Dọn lòng

42

DỌN LÒNG

Bạn có còn nhớ những câu chuyện cổ tích? Chúng ta nóng lòng theo dõi diễn biến tình tiết câu chuyện với niềm tin rằng nhân vật chính nhất định sẽ tránh được sự tàn bạo của phù thủy và yêu quái, chiến thắng tà ác. Chúng ta – khi ấy còn là những cô bé cậu bé – chưa bao giờ nghi ngờ gì về kết cục hoàn mĩ dành cho nhân vật chính, luôn có niềm tin mãnh liệt rằng chính nghĩa sẽ tồn tại mãi mãi, những người lương thiện cuối cùng nhất định sẽ được sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi chúng ta dần dần lớn lên, dần dần làm quen với tất cả mọi thứ của thế giới hiện thực này, các câu chuyện cổ tích thuở bé thơ ngày càng trở nên xa vời. Nhân vật cổ tích chỉ còn tồn tại trong kí ức, rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ vứt bỏ nốt chút ngây thơ còn lại của thời thơ trẻ, để trở thành một người trưởng thành, chín chắn. Nhưng nếu có thể vứt bỏ những tạp niệm trong lòng ở thế giới phức tạp rối ren, tìm lại tâm hồn thuần khiết, yên bình ấy, vậy thì liệu chúng ta lại có thể quay trở về thời thơ ấu thỏa mãn và vui vẻ trong hồi ức ấy được không?

Thế giới nội tâm của con người ẩn chứa rất nhiều thứ, có đẹp, có xấu, có thiện, có ác, có tham lam, có danh lợi, còn có tiền bạc và địa vị… Những thứ này không nhìn thấy, không sờ thấy, nhưng chúng lại tiềm ẩn trong tâm hồn của bạn, chi phối hành động của bạn. Nếu chúng ta gọi những thứ tốt đẹp, ánh sáng, lương thiện trong thế giới nội tâm là “mầm”, thì những tạp niệm làm đảo lộn cảm xúc của chúng ta, thậm chí “xúi giục” chúng ta trở nên xấu xa, tham lam ấy sẽ giống như “cỏ”. Chân – thiện – mĩ có thể kết thành quả ngọt làm xúc động lòng người; nhưng còn “cỏ dại” trong lòng, nếu cứ để mặc cho chúng phát triển thì nhất định sẽ đến một ngày chúng uy hiếp tới sự trưởng thành khỏe mạnh của “mầm”.

Ví dụ như sự tham lam và đố kị là tạp niệm.

Sự uy hiếp của tâm trạng đố kị đối với sự vật tốt đẹp chẳng khác nào quả bom không hẹn giờ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, tiềm ẩn trong lòng con người. Trên con đường theo đuổi một mục tiêu nào đó, một khi con người phát hiện ra sự tồn tại của người giỏi hơn hoặc nhanh chân vượt trước mình thì thường nảy sinh than vãn, đau khổ, thậm chí là căm giận, bởi trong tâm cảm thấy tự hổ thẹn vì mình kém cỏi hơn người khác. Càng tệ hơn là có một số người bóp méo tâm tính, châm ngòi quả bom trong lòng, không từ thủ đoạn báo thù đối thủ.

Tạp niệm của sự đố kị làm ô nhiễm tâm hồn, không những không thể khiến bạn có được mục tiêu mà còn dần dần xa mục tiêu, cuối cùng lún sâu vào tội ác khó có thể thoát ra được.

Tự dằn vặt quá mức cũng là một tạp niệm của tâm hồn.

Charles đã từng là một cảnh sát, trong một lần tham gia giải cứu con tin, anh đã bỏ sót một căn phòng vốn dĩ nên lục soát, không ngờ trong căn phòng đó có một đứa trẻ, cuối cùng đứa trẻ đó đã bị tên hung thủ vô cùng tàn bạo bắn chết. Từ đó Charles suy sụp tinh thần, anh không thể nào tha thứ cho sai lầm của mình nên đã rơi vào trạng thái tự dằn vặt bản thân, trở nên buồn bực ít nói. Không lâu sau đó, anh từ bỏ công việc cảnh sát để tới một tu viện, hàng ngày đứng trước tượng chúa để xám hối lỗi lầm của mình, từ đó hành động ấy đã trở thành toàn bộ cuộc sống của anh.

Một lần tình cờ, chị của đứa trẻ bị tên côn đồ năm xưa sát hại biết được tình cảnh của Charles, đã nghĩ cách để tìm được anh. Cô đưa Charles tới giữa một đám người đang vui vẻ tụ hội, nói với anh rằng những người này đều là con tin đã được anh giải cứu năm ấy, nhờ có Charles, bây giờ họ được sống vui vẻ hạnh phúc và vô cùng cảm kích Charles. Charles nhìn những đứa trẻ đã từng được mình giải cứu, và đã hiểu được một điều: thì ra mình không phải là người vô dụng, và chính sự tự dằn vặt bản thân bao nhiêu năm nay mới thật sự mang lại gánh nặng cho những người quan tâm tới mình. Cuối cùng anh đã lấy lại được dũng khí của bản thân.

Con người vì một vài sự việc nào đó mà nảy sinh cảm giác tội lỗi và day dứt là chuyện thường tình. Nhưng nếu sự tự dằn vặt này vượt quá giới hạn khiến cho bản thân hoàn toàn đắm chìm trong đó, từ bỏ dũng khí sống thì việc tự dằn vặt này sẽ biến thành tự ngược đãi và giày vò về mặt tinh thần. Chỉ có loại bỏ tạp niệm trong lòng thì mới có thể để lại cho mình một không gian tâm hồn thuần khiết, tươi đẹp.

Vậy con người nên làm thế nào mới có thể có được sự tĩnh lặng và trong sạch cho tâm hồn? Dùng phương thức nào mới có thể dẹp được những tạp niệm trong lòng? Thông qua con đường nào mới có thể xua đi bóng tối để tìm thấy ánh sáng?

Đa phần con người cảm thấy đau khổ là vì không nhìn thoáng, không buông bỏ được. Tạp niệm giống như rác thải trong lòng, là con đường phiền não vô hình, đảo lộn cảm xúc yên bình vốn có, khiến con người khó có thể tĩnh tâm. Sức khỏe, hạnh phúc, của cải… tất cả những thứ tốt đẹp đều bắt nguồn từ sự thuần khiết của tâm hồn. Nếu muốn có một cơ thể khỏe mạnh thì trước tiên phải làm sạch tâm hồn. Chỉ cần tâm mang tạp niệm, trong huyết quản của con người sẽ tràn đầy sự nhơ bẩn và xấu xa, tất cả tạp niệm – đố kị, buồn chán, oán hận – đều sẽ gây tổn hại tới sức khỏe của cơ thể, khiến cảm giác vui vẻ của chúng ta dần dần tan biến. Ngược lại, nếu tâm hồn thuần khiết, tươi đẹp, khỏe mạnh thì sẽ khiến cơ thể của chúng ta tràn đầy sức sống.

Nhờ có các công nhân vệ sinh môi trường ngày ngày quét rác trên đường nên môi trường sống của chúng ta mới sạch sẽ, thoáng đãng. Nếu mỗi ngày chúng ta biết cách dọn sạch “rác thải” trong tâm hồn thì tâm hồn của chúng ta cũng sẽ vui tươi chan hòa. “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”, thứ cần phải làm sạch không chỉ đơn thuần là cơ thể của chúng ta, mà quan trọng hơn là sự trong sạch của tâm hồn. Nếu chúng ta có thể khắc phục những tạp niệm khiến chúng ta sa sút tinh thần, thì tự nhiên nội tâm sẽ có thể nảy sinh sức mạnh không gì có thể đánh bại được. Tiêu chuẩn của hạnh phúc không nằm ở những điều kiện bên ngoài mà nằm ở sự phong phú và yên bình của nội tâm.

Franklin từng nói: “Có tiền bạc và quyền thế không thể coi là giàu có thực sự, ngược lại, nếu ỷ lại vào chúng thì sẽ giống như đứng trên tảng đá trơn bóng”. Trên thực tế, tâm hồn yên bình thuần khiết và đức hạnh vô tư cao thượng mới là của cải thực sự.

Để có được điều đó, chúng ta cần học cách làm sạch tâm hồn của mình. Ích kỉ, tham lam, hư vinh, bướng bỉnh, phẫn nộ, ngoan cố… đều là mầm họa dẫn tới nội tâm không “sạch”; còn thân thiện, khảng khái, vô tư, thuần khiết, ôn hòa, bình tĩnh, đều là ngọn nguồn trí tuệ để làm sạch tâm hồn và giúp cái tôi thăng hoa.

Previous articleLời khuyên của Jane Fonda .
Next articleCâu nói “Bình An Cho Anh Em” đến từ đâu?