Ý THỨC VAI TRÒ CỦA MÌNH

72

Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác ta đều là bổn phận.

Tâm tình của một linh mục trước người anh em vừa qua đời cách đột ngột rằng: “Hôm nay, người tôi tớ ấy đang làm công việc được giao, thì đã phải dừng lại. Hẳn là anh đang nói với Thiên Chúa: ‘Con là tôi tớ vô dụng, vì con chỉ biết làm những việc phải làm’.” Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, mỗi người đều phải tìm cho được câu trả lời cho vấn nạn “Tôi là ai?” để xác định lẽ sống cho đời mình. Đức Kitô cho biết để có câu trả lời thoả đáng chúng ta hãy đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa: tôi là người tôi trung của Ngài: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Mọi việc làm cho người khác đều phát xuất từ bổn phận. Trong gia đình, một người con phải làm việc nhà và vâng lời cha mẹ, đó là việc bổn phận của em. Vợ chồng chia sẻ cho nhau, chăm lo con cái, đó là điều họ đã cam kết khi thành hôn. Người anh, người chị giúp đỡ em mình, điều đó chẳng có gì lạ, bởi họ phải làm việc bổn phận. Đối với người khác cũng vậy, những việc hy sinh chúng ta phải làm để cầu cho các linh hồn trong luyện ngục là những đòi hỏi của bổn phận đối với các ngài. Cũng thế, những việc Ki-tô hữu phải làm là những việc do bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân đòi buộc.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất thực tế để dẫn các môn đệ của Người vào sự khiêm nhường cần phải có của người môn đệ. Cương vị của người đầy tớ rất khiêm tốn, hạnh phúc của họ cũng đơn giản là chu toàn bổn phận trong niềm vui chung của cả gia đình ông chủ. Hơn nữa, người môn đệ của Chúa có chu toàn được bổn phận của mình thì cũng là nhờ ơn Chúa trợ giúp như lời Chúa nói với Phêrô: “Không có thầy anh em không thể làm gì được”. Chính Chúa đã đặt Phêrô làm đá tảng xây nên ngôi nhà Hội thánh. Đá tảng ấy rất quan trọng nhưng vị trí của nó là nằm bên dưới, ẩn khuất để chống đỡ toàn bộ toà nhà.

Thiên Chúa không mắc nợ con người; trái lại, những việc con người làm là do đòi buộc của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Càng trưởng thành, con người càng biết ơn Đấng ban ơn cho mình. Vậy có gì mà chúng ta cao ngạo như thể đang làm ơn cho Chúa hay trách cứ Ngài không trả công xứng đáng? Thực ra, như lời Chúa quả quyết, chúng ta đang làm công việc của một người thuộc về Chúa. Chu toàn bổn phận như thế đã là vinh dự cho Ki-tô hữu, bởi họ được nên tôi trung của Ngài.

Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”.

Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi làm tông đồ cho Chúa. Chúa sẵn sàng ban cho ta tất cả những gì tốt nhất. Chúng ta thành công trong công tác mục vụ, được người ta khen ngợi, thương mến, nên có khi chúng ta tưởng là mình tài giỏi, năng lực siêu quần, nhân đức cao dày, mang chứng bệnh của “con lừa chở thánh tích”. Nhiệt huyết làm việc của chúng ta cần thanh luyện để làm việc vì lòng mến Chúa và các tâm hồn. Vì thế Chúa mời gọi chúng ta phải hết sức khiêm nhường, chúng ta làm việc với tâm niệm “lạy Chúa con chỉ là tôi tớ vô dụng của Chúa”.

“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Chúa dạy chúng ta khi làm việc và hoàn thành công việc cần ý thức rằng chúng ta là những “tôi tớ” và hơn thế nữa là “tôi tớ vô dụng” chỉ làm công việc bổn phận mà thôi. Trước khi dạy chúng ta làm như thế, chính Chúa Giê-su đã nêu gương sáng cho ta về sự phục vụ trong khiêm nhường, Chúa đã tự trở nên tôi tớ, tự xóa mình đi “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 21,33).

Vì thế, khi hoàn thành công việc phục vụ, ta không tự hào về thành quả, không tự mãn về công trạng, cũng chẳng cao ngạo đòi Chúa phải thưởng công cho mình những quyền lợi hay phần thưởng đặc biệt xứng với công trạng của mình.

Một người được cả thế giới kính nể như cố Tổng thống Nam Phi N. Mandela lại nói với đồng bào của mình: “Tôi đứng trước các bạn không phải như một ngôn sứ, nhưng như một đầy tớ của các bạn.” Còn bạn, phải chăng bạn đang tự đề cao mình quá mức, nhất là sau khi hoàn thành các công tác

Cầu nguyện : 1“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người!”

Xin cho con:

2“Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự,

Biết cho đi mà không tính toán,

Biết chiến đấu không ngại thương tích,

Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi,

Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa.

Con xin dâng Chúa con người của con,

Những gì con có xin dâng lại cho Chúa

Này là tự do ý chí của con

Này là trí nhớ trí hiểu của con…

Mọi sự đều là của Chúa

Xin dùng con theo thánh ý Ngài

Xin ban tình thương và ân sủng Chúa. Amen”

(1Lời kinh hòa bình của thánh Phan-xi-cô và 2 lời kinh của thánh I-nhã)

Xin giúp ta nhớ rằng ta chỉ là tôi tớ Chúa, để ta biết từ bỏ ý riêng mình và thực thi ý Chúa. Dù thất bại hay thành công, dù bị chê bai hay được khen ngợi,… xin giúp ta luôn hết lòng phụng sự Chúa, và phần thưởng duy nhất là biết mình đã làm theo ý Chúa.

 

Previous articleVatican và Trung quốc công bố gần đi đến thỏa thuận công nhận của các giám mục
Next articleHÃY ĐỂ THIÊN CHÚA DÙNG TA NHƯ NHỮNG VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG