Hình ảnh Giáo Hội và Nước Trời

193

Hình ảnh Giáo Hội và Nước Trời

Truyền giáo nói riêng và Phúc Âm hóa nói chung là được sai đi để hoàn thành một sứ điệp thiên sai, vì thế nền tảng căn bản của nó là Thiên Chúa Ba Ngôi: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con sai phái để hướng dẫn Giáo Hội trên đường lữ hành thực hiện Nước Chúa, để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và cho mọi loài thụ tạo đang mong ngóng được thánh hóa. Như Chúa Con là nhiệm tích của Chúa Cha, được hình thành và hiển hiện nơi con người nhập thể của Đức Giêsu Kitô và sự thông hiệp của Thánh Linh, Giáo Hội là hiện thân của Đức Kitô cũng là nhiệm tích của thế giới trong sự hiệp tác thánh hóa của Thánh Thần. Như vậy, Thánh Linh là đồng tác nhân của công cuộc cứu rỗi do Đức Kitô đã hoàn thành và cũng là tác nhân chính của Phúc Âm hóa mà Giáo Hội được mời gọi để cộng tác qua mỗi thời đại và trong mỗi mạch sống văn hóa để xây dựng và thực thi Nước Chúa.

Trong sứ vụ thiên sai này, chúng ta cần tìm hiểu những liên hệ cần thiết và thích hợp giữa Nước Chúa – Đức Kitô – Giáo Hội, cũng như vai trò “tạo tác” của Chúa Thánh Linh, để tránh những thiên kiến hay những lập trường cực đoan về Phúc Âm hóa.

  1. Nước Chúa hay Nước Trời là thực thể dần dần được mặc khải qua việc rao giảng, như Tám Mối Phúc thật, và qua cuộc sống và hành động của Đức Kitô, như mầu nhiệm khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Ngài, nên là một quan điểm bí nhiệm. Dầu vậy, nó đã được lồng trong một bối cảnh văn hóa cụ thể, nên những quan điểm thời đó về Nước Chúa cũng giúp chúng ta tránh những hiểu lầm và làm nổi bật tính cách độc nhất của nó.

Hạn từ “Nước Chúa” mà Phúc Âm dùng là một cách nói đã được diễn tả trong văn chương hộ giáo Do Thái cũng như trong truyền thống giáo huấn của các phái thông luật thời đó[6]. Đối với quan điểm hộ giáo nói chung, tai nạn phát sinh là dấu chỉ cụ thể mà Đức Chúa dùng để trực tiếp can thiệp vào lịch sử của con người: Ngài là một Thiên Chúa đầy uy quyền, muốn tái tạo một trật tự mới. Họ chỉ cần chờ đợi thời kỳ mãn hạn của lịch sử là sẽ có một Trời Đất Mới. Thật ra, đây là tâm thức hy vọng của con người mọi thời, khi họ cảm thấy bất mãn nhưng lại bất lực với hiện trạng, họ hy vọng vào quyền năng của Đấng Tối Cao và họ tin rằng Ngài sẽ dùng cách thế nhanh nhất, hữu hiệu nhất để giải quyết mọi vấn đề. Phải chăng khi một số môn đệ muốn xin Đức Kitô lấy lửa từ trời xuống đốt những ai không đón tiếp Ngài là một tâm thức cực đoan như vậy? Và cho tới nay, những giáo phái Cánh Chung cũng còn giữ những tâm thức này, và càng nực cười hơn nữa, họ tự mặc khải ra một thời điểm để làm cho chiến lược “truyền giáo” cực đoan hơn.

