DUNG (Nét mặt tươi tỉnh)

51

DUNG (Nét mặt tươi tỉnh)

Có nhiều người, kể cả người không có đạo đã hỏi tôi một câu “cắc cớ” : “Tại sao các linh mục đa phần là đẹp trai hơn những thanh niên khác ?” – mà quả thật là như thế, cố gắng ngồi điểm lại những khuôn mặt của các linh mục hay của các thầy mà tôi quen biết, họ đều đẹp trai, ít nữa là được sáu mươi điểm trở lên, nghĩa là phải trên điểm trung bình.

Người có khuôn mặt tươi tỉnh thì làm cho người đối diện có cảm tình khi trò chuyện, họ chính là những người mà nét lo âu được chôn giấu ở trong tâm hồn, không muốn người khác phải buồn vì nỗi buồn của mình, họ là những người khi vui thì niềm vui này được chia sẻ, nhưng khi buồn thì không ai thấy được nỗi buồn của họ.

Nét mặt tươi tỉnh của các linh mục cũng như thế, không một giáo dân nào thích đến với một linh mục mặt mày nhăn nhăn nhó nhó khó coi, cũng không một ai nhìn thấy được Chúa Giêsu trong một linh mục mà khuôn mặt luôn khó chịu với mọi người. Có một giáo dân nói với tôi : “Vô phúc cho giáo xứ nào có ông cha sở cả ngày nhăn nhó cái mặt, vì họ sẽ được giáo huấn bằng sự…nhăn nhó”.

  1. Dung- là vẻ dáng bên ngoài.

Tôi còn nhớ hồi mười một tuổi đi thử mười ngày để vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện-Huế, và tôi bị đánh rớt với một lí do ghi trong giấy gởi về cho cha sở và gia đình là: khuôn mặt buồn quá. Tôi tức cười và nhớ lại mình là một thằng nhỏ phá phách, luôn cười ha ha, tại sao lại “buồn quá” được ? Tôi mới moi lại trí óc trong mười ngày thử ở Tiểu Chủng Viện có lúc nào buồn không, thì sực nhớ là buổi trưa đó, sau khi ngủ dậy, thì gặp thầy phụ trách (bây giờ làm linh mục) bước vào phòng thấy tôi thì nói : “Sao mặt mày buồn quá vậy !”  Ngủ trưa dậy thì khuôn mặt nào lại không lờ đờ, nhất là trưa hè, vậy là bị phê : khuôn mặt buồn quá, và thế là tôi không được nhận vào chủng viện…

Dung là dáng vẻ bên ngoài của một khuôn mặt, nên gọi là dung mạo, Chúa Giêsu biến đổi dung mạo rực rỡ như mặt trời, nghĩa là đẹp quá sức tưởng tượng của con người. Một linh mục có dung mạo tươi tắn, trẻ trung thì hiện lên nét đơn sơ nơi con người của các ngài, và do đó mà người ta thường thấy nơi khuôn mặt của các ngài toát lên một nét vui tươi và thánh thiện.

Những nét vui tươi thánh thiện ấy là hoa quả của một tâm hồn luôn cầu nguyện và bình an, mà người luôn cầu nguyện và bình an thì không phải là các linh mục sao ? Các ngài luôn cầu nguyện vì đó chính là “nghề nghiệp” của các ngài, các ngài luôn bình an là vì các ngài không phải lo lắng hôm nay lấy gì mà ăn mà mặc, là bởi vì các ngài không gây thù hiềm với mọi người, là vì các ngài luôn đem niềm an ủi lại cho tha nhân… tóm lại các ngài chính là Chúa Kitô thứ hai, mà Chúa Kitô thì chắc chắn là luôn có khuôn mặt thánh thiện vui tươi và dễ thương.

Có nhiều giáo dân mỗi lần đi dự lễ về việc đầu tiên báo cho gia đình biết là : “Cha sở hôm nay cái mặt “bí xị”, không biết ngài giận ai hoặc ai nói ngài cái gì mà cái mặt khó coi quá !” Một nhận xét của con chiên bổn đạo trong khi đi tham dự thánh lễ của cha sở mình, cũng là những tiếng chuông báo động cho chúng ta –những linh mục- để chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mình : cái gì làm cho chúng ta khó chịu khiến khuôn mặt “bí xị”, cái gì làm cho tâm hồn chúng ta vướng mắc, khiến khuôn mặt của chúng ta rầu rầu khi cử hành thánh lễ…!!

