Sau tội là bệnh

35

Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chung. Đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình mấy chục năm nay, những di lụy của nó để lại trong tâm lý con người kể sao cho xiết. Đặc điểm của chiến tranh là bạo lực. Trở về từ chiến tranh, mải làm ăn kiếm sống, ta tưởng ta thoát khỏi nó…

Một cô giáo ở Thái Bình phạt một bé gái bằng cách cho cả lớp 32 học sinh tát thẳng vào mặt người bạn có lỗi, nạn nhân phải đưa đi bệnh viện. Một thầy giáo ở Đình Tổ, Bắc Ninh xâm hại tình dục mấy học sinh 9 tuổi trong lớp mình đang dạy đến mức các gia đình học sinh rủ nhau đi kiện.

Hai sự kiện này tôi nghe được từ mấy năm trước. Ngày nay việc bạo hành xảy ra còn ở mức tày đình hơn nhiều. Nhưng chỉ hai việc nhỏ trên cũng đã đủ gợi ra một số suy nghĩ.

Cô giáo kia là một người lâu năm trong nghề, từng là cô giáo dạy giỏi. Trên màn hình VTV, tôi đã thấy vẻ mặt cô khi nhận lỗi, trông không có gì là giả dối. Thành thử tự nhiên cứ phân vân. Và tôi nhớ tới những lầm lỗi mà mình đã mắc hàng ngày. Lúc ấy mình không còn là mình nữa. Nói ra không mấy ai tin nhưng hình như lúc đó có ai xui khiến mình làm bậy vậy, có muốn tỉnh táo cũng không được.

Mặt khác, nếu được tìm hiểu kỹ hoàn cảnh cô giáo mắc lỗi biết đâu người ta chẳng thấy được nhiều nguyên cớ cụ thể. Hôm đó có thể cô đã gặp một chuyện gì rất phiền lòng trong gia đình? Hoặc trước đó trong lớp đã xảy ra những chuyện làm cô phải bực bội, đến mức quá giận mất khôn.

Lại như trường hợp thứ hai. Trong hành động của người thầy giáo trẻ tuổi kia có gì kỳ dị vượt ra ngoài tình trạng tâm sinh lý thông thường. Một thứ bệnh hoạn – tôi nghĩ vậy.

Nhưng thử nhìn rộng ra xem, các nhà khoa học cho biết trong thời buổi hiện nay, thiên nhiên đang xảy ra nhiều đột biến. Thời tiết thất thường. Nhiều loại vi trùng kháng thuốc. Nhiều loại sâu bệnh mới xuất hiện. Xã hội cũng vậy, trên các trang báo hàng ngày tràn ngập tin tức về các vụ việc mà trước kia không ai hình dung nổi và không nước nào không có. Làm sao cái xu thế đó không hằn sâu vào tâm lý con người cho được?

Trạng thái cân bằng cổ điển trở thành một thứ hồi ức xa vời trong tâm tưởng ta. Mỗi chúng ta chịu sự thao túng của bao nhiêu dồn nén, bao nhiêu ẩn ức.

Những ai từng đọc tiểu thuyết Số đỏ hẳn nhớ trường hợp nhân vật cậu Phước với cái căn bệnh kỳ cục phải nói là suy cho cùng thì có họ hàng xa gần với bệnh của người thầy giáo ở Đình Tổ nói trên. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tỏ ra có lý khi mượn mồm một bác sĩ để đề nghị rằng chỉ có thể cắt nghĩa bệnh của cậu quí tử đó bằng các lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud.

Sách Đại Việt sử lược (chưa rõ tác giả), một trong những bộ sử cổ nhất của ta ghi về Lê Long Đĩnh, tức Lê Ngọa Triều (trị vì từ 1006 – 1009) như sau: “Tính vua ưa chém giết. Có người phạm tội sắp phải hành hình thì vua bắt lấy cỏ tranh quấn vào người rồi đốt. Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng sát hại. Phàm những con vật đem cung cho nhà bếp, trước tiên sai người khiêng vào để tự tay vua đâm chết đã. Hoặc đêm đến sai làm thịt mèo cho các thân vương xơi, ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, ai nấy đều mửa thốc mửa tháo…”.

Trước mắt chúng ta là một ca bệnh nữa, ở mức quái đản. Giá như ngày nay, hẳn có người đã đề nghị buộc Lê Ngọa Triều phải hầu tòa.

Mọi tội lỗi phải được xử theo pháp luật. Nhưng tôi cho rằng trong một số trường hợp, những người có tội đồng thời phải được xem như những người có bệnh. Trong những con người không may ấy, vấn đề không còn chỉ là sự điều khiển của ý thức, mà là một thứ bản năng chi phối. Giống như các loài cỏ dại, nó nảy nở tự phát trong con người họ, và tùy hoàn cảnh mà bản năng bùng nổ thành tội ác. Nói cách khác, trong cái việc họ không còn đủ sáng suốt điều chỉnh hành vi của mình, có sự có mặt của những yếu tố mà tâm lý học gọi là vô thức (bao gồm cả vô thức cá nhân lẫn vô thức tập thể).

Đồng thời với tòa án, viện kiểm sát làm công việc lập hồ sơ, xem xét tội danh, xử án… lẽ ra những người nghiên cứu tâm lý xã hội phải có mặt.

Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chung. Đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình mấy chục năm nay, những di lụy của nó để lại trong tâm lý con người kể sao cho xiết. Đặc điểm của chiến tranh là bạo lực. Trở về từ chiến tranh, mải làm ăn kiếm sống, ta tưởng ta thoát khỏi nó. Biết đâu nó vẫn tiềm ẩn trong con người và sẽ tìm những chỗ bất ngờ nhất để phát lộ.

Mặt khác, từ chỗ quen sống khép kín, nay xã hội ta mở cửa ra với thế giới. Cùng với bao điều tốt đẹp thì những căn bệnh chỉ xã hội hiện đại mới có cũng ùa vào ta và cũng tìm thấy ở xứ ta một mảnh đất tốt.

Từ nhận thức “không nỗi đau nào là của riêng ai”, đã đến lúc nên nói với nhau “không bệnh tật nào là của riêng ai”. Có đi vào cơ chế đời sống tinh thần cụ thể của con người thì mới thể tất được cho nhau.

Phải có sự điều trị dần dần, theo những phác đồ hợp lý, chung cho cả xã hội.

Đó cũng là cách tốt nhất để những hành động tương tự sẽ bớt dần chứ không phải ngày mỗi tăng lên như hiện nay.

Previous articleĐức Phanxicô tiếp các nghệ sĩ trình diễn lưu động
Next article10 Bí Quyết Sống Khỏe