Arnaud Bédat hay niềm đam mê Đức Phanxicô

47

Arnaud Bédat hay niềm đam mê Đức Phanxicô

Ký giả Arnaud Bédat của Báo Ảnh (L’illustré) đã viết một quyển sách về Đức Giáo hoàng, bây giờ là quyển thứ hai, Phanxicô, một mình chống tất cả, nói về cuộc điều tra rất tỉ mỉ, đôi khi mang rất nhiều lo lắng của ông.

Người ta có thể thấy ông mỗi ngày ở thành phố cổ Porrentruy theo một thông lệ không thay đổi: phòng uống trà Roelli, rồi tiệm cà phê Le Pépin buổi sáng, nơi ông gặp bạn bè; rồi đi qua phòng làm việc, nơi thành phòng biên tập và ông làm việc ở đây suốt ngày. Viết, đọc, điện thoại, gặp gỡ… Một người cao to 1 m 88, tóc lọn quắn màu vàng, dáng dấp khá tròn (ông dứt khoát ăn kiêng nhưng cũng khó tin) như ông cò Maigret mà ông hâm mộ từ lâu.

Trên chuyến bay đi Georgia tháng 9 năm 2016, Đức Phanxicô cười ngất khi biết món quà của ông Arnaud Bédat tặng là sô-cô-la ngài thích ở Buenos Aires. Photo: DR

51 tuổi, Arnaud Bédat nổi như cồn ở thành phố Porrentruy, thành phố yêu thương của ông. Một người con của xứ sở, một ký giả trên thục địa của mình, một người yêu lịch sử địa phương, yêu trường các linh mục Dòng Tên ngày xưa ông học khi ở tuổi vị thành niên, yêu nhà văn Robert Caze, một nhà văn ít ai biết, một người biệt xứ nhận Porrentruy làm quê hương.

“Người viết hàng loạt”

Nhưng con người với những thói quen cố định này là một ký giả sống với đam mê, thường hay mất dạng để lao mình vào một trong các phóng sự nhiều bất trắc mà ông nắm giữ bí mật: động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, nạn dịch chết người ở Trung quốc, đi Senegal tìm gia đình  Nafissatou Diallo, cô bồi phòng bị ông Dominique Strauss-Kahn tấn công, đi Tahiti điều tra vụ ông Laurent Bourgnon mất tích…

Đúng là một cổ máy săn tin đặc biệt, gần đây ông được các nhà xuất bản đủ thể loại ở Pháp đặt viết các đề tài trong nhiều lãnh vực khác nhau: vụ giết ông  Edouard Stern, một chủ ngân hàng ở Geneva, ông đồng tác giả pp quyển sách True crime (Ed. Ring), một quyển sách tưởng niệm ông Jean-Pierre Coffe sắp được nhà xuất bản Larousse phát hành.

Nhưng đam mê cuối cùng của ông là Đức Phanxicô! Ông đã gặp ngài nhiều lần, ông đi theo các chuyến tông du của ngài ở Armenia, Azerbạdjan và Georgia. Hai năm sau quyển sách đầu tiên, Phanxicô, người Argentina (Nhà xuất bản Pygmalion), ông xuất bản quyển thứ nhì, Phanxicô, một người chống tất cả, trong danh mục thế giá Enquête của nhà xuất bản Flammarion. Một quyển sách rơi đúng thời điểm, khi Đức Phanxicô càng ngày càng bị các người công giáo cực kỳ bảo thủ công kích mãnh liệt.

Tchang, Gandhi và Porrentruy

Arnaud Bédat là ký giả của Báo Ảnh từ một phần tư thế kỷ nay, phải nói là ông có một ơn lạ, lúc nào ông cũng ở trong tâm bão của những chuyện đương thời. Một loại bản năng, một năng khiếu phiêu lưu bẩm sinh có từ tuổi thơ ấu. Đi bán sách từ tuổi 16, ông thích sách vở, thích du lịch và đặc biệt thích các tác giả có cả hai năng khiếu này như văn hào Pháp Jules Verne mà thân phụ của ông đã hướng dẫn ông đọc từ năm 12 tuổi, hoặc nhà văn Blaise Cendrars do chính ông khám phá hai, ba năm sau đó. Năm 1983, ông tham dự chương trình Chạy đua vòng quanh thế giới (Course autour du monde), một chương trình truyền hình nổi tiếng giúp ông đi khắp thế giới, ông đã có dịp thực hiện các phim ngắn đầu tiên của mình: phỏng vấn một trong các kẻ đã sát hại thánh Gandhi, một cuộc gặp gỡ với Tchang, người bạn danh tiếng của Tintin trong Hoa sen xanh (Le lotus bleu). Arnaud Bédat sau đó là ký giả, một ký giả theo cách xưa, đến điều tra tại chỗ và trực diện với thực tế.

Ông có phẩm chất độc đáo mà không trường dạy báo chí nào dạy: tính hiếu kỳ! Ông không có một thành kiến nào, không một tiền đề nào, một tư tưởng hoàn toàn tự do. Ông đi gặp người khác, quan sát, lắng nghe, có ý kiến riêng của mình. Người đáng mến, nồng hậu, rất ân cần và cởi mở, têen thực tế, ông là người cũng đáng sợ vì ông không bao giờ lừa bịp ai và ông có một khả năng phán xét gần như không sai. Như văn hào Balzac đã nói, ông có ơn của một cái nhìn bổ túc, cho phép ông nhìn và hiểu vượt ra người các bề ngoài, các ước định, các sự thật nửa vời, các ẩn ý.

 

Để viết quyển sách thứ nhì về Đức Phanxicô, ký giả Arnaud Bédat đã đi Buenos Aires và Vatican, nhưng ông cũng đọc hàng chục tác phẩm chất đống trên bàn làm việc của ông. Photo: Jean Revillard/Rezo

Ông sống ở thành phố nhỏ Porrentruy và khắp nơi trên thế giới. Ông sống như người ta sống ngày xưa, sống ở nơi mình làm việc. Một căn hộ của sinh viên và bên cạnh là phòng làm việc rộng mênh mông, một loại phòng ngó ra mặt đường, nơi có thể nhìn mọi người đi qua đi lại. Người dân khu vực ngừng lại để cho ông thông tin, bạn bè nổi tiếng kéo nhau đến chơi, các cô ngừng lại hôn người đàn ông quyến rũ nhưng dứt khoát sống độc thân, không gì lay chuyển được ông. Ở đây mọi người hút thuốc lá, mùi nhựa khét dính vào tường, chắc chắn chủ nhà này bị khép vào loại những người sống không đúng theo tiêu chuẩn của thời buổi này. Những tràng cười, nhiệt tình hăng hái, các thảo luận, các đam mê! Jack, người bạn thơ ấu đến uống một ly khai vị, Roby người bạn nhiếp ảnh gia đến chơi, Cédric người bạn rầu rĩ vừa có hai cái tang đến thăm, Jean-Jacques, 82  tuổi, người bạn lâu đời, ông bầu ngày xưa của nhà thơ ca sĩ Léo Ferré đến thăm thường xuyên. Cựu bộ trưởng François Lachat cũng là một trong các bạn trung thành của ông. Ông nói: “Tôi mê Arnaud, ông cực kỳ thông minh và nồng ấm. Tôi đáng tuổi cha của Arnaud vì tôi đã 75 tuổi, nhưng chúng tôi như hai người bạn cùng tuổi. Cách đây hai năm, Arnaud có ý tưởng táo bạo là mời Đức Giáo hoàng đến Porrentruy. Nếu ngài đến đây là nhờ Arnaud chứ không phải ai khác. Tôi rất xúc động được biết Arnaud đề tặng tôi quyển sách của anh.”

Chung quanh phòng là hàng đống sách, các áp-phích của danh hài Grock, của Charlie Chaplin, các bi-bơ-lô mang về từ các chuyến đi: Stalin, Lenin, Fidel Castro, Putin, Mao.

Vô thần tự nhiên

Bên cạnh đời sống bình lặng ở Porrentruy là đời sống phóng sự sôi động luôn lôi cuốn ông. Các bạn bè danh tiếng, các buổi dạ hội với mọi người, các người cộng tác, các yêu mến dịu dàng… Ông Gilles Bouleau, người trình bày thông tin của kênh TF1 và cùng viết với ông hai quyển sách về tà phái Đền thờ Mặt trời (Temple solaire) cách đây hơn hai mươi năm. Ca sĩ Garou, lôi ông về dự một buổi dạ hội lớn ở Paris cách đây hai tuần. Ngoài ra còn có Pamela Anderson, Liane Foly, Roch Voisine, MC Solaar… Arnaud Bédat cũng là bạn của Jérôme Kerviel, cựu hối đoái viên của Ngân hàng Pháp (Société générale) mà Arnaud đã đưa đi gặp Đức Phanxicô.

Nhưng trong tất cả các công việc này, Đức Giáo hoàng làm gì ở đây? Arnaud Bédat không phải là người giữ đạo, và ông cũng không phải là người đặt câu hỏi có một đời sau hay không. Người ta có thể nói ông là người “vô thần tự nhiên”, cũng như người ta hay nói “đức tin tự nhiên”. Năm 1977, thân phụ của ông mất lúc ông mới 13 tuổi và từ ngày đó, cái chết  dưới mắt ông là một cái “lỗ hổng đen”. Arnaud Bédat giải thích: “Đức Phanxicô làm cho tôi xúc động, bởi vì đó là một người cực kỳ tốt và chân thành và ngài không chỉ lặp lại tín điều của mình. Tín điều của ngài là đi gặp các tâm hồn thất lạc ở các vùng ngoại vi, dù là ngoại vi địa lý hay hiện sinh. Ngay cả con chiên lạc như tôi, ngài cũng chụp được.”

Hình: Ký giả Arnaud Bédat sửa lần chót quyển sách viết về Đức Phanxicô. Ông nói, đây là kết quả của bốn năm điều tra và bốn tháng viết không ngừng. Jean Revillard/Rezo

Previous articleĐạo lý “khi nắm khi buông” môn đời giá trị của Khổng Tử
Next articleTổng Giám mục Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam để tỏ tình thân ái, tương trợ