Đối với quan điểm giáo lý của các thầy thông luật, “Nước Chúa” được hiểu như một trật tự thiên ý được thực hiện nơi lịch sử qua sự tuân giữ cặn kẽ các lề luật thánh (Torah). Bên cạnh đó, một phần truyền thống này coi “Nước Chúa” gắn liền với sự chờ đợi Đấng Thiên Sai, Ngài sẽ tới để tái hưng nước Israel. Họ không ngần ngại đồng hóa vương quyền Đấng Thiên Sai với quyền uy chính trị. Quan điểm Nước Chúa này ít nhiều ảnh hưởng tới thái độ dùng những lực lượng trần thế bên ngoài để chinh phục, mở rộng “Nước Chúa”. Như vậy, Nước Chúa vừa là một nhãn hiệu để bảo tồn trật tự nội bộ, vừa có thể là một viễn ảnh mặc cho con người thỏa sức tưởng tượng hay phóng chiếu ra theo lòng hy vọng của mình!

Mặc dù những quan điểm tiền Phúc Âm này không hạn định ý nghĩa “Nước Trời” mà Đức Kitô mang tới, nhưng nó giúp chúng ta hiểu tận gốc những quan điểm lệch lạc sau này và nhờ đó càng nhìn Nước Trời một cách đúng đắn hơn.

Vậy Nước Chúa, Nước Trời là gì? Liên hệ với Giáo Hội như thế nào?

Nước Trời và Giáo Hội là một đề tài phong phú bao gồm những tài liệu thật mênh mông, có thể bắt đầu từ Kinh Thánh, tới quan điểm lịch sử và cho tới ngày nay, nên ở đây không thể bàn cặn kẽ được. Chúng tôi chỉ nêu ra những vấn đề chính hiện nay để nhờ đó chúng ta nhìn rõ vấn đề truyền giáo và Phúc Âm hóa hơn.

Nước Trời và Giáo Hội là hai chìa khóa chính của Thánh Kinh và truyền thống để chúng ta hiểu chương trình của Thiên Chúa đối với công cuộc cứu nhân độ thế. Quan điểm này ít ai phủ nhận, nhưng nếu đem hai thực thể này liên hệ với nhau sẽ nảy sinh ra những lập trường khác nhau, nếu không nói là đối nghịch nhau. Nếu Nước Chúa được hiểu như một lãnh địa, một thực tại lý tưởng, thì Nước Chúa và Giáo Hội hầu như đồng hóa với nhau. Nếu coi Nước Chúa là một thực tại viên mãn mà Đức Kitô đã bắt đầu và sẽ kết tinh thành Trời Mới Đất Mới khi thời điểm tới, và Đức Kitô đã thông truyền Nước Trời đó cho Giáo Hội, nhưng Giáo Hội đã bị những định chế xã hội, những hoàn cảnh thế tục ảnh hưởng nặng nề, nên lơ là sứ mạng chứng nhân, tiên tri của Đức Kitô, thì như thế, Giáo Hội trở thành một xã hội nhân thế hơn là sức sống thánh hóa thế gian. Hay nói theo J. Fuellenbach: “Đức Giêsu đã trao chìa khóa vào Nước Trời cho Giáo Hội, nhưng đối với nhiều người, Giáo Hội hình như đã mất chìa khóa đó”. Chính vì thế mới sinh ra những khẩu hiệu xem ra kỳ cục như: “Jesus yes, church no”!

Thực ra đây là hai thái cực làm cho chúng ta suy nghĩ hơn là phải chọn lựa, vì giữa hai thái cực phiến diện này, chúng ta thấy những hình ảnh trung thực hơn về Giáo Hội và Nước Thiên Chúa mà Công Đồng Vatican II đã nhận định. Theo J. Fuellenbach, Công Đồng Vatican II đã chọn 95 hình ảnh về Giáo Hội trong Thánh Kinh và qui tụ thành bốn hình ảnh Giáo Hội chính làm căn bản để hiểu rõ sự tương quan với Nước Thiên Chúa. Đó là:

