giáo Hoàng Gregory I cho đặt một bức tượng thiên thần bên trên lăng mộ, và đổi tên thành Castel Sant’Angelo (Lâu đài Thiên Thần). Và vì bắc ngang bờ sông đến lâu đài này, kể từ đó, cây cầu được gọi là Ponte Sant’Angelo (cầu Các Thiên Thần). Phải đợi đến cả ngàn năm sau, cái tên này càng rõ nét hơn với sự xuất hiện của bộ 10 tượng thiên thần trên cầu.

Con đường khổ nạn

Sau triều đại của Ðức Giáo Hoàng Gregory I, phải đợi đến thế kỷ 15-16, Ponte Sant’Angelo mới trải qua một số thay đổi nhỏ. Và năm 1668, Ðức Giáo Hoàng Clement IX đã đưa ra một quyết định làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cây cầu. Ngài đề nghị nhà điêu khắc Bernini và những người hợp tác với ông hãy tiến hành thay thế những bức tượng thiên thần đúc bằng vữa trên cầu bằng các bức tượng khổng lồ tạc từ đá cẩm thạch. Lúc đó, Ðức Giáo Hoàng Clement IX muốn cải tổ toàn bộ hình ảnh con đường nối liền trung tâm thành Rome đến Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô theo hướng tráng lệ và mang ý nghĩa tâm linh hơn. Ðức Thánh Cha quyết định chọn chủ đề cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho các bức tượng thiên thần mới, với mục tiêu xây dựng một con đường tựa như Via Dolorosa (con đường Thương Khó) ở Giêrusalem, hoặc Via Crucis (chặng đàng thánh giá) như ở núi thiêng Varallo.

Ðiêu khắc gia Bernini là người tạo nên chủ đề và phác họa mẫu cho từng bức tượng. Ông có 8 đồng nghiệp thời đó tham gia dự án để đời này, mỗi vị được giao hoàn thành một bức tượng. Riêng Bernini chịu trách nhiệm 2 tượng, trong đó có bức thiên thần với mão gai. Ðức Giáo Hoàng Clement IX thích 2 bức tượng do đích thân Bernini chạm khắc đến nỗi đã quyết định phải dành vị trí đặc biệt, và dùng 2 bức tượng khác để thay thế trên cây cầu nổi tiếng. Hiện nay, các tượng thiên thần của Bernini đang được bảo quản ở nhà thờ Sant’ Andrea delle Fratte của Rome.

Năm 1670, cả 10 bức tượng đều được hoàn tất, với những tư thế vô cùng sống động và cầm trên tay những thứ biểu trưng cho con đường khổ nạn của Chúa Giêsu, chẳng hạn như cây đinh, cây giáo, cây cột mà Chúa bị trói vào khi bị quất roi… Các tượng thiên thần trắng toát được đặt trên bệ cao, một số trông thật thanh thản, an nhiên, vì chắc chắn rằng Chúa sẽ Phục Sinh, trong khi những tượng còn lại gần như không thể nào kiềm chế sự đồng cảm và đau lòng khi chứng kiến Chúa Giêsu phải chịu đựng trên chặng đường cuối ở trần thế. Các bệ đặt tượng thiên thần cũng được khắc những dòng chữ trong Kinh Thánh, nhắc nhở những người mang tội phải ăn năn tội lỗi mà họ phạm phải trong đời sống.

Ở điểm cuối cầu, bên bờ sông đối diện với lâu đài, các bức tượng của thánh Phêrô cầm chìa khóa thiên đàng và thánh Phaolô cầm thanh kiếm đứng sừng sững. Tất cả đều góp phần làm cây cầu thành con đường mang tính biểu tượng và là điểm hành hương không thể bỏ qua khi các tín hữu đến Rome.

Cây cầu Các Thiên Thần từng xuất hiện trong tác phẩm văn học vĩ đại nhất bằng tiếng Ý là Thần Khúc của Dante, cụ thể ở phần “Inferno”, tức “Hỏa ngục”. Tác giả đã mô tả cảnh tượng hai dòng người hành hương đã đi qua cầu nhân dịp Năm Thánh đầu tiên do Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII ấn định vào năm 1300. LL

Previous articleĐức Giáo Hoàng cầu nguyện cho giới truyền thông
Next articleBức tranh cổ nhất về Đức Mẹ