Chẳng có gì là tuyệt đối của riêng chúng ta

79

Chúng ta không sở hữu thứ gì. Những quyển sách đó thật sự không phải là của tôi. Chúng được trao cho tôi sử dụng tạm thời. Chẳng có gì thuộc về ai, và không bao giờ được quên điều đó.”

Tất cả đều là tặng vật. Đây là một nguyên tắc căn bản tận cùng của mọi linh đạo, mọi luân lý và giới răn. Tất cả đều là tặng vật. Chẳng có gì có thể tuyên bố tuyệt đối là của chúng ta. Sự nhạy cảm luân lý và tôn giáo chân chính phải giúp chúng ta nhận ra điều này. Chúng ta không có quyền chiếm hữu hoàn toàn sự gì.

Và đây không phải một nhận thức tự nhiên mà có. Cách đây vài năm, một nhà sư đã chia sẻ với tôi rằng suốt những năm đầu vào chùa, ông đã phẫn uất đến thế nào khi luôn phải hỏi xin Trụ trì mỗi khi muốn có điều gì đó. “Tôi từng nghĩ rằng chuyện đó thật ngu ngốc, tôi là một người trưởng thành, vậy mà phải hỏi xin bề trên mỗi khi muốn điều gì đó. Nếu tôi muốn có áo mới, tôi phải hỏi xin Trụ trì cho tôi được phép mua nó. Tôi nghĩ thật là lố bịch khi biến một người trưởng thành hạ giá xuống như một đứa trẻ.”

Nhưng rồi đến một ngày, ông cảm nhận: “Tôi không chắc vì sao, nhưng một ngày nọ tôi nhận ra rằng có một mục đích và khôn ngoan trong việc phải xin phép mọi thứ. Tôi nhận ra rằng chúng ta chẳng có gì tự nhiên là của chúng ta và chẳng có gì chúng ta chiếm hữu làm của riêng mình. Tất cả đều là tặng vật. Tất cả đều phải xin. Chúng ta cần biết ơn vũ trụ và Thượng đế vì đã cho chúng ta dù chỉ một chút không gian nhỏ nhoi. Giờ mỗi khi xin phép Trụ trì những lúc cần gì đó, tôi không còn cảm thấy mình là con nít nữa. Mà tôi thấy mình hòa hợp với đường lối của vạn vật, một vũ trụ của tặng vật mà trong đó không ai trong chúng ta có quyền tuyên bố chiếm hữu tuyệt đối bất kỳ điều gì.”

Đây là sự khôn ngoan luân lý và tôn giáo, nhưng sự khôn ngoan này đi ngược lại đặc tính thống trị trong nền văn hóa của chúng ta và cả những xu thế mạnh nhất của chúng ta nữa. Từ cả bên trong và bên ngoài, chúng ta đều nghe vang vọng một lời thế này: Nếu bạn không thể chiếm được điều bạn mong muốn thì bạn là kẻ yếu đuối, và yếu đuối cả hai mặt. Thứ nhất, bạn là người yếu đuối, quá rụt rè để chiếm lấy những gì là của mình. Thứ hai, bạn bị sự thận trọng của tôn giáo và luân lý làm suy yếu nên không thể nắm lấy thời cơ của mình. Không chiếm lấy những gì là của mình, không phải là nhân đức mà là sai lầm.

Đây cũng chính là tiếng nói mà nhà sư trên đã nghe trong thời trai trẻ, và vì thế mà nhà sư thấy phẫn uất và thấy mình non nớt.

Nhưng Chúa Giêsu không nói những lời như thế. Kinh thánh chỉ ra khá rõ rằng Chúa Giêsu sẽ không quá để tâm vào những thái độ cương quyết, hung hăng và tích trữ trong xã hội, không xem chúng là tính cách đáng ngưỡng mộ. Tôi không nghĩ Chúa Giêsu sẽ hưởng ứng sự hâm mộ của chúng ta dành cho những người nổi tiếng và giàu có, những người tuyên bố mình có quyền trên tài sản và danh vọng cực độ của mình. Chúa Giêsu nói rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào thiên đàng, nhưng hẳn có thể nói rõ thêm rằng: “Trừ phi, người giàu đó, nên như đứa trẻ, xin phép vũ trụ, xin phép cộng đồng, và xin phép Chúa, mỗi khi mua một chiếc áo mới!” Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng trẻ con và người nghèo dễ vào thiên đàng nhất, thì không phải là Ngài đang thần tượng hóa sự ngây thơ và nghèo khổ đâu. Mà Ngài đang nêu bật nhu cầu phải nhận ra và thừa nhận sự lệ thuộc của mình. Xét tận cùng, chúng ta không tự làm nên con người mình và chẳng có gì tất yếu là của chúng ta cả.

Khi tôi còn ở nhà tập, một giám tập đã cố ghi khắc cho chúng tôi ý nghĩa của sự khó nghèo tu sỹ, bằng cách bảo chúng tôi viết lên toàn bộ sách vở hai chữ La Tinh: Ad Usum. Nghĩa là: Để dùng. Việc này là để chúng tôi hiểu rằng, quyển sách này được giao cho chúng tôi sử dụng, chứ chúng tôi không chiếm hữu nó tuyệt đối. Nó chỉ là của chúng tôi tạm thời mà thôi. Và như thế, mọi thứ khác được trao cho chúng ta sử dụng riêng cũng vậy, từ bàn chải đánh răng cho đến chiếc áo mang trên người. Chúng không thật sự là của chúng ta, mà chỉ đơn giản là được trao cho chúng ta sử dụng.

Một trong các bạn tập sinh của tôi đã rời dòng và làm bác sĩ. Anh vẫn là bạn thân với chúng tôi, và một hôm nọ anh chia sẻ với chúng tôi rằng, dù giờ là bác sĩ, anh vẫn viết những lời đó trong mọi quyển sách của mình. “Tôi không còn ở trong dòng tu, và không có lời khấn khó nghèo, nhưng nguyên tắc mà giám tập dạy cho chúng ta vẫn có giá trị với tôi. Xét cho cùng, chúng ta không sở hữu thứ gì. Những quyển sách đó thật sự không phải là của tôi. Chúng được trao cho tôi sử dụng tạm thời. Chẳng có gì thuộc về ai, và không bao giờ được quên điều đó.”

Một người trưởng thành phải xin phép để mua một chiếc áo không phải là chuyện xấu. Mà nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng vũ trụ thuộc về tất cả mọi người và tất cả chúng ta phải biết ơn khi có được dù chỉ là một không gian nhỏ cho mình.

Previous articleBí quyết dạy con kiểm soát tốt hành vi mà không cần đánh mắng
Next articleMười lời khuyên để an nhiên tự tại với các trẻ em trước tuổi vị thành niên