Một nét mặt tươi tỉnh nơi một linh mục là điều quý hoá : giáo dân hoặc không phải là giáo dân, người ta lam lũ làm việc mệt nhọc với tất cả mồ hôi nước mắt, sự chịu đựng trong cuộc sống đã làm cho họ mất đi nét vui tươi, cho nên khi nhìn thấy một linh mục có nét vui tươi thì họ rất phấn khởi, họ sẵn sàng nghe theo lời chỉ dẫn của các ngài, họ vui lòng nghe ngài nói chuyện với nét mặt vui tươi, mà không sợ phải mất thời giờ quý báu của họ.

Thời nay có một vài linh mục trẻ, có lẽ vì muốn mình hoà đồng với giới trẻ nên các ngài tóc tai để thật dài, nhìn sau lưng giống như tóc con gái (tóc dài giống con gái chứ không phải người giống con gái, vì các ngài thân hình to lớn không thể giống con gái được), và khi các ngài để tóc dài thì dung mạo của các ngài “biến đổi”, nghĩa là không còn phù hợp với dung mạo một linh mục nữa. Các ngài không biết rằng, thanh niên nam nữ khi nhìn các ngài tóc tai dài xoả ngang vai, mới đầu họ thích đấy vì hơi lạ mắt, nhưng sau đó thì họ sẽ phê bình các ngài ngay : “cha cố gì mà như đứa bụi đời, tóc tai dài thòng…!” Còn các cụ già thì không nói thì các ngài cũng biết, rất nghiêm khắc trong vấn đề này, bởi vì một linh mục dù có uy tín đến mấy chăng nữa mà để đầu tóc dài như thế, thì cũng làm cho phẩm giá của mình hạ giá mấy phần trong con mắt của các giáo dân…

Dung mạo bên ngoài là phản ảnh dung mạo bên trong của tâm hồn.

  1. Dung là dáng mạo của tâm hồn.

Không ai trực diện nhìn thấy dung mạo tâm hồn của người khác, nhưng khi người ta nhìn thấy khuôn mặt của một người, thì họ có thể thấy một phần nào đó dung mạo tâm hồn của người ấy.

Cũng vậy, dung mạo tâm hồn của linh mục cũng sẽ được thể hiện lên khuôn mặt của các ngài, và cái làm nên một dung mạo tâm hồn đẹp đẽ của linh mục được thể hiện qua những nét sau đây :

  1. Dung là Khiêm tốn

Tiên tri Isaia đã nói về dung mạo người Tôi Trung của Thiên Chúa :

“Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt.

sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng.

Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta

mặt mày tan nát chẳng ra người,

không còn dáng vẽ người ta nữa”.

Người Tôi Trung của Thiên Chúa trước hết chính là Đức Kitô, Ngài đã trút bỏ tất cả vinh quang của Thiên Chúa nơi mình, để rồi trên thân xác yếu hèn của con người, Ngài đã trở thành kẻ tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, nơi khuôn mặt của Ngài đã nói lên tất cả tình trạng tâm hồn của Ngài : sự khiêm tốn tột cùng. Dù người Tôi Trung của Thiên Chúa bị đánh tan nát chẳng ra hình dạng con người nữa thì Ngài cũng vẫn là người tôi trung của Thiên Chúa, nghĩa là nơi cái tàn tạ ấy một tâm hồn khiêm cung càng nổi bật hơn khi bị đánh đòn, bị sỉ nhục và chính Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ của nhân loại.

Các linh mục là những tôi trung của Thiên Chúa cho nên dù có bị phỉ báng, dù bị có chửi rủa thì các ngài vẫn luôn là người tôi trung; dù có những lúc các ngài bị chính những giáo dân của mình quay lại “cắn” mình, những lúc đó các ngài đã trở nên giống Chúa Kitô mọi đàng.

Dung mạo của các linh mục được phản ảnh lại nơi tâm hồn của các ngài, mà tâm hồn khiêm tốn của các ngài chính là sự thấm sâu đức khiêm nhường của Chúa Kitô : bị lăng mạ, đánh đòn, vu khống nhưng không hề trách cứ than van, trái lại luôn cầu nguyện và thi ân cho những kẻ ghen ghét mình.

Dung mạo là hình dáng tự nhiên của con người dù đẹp hay xấu.

