CÂY BẤT TUÂN – CÂY VÂNG PHỤC

220

CÂY BẤT TUÂN – CÂY VÂNG PHỤC

          Từ thuở tạo thành, Thiên Chúa cho con người được tự do chọn cung cách sống cho mình. Đứng trước sự tự do mà Thiên Chúa trao ban, ông bà nguyên tổ đã đưa tay chạm đến cây trái cấm. Từ khi chạm và hái cây trái cấm đó, tội lỗi đã lan tràn khắp mặt đất này.

          Từ bất tuân này đến bất tuân khác đã diễn ra trong suốt hành trình cứu độ, trong lịch sử cứu độ nhân loại.

          Bất tuân của Ađam dường như đã ăn vào máu của mình để rồi tất cả các con cháu không thoát khỏi cái tội tổ tông ấy. Từ đâu sinh ra sự bất tuân ? Chính vì sự cao ngạo, muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình.

          Cain đã giết chính người em ruột của mình cũng chỉ vì cao ngạo.

          Dân Do Thái đã quá nhiều lần loại trừ Thiên Chúa ra đời mình. Dân đã không tin tưởng vào tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho họ.

Họ nghi ngờ lòng thương xót của Chúa: không biết Chúa có thương mình không, hay Thiên Chúa đem họ ra khỏi Aicập để mượn nỗi khổ gay gắt của sa mạc để giết chết họ? Lòng dân nổi loạn đến mức, có lần ông Môsê thất vọng cùng cực, than thở với Chúa: Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12tt).

Hẳn ta còn nhớ tháp Babel: do lòng kiêu căng sinh ra sự bất hòa và hỗn loạn. Lòng kiêu căng khiến con người không còn có thể hiểu nhau (Kinh Thánh dùng hình ảnh là ngôn ngữ họ bất đồng) và họ bị phân tán đi khắp nơi trên mặt đất.

Chính Thiên Chúa dẫn dắt, bảo vệ, và huấn luyện dân. Chính Thiên Chúa chọn cho họ con đường phải đi qua dù không phải là con đường ngắn nhất. Thời gian sa mạc đặc biệt quý báu để dân ý thức về khả năng trung thành của mình.

Ngay từ những chặng đầu và kéo dài suốt hành trình : dân kêu ca vì thiếu thức ăn, thiếu nước, thiếu an ninh. Họ hối tiếc đời sống dễ dãi ở Ai Cập. “Thà sống kiếp nô lệ hơn là cuộc phiêu lưu nguy hiểm”. Sa mạc phơi trần lòng người. Có những lần Chúa trừng phạt để cảnh cáo nhưng nhờ lời Môisen cầu bầu Chúa lại tha : Chúa ban cho dân thức ăn là Manna, chim cút, và nước uống từ tảng đá chảy ra cách kỳ diệu. Ngài cứu giúp lạ lùng như việc con rắn đồng.

Kinh nghiệm sa mạc cho họ hiểu là: “Đừng thử thách Chúa” (Tv 78,95). Thời sa mậc như là thời kỳ “Đính hôn” của Thiên Chúa với Dân Ngài. Sau này trong những lúc Dân lỗi phạm đến Chúa, Ngài lại nhắc nhớ họ thời kỳ sa mạc: “Ta sẽ dẫn chúng vào sa mạc, lòng bên lòng, Ta sẽ nói với chúng”.

          Ngược lại với cây bất tuân trong vườn địa đàng, ta thấy một cây vâng phục được giương lên. Cũng do chính con người để rồi cây vâng phục đó hoàn thành trách nhiệm một cách mỹ mãn hơn.

          Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa. Thiên Chúa nêu cao sự khải hoàn của con Ngài cũng bằng chính sự bất tuân. Gậy ông đập lưng ông ! Theo kiểu nói của trần gian bình dị. Chính khi con người ta cao ngạo, người ta bất tuân thì hình ảnh của Thiên Chúa lại chói ngời bởi sự vâng phục của Ngôi Lời Nhập Thể.

Thái độ của Đức Giêsu : Đức Giêsu được Gioan giới thiệu như là kiểu mẫu của vâng phục. Chu toàn Thánh Ý của Cha với lòng vâng phục chính là nét đặc trưng nhất trong sứ mạng khổ nạn của Đức Giêsu. Ngài đến là để thi hành ý muốn của Cha : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4, 34). Thánh Phaolô cũng giới thiệu cho chúng ta khuôn mẫu vâng phục của Đức Giêsu. Từ khi bước vào đời cho đến khi chịu chết trên thập giá, Người chỉ sống trong vâng phục : “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (Pl 2, 8 ; Dt 10, 5-7; Rm 5, 19). Thư Do thái cũng đồng một quan điểm : “Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Ngài” (Dt 6, 8-9).

Sự vâng phục của Đức Kitô hệ tại ở chỗ hoàn toàn phó thác trong tay Cha và làm theo ý Cha. Thái độ này được thánh Gioan nhấn mạnh khi nói rằng, Ngài đến trong thế gian này là để chu toàn Thánh Ý Chúa Cha : “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 28-29). Sự vâng phục còn được thể hiện qua việc kết hợp của Ngài với Chúa Cha : “Ta với Cha là một” (Ga 10, 38). Tột đỉnh của sự vâng phục này là sự hy sinh trên Thập giá, điều này đã được thánh Phaolô ca ngợi : “Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá, chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 8 ; Rm 5, 19).

Đức Kitô, Người Tôi Trung, luôn sống và thi hành mọi việc theo ý Chúa Cha. Người Kitô hữu cũng thế, chúng ta giống như một người đầy tớ trung thành, không bao giờ theo sáng kiến hay mệnh lệnh riêng của người ngoài, nhưng trong mọi sự và trong mọi hoàn cảnh hãy nói : “Để hỏi ý chủ tôi xem đã”. Người tôi tớ trung thành của Chúa, trước khi làm việc, phải tự nhủ : “tôi phải cầu nguyện giây lát để xem ý Chúa muốn tôi làm gì”. Như thế, ý của Chúa ngày càng thâm nhập vào đời sống của ta, từng thớ thịt ta, làm cho ta trở thành một “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12, 1).

          Không phải Chúa Giêsu chỉ bị cám dỗ về sự bất tuân ngày hôm nay mà dường như suốt cả đời Người luôn bị nó theo đuổi. Cách đặc biệt nhất là vào những giây phút cuối đời của Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi nghĩ đến cái chết đang cận kề Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi và thấp thỏm. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến 2 lần. Lần thứ nhất: ” Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b). Lần thứ hai: ” Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Đây chính là vũ khí lợi hại nhất mà Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ. Vũ khí ấy là luôn trông cậy và phó thác vào tình yêu của Chúa Cha.

Nhìn lên Thánh Giá, người Kitô hữu không chỉ ôn lại một kỷ niệm, nhưng còn thấm thía nỗi đau trong tâm hồn, vì họ nhận ra dấu vết khủng khiếp do tội lỗi chính mình gây ra. Từ giữa bóng đêm tội lỗi ấy, lại tuôn trào sức sống Phục Sinh khơi nguồn từ Thánh Giá Chúa Kitô.

Nguồn Phục Sinh chỉ đến và ở lại với những ai bước đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha như Chúa Giêsu đã đi mà thôi.

          Napoleon đã nói: “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình”. Thật vậy, khi bước theo Chúa Giêsu trên con đường vâng phục, người Kitô hữu được mời gọi “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Chiến thắng để từ bỏ chính mình là sự chiến thắng và từ bỏ sâu xa nhất. Ước mong với ơn Chúa cùng những trợ lực và cố gắng từ bản thân, người Kitô hữu sẽ luôn biết soi đời mình nơi Đức Ki-tô để biết tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, vâng phục trong yêu thương và trách nhiệm hầu có thể ngày một trưởng thành và triển nở hơn trong đời sống Kitô hữu của mình.

Nhờ đức vâng phục, các Kitô hữu sát tế ý riêng mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Hy lễ đó là hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì sát tế ý riêng cũng là sát tế chính mình. Đó cũng là phương thế hữu hiệu bậc nhất để tự thánh hóa bản thân. Nói theo cách của Tin mừng Gioan, sát tế có nghĩa là phải trở nên mục nát như hạt giống được gieo vào lòng đất : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó sẽ sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đức vâng phục làm cho “cái tôi của ta chết đi, nhường chỗ cho Đức Kitô ở trong ta lớn lên. Chính Đức Kitô đã nêu gương sát tế ấy cho chúng ta: “Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8

 

Previous articleTHỨC !
Next articleÁNH SÁNG CHÚA KITÔ