ĐỨC GIÊSU KITÔ – NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ

261

LỄ CHÚA CỨU THẾ: Ga 3,13-18.21

ĐỨC GIÊSU KITÔ – NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ

Khi mới bước chân vào Đệ tử viện, tôi đã được Cha Giám Đốc dạy cho bài hát Chúa Cứu Thế: “Lạy Vua Cứu Thế là Hoàng Đế chiến thắng vinh quang. Nguyện xin nung đốt sáng lòng mến yêu. Hầu con nên xứng vị thần sứ trung kiên qua muôn nguy biến truyền Tin Mừng…”

Với lời ca thật hay và tiết điệu mạnh mẽ, bài hát đã có sức hút cuốn hút và làm cho tôi say mê. Và thế là, qua ca từ của bài hát, phần nào đã giúp cho tôi cảm nghiệm được một Vị Thiên Chúa thật oai hùng, nhưng cũng thật nhân hậu và giàu lòng thương xót. Ngài sẵn sàng cúi xuống để nâng con người lên, cho dẫu con người có chìm ngập trong tội lỗi. Để rồi qua năm tháng được đào tạo trong nhà dòng, tôi được thấm đẫm tinh thần của Dòng là ra đi mang ơn cứu độ đến cho những người nghèo, những người cô thân tất bạt.

Vì thế, mừng Lễ Chúa Cứu Thế chính là cơ hội để cho tôi có thể nói về một con người mang tên Giêsu, một con người vừa là Thiên Chúa thật và cũng vừa là người thật.

Vẫn biết rằng, nói về Chúa Cứu Thế, chắc chắn chẳng có từ ngữ nào có thể lột tả hết được tất cả những gì cao quí nhất của Ngài hay nói một cách khác, ngôn ngữ loài người không thể nào trình bày cho hết được về Ngài. Nhưng thiết nghĩ, chỉ có lòng mến, chỉ có con tim mới giúp ta cảm nghiệm về Ngài để rồi xin chia sẻ chút tâm tình về Chúa Cứu Thế của mình.

Thưa ÔBACE, lần giở lại những trang Kinh Thánh, ta gặp thấy trong Cựu ước, Thiên Chúa thường được mô tả là một vị Thiên Chúa quyền phép, oai hùng. Một Vị Thiên Chúa luôn đồng hành với dân và giúp dân vượt thắng sức mạnh của thiên nhiên và chiến thắng quân thù.

Trong cơn Hồng thủy, Thiên Chúa đã ra tay cứu thoát cả gia đình ông Noe khỏi bị chết chìm trong biển nước (Kn 10,4; St 7,23).  Và với ông Mose, Thiên Chúa đã giải cứu dân thoát khỏi ách nô lệ của người Ai cập (Đnl 5,15). Rồi qua Đavít, Thiên Chúa đã cứu dân của Ngài khỏi quân thù Philitinh và những kẻ thù xung quanh khác (2Sm 3,18). Và qua ông Giuse, Thiên Chúa cũng đã cứu thoát con cái Giacop khỏi nạn đói đang hoành hành (St 45,5)… Thế nên, với thời gian, qua các vị Ngôn sứ, Thiên Chúa giúp cho dân dần nhận ra chính Ngài là Đấng tạo nên ơn cứu rỗi chứ không phải là một vị thần nào khác, chính Ngài sẽ giải thoát những ai bị áp bức, chính Ngài cũng sẽ băng bó những tấm lòng đang tan nát và công bố lệnh ân xá cho ai đang bị giam cầm… (Is 61,1-2)

Và sang thời Tân ước, ơn cứu độ được mạc khải cho nhân loại một cách rõ ràng và cụ thể hơn nơi chính Đức Giêsu Kitô. Vì thế, khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã trở nên ứng nghiệm cho tất cả những gì mà các ngôn sứ đã báo trước về Ngài. Ngài mặc lấy xác phàm để cùng sống kiếp lầm than của phận người. Ngài sẵn sàng cúi xuống để nâng con người lên. Thế nên, Phaolo đã cảm nghiệm được sự tự hủy của Đức Giêsu nên ông đã nói trong thư Philip rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng Ngài không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).

Cho nên, ta có thể nói được rằng, Chúa Cứu Thế chính là quà tặng quí giá mà vì yêu thương nên Chúa Cha đã ban cho thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Sách Dân số kể lại rằng, năm xưa, trong sa mạc, dân chúng đã trách móc ông Môsê và trách luôn Thiên Chúa. Họ đã nổi loạn và Thiên Chúa đã cho rắn lửa bò ra và cắn chết nhiều người. Tuy nhiên, với việc ăn năn năn sám hối, Đức Chúa đã lệnh cho ông Môsê là hãy đúc con rắn đồng rồi treo lên, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu. Và hình ảnh của con rắn đồng được treo lên trong sa mạc năm xưa dường như sẽ là hình ảnh báo trước cho việc Đức Giêsu cũng bị treo lên mà trong Tin mừng Gioan đã cho ta thấy: “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15).

Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ trần gian đã bị con người giương cao. Thế nhưng, từ đỉnh cao của thập giá đó, nguồn ơn cứu độ được trao ban cho nhân loại này. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi lẽ, dưới chân cây thập giá mà Đức Giêsu đã chịu treo trên đó, thì kẻ qua người lại nhạo báng Ngài rằng, nếu ông là Con Thiên Chúa, nếu ông là Đấng Mêsia thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin. Và chính ngay lúc đó, Chúa Giêsu Kitô đã tuyên án: họ không biết việc họ làm. Không biết việc họ làm, nghĩa là gì? Tức là họ không có tội, họ trắng án. Anh phạm tội mà anh không biết việc anh làm là anh vô tội. Chúa Giêsu công bố lời này không phải chỉ cho người này hay người khác mà thôi mà là cho tất cả mọi người. “Lạy Cha, họ không biết việc họ làm”, có nghĩa là gì? Tức là, Cha ơi, họ trắng án. Tha cho họ, bởi vì những đau đớn, những chết chóc do tội lỗi gây ra, giờ đây Đức Giêsu Kitô đã mang lấy, Ngài mang lấy hết tất cả tội lỗi của nhân loại này để rồi đóng đinh nó vào thập giá. Và thậm chí, tình trạng thê thảm nhất của tội là vắng bóng Thiên Chúa, là không có khuôn mặt của Thiên Chúa thì Đức Giêsu Kitô cũng đã kinh nghiệm nơi chính con người thật sự của Ngài. Nên nói theo ngôn ngữ của Phaolô là, Đấng không hề biết tội mà giờ đây đã trở nên tội của chúng ta. Điều này có nghĩa là tất cả tội của chúng ta thì Ngài đã mang lấy, và vì thế Ngài đã đi vào một kinh nghiệm là bị Thiên Chúa bỏ rơi hoàn toàn. Đó là kinh nghiệm của tội nhân. Và từ trong chính kinh nghiệm đó, Chúa Giêsu Kitô đã công bố trắng án cho tất cả chúng ta. Ngài xóa sổ nợ cho chúng ta. Ngài công bố sự tha thứ cho chúng ta để chúng ta được sạch tội, để rồi Ngài trao sinh khí Ngài vào tay Chúa Cha. Vì thế, từ chính cây thập giá, nơi mà Con Thiên Chúa bị treo lên thì ơn cứu độ tuôn trào, sự sống mới được trao ban cho chúng ta.

Ngày hôm nay, khi nhìn lên cây thập giá, nhìn lên Đấng Cứu Độ trần gian, nhìn lên Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Giêsu Kitô, thì chúng ta có tâm tình gì? Ta có hy vọng, ta có tin vào nguồn ơn cứu độ đó hay ta lại cứ loay hoay để mãi đi tìm cái gì khác ngoài ơn cứu độ mà chính Đức Giêsu Kitô trao ban cho chúng ta?

Dĩ nhiên, trong cái thời đại chạy theo danh vọng, chạy theo đồng tiền, chạy theo chức quyền mà nói về ơn cứu độ thì không hề dễ. Khó nói lắm! Bởi lẽ trong thực tế, điều mà người ta tìm kiếm lại là vinh quang, là lợi lộc của thế gian, chứ người ta không đi tìm một Đấng đang bị treo trên thập giá nữa. Nếu thật lòng để mà nói rằng, nếu người ta đi tìm Đấng bị treo trên thập giá, người ta đi tìm Nguồn Ơn Cứu Độ chứa chan nơi Đức Kitô thì chắc hẳn cung cách sống, cuộc sống của ta sẽ khác, sẽ biến đổi.

Vẫn là con người mang trong mình phận hèn yếu đuối của xác thịt, của thế gian nên chúng ta vẫn cứ lần bước trong việc tìm kiếm cơm áo gạo tiền. Dĩ nhiên tất cả những thứ đó cần cho cuộc sống của chúng ta nhưng nó không phải là cùng đích của cuộc đời. Duy chỉ Đức Giêsu Kitô, chỉ có ơn cứu độ mà chính Đức Giêsu Kitô mang đến mới là đích đến cho người tin chúng ta chiếm đoạt.

Nguyện xin Chúa Cứu Thế thắp lên trong tâm hồn mỗi người chúng con ngọn lửa đức tin để sống cho Chúa Cứu Thế và sống như Chúa Cứu Thế. Amen.

Previous article“ƠN CỨU CHUỘC CHỨA CHAN NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ” THEO QUAN ĐIỂM ÂN SỦNG VÀ NGUYÊN TỘI.
Next articleĐan viện Santa Caterina del Sasso (Núi Thánh Caterina)