Ai có năng quyền ban bí tích Thêm Sức?

139

Ai có năng quyền ban bí tích Thêm Sức?

(từ Internet)

Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức là Đức Giám Mục. Đức Giám Mục, đấng bản quyền địa phương, luôn luôn và mọi nơi trong giáo phận của ngài là thầy dạy, người ban bí tích và là mục tử. Linh mục được thụ phong là đại diện của Đức Giám Mục ở các giáo xứ. Phó tế được thụ phong để trợ giúp Đức Giám Mục, linh mục và dân Chúa. Khi Đức Giám Mục cử hành bí tích Thêm Sức, các linh mục thông dự và tập trung xung quanh Đức Giám Mục, diễn tả sự hợp nhất.

Tuy nhiên, vì lý do thực tiễn, Đức Giám Mục có thể uỷ quyền cho Đức Giám Mục Phụ Tá hay cho một vị bề trên đan viện, hoặc một linh mục nào đó ban bí tích này. Ví dụ, nếu giáo xứ có nhu cầu đặc biệt, cha xứ có thể viết thư cho Đức Giám Mục để xin năng quyền (quyền được ủy cho) ban bí tích Thêm Sức cho các ứng viên. Thông thường những ứng viên này phải lãnh nhận bí tích trong một hoàn cảnh giới hạn, vì thế, vì mục đích mục vụ, Đức Giám Mục cho phép linh mục cử hành bí tích này. Thứ đến, một người Công Giáo, đã được rửa tội và rước lễ lần đầu, nhưng chưa được lãnh nhận bí tích Thêm Sức, thì linh mục quản xứ cũng có thể ban bí tích Thêm Sức cho họ. Những thủ tục viết thư xin Đức Giám Mục ủy quyền và những hướng dẫn cần thiết cho ứng viên thông qua một chương trình huấn giáo liên tục là như nhau. Đức Giám Mục thường uỷ quyền ban bí tích Thêm sức cho người lớn trong phạm vi giáo xứ.

Một linh mục, tùy theo giáo phận, thường được ủy quyền ban bí tích Thêm Sức cho người dự tòng được rửa tội hay được nhận vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hay khi một người Công Giáo được rước lễ lần đầu. Vào lễ vọng Phục sinh, những bí tích này, vốn được biết đến như những Bí Tích Phục Sinh, được cử hành ở các giáo xứ bởi linh mục quản xứ hay linh mục phó với sự cho phép của linh mục quản xứ. Các ứng viên tham dự một chương trình chuẩn bị cho những nghi thức này gọi là nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn hay trẻ em, phụ thuộc vào độ tuổi của ứng viên. Thông thường chương trình này bắt đầu vào tháng Mười Một và đạt đến cao điểm vào lễ vọng Phục Sinh. Chương trình này tiếp tục trong một thời gian sau đó được gọi là thời kỳ nhiệm huấn (Mystagogia).

Cuối cùng, một linh mục tự động được ban năng quyền ban bí tích Thêm Sức trong trường hợp nguy tử. Chẳng hạn, trong nghi thức Sức Dầu Bệnh Nhân, có một mục được gọi là nghi thức tiếp theo các bí tích Khai Tâm, mục này được dùng khi một người chưa được rửa tội hay thêm sức đang trong tình trạng nguy tử. Khi một người đang hấp hối, họ có thể được nhận cả ba bí tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thêm Sức, và Thánh Thể) từ bất cứ một linh mục nào. Vì đời sống bí tích có ý nghĩa quan trọng đối với người đang hấp hối nên năng quyền này được tự động ủy cho. st

Previous articleVì sao phải thêm sức?
Next articleCó phải mọi người được lãnh nhận bí tích Thêm Sức cùng độ tuổi không?