LUẬT THIÊN CHÚA : LUẬT CỦA TÌNH YÊU

97

 

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định một điều xem ra mâu thuẫn với thái độ của Ngài: Ta đến để kiện toàn, chứ không phải là để huỷ bỏ lề luật và các tiên tri. Trong lời khẳng định này của Chúa Giêsu, chúng ta phải hiểu là không khi nào lề luật, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sẽ mất hiệu lực, nghĩa là sẽ mất tính cách bắt buộc. Vậy phải cắt nghĩ làm sao điều xem ra như mâu thuẫn giữa lời tuyên bố và hành động của Ngài đối với lề luật?

Luật Thiên Chúa còn đó ! Đúng như lời Ngài đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc giáo huấn của các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, và cho đến khi mọi sự được hoàn thành, thì một chấm một phết trong sách luật cũng không thể bỏ đi được” (Mt5,17-18).

Về phần Đức Giêsu, Người luôn khảng định việc căn kẽ giữ luật là cần thiết “một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Các môn đệ hiểu rõ điều đó cho nên sau này, kể cả khi Đức Giêsu đã về trời, họ vẫn tuân giữ căn kẽ mọi lề luật Môsê. Các tông đồ còn muốn mọi tín hữu (nhất là các người gốc Do Thái giáo) phải tiếp tục giữ trọn luật pháp theo lời Chúa dạy: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tuy nhiên, sứ mạng đích thực của Đức Giêsu không nhằm kêu gọi dân chúng giữ luật. Điều này đã được các Pharisêu, các luật sĩ… và Gioan Tiền hô làm bằng nhiều cách. Người khảng định: “Thầy đến… để kiện toàn luật Môsê!” Và không chỉ Người, mà bất cứ kẻ nào tin vào Người cũng phải kiện toàn lề luật như thế: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vài Nước Trời”.

Thiên Chúa đã trao ban cho con người một thứ quà tặng quý giá đó là sự tự do. Chính sự tự do, này nếu chúng ta biết sử dụng, sẽ đem lại cho chúng ta vẻ cao quý, bằng không nó sẽ vùi chúng ta xuống tận bùn đen.

Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự Ngài một cách tự do, không ép buộc, bởi vì hành động của một kẻ nô lệ, của một người máy thì làm sao tạo được công nghiệp. Sự tự do là như một chiếc chìa khoá, nhờ đó mà mở ra khung trời hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến biết bao nhiêu tội ác.

Thiên Chúa không bao giờ cưỡng bức chúng ta phải phụng thờ Ngài. Nhưng đồng thời, Ngài cũng không bao giờ làm cho bàn tay của kẻ độc ác bị bại liệt.

Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng kiện toàn lề luật và kiện toàn ở đây không có nghĩa là tuân giữ lề luật một cách chín chắn, trọn đủ, mà có nghĩa là làm trọn, làm cho lề luật có đầy đủ ý nghĩa của nó.

Khi Thiên Chúa tuyển chọn và kết giao ước với dân riêng của Ngài, Ngài đã ban cho họ mười điều răn, cốt yếu là những điều cấm, quy định ranh giới sinh hoạt mà kẻ thuộc về Ngài không thể vượt qua. Ở đây cũng cần phải lưu ý mười điều răn không phải là những điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Ngài, mà trái lại, giao ước đã được ký kết do sáng kiến của chính Thiên Chúa, rồi sau đó, mười điều răn mới được mạc khải cho dân Ngài.

“Luật trần gian” có giới hạn của nó. Lòng tham, sự yếu đuối, cùng với khát vọng vô bờ bến, con người không thể sống tốt chỉ với những luật lệ trên giấy trắng mực đen đó. Người ta có thể lòn lách để trách né luật lệ, và có khi dùng chính luật lệ đó để bảo vệ sự an toàn cho mình và sống lạnh lùng đối với tha nhân.

Khi chúng ta lắng nghe cách cẩn thận những lời của Chúa Giêsu trong bài giảng của Người hôm nay, chúng ta có thể kết luận rằng, Chúa Giêsu dạy chúng ta tình yêu dành cho Thiên Chúa không tách biệt tình yêu dành cho người lân cận của chúng ta. Thật là một lỗi nghiêm trọng để hành động nếu chúng ta đặt quan hệ của mình với Thiên Chúa với tư cách cá nhân và riêng tư, không có gì để làm với tha nhân. Khi chúng ta hiểu biết Thiên Chúa như một người Cha, chúng ta phải dành tình yêu của mình cho tất cả con cái của Người.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ thực hành niềm tin bằng cách: đừng giận ghét. Chúa dạy như vậy có khả thi không? Bởi vì trên đời này, dù một người hiền lành đến mấy cũng không tránh khỏi đôi lần nổi giận. Chính Chúa Giêsu cũng đã nổi giận với những người buôn bán trong Đền thờ kia mà!

Chúa dạy đừng giận ghét, thì ta phải hiểu rằng: ta không được ghét ai, nghĩa là loại trừ họ, đó là điều trái với đức thương yêu, nhưng đồng thời ta cũng phải tập làm chủ nhưng cơn nóng giận của mình. Việc đó có thể làm được với ơn Chúa và nhất là với đời sống cầu nguyện, vì đó là cách thức chúng ta dễ nâng tâm hồn lên với Chúa để Ngài thanh luyện tâm hồn chúng ta thuộc về Chúa và gần gũi với tha nhân hơn.

Tình yêu chính là Luật Mới đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”, nghĩa là Đức Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người sẽ không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa người với người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.

Luật mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới, tạo nên “Nước Trời”: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”. Trong một số ví dụ được Đức Giêsu đưa ra như giết người, gian dâm, bội thề… Luật mới không chỉ dừng lại ở những hành động tội ác, mà đòi hỏi phải đổi mới tận chiều sâu của tâm hồn, tận trái tim yêu thương

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần phúc âm. Hãy ăn ở ngay lành. Hãy làm việc thiện. Hãy từ bỏ những tính hư nết xấu, những đam mê tội lỗi. Đừng có đạo mà sống xa rời tình nghĩa với anh em, xa rời tình nghĩa với Chúa. Đạo không dừng lại ở việc tuân giữ điều này điều kia mà còn thể hiện tình liên đới, sự chia sẻ, cảm thông với anh em. Đạo được quy chiếu vào lòng mến. Mến Chúa thì phải yêu mến anh em. Tình yêu đó đòi hỏi phải sống hiệp thông với nhau trong yêu thương và tha thứ. Tình yêu đó đòi hỏi tránh xa những mâu thuẫn, những ghen ghét, giận hờn. Chúa còn coi trọng sự hoà giải với nhau hơn cả việc đến dâng của lễ. Vì khi “anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người đang bất bình với anh, thì hãy bỏ của lễ mà đi làm hoà trước đã rồi hãy trở lại mà dâng lễ”.

Nhìn vào thế giới hôm nay đó là một thế giới đầy bạo lực. Con người không cần lý lẽ. Người ta có thể dùng quyền để bẻ cong công lý. Người ta dùng sức mạnh để đè bẹp tự do và xâm phạm quyền sống của tha nhân. Vâng, giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng bạo lực, bằng gươm đao. Giữa một thế giới mà lòng nhân đã đánh mất chỉ còn sự giả hình, hay nhẹ hơn là mạnh ai nấy lo, sống thiếu tình liên đới với nhau. Người kytô hữu cần phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta hãy nhịn nhục lẫn nhau. Vì Chúa chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Vì Chúa chúng ta hãy “chín bỏ làm mười”, sống vị tha và bác ái với nhau.

 

Previous articleLÒNG CHẠNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Next articleĐỨC MẸ CỨU CHỮA CÁC TỘI NHÂN