Các định hướng rút ra từ Thượng hội đồng về Lời Chúa cho Mục vụ Thánh Kinh tại Á châu

46

Các định hướng rút ra từ Thượng hội đồng về Lời Chúa cho Mục vụ Thánh Kinh tại Á châu

CÁC ĐỊNH HƯỚNG RÚT RA TỪ THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ LỜI CHÚA CHO MỤC VỤ THÁNH KINH TẠI Á CHÂU

Tác giả: Jacob Theckanath[1]Chuyển ngữ: Mai Tâm

WHĐ (22.1.2021) – Bản giới thiệu này nhằm soi sáng một số vấn đề và gợi ý cụ thể cho công tác Mục vụ Thánh Kinh hàm chứa trong các tham luận của các giám mục Á châu và của các đại biểu Á châu khác tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới. Đa số các gợi ý này được rút ra từ bản Tóm lược các tham luận. Không phải mọi ý tưởng được các đại biểu trình bày hay của các tham luận từ châu Á đều được bao gồm ở đây. Có những điểm quan trọng khác từ các đại biểu khác không thể đưa vào đây, vì khuôn khổ của bài này không cho phép.

Các tham luận của các giám mục

Gặp gỡ chính Đức Kitô

Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới nhấn mạnh đến sự gặp gỡ đích thân với Đức Kitô qua Lời Chúa. Nhiều giám mục châu Á đã nói lên mối quan tâm này. Đây là cách tiếp cận Thánh Kinh của châu Á. Thực tế, tại châu Á, người ta không đọc Thánh Kinh, mà hát các câu Thánh Kinh, do đó, cung điệu của âm nhạc sẽ đưa Lời Chúa vào chốn thâm sâu của con người. Điều này có mục đích tạo thuận lợi cho sự gặp gỡ với Lời trong thâm tâm con người.

Đây không phải là chuyện biết một cuốn sách mà là biết và gắn với Con người Đức Kitô. Việc đọc Thánh Kinh và đọc trong lòng tin sẽ khơi dậy một lời mời gọi trở lại và biến đổi (Gm. Pablo Virgilio S. David, Philippines).

Ý nghĩa của Thánh Kinh

Trong bối cảnh này, chỉ chú trọng vào sự phân tích có tính khoa học mà thôi thì không đủ, mà còn phải tìm kiếm bằng con mắt nội tâm của lòng tin và cái nhìn chiêm niệm. Điều này phụ thuộc đặc biệt vào quá trình đào tạo.

Giáo hội trong truyền thống các Giáo phụ nhấn mạnh vào hai khía cạnh: giáo hội và đạo đức. Khía cạnh đạo đức được nắm bắt bởi “cách hiểu đạo đức” và hiện ra trước “con mắt nội tâm của lòng tin”. Lập luận không thôi thì không đủ, mà còn phải có sự chiêm niệm về Lời Chúa. Đọc ở đây bao hàm một trạng thái cầu nguyện. Cầu nguyện soi sáng tâm trí để bám lấy điều mình đọc. Việc đọc Thánh Kinh sẽ dẫn đến Lời, và Lời chính là Đức Giêsu (Gm. George Punnakottil, Ấn Độ).

Lời và cuộc sống

Nói một cách cụ thể, làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Thánh Kinh có thể thấm nhuần và đem lại sức sống cho cuộc sống kitô hữu của tín hữu? Đây là một chủ đề cần được nêu lên nhiều lần. Khi chúng ta đọc Lời Chúa và bắt đầu xác tín rằng Lời thực sự hoạt động trong những điều bình thường xảy ra trong đời sống thường ngày, chúng ta sẽ thấy rằng đây là một cái gì đó cần phải được truyền lại cho người khác (Tgm. Joseph Mitsuaki Takami, P.S.S., Nhật Bản).

Đọc Thánh Kinh trong bối cảnh

Các giám mục châu Á ngay từ buổi đầu thành lập Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) đã thấy rõ sứ vụ hiểu Lời Chúa trong bối cảnh châu Á phải diễn ra trong cuộc đối thoại với người nghèo, với người dân của các tôn giáo khác nhau và với các nền văn hóa lâu đời vốn là bầu khí người dân châu Á hít thở.

Việc hiểu đúng Thánh Kinh phải quan tâm và đối diện với những hoàn cảnh cụ thể của ngày hôm nay. Chúng ta cần tiếp cận Thánh Kinh trong một tinh thần khiêm tốn; điều này giúp chúng ta biết xem trọng việc giải thích Thánh Kinh bởi người nghèo. Cần phải có nhiều tác động qua lại giữa các học giả Thánh Kinh và người làm công tác mục vụ. Cùng nhau, họ tìm ra những phương pháp để hiểu và những chủ đề cần học hỏi để giúp đào sâu lòng tin của người dân trong nền văn hóa riêng của chúng ta (Gm. Broderich Pabillo, Philippines).

Lắng nghe Lời Chúa

Giáo hội có nhiệm vụ đào tạo những người biết nghe Lời Chúa. Muốn vậy, phải có một môi trường để đọc. Có ba cách tiếp cận nhằm đào sâu tư thế của người nghe.

Mối quan tâm của chúng ta là nghe trong lòng tin…trong tổng thể. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nói. Thiên Chúa cũng lắng nghe, đặc biệt, người công chính, các cô nhi, quả phụ, kẻ bị bách hại, và người nghèo vốn không có tiếng nói. Giáo hội phải học lấy cách nghe của Thiên Chúa và phải cho những người không có tiếng nói mượn tiếng nói của mình (Gm. Luis Antonio G. Tagle, Philippines).

Thiên Chúa nói Lời của Ngài đặc biệt vì sự cứu độ của người  nghèo. Chúa Giêsu đã công bố Nước Thiên Chúa cho họ. Thật khó mà tin được, chúng ta ở trong một lục địa phong phú với  một bức tranh tuyệt vời về những nền văn hóa và tôn giáo lâu đời, nhưng châu Á của chúng ta lại là một lục địa của người nghèo. Ý thức thâm sâu của chúng ta về sự siêu việt và hài hòa đang bị một nền văn hóa duy vật và thế tục trên đà toàn cầu hóa bào mòn. Nhưng Lời của Thiên Chúa tại châu Á đang mời gọi hàng ngàn cộng đồng nhỏ người nghèo đến với Cha trong Chúa Thánh Linh. Và người nghèo, đến lượt họ, đang chú ý đến Lời Chúa và qua đó, họ đang xây dựng một “cách thức mới là Hội Thánh” –một cách thức thực sự cổ xưa – cách thức của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi (xem Cv 2, 43-46 và 4, 32-35)…Họ lắng nghe Lời Chúa, suy tư về Lời, cầu nguyện trên Lời, và cùng nhau tìm cách áp dụng Lời vào trong đời sống thường ngày. Họ là những Cộng đoàn Giáo hội Căn bản, đang đổi mới gia đình, giáo xứ và giáo phận thành những cộng đồng đầy sức sống và đang làm chứng cho Lời Chúa. Họ là những cộng đồng của tình liên đới và huynh đệ nơi người dân thường, đáp trả, một cách hữu hiệu và theo cách nhỏ bé của họ, thách thức của nền văn hóa hiện đại của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa duy vật chất (Tgm. Orlando B. Quevedo, O.M.I., Philippines).

Lời – Sứ vụ trong đối thoại

Cũng như Thiên Chúa đối thoại với thế giới qua Lời của Ngài, cũng vậy sứ vụ của Hội Thánh cần phải được hiểu trong từ ngữ của cuộc đối thoại. Những người chúng ta đem Tin Mừng tới phải được xem như những đối tác trong cuộc đối thoại của chúng ta. Chúng ta cần nói và nghe, cho và tiếp nhận. Các thừa sai dấn thân cho sứ vụ tại các vùng biên giới và bên lề của xã hội có thể giúp Hội Thánh mở rộng sự lắng nghe của mình, khi họ tìm cách lắng nghe người dân trong cuộc đấu tranh của họ, trong các nền văn hóa và tín ngưỡng của họ, trong những khát vọng và hy vọng của họ (Lm. Antonio Pernia, S.V.D., Philippines).

Giáo dục tại chủng viện

Cách tiếp cận mang tính hàn lâm việc giảng dạy Thánh Kinh phải được nhìn với những phương pháp gắn với nền văn hóa và hoàn cảnh sống của người dân. Những phương pháp sáng tạo như Hoạt cảnh Thánh Kinh phải là thành phần của các môn học tại chủng viện. Việc đọc Thánh Kinh theo cách thức châu Á, quan tâm đến các nền văn hóa phong phú và bối cảnh của châu Á, là một diễn tiến đang được tiến hành. Ý nghĩa đạo đức sâu sắc của Lời Chúa có thể đến được với tâm hồn châu Á khi được truyền đạt theo một cách thức thích hợp (Gm. Arturo M. Bastes, S.V.D., Philippines).

Các cộng đoàn kitô hữu nhỏ và Lectio Divina

Các cộng đoàn kitô hữu nhỏ biến Lời thành cốt lõi của đời sống họ. Lectio Divina (‘Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện[2])phải trở thành một đặc điểm của những cộng đoàn này. Kỹ thuật truyền thông hiện đại quả quá cần thiết để loan báo cho những ai không có cơ hội được nghe ‘Tin Mừng cho người nghèo’ (Gm. Joseph Prathan Sridarunsil S.D.B., Thái Lan).

Việc đọc Thánh Kinh chung có thể giúp tạo sự hiệp nhất lớn hơn nơi các kitô hữu (Gm. Felix Toppo, S.J., Ấn Độ).

Đọc Lời Chúa và Lectio Divina  là hai khía cạnh của cùng một hành động. Các cộng đoàn kitô hữu nhỏ thích hợp hơn với việc cổ vũ cho Lectio Divina (Gm. Rayappu Joseph, Sri Lanka).

Công bố Lời Chúa

Mối quan tâm chính của chúng ta là đưa Lời đến những nơi Lời chưa được đón nghe và đến với những thực tại cụ thể của đời sống như lĩnh vực chính trị và khoa học, giáo dục và những lĩnh vực bị thế tục hóa, trong việc tìm hiểu các xung đột và bất công. Chúng ta phải phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng có những giá trị lớn và những thực hành gần với của chúng ta. Các giá trị mang tính cách châu Á của các tôn giáo lâu đời tại lục địa này có thể trở thành một phương tiện mạnh mẽ để đem Lời đến với các cộng đồng này (Tgm. Thomas Menamparampil, S.D.B., Ấn Độ).

Lời Chúa và “Mầm mống của Lời”

Lời mạc khải của Thiên Chúa đã không đến được một số nước. Nhưng cả ở đây, chúng ta cũng vẫn có thể khám phá thấy vô số “mầm mống của Lời” (Semina Verbi) trong kinh nghiệm và hiểu biết của các dân tộc. Thế hệ trẻ hơn trong các nền văn hóa này cần phải được hỗ trợ để tiếp nhận các giá trị truyền thống và thực hành đức hạnh. Trong sứ vụ văn hóa của chúng ta, chúng ta phải noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa và cần phải dành một không gian lớn cho công việc chuẩn bị của Lời Chúa (Hồng y Joseph Zen Ze-Kiun, S.D.B., HongKong, Trung Quốc).

Lời và phụng vụ

Truyền thống phụng vụ phương Đông đặc biệt nhấn mạnh vào Lời Chúa. Sự nhấn mạnh này có thể giúp ích rất nhiều cho anh chị em giáo dân trong nỗ lực sống Lời Chúa trong bối cảnh của cuộc sống (Tgm. Baselios Cleemis Thottunkai, Ấn Độ).

Thánh Kinh và Gia đình

Các chương trình Thánh Kinh dành cho các gia đình cần luôn có những biến chuyển. Một trong những chương trình này là ‘Cuộc Thi Thánh Kinh dành cho gia đình’. Các sự kiện này sẽ giúp các gia đình trải nghiệm quyền năng biến đổi của Lời Chúa và Thánh Thần. Chúng có thể cổ vũ nền tu đức Thánh Kinh làm cho Lời Chúa dễ đi vào nội tâm của con người (Bà Elvira Go, Philippines).

Đào tạo linh mục và tu sĩ

Nhiều người, đặc biệt những người hèn mọn và nghèo khổ, đang đói khát Lời Chúa. Để đáp ứng cơn đói khát này, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đào tạo cần phải phát triển kiến thức và sự hiểu biết rõ về Thánh Kinh. Các phong trào giáo dân đang trở thành những phương tiện hữu hiệu cho việc chia sẻ Lời Chúa (Tgm. Evarist Pinto, Pakistan).

