HÃY KHÔN NGOAN ĐỂ CHỌN LỰA

51

 

Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn “người quản gia bất lương”. Kết luận về dụ ngôn Chúa dạy cho chúng ta hai điều : Một là người quản gia đó đã có hành động “khôn khéo” nhưng vẫn bị coi là “bất lương”, “được khen” nhưng vẫn “bị sa thải” ; Hai là Chúa cho thấy sự khác biệt giữa “con cái đời này” và “con cái ánh sáng”, sự “khôn ngoan theo đời này” và sự “khôn ngoan của con cái Thiên Chúa”.

Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.

Trước tiên, chúng ta xem sự “bất lương” của người quản gia đây là gì. Anh bị người ta tố cáo với ông chủ là anh đã phung phí của cải nhà ông.Thái độ “phung phí của cải nhà ông chủ” của người quản gia cho thấy, anh đã “lạm quyền” của chủ, cách nào đó anh không còn phục tùng chủ, không trung tín và không còn nhớ vị thế của mình chỉ là quản gia. Lẽ ra anh phải biết vai trò của anh, làm quản gia anh được quyền quản lý mọi sự trong nhà, anh phải làm sao cho mọi sự diễn ra tốt đẹp và đem lại ích lợi cho gia chủ. Khi anh “phung phí của cải nhà chủ” có nghĩa là anh đã không còn chu toàn chức năng và bổn phận của anh. Sự “bất lương” của anh là như thế.

Tuy nhiên, anh được chủ khen là “khôn khéo”, vậy sự khôn khéo của anh đây là gì. Anh khôn khéo vì khi biết chủ sắp sa thải, anh đã lấy lòng các con nợ của chủ, bằng cách lấy biên lai ghi giảm số nợ cho họ, nhưng cũng bằng cách này anh đã đẩy con nợ vào chỗ thông đồng với hành vi của anh, nếu anh có bị xử phạt thì anh cũng không phải chịu một mình. Anh đã nghĩ đến nghề nghiệp, đến cuộc sống, đến tương quan của mọi người dành cho anh khi anh thất thế… Và anh đã hành động để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước anh về nhà họ, đó là một việc làm được coi là khôn khéo.

Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.

Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.

Các môn đệ Chúa Giêsu cũng được mời gọi hành động với sự minh mẫn và khôn ngoan trong việc phân tích kỹ lưỡng hoàn cảnh, suy nghĩ chín chắn và ứng xử thích hợp với căn tính mình để có thể tỏa sáng giữa thế gian, và nhất là để hân hoan trình diện Đấng ta cần phúc trình công việc quản lý đời mình, ngõ hầu đạt được hạnh phúc vĩnh cửu mai này.

Đã hẳn trần gian thì tạm bợ, bạc tiền và danh vọng thì mau qua chóng hết, nhưng sao nó vẫn thu hút trí lòng con người từ đời nọ sang đời kia, nó vẫn khiến cho những tâm hồn thông sáng trở nên mê muội, những cuộc đời tốt lành thành úa hoen tội lỗi. Đã hẳn đời người là hành trình về với Vĩnh Cửu, về với Tạo Thành mà trong đó, mỗi người chỉ là viên quản lý được trao một số quỹ thời gian, tài năng, sức khỏe, … Ấy vậy mà nhiều người vẫn sống như chẳng có ngày mai, vẫn nghĩ mình là chủ, là chúa.

Tuy hơi khó chấp nhận và khó hiểu, nhưng cách phản ứng anh và dứt khoát trong suy tính, chọn lựa và hành động của người quản gia được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ ít nhiều hấp dẫn độc giả. Thật vậy, làm sao Chúa Giêsu, ẩn phía sau thái độ của ông chủ, lại khen cách xử trí tuy khôn mà khôn ngoan của người quản gia vì người này đã lộn xộn trong cách quản lý tài sản của chủ, lại dám làm quả liều cuối cùng khi khai man giấy nợ, làm thiệt hại cho chủ mình ? Có lẽ Chúa không khen bản chất hành động, mà khen cách xử trí khôn khéo và sáng suốt trong việc tiên liệu cho tương lai ông ta.

Ta nên nhớ và hiểu rằng Chúa không khen ngợi cách làm ăn bất lương , gian xảo của người quản gia, nhưng qua người quản gia Chúa muốn chúng bắt chước ở cách ứng xử mau lẹ và nhanh chóng quyết định chuẩn bị cho tương lai từ xa với những điều kiện có sẵn trong tay của ông.

Với bài học đó, người Công giáo chúng ta phải ý thức về tầm quan trọng của cuộc sống mai sau. Vì người đời thường hay lo lắng, lanh lẹ ở những chuyện đời này trong khi những việc thiêng liêng lo cho phần rỗi của mình, thì con người chúng ta lại chậm chạp, lơ là và không khôn khéo. Do đó là Kitô hữu tin có sự sống lại và sự sống đời sau, chúng ta cần ý thức để mau mắn, khôn ngoan và kiên trì lo cho phần rỗi của mình.

Previous articleTuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther
Next articleTHẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA