HÃY LOẠI BỎ LÒNG DẠ QUANH CO

36

Phụng vụ tuần thứ 4 đang dẫn chúng ta từng bước đến đỉnh cao của mầu nhiệm thập giá. Nhưng để diễn tả mầu nhiệm tình yêu này, Đức Giêsu đã trải qua nhiều khổ đau cho đến chết.

Sự cứng lòng của những người Do Thái không tin đã nhốt kín họ trong những định kiến mê muội đối với những hành động khẳng khái của Chúa Giêsu. Thay vì khách quan đặt lại vấn đề để tìm ra nguyên do nào đã thúc đẩy Chúa hành động bất chấp nguy hiểm như thế, họ chỉ một mực bưng tai bịt mắt khư khư giữ lấy lập trường riêng của mình. Họ đem lòng dạ quanh co xấu xa của họ ra xét đoán tha nhân và những sự việc xảy ra chung quanh. Họ không nhận ra được sự thật mà Chúa Giêsu đã mang đến; cũng không nhìn thấy hình ảnh của Ðấng Thiên Sai nơi Chúa Giêsu. Thật ra, đó chỉ là những hình ảnh thô thiển do cái nhìn chủ quan của họ tạo ra. Còn Ðấng Cứu Thế đích thực đang đứng trước mặt họ thì họ lại khước từ.

Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy người Do Thái đang lăm le tìm bắt Đức Giê-su để tố cáo Người. Nhưng tác giả Tin Mừng thứ tư trình bày một Đức Giê-su uy quyền, Người không để cho người Do Thái tìm bắt Người một cách dễ dàng, bao lâu Người chưa mạc khải về nguồn gốc thần linh của Người cho họ.

Biến cố Thập giá và Phục sinh của Đức Giêsu-Kitô, hạnh phúc “trong lòng Abraham” của Lazarô, cái chết tất yếu của tất cả mọi người… chính là lời giải đáp của Thiên Chúa cho những thách thức và những thái độ kiêu căng, tự phụ của con người, rằng Thiên Chúa luôn luôn vẫn là Chúa Tể của lịch sử và là Đấng mang lại hạnh phúc đích thực cho con người (Kn 2, 21-22; Ga 7, 30)

          Trong câu tường thuật đầu tiên, thánh Gioan nói Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê, chứ không muốn đi lại trong miền Giuđê vì người Do Thái đang tìm giết Người (c.1). Thực ra, đâu phải chỉ có người Do Thái đang tìm giết Người, nên Người không qua lại trong miền Giuđê, mà cả những người thân trong gia đình của Người cũng không tin Người (c.5). Họ muốn Người không chỉ qua lại miền Giuđê mà còn muốn Người lưu lại ở đó, vì họ cho rằng Giuđê là nơi Thiên Chúa mạc khải, còn Galilê là miền tối tăm u ám (xc.27), nhưng Đức Giêsu từ chối “đóng đô” ở Giuđê.

Hôm đó cũng là ngày Lễ Lều. Lễ này muốn nhắc cho người Do Thái nhớ thời họ còn lưu lạc ở trong Sa mạc. Lễ này được cử hành vào mùa thu cũng là mùa hái nho. Trong dịp lễ này, người Do Thái thường cầu mưa cho mùa màng sắp tới, nên trong 7 ngày họ rước nước từ hồ Siloê về tới Đền thờ, rồi tưới lên bàn thờ; còn dân chúng tay cầm nhành lá và rước theo sau.

Các môn đệ của Đức Giê-su cũng lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ này, Đức Giê-su cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật (c.10). Nhưng Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an muốn cho thấy quyền uy ở trong Người. Người quyết định một cách tự do trong việc đi lại chứ không vì sợ người Do Thái, bằng chứng là Người vẫn tiếp tục giảng dạy và trả lời một cách rõ ràng cho những kẻ chỉ tin bằng mắt thấy tai nghe.  Họ suy nghĩ theo “tính xác thịt”, nên không nhận ra Đức Giê-su chính là Messia mà họ mong đợi. Họ cho rằng gốc gác của Người quá rõ ràng và còn quả quyết là mình biết Người : “chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi” (c.27b), bởi thế Người không thể là Đấng Messia được. Đối với họ, Đấng Messia phải là người có nguồn gốc từ trời cao, là đấng quyền năng, bí ẩn…

Thừa cơ hội này, Đức Giê-su đã cho họ thấy, Ngài chính là Đấng Messia có nguồn gốc từ thần linh ấy, và Đấng quyền năng bí ẩn đó cũng chính là Người, vì họ không biết Người “từ Chúa Cha mà đến” (c. 29) và Người “đi đến cùng Đấng đã sai Người” (c. 33).

Do đó, Người tỏ uy quyền bằng cách không để cho họ bắt Người, vì “giờ của Người chưa đến”.  “Giờ” đó còn có nghĩa là chưa tới lúc thuận tiện để mạc khải mầu nhiệm cao cả của Người cho con người. Vì thế, Người hoàn toàn tự do trong việc mạc khải, chứ không do can thiệp của loài người. Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu hơn về cái chết của Người : Người chủ động lên Giê-ru-sa-lem để chịu nộp mình và chịu chết, chứ không để người ta lùng bắt và giết chết Người. Hành động của con Người đó chính là con người thật mà thánh sử Gioan muốn diễn tả trong bài Tin Mừng của Ngài.

Người Do thái nghĩ rằng họ biết Chúa Giêsu. Nhưng Ngài thật sự là ai và từ đâu đến thì họ hoàn toàn mù tịt. Với một cái biết hạn hẹp như thế nhưng họ lại cứ đinh ninh rằng mình biết. Thật là “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.” Đối lại, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người về nguồn gốc thần linh của mình: Ngài đến từ Chúa Cha. Vì thế, nếu ai nói biết Ngài thì đồng thời phải biết Chúa Cha; ai nhìn nhận Ngài là nhìn nhận Chúa Cha; và ai tin Ngài cũng là tin vào Tình Yêu của Cha.

Người Do Thái chỉ biết Ðức Giêsu xuất thân từ gia đình Nazarét, nhưng họ không biết Chúa Cha nên không tin nhận Ngài là Ðức Kitô. Còn Ðức Giêsu, Ngài biết Thiên Chúa, và thực sự Ngài là Ðấng Thiên Sai.

Biết Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa, đó là đích điểm cuộc đời mỗi người Kitô hữu. Ðể biết Thiên Chúa, chúng ta phải qua trung gian là Ðức Giêsu, con đường dẫn đến ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta phải chuyên cần tìm hiểu, gặp gỡ Ðức Giêsu trong Thánh Kinh, trong cuộc đời và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Không ai trong chúng ta đã chọn lựa được sinh ra, không ai trong chúng ta đã chọn lựa chủng tộc, cha mẹ, dân tộc để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số trong chúng ta sẽ chọn lựa cho mình một cuộc sống khác.

Người Do thái ‘bị trật đường rầy’ ở chỗ này vì họ tưởng rằng chỉ cần biết lý lịch Đức Giê-su là con bác thợ mộc làng Na-da-rét là đã nắm rõ được gốc gác của Ngài. Chúa Giê-su chỉnh lại cái nhìn đó: Ngài từ Thiên Chúa mà đến; mà muốn lãnh hội được những gì thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là những mầu nhiệm, thì phải có công cụ thích hợp đó là cặp mắt đức tin.

Sự cứng lòng của những người Do Thái không tin đã nhốt kín họ trong những định kiến mê muội đối với những hành động khẳng khái của Chúa Giêsu. Thay vì khách quan đặt lại vấn đề để tìm ra nguyên do nào đã thúc đẩy Chúa hành động bất chấp nguy hiểm như thế, họ chỉ một mực bưng tai bịt mắt khư khư giữ lấy lập trường riêng của mình. Họ đem lòng dạ quanh co xấu xa của họ ra xét đoán tha nhân và những sự việc xảy ra chung quanh. Họ không nhận ra được sự thật mà Chúa Giêsu đã mang đến; cũng không nhìn thấy hình ảnh của Ðấng Thiên Sai nơi Chúa Giêsu. Thật ra, đó chỉ là những hình ảnh thô thiển do cái nhìn chủ quan của họ tạo ra. Còn Ðấng Cứu Thế đích thực đang đứng trước mặt họ thì họ lại khước từ.

Mùa Chay, mùa của hoán cải, chúng ta được mời gọi thay đổi trước tiên cái nhìn của chúng ta. Tin nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận Ngài, là đi vào cái nhìn của Ngài, là đánh giá mọi sự bằng chính cái nhìn của Ngài. Mùa Chay là mùa quay trở lại với anh em. Ước gì cái nhìn của chúng ta đối với anh em không dừng lại theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, nhưng được mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung, tha thứ của Chúa. Ước gì cái nhìn của chúng ta về cuộc sống không đóng khung trong những phán đoán thông thường của người đời, nhưng được hướng dẫn bởi những tâm tình tin tưởng, phó thác, lạc quan của chính Chúa.

Sự hiểu biết về Đức Ki-tô không phải là quá trình cân đong đo đếm trong phòng thí nghiệm, mà là một cảm nghiệm trong sự hiệp thông, là mở lòng đón nhận Ngài với niềm tin và tình yêu mến, để sẵn sàng chia sẻ với Ngài, đi theo Ngài trên con đường khổ giá. Lời Chúa hôm nay là dịp để ta kiểm tra mình đã có công cụ đức tin để nhìn thấy mầu nhiệm Thiên Chúa chưa.

 

Previous articleHÃY TIN ! ĐỪNG CỨNG LÒNG NỮA
Next articleCăn bệnh hiểm nghèo