Thánh Kinh và Giáo dân

Giáo dân có vai trò của mình trong việc tìm hiểu và giải thích Lời Chúa theo một cách thức thích hợp. Thiên Chúa không chỉ nói Lời; Ngài còn lắng nghe. Cũng vậy, những người lãnh đạo trong Hội Thánh phải biết lắng nghe giáo dân, đặc biệt, người nghèo và kẻ bị áp bức. Cần phải có những nỗ lực để soi sáng họ thực sự. Họ cần phải được nâng đỡ và có thêm sức mạnh qua các buổi giáo lý Thánh Kinh, trong các cộng đoàn kitô hữu  nhỏ, các Hiệp hội và phong trào giáo dân. Cần phải dành nhiều nỗ lực (về tài chính và nhân sự) hơn nữa cho việc đào tạo giáo dân  (Gm. Antony Devotta, Ấn Độ).

Đào tạo Thánh Kinh cho giáo dân và trẻ em

Đào tạo tín hữu giáo dân về Lời Chúa không chỉ là truyền đạt kiến thức. Việc đào tạo này phải nhắm đến việc biến đổi cuộc sống và giúp tín hữu giáo dân có khả năng đấu tranh chống lại các định chế của tội lỗi. Một nền đào tạo như vậy cần phải bao hàm cả giáo huấn về xã hội của Giáo hội. Chúng ta cần phải đầu tư tài chính và nhân sự vào việc đào tạo nên các nhà giáo dục. Lãnh đạo Giáo hội phải xem xét lối sống và của cải sao cho phù hợp với Lời Chúa và giáo huấn xã hội của Giáo hội, để Giáo hội có thể trở thành một dấu chỉ, một chứng từ có thể thấy được (Giáo sư Thomas Hong-Soon han, Korea).

Cha mẹ có một vai trò không thể thiếu trong việc thông truyền cho con cái niềm tin qua Lời Chúa (Giáo sư Rafael Chianarong Monthienvichienchai, Thái Lan).

Đức Maria và Tông đồ Thánh Kinh

Đức Maria, với tính cách là chìa khóa để hiểu Lời Chúa, là một sự hỗ trợ không chỉ cho công việc mục vụ Thánh Kinh hay cho sự phát triển lòng đạo đức của người dân, mà còn cho tất cả mọi lĩnh vực liên quan đến Lời Chúa và Thánh Kinh.

Không thể đào sâu một cách đầy đủ chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về ‘Lời Chúa trong cuộc sống và trong sứ vụ của Giáo hội’ mà không có Đức Maria.

Mẹ Chúa –Mẹ của Giáo hội – dạy chúng ta tiếp nhận và đón nhận Lời Chúa, sống theo lời Chúa, và dũng cảm rao giảng Lời Chúa một cách trọn vẹn; tránh mọi thỏa hiệp với thế gian (Tgm. Tomash Peta, Kazakhstan).

Lời Chúa và Thánh Thần

Vấn đề là làm sao để Kerygma [rao giảng] và việc loan báo Lời hằng sống của Thiên Chúa đến được với tín hữu một cách dễ dàng hơn? Làm sao Kerygma –việc gặp gỡ với Lời Chúa – trở thành một cuộc đối thoại thực sự giữa chính Đức Kitô và người tín hữu? Câu trả lời là nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Lời hằng sống của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần đã đem lại cho mỗi người công giáo chịu phép Thánh Tẩy các ân sủng và ơn đoàn sủng giúp họ góp phần xây dựng Giáo hội địa phương.

Các giám mục và các cha xứ được mời gọi mở lòng mình ra trước các thực tại này trong cộng đoàn các tín hữu ở địa phương. Và chính trong các cộng đoàn nhỏ bé ở cấp giáo xứ mà Lời được loan báo có thể trở thành một thực thể sống động. Người tín hữu trong các cộng đoàn này dần dần có thể cùng nhau cử hành Phụng vụ giờ kinh và bí tích Sám hối (với việc xưng tội riêng). Trong bối cảnh này, Thánh Kinh được kết hợp mật thiết với phụng vụ như một dấu chỉ Thiên Chúa đang đối thoại với Dân của Ngài đặc biệt trong Thánh Thể (Gm. Peter Liu Cheng-Chung, Đài Loan).

Thánh Kinh và tình trạng bất công và tham nhũng

Một thiểu số nhỏ đang trở nên giàu có và đa số đang nghèo đi. Lời Chúa kêu gọi chúng ta thực thi công bằng và liêm chính trong đời sống xã hội. Giáo hội, tuy là một thiểu số nhỏ, nhưng có những đóng góp quan trọng  trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phục vụ xã hội. Trong các lĩnh vực này, Giáo hội cần phải sống sự liên đới với người nghèo và bảo vệ sự công bằng đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với người nghèo, dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Lời Chúa mời gọi chúng ta thực thi đối thoại liên tôn : theo Công đồng, Giáo hội không loại bỏ những gì là thánh thiêng và chân thật trong các tôn giáo. Các tôn giáo thường phản ánh một tia của sự thật (NA 2). Do đó, Giáo hội đối thoại với các tôn giáo.

Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói, cuộc đối thoại giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo là một nhu cầu thiết yếu và tương lai tùy thuộc phần lớn ở cuộc đối thoại này (Gm. Bejoy Nicephorus D’Cruze, O.M.I., Bangladesh).

Giảng dạy

Cách làm thông thường là rút ra các chủ đề trừu tượng để giảng lễ là không thích hợp với việc giảng Lời Chúa. Người dân đói khát Lời Chúa, đói khát kinh nghiệm chứ không phải đói khát các tư tưởng hay. Chúa Giêsu giảng bằng các câu chuyện và dụ ngôn và làm cho người nghe cảm nhận được sự tiếp xúc của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Người dân muốn cảm nghiệm được sự mới mẻ và tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa. Các bản văn Kinh Thánh được học thuộc lòng trong bài giảng có thể làm cho Lời được rao giảng trong phụng vụ trở nên sống động. Do đó, để giảng một bài giảng dựa trên Thánh Kinh, cần phải học thuộc lòng một số bản văn. Giống như Đức Trinh Nữ Maria, người giảng lễ cần ‘giữ kỹ’ hết các câu, các từ của bài giảng trong thời gian dài, lòng của họ có thể trở thành một pho sách của thế giới. Một kim chỉ nam cụ thể cho việc giảng lễ sẽ rất có ích cho các mục tử (Gm. Vincent Ri Pyung-Ho, Jeonju, Hàn quốc).

Kết luận

Các trích dẫn rút ra từ các bài tham luận của các giám mục trên đây cho chúng ta một cái nhìn về những gì các Giáo hội tại châu Á đang quan tâm. Những người được mời gọi thực thi sứ vụ Mục vụ Thánh Kinh cần nhận ra các ưu tiên, với ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Chớ gì Lời Chúa thúc đẩy chúng ta hết thảy.

Tuyên bố của Hội nghị Thánh Kinh lần thứ năm
và Khoa đào tạo về Tông đồ Thánh Kinh của các Giám mục lần thứ III (BIBA III)

Mở đầu

Chúng tôi, gồm một trăm lẻ một tham dự viên vốn là những người hoạt động tông đồ Thánh Kinh (11 giám mục, 39 linh mục, 17 nam nữ tu sĩ và 34 giáo dân nam nữ) từ 21 quốc gia đã họp Hội nghị Thánh Kinh lần thứ năm và Khoa đào tạo về  Tông đồ Thánh Kinh của các Giám mục III (BIBA III), do Văn phòng Loan báo Tin Mừng của Liên Hội đồng Giám mục Á châu hợp tác với tổ chức Thánh Kinh Công giáo liên miền Á châu – châu Đại Dương, họp tại Trung tâm dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan từ 4 đến 8 / 11 / 2010.

Được thúc đẩy bởi Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, chúng tôi chọn chủ đề “Với Lời sự Sống trên các nẻo đường của châu Á và châu Đại dương”. Phương châm của chúng tôi là : “Ngõ hầu Lời Chúa xuôi chạy và được rạng vinh” (2 Thessalonica 3, 1), và mục đích của chúng tôi là nhận ra con đường mục vụ Thánh Kinh dưới ánh sáng của Thượng Hội đồng, như được phản ánh trong Sứ điệp của Thượng Hội đồng, các Đề nghị và trên hết Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng. Để tham dự hội nghị, chúng tôi đã tìm hiểu Sứ điệp và các đề nghị của Thượng Hội đồng cũng như các bài tham luận của các đại biểu miền của chúng ta.

Được kêu gọi để trở thành người nghe và người loan báo

Hiến chế Dei Verbum của Công đồng chung Vatican II thúc đẩy chúng tôi nhìn lại căn tính của mình : những “người nghe và người loan báo” Lời Chúa. Chúng tôi canh tân xác tín của chúng tôi là Lời được ban tặng vì niềm hy vọng của thế giới. Là những người dấn thân trong Công tác Mục vụ Thánh Kinh, nhiệm vụ của chúng tôi là nhận ra cơn đói khát Lời (Amos 8, 11) trong tâm can của người kitô hữu và của bao người khác. Cơn đói khát ấy được biểu lộ qua việc tìm kiếm hạnh phúc, ý nghĩa, chiều sâu và liên kết. Do đó, được sự mới mẻ của Lời nơi Đức Kitô lôi cuốn là điều có tầm quan trọng hết sức lớn đối với chúng ta. Thiên Chúa đã không chỉ nói bằng lời, nhưng Lời của Ngài đã trở thành xác phàm và bởi vậy Lời luôn luôn mới mẻ, ở đây và lúc này. Một sự gặp gỡ với Lời có sức biến đổi là đòi hỏi đầu tiên và không thể thiếu đối với sứ vụ của chúng ta.

Một điều gì đó phải xảy ra nơi nhà của Lời là Hội Thánh : dung mạo của Lời phải trở thành Á châu nơi người châu Á, Đại Dương châu nơi người châu Đại Dương, dĩ nhiên, với tất cả các khác biệt. Lời Chúa sẽ tạo một nơi ở trong mỗi nền văn hóa đến độ các hàng rào văn hóa riêng của chúng ta sẽ rớt xuống và dọn đường cho nhà của Lời, nơi tất cả đều là anh chị em, được Thánh Thần hiệp nhất và tăng sức mạnh, được kêu gọi để trở thành người nghe, người loan báo và nhân chứng của Lời.

Việc chúng ta họp mặt nhau, cuộc gặp gỡ của chúng ta với Lời trong phụng vụ và lectio divina, kịch và vũ mang tính cách Thánh Kinh, đã đánh thức chúng ta trước nhu cầu phải được định hướng lại trong cuộc hành trình của chúng ta, như đã xảy ra với các môn đệ trên đường đi Emmau (Lc 24, 13) : từ sợ sệt đến dũng cảm, từ buồn phiền đến vui mừng, từ những vùng thuận lợi tới những con đường của châu Á và châu Đại Dương. Chúng tôi biết rằng các con đường của Lời hoàn toàn đối nghịch với các con đường của “thế gian”. Chúng ta không thể gọi đó là đường của Lời nếu hành trình của chúng ta không thấm nhuần dũng cảm và niềm vui, một tinh thần hoàn toàn mới nảy sinh từ việc nghe tiếng nói, nhận ra dung mạo, và ở trong nhà của Lời (Sứ điệp của Thượng Hội đồng).

Âm dội của lời trên các nẻo đường châu Á và châu Đại dương

Một đặc điểm quan trọng của các sứ giả của Lời là khả năng nghe ra tiếng của Lời trong tất cả các cách diễn tả khác nhau và của các đối tác trong cuộc đối thoại trên đường của chúng ta. Chúng ta phải trở thành sự “trợ giúp lắng nghe” của Hội Thánh trong sứ vụ, có khả năng nhận ra “các hạt giống của Lời’ trong khắp miền của chúng ta.

Lời trong đời sống của Hội Thánh

Người giáo dân ngày càng khát khao Lời Chúa. Đó là một dấu chỉ thời đại lớn đòi phải được đáp lại một cách khẩn thiết và trọn vẹn. Điều họ đang chờ đợi là Lời đầy quyền năng bổ dưỡng về mặt tinh thần, cụ thể, gắn với đời sống và có sức biến đổi, dẫn đến một cuộc gặp gỡ đích thân và thâm sâu với Lời đã thành xác phàm. Họ chờ đợi Lời trong phụng vụ Lời của các nghi lễ, đặc biệt trong lễ Thánh Thể. Lời được loan báo trong phụng vụ phải hoàn toàn là lời Thánh Kinh. Lời của Thánh Kinh phải trở nên sống động, không chỉ là những tư tưởng hay chủ đề. Có một nhu cầu cấp thiết là đào tạo những người được giao cho  nhiệm vụ này trở thành những kẻ truyền đạt một cách hữu hiệu Lời ban sự sống. Không có sự hiểu biết rõ ràng và cả tri thức về chính các bản văn Thánh Kinh, các thừa tác viên của Lời sẽ không thể đáp lại thách đố này của thời đại chúng ta.

Đào tạo các thừa tác viên của Lời

Do đó, một nền đào tạo đặt nền tảng trên Lời đòi hỏi việc phân chia các môn học thành Thần học và Thánh Kinh phải dẫn đến sự tiếp cận trọn vẹn trong đó Thánh Kinh trở thành linh hồn của thần học và các môn khác có liên quan. Điều này chỉ có thể có được nhờ một sự hợp tác có hệ thống giữa các nhà  Thánh Kinh học và thần học gia để thúc đẩy một nền giáo dục toàn diện trong đó các ngành khác nhau và sự hướng dẫn tâm linh tất cả đều đặt trọng tâm trên Thánh Kinh, quy chiếu về Thánh Kinh và việc trải nghiệm Lời.

Khi nền đào tạo ở mọi cấp bậc của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được tác động bởi một lực đẩy như vậy, chúng ta hẳn sẽ có được câu trả lời trọn vẹn cho cơn đói khát Lời Chúa. Một thách đố trầm trọng khác là làm sao để mọi cách thức đào tạo đức tin thực sự mang tính cách Thánh Kinh ở tất cả mọi giai đoạn phát triển của từng con người và của các nhóm trong Hội Thánh.

Giới trẻ

Người trẻ thèm khát có được một quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, một cuộc đời chân thật và một ước muốn chia sẻ điều họ cảm nghiệm trong cuộc đời của họ. Bởi vậy, Lời Chúa phải là Lời sống động đối với họ. Không chỉ đem Lời Chúa đến cho họ bằng những gì họ thấy được, bằng âm nhạc, bằng vũ điệu, mà họ phải trở thành những kênh sống động để Lời có thể đến được với những người trẻ khác vốn bị tác động mạnh mẽ bởi một nền văn hóa tục hóa và tiêu thụ và bởi những giá trị trái nghịch với Tin Mừng. Dung mạo của Lời nơi Đức Giêsu phải trở thành sống động một cách mạnh mẽ trong cuộc đời của họ. Mọi hình thức của công việc Mục vụ Thánh Kinh cho giới trẻ phải quan tâm đến điều này.

Phụ nữ

Công tác Mục vụ Thánh Kinh thúc đẩy và cổ vũ sự phục vụ đặc biệt của phụ nữ, vốn theo gương Maria Magđalêna  -người đã được nhận làm quan thầy của Công tác Mục vụ Thánh Kinh- được họ chấp nhận như đóng góp độc nhất vô nhị của họ cho công việc Tông đồ Thánh Kinh, và nhân chứng cho Chúa Phục sinh. Kinh nghiệm và nhãn giới của phụ nữ về Lời có thể là một đóng góp quan trọng cho Công tác Mục vụ Thánh Kinh.

Lời đối với sự biến đổi xã hội

Tình yêu thương đặc biệt dành cho người nghèo là một nét đặc trưng của Thiên Chúa (xem Mt 25, 31-46). Trong sứ vụ của Người, Chúa Giêsu đã mạc khải điều này một cách rất triệt để (Lc 4, 18-19). “Lời Chúa được đón nhận một cách có ý thức làm nảy sinh một cách dồi dào trong Hội Thánh bác ái và công bằng đối với tất cả mọi người, trên hết, đối với người nghèo” (đề nghị 11). Mọi hình thức của Tông đồ Thánh Kinh cần phải được thấm nhuần bởi lực đẩy này. Thực vậy, nếu Lời không tạo nên sự biến đổi toàn diện, bản thân, xã hội và cơ cấu, thì đó không phải là Lời đã được đón nhận thực sự.

Đạo đức sinh thái theo Thánh Kinh

Do ảnh hưởng lớn lao của thay đổi khí hậu trên các lục địa của chúng ta, công tác Mục vụ Thánh Kinh phải dấn thân trong việc cổ vũ một cái nhìn toàn diện về  sinh thái của Thánh Kinh. Một nhiệm vụ cấp bách là biến nền đạo đức sinh học thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền đạo đức Thánh Kinh, và công tác Mục vụ Thánh Kinh, với tính cách một tổng thể.

Các cộng đoàn kitô hữu nhỏ

Nhiều lần, các đại biểu của châu Á tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đã nhấn mạnh đến nhu cầu thiết lập và nuôi dưỡng các cộng đoàn kitô hữu nhỏ được thành lập bởi Lời và tập trung vào Lời. Trong các cộng đoàn này, Lời trở nên sống động trong việc tập hợp và trong sự dấn thân ngày càng mạnh mẽ để sống Lời và để giải phóng sức mạnh biến đổi của Lời. Hàng ngàn các cộng đoàn này trên khắp miền của chúng ta mong muốn rằng :

1. Người hướng dẫn các cộng đoàn này cần được đào tạo nhiều hơn và có sự khéo léo để đi vào trọng tâm ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh và từ đó áp dụng vào hoàn cảnh của cuộc sống.

2. Một nền đào tạo Thánh Kinh sâu sắc hơn cho chính các thành viên. Việc đào tạo và các tư liệu dùng để đào tạo phải giản dị và thích hợp với bậc giáo dân và bối cảnh sống của họ.

3. Người hoạt động trong công tác Mục vụ Thánh Kinh muốn hiểu biết nhiều hơn nữa về Cộng đoàn kitô hữu nhỏ, tham gia và góp phần trong lĩnh vực của phương pháp chia sẻ Tin Mừng.

Thánh Kinh và Truyền thông

Ngành truyền thông mới, trong quan hệ với truyền thông cổ truyền, đã tạo nên ngôn ngữ riêng của mình và do đó, cần phải được chuẩn bị không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn cả về mặt văn hóa. Nhưng tiếng nói của Lời Chúa phải có tiếng vang qua truyền thanh và các phương tiện truyền thông khác: Internet, CD, DVD, vv. phải xuất hiện trên truyền hình và phim ảnh, báo chí, các sự kiện văn hóa và xã hội (Sứ điệp, II). Chúng ta cần nằm lòng lời kêu gọi này của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới.

Ưu tiên cho Trung Quốc

Trong diễn tiến nổi bật của sự mở ra rộng lớn hơn đối với Kitô giáo tại Trung Quốc và cơ hội lớn như một quốc gia lớn của những nền văn hóa phong phú và gia trị truyền thống đưa ra, Mục vụ Thánh Kinh phải dành ưu tiên mục vụ đối với các giáo hội trong vùng của chúng ta và đặc biệt đối với Hiệp hội  Thánh Kinh Công giáo (CBF).

Vùng hóa mục vụ Thánh Kinh

Dự án miền được chính thức chấp nhận cần phải được đẩy mạnh để có thể hỗ trợ các Hội nghị lục địa của châu Á và châu Đại Dương. Việc đưa tổ chức Hiệp hội Thánh Kinh Công giáo vào trong Liên Hội đồng Giám mục châu Á sẽ là một sự khuyến khích lớn đối với công tác Mục vụ Thánh Kinh trong miền của chúng ta, cũng như tại châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Đức Maria, gương mẫu cho Mục vụ Thánh Kinh

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là gương mẫu của chúng ta. Thái độ chăm chỉ lắng nghe và chiêm niệm Lời và sự vâng phục, loan báo và làm chứng một cách dũng cảm Lời Chúa có thể tăng sinh lực cho chúng ta khi chúng ta cùng đi với Lời của sự sống trên các nẻo đường của châu Á và châu Đại dương.

Kết luận

Lời trở thành xác phàm và bước đi trên các nẻo đường ở Palestin. Lời cũng phải trở thành xác phàm –giữa chúng ta, giữa người dân châu Á và châu Đại Dương của chúng ta, lúc này đây, trong thời đại này.

Ngày nay, cũng chính Lời muốn bước đi trên các nẻo đường của chúng ta để tìm kiếm người nghèo đủ loại đang mở ra để đón nhận Tin Mừng. Bởi vì ở đây, có cơn đói khát lớn đối với Lời sự sống. Với tính cách những người chia sẻ Lời và Bánh sự sống, chúng ta được Thánh Thần ban sức mạnh để trở thành người lữ khác lạ kỳ của Emmau nơi mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách của châu Á và châu Đại Dương –để tìm kiếm những người nghèo đang mở ra để đón nhận Lời, đang chờ đợi để nghe tiếng của Lời, để được thấy dung mạo của Lời, để được là người nhà của Lời và cùng đi với Người trên con đường của Người. Đó là ân huệ của chúng ta. Đó là sứ vụ của cuộc đời chúng ta.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 69 (Tháng 3 & 4 năm 2012)


[1] Thư ký điều hành, FABC-OE.

[2] Lm. FX Vũ Phan Long, OFM., Lectio Divina – Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, Hiệp Thông, số 63 (tháng 1& 2 năm 2011),  trang 55-70.

Previous articleMột thoáng suy nghĩ về nỗi cô đơn đời Linh Mục
Next articleLời Chúa trong các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