Đức Giêsu có thể phạm tội không?

25

Đức Giêsu có thể phạm tội không?

Không, Đức Giêsu không thể phạm tội bởi Ngài là Thiên Chúa. Về phương diện siêu nhiên, Ngài không thể phạm tội bởi phạm tội là đi ngược lại với Ý Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa, mà Ngài là Thiên Chúa trong ba ngôi vị (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần). Mỗi ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa nhưng không vì thế mà có ba Thiên Chúa, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Điều này có nghĩa là mỗi ngôi vị đều thông chia ý chí và sự khôn ngoan thần linh như nhau. Điều gì một ngôi vị biết thì ba ngôi vị đều biết. Điều gì một ngôi vị muốn thì cả ba đều muốn. Đức Giêsu, Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa (Con Thiên Chúa), là Thiên Chúa. Do đó, không thể có chuyện Ngài chống lại ý muốn của chính Ngài. Nếu bất cứ ngôi vị thần linh nào có khả năng chống lại ý muốn thần linh, có nghĩa rằng Ngài phủ nhận chính mình nên bất khả thực hiện. Vì Thiên Chúa không thể phạm tội (nghĩa là Ngài không thể chống lại ý định của chính Ngài), nên cũng không có ngôi vị nào trong ba ngôi có thể phạm tội.

            Khi thừa nhận rằng Ngôi vị thần linh hay thiên tính của Đức Giêsu không thể phạm tội, một số người có thể hỏi rằng, liệu rằng Ngài có thể phạm tội trong bản tính nhân loại hay nhân tính không. Công Đồng Chalcedon (năm 451) xác quyết rằng Đức Giêsu có hai bản tính (nhân tính và thiên tính), có nghĩa là Ngài cũng có hai trí năng và hai ý chí. Liệu ý chí nhân loại của Ngài có chống lại ý chí thần linh không? Chẳng lẽ ý chí nhân loại của Ngài không có tự do? Tự do, có chứ, nhưng ý chí thần linh cũng vậy. Tự do không có nghĩa là có thể phủ nhận hay chối bỏ thực tại. Bạn và tôi có ý chí tự do nhưng chúng ta không tự do để trở nên cái gì đó mà chúng ta không là. Chúng ta không tự do trở nên thần thánh. Chúng ta không tự do đổi cái tốt thành cái xấu hay đổi cái xấu thành cái tốt. Nhưng chúng ta có tự do để làm điều tốt hay điều xấu và chấp nhận những kết quả của những chọn lựa của chúng ta.

Ý chí tự do nhân loại của Đức Giêsu, giống như trí khôn nhân loại của Ngài có những khả năng đặc biệt của linh hồn nhân loại, hiệp nhất với thân xác nhân loại của Ngài nhưng hiệp nhất một cách trọn vẹn vào ngôi vị thần linh của Ngài. Điều đó có nghĩa là ý chí nhân loại và ý chí thần linh của Ngài luôn luôn đồng nhất, luôn luôn hiệp nhất và hành động cách hài hòa. Điều này không có nghĩa là Ngài không bị cám dỗ. Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa (Mt 4,1-11; Mc 1,9-13; Lc 4,1-14), nhưng đó là cơn cám dỗ bên ngoài. Đức Giêsu không có tội nguyên tổ giống như chúng ta. Dẫu cho Phép Rửa có rửa sạch tội nguyên tổ của chúng ta, chúng ta vẫn bị những ảnh hưởng của nó, đó là những khuynh chiều xấu, vốn làm mờ tối tâm trí, làm ý chí suy yếu và những tình cảm hay đam mê bị xáo trộn- như những đam mê hưởng thụ, thoải mái, hạnh phúc, v.v. Vì Đức Giêsu không có tội nguyên tổ, nên Ngài không có những khuynh chiều về những điều xấu. Trước khi sa ngã, Ađam và Evà cũng không có khuynh chiều về điều xấu. Ma quỷ chỉ có thể cám dỗ họ từ bên ngoài như hắn đã thực hiện trong vườn (St 3). Ma quỷ cũng cố cám dỗ Đức Giêsu từ bên ngoài trong hoang mạc. Chúng ta bị cám dỗ ngang qua bản tính nhân loại đã bị thương tổn.

Điều gì làm chúng ta thành con người? Phải chăng đó là những yếu đuối của chúng ta? Tội lỗi của chúng ta? Không. Linh hồn bất tử của chúng ta, vốn có một lý trí và một ý chí tự do, làm cho chúng ta trở nên con người; chính lý trí và ý chí tự do khiến chúng ta nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Có những kẻ sai lầm khi tuyên bố rằng tình trạng vô tội của Đức Kitô khiến Ngài ít đi tính người hơn. Vì chính khả năng suy luận và ra quyết định với ý chí tự do mang bản chất con người, mà Đức Giêsu không có khả năng phạm tội nên bản tính con người của Ngài không trọn vẹn. Hành động của con vật khởi đi từ bản năng và máy vi tính đang hoạt động được là nhờ những chương trình đã được cài đặt. Chỉ duy con người có thể lý luận và thực hiện những chọn lựa luân lý hoặc là tốt hoặc là xấu. Thế nên, việc không có khả năng phạm tội của Đức Giêsu không phân biệt hoặc phủ nhận nhân tính của Ngài hoặc ngay cả ý chí tự do của Ngài. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô từng nói: “Tự do không có giấy phép.” Đó không phải là khả năng làm bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng là cơ hội để bạn làm điều phải làm- đó là quyền lực để làm điều đúng vì lý do đúng.

  st

Previous articleCha mẹ của Đức Maria là ai?
Next articleTại sao Đức Giêsu chết?