Nhưng cũng có các linh mục không muốn dung mạo mình được tự nhiên đơn sơ như ý Chúa, bởi vì tâm hồn của các ngài đầy ắp những tư tưởng của thế tục, cho nên có một vài linh mục cứ hai ba tháng thì đi mỹ viện uốn tóc một lần, trước khi mặc áo quần thì chọn lựa lãng phí cả thời gian mà vẫn không vừa ý, ăn cơm thì phải cao lương mĩ vị và chất vấn hạch sách nhà bếp…  Tất cả những biến thái ấy đều bắt đầu tự sự chểnh mảng việc cầu nguyện và suy tư đến thiên chức linh mục của mình đã lãnh nhận, các ngài đã thế tục hóa chính mình và làm mờ thánh chức linh mục nơi mình bằng những công việc chỉ phù hợp với người đời mà thôi: trau chuốt thái quá đến dung mạo bên ngoài và đòi hỏi hưởng thụ –đôi lúc- hưởng thụ hơn cả mọi người, đó là bức tường đen chắn ngang, làm cho giáo dân nhìn mà không thấy dung mạo thật của Chúa Giêsu nơi con người của các ngài vậy.

Thiên Chúa là tình yêu,

Chúa Kitô là tình yêu vì Ngài là Thiên Chúa.

Linh mục là tình yêu vì các ngài là Chúa Kitô thứ hai.

Không một tình yêu nào muốn trổi vượt lên trên người yêu của mình, nhưng là muốn âm thầm phục vụ người bạn thiết nghĩa yêu thương, cho nên khắp nơi và mọi lúc, dung mạo tâm hồn của các linh mục luôn được bày tỏ rõ ràng trong cuộc sống của các ngài, đó là: vui vẻ với mọi người, khiêm tốn phục vụ và lo lắng cho đàn chiên mà Chúa đã trao phó cho mình.

Tình yêu thương của linh mục đối với giáo dân của Ngài, cần phải giống Chúa Giêsu yêu thương đám dân đi theo Ngài để nghe Ngài giảng tin mừng Nước Trời, nếu dung mạo của Chúa Giêsu không toát ra nét dịu hiền đơn sơ và thánh thiện, thì chắc là không một ai theo Ngài, dù cho Ngài có nhiều tài năng. Cũng vậy, người ta đến với linh mục, trước hết là để nghe lời ngài giảng về đạo Chúa, và sau đó được nhìn thấy ngài sống phù hợp với những gì mà ngài đã giảng, thế là họ nhận ra dung mạo tận tuỵ của ngài và đi theo Chúa dưới sự dẫn dắt của các ngài.

  1. Dung là tận tuỵ

Tận tuỵ là lo lắng hết mình cho con chiên bổn đạo đó là bổn phận và trách nhiệm của các linh mục, tận tuỵ cũng là dung mạo tâm hồn của các linh mục được phản ảnh ra trên công việc điều hành giáo xứ của các ngài, mà nét tận tuỵ này đều làm cho người giáo dân liên tưởng đến Chúa Kitô –vị mục tử tận tuỵ hết mình vì đàn chiên- đang hiện diện giữa họ và chăn dắt họ trên đường lữ thứ trần gian.

Tận tuỵ với giáo dân tức là chu toàn bổn phận mục tử của mình: thăm viếng bệnh nhân và người già cả, xức dầu bệnh nhân và trao Mình Thánh Chúa cho họ, và nhất là giúp họ được hoà giải với Chúa bất cứ lúc nào trong bí tích Giải Tội .v.v… là những công việc mà dung mạo tận tuỵ của người linh mục được nổi bật nhất trong đời hoạt động tông đồ của các ngài. Bởi vì cái mà giáo dân cần và rất cần nơi các linh mục của họ, chính là dung mạo tận tuỵ ở trên. Bởi vì tài cao học rộng không phải là mục đích của linh mục, ăn trên ngồi trước không phải là mục đích của linh mục, để người khác phục vụ không phải là mục đích của linh mục. Nhưng mục đích của linh mục, theo hiểu biết của giáo dân, thì chính là làm vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với họ, nghĩa là thay mặt Chúa để giáo huấn dạy dỗ họ đi theo con đường Chúa đi, nói tắt là: làm mục tử, mà mục tử thì phải hết mình vì đàn chiên, tận tuỵ chăm sóc đàn chiên và hi sinh vì đàn chiên như Chúa Giêsu đã làm.

Tận tuỵ là dung mạo của linh mục, khi mà xã hội hôm nay có quá nhiều hưởng thụ, và cung cách quan quyền của những ông quan thế tục, cho nên sự tận tuỵ phục vụ cộng đoàn giáo dân của một linh mục, càng được mọi người đề cao và hết lòng yêu mến giúp đỡ, để vị mục tử của mình được hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Thiên Chúa –qua Giáo Hội- đã trao cho các ngài. Như người vợ hiền tận tuỵ phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội, các linh mục sẽ suốt đời chung thuỷ với Đấng đã kêu gọi và chọn mình để tiếp nối công việc của Ngài; như người mẹ hiền chăm sóc cho con cái mình, các linh mục sẽ hết lòng tận tuỵ với công việc của mình là đi tìm con chiên lạc, dưỡng nuôi đàn chiên trong ràn và chú ý chăm nom đặc biệt đến những con chiên bị bệnh, đó chính là dung mạo tuyệt vời của người tôi tớ Chúa, đó cũng chính là dung mạo mà -người giáo dân hôm nay- trông đợi nơi các linh mục của mình…

Cái nguy hiểm nhất làm cho dung mạo tận tụy của linh mục mất đi, chính là sự thỏa mãn với những gì mình đã làm được, đó chính là những thành công trong việc xây dựng giáo xứ mà ai ai cũng thấy cũng khen ngợi, những việc này dễ làm cho các linh mục tự mãn và tự cho mình được phép nghỉ ngơi, do đó mà phát sinh ra tư tưởng mới ngược với tinh thần và dung mạo của mục tử: hưởng thụ các lời khen ngợi mà quên đi dung mạo tận tụy chăm sóc đàn chiên của mình…

  1. Dung là hiền lành

Người ta, bất kì ai, cũng đều nói rằng những người đi tu là những người hiền lành nhất, bởi vì họ không thù không oán với ai, họ không tranh chấp với người, họ cũng không kiếm tư kiếm lợi cho mình, cho nên họ là những người hiền lành hơn mọi người.

Hình như con người ta hể có chức là có quyền, mà có chức quyền thì tự nhiên cũng không được hiền lành cho lắm, bởi vì cái quyền chức đã làm biến dạng cái bản chất hiền lành của họ .

Chức linh mục là để phục vụ cộng đoàn dân Chúa theo đúng nghĩa mà Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng vì người khác mà phục vụ, đó là mục đích và bổn phận của người linh mục, bởi vì khi linh mục phục vụ là linh mục thực hiện hành vi khiêm tốn mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ của mình: rửa chân cho các ông. Cũng vậy, rửa chân (phục vụ) các giáo dân trong xứ đạo của mình hay bất cứ nơi nào có mặt mình, thì ở đó có sự phục vụ với cung cách khiêm tốn và với dung mạo hiền hòa vui tươi, chứ không phải với khuôn mặt khó chịu hống hách ta đây…

Có một vài linh mục chưa ý thức được vai trò mục tử của mình khi được sai đến với một cộng đoàn, họ vui mừng khi được bề trên sai phái đến một họ đạo đất rộng người đông ở thành phố, hay một địa phương dễ dàng về mọi phương tiện, thì vui mừng và tìm cách đặt gánh nặng trên vai giáo dân với thái độ quan liêu của mình, họ tự mãn vì được ở nơi sung sướng khỏi phải…lo đói, và có thể lên mặt dạy đời các linh mục ở các xứ nhỏ nghèo hơn. Các ngài phải nhớ rằng khi mình được sai đến với một cộng đoàn to lớn, thì việc đầu tiên phải làm là đến trước tượng Thánh Giá quỳ xuống và nói với Chúa : “Lạy Chúa con chỉ là đầy tớ vô dụng”, rồi sau đó xin Chúa ban ơn khôn ngoan để gánh vác trách nhiệm nặng nề ấy, chứ không phải khoe khoang với mọi người rằng mình có tài cán, mình có trình độ, mình thánh thiện đạo đức, nên được sai đến với những xứ đạo to lớn, để rồi dung mạo hiền lành và thánh thiện nơi ngài biến mất, dành cho khuôn mặt thoả mãn và kiêu ngạo…

Dung mạo hiền lành cũng chính là bày tỏ một tâm hồn vui tươi nơi các linh mục, đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã dạy trong Đường Hi Vọng rằng : “Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, cực khổ, đau thương. Thánh thiện là vui tươi liên lỉ vì được Chúa, “được đất trên trời làm gia nghiệp của mình vậy” (ĐHV 532). Thật đúng như vậy, bởi vì đa phần linh mục luôn cố gắng tạo cho mình bộ mặt nghiêm khắc đạo mạo khi tiếp xúc với giáo dân, làm cho giáo dân không dám và không muốn đến gần mình; lại có một vài linh mục cứ nhăn nhó kẻ cả, chấp tay sau lưng khi nói chuyện với người đáng bậc cha chú của mình, đáng tiếc thật !

Hiền lành không có nghĩa là dịu dàng với mấy cô mấy bà giáo dân, và nóng nảy với mấy thanh niên và mấy ông cụ lão trong giáo xứ của mình; hiền lành cũng không có nghĩa là mặc kệ giáo dân tụi bây cứ đấu đá nhau, mà không lên tiếng dạy dỗ bảo ban, Chúa Giêsu rất hiền lành và khiêm nhượng, nhưng Ngài vẫn cầm roi da đánh đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ, làm cho dân chúng bội phục và nhìn thấy nơi Ngài một tâm hồn yêu mến nhà Cha hơn mọi người khác.

Có một vài cha sở rất có thiên vị trong sự “nổi giận và khó tính” của mình, có khi các ngài đang đùng đùng nổi giận với mấy chàng thanh niên, nhưng lại không dám “dùng cánh hoa đánh mấy cô gái” khi họ làm sai trái, cái thiên vị này làm cho người khác –nhất là đám thanh niên- cảm thấy không kính phục cha sở của mình, họ rất biết hối lỗi và sẵn sàng chịu phạt, nhưng họ cũng rất bất bình khi thấy cha sở không công bằng trong cách cư xử với họ, hiền lành cũng không có nghĩa là chỉ “chơi đẹp” với mấy con chiên nhà giàu có máu mặt, mà nóng nảy gắt gỏng với mấy con chiên nghèo nàn. Chúa Giêsu rất không thích những điều hiền lành như thế, bởi vì Ngài đã tạo dựng mặt trời để chiếu soi người giàu cũng như người nghèo, cũng như cho mưa xuống trên người tội lỗi cũng như người công chính…

Dung mạo hiền lành nơi các linh mục rất quan trọng, bởi vì nó phản ảnh lại dung mạo hiền lành khả ái của Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài công khai rao giảng Tin Mừng của Nước Trời cho mọi người. Người ta sẽ vui mừng và vui lòng cộng tác với một linh mục hiền lành độ lượng, hơn là một linh mục thông thái nhưng lại hay gắt gỏng với giáo dân; người ta cũng sẽ sống chết với một linh mục hiền lành dễ mến, hơn là một linh mục cộc cằn thô lổ kiêu ngạo coi mình là “cha” của mọi người.

Có rất nhiều giáo dân “vỡ mộng” khi đón tiếp một linh mục mới đến coi sóc giáo xứ mình, họ vỡ mộng là vì họ nhìn mà không thấy được cái “dung mạo khiêm tốn”, “dung mạo vui vẻ”, “dung mạo tận tuỵ”, “dung mạo lịch sự “nơi cha xứ mới của họ dù rằng cha sở mới trẻ, đẹp trai có tài ăn nói và thông thái. Quả thật như vậy, giáo dân không cần biết cha sở của mình có những tài năng gì, nhưng họ rất cần đến một linh mục hiền lành, khiêm tốn và đức độ, đó chính là tiêu chuẩn “bình dân” mà giáo dân muốn nơi cha sở và các linh mục của mình vậy !

Người vợ hiền tuy không đẹp nhưng dung mạo đáng yêu làm cho chồng nàng vui vẻ và hảnh diện, cửa nhà nàng luôn rộn tiếng cười vui tươi vì nàng đoan trang, biết lo lắng chăm sóc cho gia đình. Các linh mục là hiền thê của Chúa Kitô và Hội Thánh, các ngài được chọn để chăm lo cho đàn con của Chúa giao phó cho các ngài, do đó, dung mạo vui tươi, nết hạnh trổi vượt của các hiền thê (linh mục) làm cho Chúa Kitô và Hội Thánh an tâm, tin tưởng khi các ngài thi hành chức vụ của mình trong bổn phận mục tử…

Previous articleCÔNG (khéo tay)
Next articleNGÔN (Ăn nói lịch sự)