CHA TÔI !

114

          Ngược lại tính của Mẹ, Cha tôi là người trầm lắng và rất kiệm lời. Những dịp đặc biệt, người này người kia đến thăm gia đình và ngay cả khi có cha cụ đến nhà thì Cha tôi vẫn thế, vẫn tĩnh lặng như ngày nào. Và, để khỏi phải thất lễ, con cháu trong nhà lại phải “mồi” cho ông những tâm tình đáp lễ.

          Xét theo kiểu bình thường, người Cha trong nhà không nói hay nói ít thì là điều bất lợi nhưng với anh chị em chúng tôi thì không. Chính sự tĩnh lặng và trầm lắng của người Cha như khiên che thuẫn đỡ cho anh chị em trong nhà bằng lời cầu nguyện và sức chịu đựng của thời gian.

          Dẫu nhận thánh Antôn làm Quan Thầy nhưng hình bóng của Thánh Cả Giuse in đậm trong cuộc đời của dòng họ bên nội cũng như chính bản thân Cha của mình. Tất cả anh chị em bên họ nội của Cha tôi cũng lặng thầm trong cuộc sống.

          Hai chục năm về trước, trong ngày Lễ an táng của người bác ruột cũng chính là bõ đỡ đầu ngày rửa tội của tôi thì hình ảnh người bác được Cha chính xứ vẽ nên như một bức tranh thủ mạc trầm và lắng. Trầm và lắng đến độ không tưởng bởi lẽ cả đời người bác ấy chưa bao giờ to tiếng với vợ con. Chỉ duy nhất 1 lần bực dọc điều gì đó bác kiềm chế không được nên đã đập cái đĩa xuống đất. Chỉ lần duy nhất đó nhưng Bác áy náy suốt cả đời và tự nhủ không bao giờ nổi nóng nữa.

          Hẳn nhiên trong cuộc sống, nóng giận có lúc có lợi vì trút được những gì trong tâm trí nhưng xét cho bằng cùng thì nó chẳng thể giải quyết được chuyện gì. Có khi nó càng làm cho sự việc nên căng thẳng và tình người không còn nữa.

          Giữa cuộc đời, mỗi người chọn cho mình cung cách sống cũng như tâm tính trước mọi vấn đề. Cha tôi hẳn nhiên với tính cách trầm lắng và nhẹ nhàng đã thinh lặng trước mọi vấn đề của cuộc sống.

          Có lẽ chọn lựa cho mình thái độ trầm lắng và nhất là chìm sâu trong đời sống nội tâm cầu nguyện chính là tố chất góp thêm phần cho cuộc sống của lũ cháu đàn con.

          Xét cho bằng cùng về đời sống kinh tế và vật chất Cha không bằng Mẹ nhưng không vì thế mà Cha bị coi thấp. Mẹ là người tạo dựng cơ đồ nhưng Cha lại là người trầm lắng ngày đêm cầu nguyện để cho cơ đồ và nhất là gia đình nhỏ bé đong đầy hạnh phúc vô biên. Mẹ, có thể là tảng băng nổi mà mọi người nhìn thấy nhưng Cha chính là tảng băng chìm để chia sẻ mọi gánh nặng của nhân gian.

          Ngày của Cha như nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta về hình bóng ấm áp như vầng Thái Sơn, ngọt ngào êm đềm nước xuôi đầu nguồn. Công Cha sinh thành dưỡng dục ta thật lớn để rồi dù có bù đắp như thế nào đó cũng không đủ không xong.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ,

Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,

Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!

Hãy làm chút gì đó để gọi là tưởng nhớ đến nghĩa mẹ tình cha bởi đơn giản : “Một ngày nào đó không còn mẹ cha vẫn nhớ tình sâu, biết đền đáp đâu. Xin cho những ai còn cha mẹ vẹn tròn nghĩa hiếu tình son”

Những ngày còn lại của cuộc sống nhân gian, xin Chúa ban cho Cha sức khỏe và sự bình an để sống trong tuổi già thật thanh thoát. Xin Chúa cho Cha sống thật lâu và thật dài với lũ cháu đàn con.

Không phải chỉ đến ngày của Cha, ngày sinh nhật, ngày Bổn Mạng mới nhớ đến nghĩa mẹ tình cha nhưng ngày mỗi ngày trong cuộc sống, giờ mỗi giờ trong cuộc đời, phút mỗi phút với cuộc đời và giây mỗi giây còn thở với cuộc đời hãy trân quý tình Cha nghĩa Mẹ bởi tình Cha nghĩa Mẹ thật cao thật sâu, thật đầy và lắng lắm ai ơi !

 

Previous articleĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI
Next articleBA NGỌN NẾN LUNG LINH