  • Giáo Hội như một Dân Mới của Thiên Chúa. Đây là hình ảnh Giáo Hội dựa trên quan điểm Giáo Hội học của thánh Phaolô, coi Dân Chúa là dân được tuyển chọn mới, dựa trên một Giao Ước mới và hướng về Đất Hứa mới. Quan điểm này nhấn mạnh tới Dân Chúa để quân bình một hình ảnh Giáo Hội phẩm trật, và như vậy truyền giáo cũng có một trọng tâm mới: người giáo dân là những chứng nhân trực tiếp đối với thế nhân và Nước Thiên Chúa là một thành quả cánh chung mà Chúa muốn kêu gọi dân Ngài nỗ lực cộng tác để tham gia xây dựng. Nói theo G. Lohfink, Nước Thiên Chúa là “xã hội của Gia-Vê, xã hội của Đức Kitô”, một xã hội mới mà trong đó mọi người đều là dân Chúa chọn và đều được sống trong công bình bác ái và bình an. Nước này bắt đầu từ con người và tiếp tục tới mọi thụ tạo (vgl. Ga 3:28; Ac 4:32). Trong quan điểm này, Giáo Hội là một tổ chức xã hội “mới”, “khác” với xã hội trật tự con người để trở thành chứng nhân cộng đoàn của Nước Thiên Chúa. Hình ảnh Giáo Hội là dân Thiên Chúa tuy nhận định rõ xã hội tính mới của Giáo Hội, đáp ứng được nhu cầu thời đại, nhưng đàng khác, chưa nói lên đủ tính cách hiệp thông siêu nhiên của Giáo Hội, và như thế, cần một hình ảnh Giáo Hội khác bổ túc và hỗ tương.
  • Giáo Hội như là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Đây là một hình ảnh quen thuộc của Thánh Kinh, và nổi bật trong truyền thống Giáo Hội từ lâu đời. Với Đức Kitô là đầu của nhiệm thể, Giáo Hội một đàng hiệp thông với thần lực của Ngài, đàng khác nhấn mạnh tới những đặc sủng của các chi thể. Quan điểm này bao gồm hai đặc điểm mà Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh: “hiệp thông” và “đặc sủng”. Nhưng hình ảnh Giáo Hội này cũng khiến chúng ta cần lưu ý tới những khía cạnh như: nhấn mạnh sự thông hiệp hoàn toàn giữa chi thể và đầu, dễ đưa tới cái nhìn không để ý tới hay không coi trọng những khiếm khuyết (tội lỗi, bất toàn) mà các thành phần Giáo Hội đang gánh chịu, hay càng dễ cực đoan “loại bỏ” những quan điểm không đồng nhất. Có người cho rằng hình ảnh này quá bộc lộ “thân thể” của Đức Kitô dưới trần thế mà quên rằng Đức Kitô đã sống lại không bị vướng mắc những giới hạn trần thế, vì thế có sự căng thẳng giữa Đức Kitô trước và sau phục sinh. Nước Chúa có thật sự đồng nhất với nhiệm thể này không?
  • Giáo Hội là bí tích. Hình ảnh Giáo Hội này nói lên thực tại huyền nhiệm của Giáo Hội, vừa trở thành một dấu chỉ tượng trưng trong sự giới hạn của mình, để chính mình hiệp thông với nguồn ơn thánh, vừa là “dụng cụ” để thông truyền ơn cứu độ tới muôn dân trong việc phục vụ của mình (diaconia). Như Đức Kitô là “nhiệm tích” của Thiên Chúa, Giáo Hội cũng là nhiệm tích của Đức Kitô và thông truyền ơn cứu độ của Ngài cho muôn dân. Chính vì thế, nhiều nhà thần học cho rằng bất cứ một quan điểm Giáo Hội học nào coi trọng Bí Tích và vai trò thánh hóa của Giáo Hội trong thế giới ngày nay đều chịu ảnh hưởng của linh cảm này. Có thể nói hình ảnh Giáo Hội này đã chuyển hóa cái nhìn về Bí Tích học, làm cho Bí Tích linh hoạt gần với cuộc sống hơn, nhấn mạnh tới cộng đoàn tính hơn. Đây là chìa khóa để hiểu Giáo Hội học theo tinh thần Công Đồng Vatican II, như nhiều nhà thần học khẳng định. Với tính cách nhiệm tích này, Giáo Hội thể hiện và ảnh hưởng tới sự hòa hợp giữa nhân loại với Thiên Chúa, qua và trong Đức Kitô. Nhưng hình ảnh cao đẹp này nhiều khi tương phản với thực tại mà Giáo Hội đang sống và đang hoạt động. Chính vì thế mà nhiều người nêu vấn đề, Giáo Hội làm sao mới có thể trở thành một “dấu chỉ” thực sự cho Nước Chúa, một nước hợp nhất, yêu thương, công bình và hy vọng trong viên mãn?
  • Giáo Hội là một công cuộc tác tạo của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh Giáo Hội này giúp chúng ta nhận ra thực tại phát sinh của Công Đồng Vatican II, cũng như mỗi thực tại xảy ra trong Giáo Hội đang hiệp thông với Thiên Chúa và đang được thánh hóa bởi Thánh Linh. Thực tại này bắt đầu từ việc hối cải, ý thức về thân phận và hiện trạng của mình, vì thế, Giáo Hội tồn tại là một hồng ân và được giao phó một sứ vụ làm chứng nhân, thông truyền sức tái tạo nhân tính con người và ơn cứu độ của Đức Kitô. “Hiệp thông” (theo chiều ngang cũng như chiều dọc) trở thành một hoạt động chính của Giáo Hội. Huyền nhiệm mà Giáo Hội đang sống là việc hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và qua Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó chúng ta có thể tham dự phần nào vào thiên tính của Thiên Chúa. Sự hiện hữu mầu nhiệm này đã bắt đầu ngay từ việc các môn đệ đầu tiên được gọi “theo chân” Đức Giêsu Kitô, còn được tiếp tục trong sứ mạng rao truyền ơn cứu độ của Đức Kitô phục sinh đã ban cho Giáo Hội như ân điểm (the gift), như “sức sống” để Giáo Hội tiếp tục hành trình cho tới thời viên mãn. Vì thế, từ sau Công Đồng Vatican II, các nhà thần học tái khám phá ra hình ảnh Giáo Hội liên hê mật thiết với Thánh Linh, như truyền thống Giáo Hội Đông phương bảo tồn và phát huy. Một số thần học gia còn đi xa hơn, coi Giáo Hội là “bí tích của Thánh Linh”, nghĩa là “dấu chỉ cụ thể” được Thánh Linh vận dụng để thánh hóa thế giới, và theo hướng này giúp mọi tạo vật trở thành tân tạo vật. Như vậy, sứ mạng của Giáo Hội là khai tâm đón nhận sự hướng dẫn và thúc đẩy của Thánh Linh để cộng tác vào việc hình thành Nước Chúa. Nước Chúa ở đây không phải là một đối tượng tĩnh thái để đạt tới, mà là một sự phát sinh (event); không phải là một lãnh vực cố định được lượng hóa, mà là một biến cố “thánh hóa”, một hành động đầy lịch sử tính mà Thiên Chúa mời gọi nhân loại tham dự cuộc giải phóng này để thực hiện mùa Vọng của Nước Chúa (Advent of Gods Kingdom)[12]. Cho đến nay, hình ảnh Giáo Hội này tuy được chấp nhận là cần thiết và có nhiều ưu điểm để phát huy một nền thần học mới cho hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II chỉ hướng, bao gồm việc đối thoại với các Giáo Hội Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, cũng như dung nạp được những hình ảnh chủ yếu của Giáo Hội, nhưng vì chưa được phát huy rõ ràng và có những nền tảng vững chắc, nên nhiều người còn những nghi ngờ, nhất là đối với hiện tượng “Thánh Linh”, như phòng trào Canh Tân Thần An hay những hiện tượng thần học xem ra như cực đoan mà Giáo Hội còn đang thử thách.
Previous articleTruyền giáo hay/và Phúc Âm hóa?
Next articleBức ảnh phép lạ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp