Nói về niềm hy vọng của cha Hans Urs von Balthasar

186

Nói về niềm hy vọng của cha Hans Urs von BalthasarChuyên mục: Bài Viết Thần Học

Những ý tưởng thần học của cha Hans Urs von Balthasar, nhà thần học Công Giáo người Thụy Sĩ (1905-1988), đã thu hút trí tưởng tượng của các học giả Công Giáo trong toàn Giáo Hội. Các giáo hữu “bảo thủ” và “tiến bộ” đều ca ngợi ông là một trong những nhà thần học lỗi lạc của thế kỷ. Ông được gọi là một trong những “nhà tư tưởng Công Giáo xuất sắc của thế kỷ XX” và được so sánh với Thánh Augustinô và Thánh Tô-ma A-qui-nô. Rõ ràng, những quan điểm ​​của ông có sức nặng đáng kể đối với những người Công giáo ngày nay.

(*) Lời của người dịch trước khi bắt đầu: Đối với các nhà thần học, chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy họ được một số người đánh giá cao trong khi một số khác phê bình. Điều bình thường này đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và có một sự thật là: rất hiếm có một nhà thần học nào hoàn hảo trong mọi quan điểm họ đưa ra, thậm chí ngay cả một số người có đóng góp lớn cho Ki-tô Giáo như Ôrigênê, Tertulianô,… cũng đồng thời là chủ nhân của những giáo thuyết gây tranh cãi. Họ cũng không phải là những người không thể sai lầm hay có quyền cấm bất kỳ ai được phép phê bình tư tưởng của mình. Việc đọc đa dạng các tài liệu trong khung cho phép của Giáo Hội sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quát nhất. Nếu một tác phẩm thần học nào đó không bị Giáo Hội lên án đích danh, nó chắc chắn vẫn có giá trị tham khảo đối với một số người và dĩ nhiên, kể cả khi có hấp dẫn cách mấy, nó cũng không thể được coi là một cuốn Giáo huấn của Giáo Hội. Nói về cha Balthasar, ông là một nhà thần học có ảnh hưởng trong Giáo Hội Công Giáo, được các Giáo Hoàng sau Công đồng Vaticanô II đánh giá cao, là bạn của Đức Bê-nê-đích-tô XVI và thậm chí gần được Đức Gio-an Phao-lô II phong làm Hồng y (ông qua đời 2 ngày trước khi lễ tấn phong được tổ chức). Nhưng một số quan điểm trong các tác phẩm của ông (hy vọng về ơn cứu độ phổ quát, Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông,…) cũng bị nhiều nhân vật trong Giáo Hội phê bình và cho là không phù hợp với Đức tin Công Giáo, chẳng hạn như Tôi tớ Chúa John Anthony Hardon SJ (1914-2000), nhà thần học luân lý Germain Gabriel Grisez (1929-2018),…

Hans Urs von Balthasar (1905-1988) - Nhà thần học Công Giáo người Thụy Sĩ

Cha Hans Urs von Balthasar (1905-1988) – Nhà thần học Công Giáo người Thụy Sĩ

Hy vọng của cha Balthasar dành cho Giu-đa và toàn thể nhân loại

Trong cuốn sách Dare we hope “that all men be saved”? (Chúng ta có dám hy vọng “tất cả mọi người đều được cứu độ” không?), cha Balthasar tuyên bố không có gì là chắc chắn rằng có ai đó đang (hoặc sẽ) ở trong hỏa ngục. Và “Giáo Hội… chưa bao giờ nói bất cứ điều gì về án phạt đời đời dành cho bất kỳ cá nhân nào. Thậm chí là Giu-đa.” Vì vậy, ông tuyên bố, mọi Ki-tô hữu có “nghĩa vụ” hy vọng rằng tất cả mọi người đều được cứu độ, kể cả Giu-đa.

Quan điểm này dường như là lòng trắc ẩn khi mong muốn một kết thúc tốt đẹp cho tất cả mọi người và cũng là nỗi kinh hoàng khi nghĩ đến việc có ai đó phải chịu hình phạt vĩnh cửu – ngay cả Giu-đa. Nhưng cảm giác này không được phép làm vẩn đục lý trí đến mức phá hoại Tin Mừng hay luật tự nhiên và sự thật. Vấn đề với “niềm hy vọng” của cha Balthasar là nó che giấu một sự ngầm nghi ngờ về triết lý của Giáo Hội về sự thật và Giáo lý Công Giáo về Chúa Giê-su Ki-tô.

Một hy vọng sẽ là hợp lý trừ khi nó có khả năng xảy ra trong tương lai. Nhưng nếu “hy vọng” của cha Balthasar trở thành hiện thực và mọi người chắc chắn đều sẽ được cứu, thì chúng ta sẽ nói gì về thực tế là nó đang mâu thuẫn với những tuyên bố trong Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo huấn chính thức của Giáo Hội? Nếu những nguồn tư liệu này dạy rõ rằng Giu-đa hoặc một ai khác đang (hoặc sẽ) ở trong hỏa ngục, thì niềm hy vọng của cha Balthasar không phải cũng là niềm hy vọng rằng những nguồn mặc khải này là sai hay luật tự nhiên với nguyên tắc không thể mâu thuẫn của nó cũng là một sự nhầm lẫn hay sao? Một hy vọng như thế dường như là một sự nghi ngờ của một cá nhân về đức tin và các nguồn mặc khải.

Mặt khác, nếu chính Chúa Giê-su là Người đã dạy rằng Giu-đa hoặc một ai khác đang (hoặc sẽ) ở trong hỏa ngục, thì “hy vọng” về ơn cứu độ phổ quát cũng là hy vọng rằng Chúa Giê-su đã đưa ra những tuyên bố sai lầm; logic của “hy vọng” này dường như đòi hỏi một giả định về sự thiếu hiểu biết và khả năng sai lầm của Chúa Ki-tô.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền có dạy điều gì rõ ràng về kết cục của Giu-đa và khả năng có ơn cứu độ phổ quát không? Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu.

Ga 17,12

Sự chắc chắn về án phạt đời đời dành cho Giu-đa không nằm chủ yếu ở tuyên bố của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24) nhưng nằm ở Tin Mừng Gio-an: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Ga 17,12).

Khi nói rằng để “để ứng nghiệm lời Kinh Thánh”, Chúa Giê-su đang muốn nói tới Thánh Vịnh 109. Và trong cuộc bầu chọn tìm người nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y, Thánh Phê-rô cũng tuyên bố rằng: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su… Thật thế, trong sách Thánh Vịnh có chép rằng: Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ. Và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó” (Cv 1,16-20). Bằng cách sử dụng câu số 8 trong Thánh Vịnh 109 kể trên, Thánh Phê-rô cũng chỉ ra sự đáng bị nguyền rủa của Giu-đa được thể hiện trong câu 6 và 7, vì các câu này nói đến cùng một người: Xin cho kẻ dữ nổi lên chống nó, bên phải nó, đặt một người cáo tội đứng kèm. Ước gì nó phải mang án khi ra khỏi cửa công, và lời xin ân xá thành lời buộc tội (Tv 108,6-7). Như vậy, những lời của Chúa Giê-su trong Ga 17,12, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít trong Tv 108,7 và lời Chúa thông qua miệng Thánh Phê-rô trong Cv 1,20 đã chỉ ra án phạt đời đời trong hỏa ngục của Giu-đa.

Có rất nhiều vị thánh cũng đã có những kết luận như vậy thông qua các phát biểu và tác phẩm của mình.

Trong Concerning Repentance (Bàn về Phép Giải Tội), Thánh Ambrôsiô nói: “Vì tôi cho rằng ngay cả Giu-đa cũng có thể nhờ lòng thương xót bao la của Thiên Chúa mà không bị loại khỏi ơn tha thứ, nếu ông ta bày tỏ nỗi đau khổ của mình không phải trước người Do-thái mà là trước Chúa Ki-tô.”

Thánh Tô-ma A-qui-nô, trong Tổng luận thần học thì phát biểu: “Như vậy, khi con người được an bài vào sự sống đời đời nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, thì cũng có một phần khác của sự quan phòng này cho phép một số người khước từ kết thúc như vậy; điều này được gọi là sự ruồng bỏ” (ST I,23,3). Và trong khảo luận De Veritate (Chân lý), ngài nói tiếp: “Bây giờ, trong trường hợp của Giu-đa, việc lạm dụng ân sủng là lý do khiến ông ta bị ruồng bỏ, vì ông ta đã chết trong tình trạng không có ân sủng” (DV I,6,2). Thánh Tô-ma chắc chắn đã xét thấy rằng “Giu-đa đã bị ruồng bỏ” (“ruồng bỏ” hay “reprobated” có nghĩa là bị Thiên Chúa từ bỏ và không còn hy vọng cứu rỗi).

Một lần nữa, trong thị kiến của Thánh nữ Catarina thành Siena, Chúa Cha đã chỉ ra hình phạt đời đời của tên phản bội khi Ngài giải thích cho Thánh nữ về ý nghĩa của tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Chúa nói: “Đây là tội lỗi không bao giờ được tha thứ, bây giờ hay mãi mãi: sự khước từ và khinh thường đối với lòng thương xót của Cha. Vì điều này xúc phạm Cha hơn tất cả những tội lỗi khác mà họ đã phạm. Vì vậy, sự tuyệt vọng của Giu-đa, so với sự phản bội của nó, làm Cha phật lòng và xúc phạm Con Cha nhiều hơn. Do đó, những người như vậy bị khiển trách vì sự phán xét sai lầm của họ khi coi tội lỗi của mình lớn hơn lòng thương xót của Cha, và vì điều này, họ bị trừng phạt cùng ma quỷ và bị hành hạ đời đời với chúng.” Và Thánh nữ kết luận: Như vậy, Giu-đa đã bị diệt vong không chỉ vì tham gia vào phiên tòa xét xử Chúa Giê-su, mà vì một hành động cuối cùng là “tuyệt vọng” hay “phạm đến Chúa Thánh Thần” (Mc 3,29) trong “giờ chết”.

Thánh tử đạo Thomas More, học giả vĩ đại của Giáo Hội thế kỷ XVI, ngoài việc nhắc lại những lời tuyên bố của Chúa Giê-su, vua Đa-vít hay Thánh Phê-rô như đã nêu trên, ngài còn gọi hành động của Giu-đa là một trong những hành động “từ chối được cứu độ” và tuyên bố: “Có một sự chắc chắn không thể sai lầm về số phận của tên phản bội, Đấng Ki-tô bày tỏ sự hư mất của y trong tương lai một cách chắc chắn đến mức Ngài khẳng định điều đó như thể nó đã xảy ra rồi.”

Lc 13,23-24

Đoạn Kinh Thánh thứ hai loại bỏ khả năng tồn tại của ơn cứu độ phổ quát và niềm hy vọng của cha Balthasar là Lc 13,23-24: Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”

Những lời của Chúa Giê-su ở đây chắc chắn là không thể sai lầm. Đức Piô X đã từng “lên án” tuyên bố cho rằng “Sự soi sáng của Thiên Chúa không bao quát được toàn bộ Thánh Kinh” (Các Tín Biểu, Định Tín Và Tuyên Bố DS 3411 – Dz 2011). Và trong Hiến chế về Mặc Khải của Thiên Chúa – Dei Verbum (1965), Công đồng Vaticanô II cũng tuyên bố rằng: “Vì mọi lời các tác giả được linh hứng, cũng gọi là thánh sử, đã viết ra là những điều được xác quyết bởi Chúa Thánh Thần, nên phải tuyên nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” (DV 11). Vì vậy, có một điều thiêng liêng, không thể sai lầm và chắc chắn tuyệt đối đó là: nhiều người sẽ không vào Nước Thiên Chúa.

Trong Dare we hope…, cha Balthasar cho rằng niềm tin của Thánh Augustinô về việc có nhiều người sẽ xuống hỏa ngục rõ ràng là đã được kế thừa bởi các Giáo phụ và Tiến sĩ Hội Thánh, chẳng hạn như Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô I, Thánh Anselmô, Thánh Bônaventura và Thánh Tô-ma A-qui-nô; và bởi các học giả của Giáo Hội như Đức Hồng y Newman (ngài đã được phong thánh năm 2019). Cha Balthasar đổ lỗi cho Thánh Augustinô đã gây hiểu lầm cho Giáo Hội về “vô số cư dân” của hỏa ngục. Nhưng thật ra chính Chúa Giê-su chứ không phải Thánh Augustinô là Người đầu tiên nói rằng “có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Ngoài ra, trong Thư của Thánh Giu-đa, vị tông đồ của chúng ta cũng cho biết: “Còn Xơ-đôm, Gô-mô-ra và các thành lân cận làm chuyện gian dâm như họ và chạy theo những thú vui xác thịt trái tự nhiên, thì đã phải chịu lửa đời đời làm hình phạt để nêu gương” (Gđ 1,7).

Công đồng riêng Quierzy năm 853 đã tuyên bố rằng, “không phải tất cả sẽ được cứu” (DS 623 – Dz 318). Kế đến, Công đồng Valence III năm 855 đề cập tới những người “từ thuở khai thiên lập địa cho đến khi Chúa chúng ta chịu khổ nạn, đã chết trong sự gian ác của họ và bị trừng phạt bởi sự nguyền rủa đời đời” (DS 630 – Dz 323). Vào năm 1459, Đức Piô II thậm chí còn lên án quan điểm cho rằng “tất cả các Ki-tô hữu đều được cứu độ” (DS 1362 – Dz 717b).

Vì vậy, mặc dù Huấn quyền chưa hề kết án Giu-đa hay “niềm hy vọng” về ơn cứu độ phổ quát, nhưng Giáo Hội không nghi ngờ gì đối với hai vấn đề này. Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền chứng nhận rằng Giu-đa và những người khác đã bị diệt vong. Do đó, “niềm hy vọng” của cha Balthasar nhất thiết phải là “niềm hy vọng” trái ngược với Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền của Hội Thánh.

Về những lý lẽ triết học của cha Balthasar

Một cái nhìn về triết học Hegel sẽ giúp chúng ta hiểu vì sao cha Balthasar lại nghĩ rằng mình có thể nói ngược lại những lời của Chúa Giê-su bằng cách hy vọng cho Giu-đa được cứu.

Theo nhà triết học người Đức thế kỷ XVIII – Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831), không có tuyên bố hay khái niệm tôn giáo nào là hoàn toàn đúng. Tất cả đều sai hoặc chỉ đúng tương đối theo một cách nào đó. Chỉ có Chúa là Lẽ Thật Tuyệt Đối. Do đó, theo cách hiểu của Hegel, những tuyên bố, khái niệm hay tín điều tôn giáo đều có thể mâu thuẫn và sự lý giải hay tổng hợp của chúng chỉ được tìm thấy nơi Thiên Chúa, Đấng là Lẽ Thật Tuyệt Đối. Hegel nói rằng mọi khái niệm đều chứa đựng một “phủ định trong chính nó”. Đối với Hegel, sự đối lập tích cực – tiêu cực trong khái niệm này được gọi là phép biện chứng và nó là “một phương pháp cần thiết của lý trí”. Do đó, Hegel duy trì “tính cần thiết của mâu thuẫn” để mọi tư tưởng có thể phát triển về phía Cái Tuyệt Đối, tức là Thiên Chúa.

Tương tự như vậy, cha Balthasar tin rằng mâu thuẫn là một phần của sự thật, như cách ông giải thích trong bài luận Word and Revelation – tạm dịch là Lời Chúa và Mặc Khải. Trong bài luận này, ông tin rằng những biểu hiện của “lẽ thật thế gian”, giống như “hữu thể thế gian”, có thể “mâu thuẫn” và thậm chí những biểu hiện của lẽ thật trong Kinh Thánh cũng có thể đối lập hoặc “mâu thuẫn”. Cha Balthasar đồng ý với Hegel rằng “chỉ có Thiên Chúa mới là Lẽ Thật Tuyệt Đối” và nhấn mạnh rằng “mọi lẽ thật đều không phải tuyệt đối, sự phủ định của chính nó nằm ở nơi Thiên Chúa”. Do đó, những lời tuyên bố trong Kinh Thánh không hoàn toàn đúng nhưng mỗi điều đều chỉ là tương đối mà thôi, và như vậy, theo một cách nào đó, chúng sẽ là tiêu cực hoặc sai lầm; những lời tuyên bố này sẽ chỉ được tổng hợp khi chúng ta đến với Chúa Cha là Lẽ Thật Tuyệt Đối. Nhưng hiện tại, cha Balthasar cho rằng người ta không thể hoàn toàn tin tưởng vào những lời của Đấng Ki-tô. Ông tuyên bố: “Lời của Đấng Ki-tô, Đấng đã nói không giống bất kỳ ai trước đó, Đấng đã tự nói như một người có quyền năng, dù sao cũng là một cầu nối không an toàn giữa sự không thể diễn đạt bằng lời của thế gian này với lời siêu việt của Chúa Cha.”

Vì thế, cha Balthasar lập luận trong Dare we hope… rằng bên cạnh những câu Kinh Thánh có tính kết án dạy rằng có người ở hỏa ngục, còn có những câu Kinh Thánh có tính cứu độ giúp “giữ lại triển vọng của ơn cứu độ phổ quát”, chẳng hạn: “Đấng [Thiên Chúa] muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4). Cha Balthasar tuyên bố rằng những tuyên bố có tính cứu độ này “dường như đối lập” với những tuyên bố trong Kinh Thánh có tính kết án như “có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Và ông khẳng định rằng: “chúng ta không thể và cũng không thực sự có thể đưa chúng vào một sự tổng hợp”. Vì những tuyên bố “mâu thuẫn” này chỉ có thể được giải quyết trong cuộc sống vĩnh cửu, trong khi hiện tại, chúng ta không biết được chung cục sẽ thế nào. Do đó, đối với cha Balthasar, chúng ta có thể hy vọng Giu-đa sẽ được cứu độ.

Nhưng hãy để ý: theo lập luận của nhà thần học này, những tuyên bố trong Thánh Kinh có vẻ mâu thuẫn cũng chỉ vì lý do là có những tuyên bố của Thiên Chúa về ước muốn của Người, chẳng hạn như câu “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” kể trên. Đối với cha Balthasar, chúng được coi như thể những tuyên bố chắc nịch của Thiên Chúa về những thực tại trong tương lai, như cái cách mà Ngài khẳng định “có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta không thể đánh đồng những tuyên bố này như vậy được. Nó cũng giống như việc Thiên Chúa muốn A-đam và E-và không ăn trái trên cây ở giữa vườn trong St 3,3. Nhưng, A-đam và E-và đã ăn và đã phạm tội. Do đó, hy vọng rằng tất cả sẽ được cứu – khi Kinh Thánh nói rằng một số người đã hư mất – cũng giống như hy vọng rằng không ai phạm tội khi chúng ta đã biết rằng A-đam và E-và đã phạm tội. Hy vọng đó là một điều phi lý.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, quan điểm triết học về lẽ thật của cha Balthasar vi phạm nguyên tắc hiển nhiên đúng đầu tiên của lý tính tự biện (luật tự nhiên), trong đó không thể đồng thời khẳng định và phủ nhận cùng một điều (nguyên tắc không mâu thuẫn). Người ta không thể nói rằng Giu-đa “hư mất” và rằng Giu-đa cũng “không hư mất” (được cứu) cùng một lúc. Và để “hy vọng” rằng Giu-đa được cứu khi Kinh Thánh nói rằng ông ta đã hư mất là hy vọng vào sự mâu thuẫn trong Kinh Thánh và trong Giáo lý của Giáo Hội. Điều này vi phạm Giáo huấn đã định nghĩa của Giáo Hội rằng “Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật” (Giáo lý số 159), điều này đảm bảo rằng ý nghĩa của những lời dạy của Chúa Giê-su trong Tân Ước và các tín điều của Giáo Hội không bao giờ có thể khác nhau nhưng luôn được giữ nguyên vẹn.

Hãy cùng xem lý do thần học có thể xảy ra nhất để giải thích tại sao cha Balthasar lại mạnh dạn “hy vọng” vào ơn cứu độ phổ quát trái ngược hoàn toàn với lời của Chúa Giê-su trong Ga 17,12 và Lc 13,24.

Lý do thần học khả dĩ nhất

Cha Balthasar không tin vào sự toàn trí (biết rõ mọi sự) của Chúa Giê-su giúp Ngài không nói sai hay có tác dụng khiến cho những lời tuyên bố của Ngài không thể sai lầm. Trong bài giảng You Crown the Year With Your Goodness – tạm dịch là Bốn mùa Chúa đổ Hồng ân, cha Balthasar đã nói:

Nhưng chẳng phải Con Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa sao? Như vậy, Ngài không phải là toàn trí sao? Đúng, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài muốn chia sẻ tất cả các thuộc tính thiêng liêng với Nhân tính của mình. Ở đây, không nghi ngờ gì nữa, có những bí ẩn mà chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu hết được. Nhưng chúng ta có thể nói một điều: Chúa Con, với tư cách là Thiên Chúa, vĩnh viễn nhận được Thiên tính đầy đủ (và do đó là sự toàn trí) từ Cha mình, nên Ngài vĩnh viễn hiến dâng chính mình cùng với tất cả những gì đã có và đang có cho Cha trong lòng biết ơn theo ý định đã được sắp đặt của Cha. Như vậy, theo một cách nào đó, chúng ta có thể hiểu rằng, khi sự phát xuất đời đời của Chúa Con từ Chúa Cha mang hình dáng của một “sứ mệnh” đến thế gian, thì Chúa Con ký thác các thuộc tính thiêng liêng của mình (mà không mất chúng) với Chúa Cha trên trời. Vì chúng ta đọc được rằng Ngài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2,7) để có thể trở nên giống phàm nhân và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết.

Cha Balthasar ngụ ý rằng, mặc dù “Con Thiên Chúa” có “sự toàn trí” nhưng “sự toàn trí” đó không có tác dụng gì khi Ngài xuống thế làm Người trong một “sứ mệnh”. Đối với cha Balthasar, khi Con Thiên Chúa “tự hiến mình” cho sứ mệnh của Ngài đối với thế gian, Ngài đã tự mình trút bỏ thuộc tính thiêng liêng của Ngài là “sự toàn trí” “mà không đánh mất” nó. Nhưng, làm thế nào để Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, có thể vừa toàn trí lại vừa không toàn trí? Trên thực tế, cha Balthasar dường như nói rằng, khi Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Ma-ri-a, Ngài đã xuống thế với tình trạng mất trí nhớ thiêng liêng.

Vì vậy, nếu sự toàn trí thiêng liêng của Con Thiên Chúa không hoạt động khi Ngài còn ở thế gian, thì Ngài không biết gì nhiều hơn bất kỳ con người nào khác. Do đó, đối với cha Balthasar, Chúa Giê-su (cũng như bất kỳ ai khác) không thể biết gì ngoài kinh nghiệm của Con Người Ngài, và tính bất khả ngộ (không thể sai lầm) trong những tuyên bố mang tính cánh chung của Ngài về đời sau là không thể được đảm bảo.

Theo cha Balthasar, do đó, sự toàn trí thiêng liêng trong tình trạng không hoạt động của Chúa Giê-su chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự hiểu biết của Ngài về sự phán xét cuối cùng. Và ông tuyên bố:

Ngài [Chúa Giê-su] hoàn toàn không biết ngày giờ. “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Điều này cực kỳ quan trọng; chúng ta phải hiểu nó hoàn toàn theo nghĩa đen.

Hơn nữa, “ngày giờ” cuộc Quang lâm của Chúa Giê-su cũng là “ngày giờ” của Ngày phán xét, vì đoạn Kinh Thánh này còn nói về sự phán xét của “chiên” và “dê” (Mt 25,31-46). Do đó, cha Balthasar cho rằng: nếu Chúa Giê-su “hoàn toàn không biết về ngày giờ” Ngài quang lâm, thì Ngài cũng không biết gì về sự Phán xét cuối cùng dành cho Giu-đa và những người khác.

Vì “hy vọng” của cha Balthasar về ơn cứu độ phổ quát mâu thuẫn với những lời của Đấng Ki-tô trong Ga 17,12 và Lc 13,23-24 nên giá trị của hy vọng này về mặt logic phụ thuộc vào khả năng những tuyên bố của Chúa trong hai trình thuật đó là sai lầm. Vì vậy, mặc dù cha Balthasar không hề tuyên bố rõ ràng về điều đó, nhưng “hy vọng” của ông về mặt logic dựa trên lý thuyết của chính ông rằng Chúa Ki-tô trong Kinh Thánh đã không nói với sự toàn trí và bất khả ngộ của Ngài.

“Hy vọng” của cha Balthasar dựa trên một lạc thuyết đã bị Giáo Hội lên án

Nếu người ta chấp nhận lý thuyết của cha Balthasar rằng Chúa Giê-su “hoàn toàn không biết về ngày giờ” Ngài quang lâm, thì họ khó có thể giải thích bằng cách nào Ngài lại mô tả được các sự kiện trong ngày đó (Mt 24,15-42). Đây là điều mà Thánh Ephrem, Tiến sĩ Hội Thánh thế kỷ IV đã chỉ ra. Trong cuốn Chú giải Diatessaron (Diatessaron là một bản tổng hợp của bốn Tin Mừng Nhất Lãm, được thu thập bởi Tatian (120-180) – một nhà hộ giáo của Ki-tô Giáo sơ khai), thánh nhân đã nói về Chúa Giê-su như sau: “Ngài mô tả các dấu hiệu sắp đến của Ngài; làm sao những gì Ngài đã quyết định lại có thể che giấu Ngài được?” Và ông cho rằng lý do đầu tiên khiến Chúa chúng ta không ấn định thời điểm Ngài trở lại lần thứ hai là để “tất cả các thế hệ và thời đại đều háo hức chờ đợi Ngài” và “nghĩ rằng Ngài sẽ trở lại trong thời của họ”. Ngoài ra, ông cũng nói thêm: “Ngài đã không nói về nó một cách rõ ràng vì lý do đặc biệt là để không ai có thể nghĩ rằng Người có quyền lực và quyền thống trị trên mọi con số và thời hạn như Ngài lại bị thống trị bởi số phận và thời gian.”

Vì vậy, quan điểm của cha Balthasar rằng có sự thiếu hiểu biết trong Chúa Giê-su đã bị bác bỏ ngay trong thời kỳ lạc giáo Arius nổi lên ở thế kỷ IV bởi các Giáo phụ như Thánh Ephrem (và Thánh Ambrôsiô). Giáo Hoàng Vigilliô (tại vị 537-555) đã chính thức lên án lạc thuyết này vào ngày 14 tháng 5 năm 553, khi ngài tuyên bố rằng: “Nếu ai nói rằng Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa thật và Con Người thật, không biết gì về tương lai, hoặc về Ngày phán xét… anh ta bị tuyệt thông (anathema)” (DS 419 – ấn bản lần thứ 29).

Sai lầm này sau đó đã được giải quyết cách triệt để nhất vào năm 600 khi Giáo Hoàng Grêgôriô I bác bỏ lạc thuyết của một giáo phái thuộc loại Monophysite có tên là Agnoetae (Monophysite là phái Nhất tính, phái này cho rằng trong Chúa Giê-su Ki-tô chỉ có Thiên tính thay vì có cả Nhân tính; còn Agnoetae hay Themistius là giáo phái nảy sinh từ một cuộc tranh luận thần học về bản chất thân thể Chúa Ki-tô giữa Giám mục Severus thành An-ti-ô-khi-a (459/465-538) và nhà thần học Julian thành Halicarnassus (? – sau 527) nhưng rồi bị một phó tế có tên Themistius phát triển thành một lạc giáo. Ông ta cho rằng Chúa Giê-su, mặc dù là thần linh nhưng chỉ có kiến thức giới hạn và lấy dẫn chứng rằng Người không biết Ngày tận thế xảy đến khi nào và La-da-rô được chôn ở đâu (Ga 11,34)). Đức Grêgôriô I đã dạy rằng Đấng Ki-tô hiểu biết qua hai bản tính, và những gì Ngài không biết từ Nhân tính, thì Ngài biết chúng từ Thiên tính. Do đó, Thánh Giáo Hoàng đã khẳng định rằng, khi Đấng Ki-tô biết về “ngày giờ của Cuộc phán xét” trong Nhân tính, thì Ngài biết điều này từ Thiên tính chứ không phải từ Nhân tính. “Vì vậy, đối với điều mà [tự bản tính] Ngài đã biết, Ngài không biết nó từ riêng một [bản tính] đó mà thôi.” Vì thế, Đấng Ki-tô biết tất cả mọi sự “trong Nhân tính của Ngài”. Và việc “Chúa Con toàn năng nói rằng Người không biết về ngày mà Người không được cho biết, thì không phải vì Người không biết về nó, nhưng vì Người không cho phép nó được [chúng ta] biết đến.” Và Giáo Hoàng kết luận:

Vì mục đích gì mà Đấng tự xưng rằng chính Sự khôn ngoan của Thiên Chúa hiện diện nơi mình lại có thể nói rằng có điều gì đó mà Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không biết? Có lời chép rằng: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1,1-3). Nếu là vạn vật, chắc chắn cũng bao gồm ngày giờ của Cuộc phán xét. Vì vậy, có ai lại khờ dại đến mức tự ý cho rằng Ngôi Lời đã tạo thành những điều mà Ngài không biết? Và cũng có lời chép rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người (Ga 13,3). Nếu là mọi sự, chắc chắn cũng bao gồm ngày giờ của Cuộc phán xét. Vậy có ai lại khờ dại mà nói rằng Chúa Con đã nhận trong tay điều mà Người không biết? (DS 474 – Dz 248).

Rõ ràng, nếu Chúa Con nắm trong tay Ngài “mọi sự” kể cả “Ngày phán xét”, thì chắc chắn Ngài cũng biết ai sẽ được cứu và ai sẽ không được cứu – ngay cả Giu-đa!

Ngoài ra, cũng cần nhắc lại một lần nữa rằng chỉ có “một Ngôi vị” trong “Nhân tính của Chúa Ki-tô” và Ngôi vị này là một Ngôi vị thần linh – đó là “Thiên Chúa” (DS 534) (x. Giáo lý số 466). Như vậy, khi chúng ta nói đến “Chúa Giê-su trong Ngôi vị thần linh” thì nghĩa là chúng ta đang nói đến hai phần bản tính của Ngài. Và ngay cả khi Chúa Giê-su Ki-tô có đồng thời hai ý thức, thì Ngài cũng chỉ có một trung tâm hay cái tôi (bản ngã) của ý thức mà thôi, đó là thần linh. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã diễn đạt nó theo cách này:

Không có bản văn Phúc Âm nào chỉ ra rằng Đấng Ki-tô đã nói về mình như một con người, ngay cả khi Ngài thường gọi mình là “Con Người”. Thuật ngữ này rất giàu ý nghĩa. Dưới bức màn của sự diễn đạt theo kiểu Kinh Thánh và của Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), nó dường như ngụ ý rằng -người áp dụng nó cho chính mình- thuộc về một phẩm trật khác cao hơn so với người phàm và tương xứng với thực tại về cái “tôi” của Ngài. Nó là một thuật ngữ làm chứng cho nhận thức sâu sắc của Chúa Ki-tô về căn tính Thiên Chúa của mình.

Mặc dù Ngài có Nhân tính hoàn toàn và Thiên tính hoàn toàn, nhưng Đấng Ki-tô là một Ngôi vị thần linh, không phải là một con người. Và bất cứ điều gì chúng ta nói về sự hiểu biết về Ngôi vị của Chúa Giê-su Ki-tô, thì chúng ta đang nói về Ngôi thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy, Chúa Giê-su Ki-tô có sự hiểu biết vô hạn trong Nhân tính của Ngài, nhưng sự hiểu biết này có từ Ngôi vị thần linh.

Chúa Giê-su cũng có thể trải nghiệm sự đau khổ trong Nhân tính như một điều gì đó mới mẻ đối với Ngôi vị của Ngài, điều mà Ngài chưa từng trải qua. Và chắc chắn, như cha John Harden (1914-2000) nói, Chúa Giê-su Ki-tô đã “cảm nhận được tri giác và thu được kiến ​​thức tương ứng từ kinh nghiệm đó” – tức là “kiến thức kinh nghiệm”. Một lần nữa, Con Thiên Chúa có thể “che giấu” một số thuộc tính được thể hiện bởi Ngôi vị của Ngài, chẳng hạn như việc biểu lộ vinh quang hay uy linh cao cả (như Pl 2,7 nói rằng Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế), và điều này sẽ giải thích cho việc thiếu sự an ủi thiêng liêng trong Nhân tính xuất phát từ phúc kiến của Ngài (phúc kiến – beatific vision là khái niệm được Giáo Hội dùng chỉ việc nhìn thấy Thiên Chúa hay còn gọi là diện kiến tôn nhan Chúa; ở đây, chúng ta hiểu rằng trong một số trình thuật Kinh Thánh (khi Ngài cầu nguyện trong vườn Giết-sê-ma-ni hay lúc trên cây thánh giá), có vẻ như Nhân tính trong Chúa Ki-tô thiếu sự an ủi thiêng liêng từ Thiên Chúa mặc dù Ngài nhìn thấy được Thiên Chúa – lý do là vì trong các trình thuật ấy, Con Thiên Chúa đã “che giấu” một số thuộc tính được thể hiện bởi Ngôi vị của Ngài). Nhưng Ngài không thể từ bỏ một yếu tố nội tại nào đó đối với Ngôi vị thần linh hay Bản thể thần linh của mình. Và khả năng tự biết mình của Thiên Chúa là nội tại đối với Bản thể thiêng liêng của Ngài, vì Thánh Tô-ma A-qui-nô nói rằng, “Thiên Chúa hiểu Ngài qua chính Ngài”. Và rằng “hoạt động trí tuệ của Thiên Chúa là bản thể của Ngài”, “hoạt động tri thức của Ngài phải là bản chất và sự hiện hữu của Ngài” (STh, 1a, q. 14, art. 2).

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Piô X “lên án” bất kỳ tuyên bố nào phủ nhận “sự hiểu biết không thể sai lầm của Chúa Giê-su Ki-tô” hoặc bất kỳ tuyên bố nào phủ nhận rằng Chúa Giê-su có “sự hiểu biết không giới hạn” (DS 3432, 3434, 3466 – Dz 2032, 2034, 2065a). Cũng không có gì ngạc nhiên khi dưới thời Đức Bê-nê-đích-tô XV, Giáo Hội đã dạy rằng “Đấng Ki-tô không có điều gì là không biết, nhưng ngay từ đầu đã biết mọi sự trong Ngôi Lời, bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai, hoặc bất cứ điều gì mà Thiên Chúa biết bằng sự hiểu biết của trực quan (thấu triệt)” (DS 3646, 3812 – Dz 2184, 2289). Vì vậy, “hy vọng” của cha Balthasar đối với ơn cứu độ phổ quát dựa trên lý thuyết về sự thiếu hiểu biết và sai lầm của Đấng Ki-tô – một lý thuyết đã bị lên án nhiều lần theo nhiều cách khác nhau.

Lòng trắc ẩn đối với một sai lầm

Nếu Chúa Giê-su bị chứng mất trí nhớ thiêng liêng, sẽ có nhiều điều đáng nghi ngờ hơn là vấn đề chung cục của Giu-đa. Nếu sự toàn trí và bất khả ngộ của Ngài không có tác dụng gì, thì chính bản thân Ki-tô Giáo cũng bị nghi ngờ. Mc 13,32 có thể được giải thích một cách hài hòa với quan điểm của các Giáo phụ và nguồn Truyền thống của Giáo Hội. Cần lưu ý rằng khi Thánh Mác-cô sử dụng thuật ngữ “Con”, ông không ám chỉ Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa nhằm nhấn mạnh đến Thiên tính của Chúa Giê-su, mà là “Con Người” và để nhấn mạnh đến Nhân tính của Ngài (Mc 8,31; 9,9; 10,33; 13,26). Do đó, khi Chúa Giê-su đề cập đến sự hiểu biết của chính Ngài hoặc hành động biết (không ai biết… người Con cũng không), thì đây có lẽ là sự ám chỉ rằng nguồn gốc của sự hiểu biết này là thông qua ý thức con người của Ngài. Nói cách khác, Chúa Giê-su đang nói rằng việc “người Con” không “biết” về ngày giờ cuộc Quang lâm đến từ Nhân tính của Ngài (mặc dù Ngài biết những điều này từ Thiên tính). Điều này phù hợp với quan điểm của các Giáo phụ và các Giáo Hoàng của Giáo Hội, những người đã giải thích một cách nhất quán qua các thời đại rằng Mc 13,32 có nghĩa là Chúa Giê-su biết ngày giờ Ngày phán xét nhưng đã chọn cách không tiết lộ cho nhân loại. Và, nếu một đoạn Kinh Thánh có thể được giải thích hài hòa với phần còn lại của Giáo Hội và Kinh Thánh, thì người Công Giáo phải chấp nhận cách giải thích này. Khi cha Balthasar giải thích Mc 13,32 khác với Truyền thống và Huấn quyền của Giáo Hội, đặc biệt là trái ngược hoàn toàn với “vạ tuyệt thông” (anathema) của Giáo hoàng Vigiliô, thì có nghĩa ông đang đứng về phía Nestorius, Arius và những kẻ lạc giáo khác.

Thánh Têrêsa thành Avila đã tuyên bố về một sự nghi ngờ hay “tư tưởng” chống lại Giáo huấn, dù chỉ là một “chân lý nhỏ” của Giáo Hội rằng: “chỉ dừng lại ở suy nghĩ này thôi đã là rất sai lầm.” Tương tự như vậy, Thánh John Henry Newman, trong Discourses to Mixed Congregations – tạm dịch là Những bài giảng cho các giáo đoàn hỗn hợp, đã tuyên bố rằng, “không ai được vào Giáo Hội mà không có một chủ ý vững chắc khi đón nhận Giáo huấn của Giáo Hội trong mọi vấn đề về giáo lý và luân lý, những điều đã được thiết lập trực tiếp từ Thiên Chúa chân lý.” Không chỉ vậy, vị cố Hồng y còn tiếp tục nói về một người Công Giáo “bắt đầu đi theo một mối nghi ngờ lóe lên trong đầu anh ta”: “Tôi không phải cảnh báo anh ta về việc đánh mất đức tin của mình, anh ta không chỉ đơn thuần là có nguy cơ đánh mất đức tin, nhưng anh ta đã đánh mất nó; từ bản chất của sự việc này, anh ta đã đánh mất nó; ngay từ lúc anh ta giải trí một cách có chủ ý và theo đuổi sự nghi ngờ của mình.” Từ góc độ này, mối lo ngại lớn nhất về “niềm hy vọng” của cha Balthasar đối với ơn cứu độ phổ quát là nó gieo rắc vào lòng người Công Giáo một sự hoài nghi nguy hiểm vào sự thật của Đức tin Công Giáo dưới vỏ bọc là một trong những khía cạnh đẹp nhất và tự nhiên nhất của tình yêu, đó là lòng trắc ẩn.


Lược dịch từ bài viết của Đức cha Regis Scanlon, Dòng Phanxicô Capuchin trên New Oxford Review.

https://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=3344

Đức cha Regis Scanlon là tuyên úy nhà tù của Tổng giáo phận Denver, và là linh hướng cho Hội Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa, người điều hành một khu chăm sóc cá nhân ở Denver cho những người bị AIDS.

Previous articleVị trí của triết học trong Thần học luân lý
Next articleNhân chi sơ tính bản thiện hay bản ác? – L’être humain est-il bon ou mauvais?