Tự tử và nỗi đau của những người còn sống

45

Ronald Rolheiser, 2006-08-06

Mỗi năm tôi đều viết một bài về tự tử và cố gắng nêu bật ba điều.

Trước hết, tự tử là một căn bệnh, không phải là chuyện cố ý chọn lựa. Chắc chắn trong hầu hết trường hợp, người tự tử không chết theo ý muốn của mình. Tự tử là chết do bệnh, không phải là chuyện ai đó mong muốn.

Thứ hai, những người còn sống không nên tốn thì giờ và sức lực vào các câu hỏi: “Có thể tôi đã gây ra chuyện gì đó chăng?” “Tôi có chỗ nào không đúng chăng?” “Giá mà tôi đáp lại và mở lòng ra khi có cơ hội! ” Về mặt cảm xúc, tự tử giống như các căn bệnh ung thư, đau tim, hay đột quỵ, tất cả săn sóc và mở lòng của mọi người nhiều lúc cũng không thể cứu họ khỏi cái chết. Tự tử cũng giống như vậy.

Cuối cùng, chúng ta không nên tốn thì giờ lo lắng về phần hồn cho họ. Tình yêu, sự chữa lành, lòng thấu hiểu, và bao dung của Thiên Chúa sẽ đến tận nơi mà chúng ta không thể nào đến được. Thiên Chúa có thể đi xuống hỏa ngục và tỏa bình an ở đó. Hơn thế, như chúng ta biết, hầu hết những người tự tử đều rất nhạy cảm, họ quá dễ bị tổn thương, quá dễ bị thương tích khi bị chạm vào. Cái chạm vào của Thiên Chúa dịu dàng hơn cái chạm vào của chúng ta rất nhiều.

Với những gì đã viết, năm nay, tôi muốn chia sẻ cảm nhận và suy tư của một phụ nữ có chồng tự tử năm ngoái. Người chết có thể bây giờ đang bình an trong vòng tay Thiên Chúa, nhưng với những người còn sống, dù thời gian đã trôi qua, tâm hồn họ vẫn chưa được bình an sau cái chết như thế này.

Tôi xin dẫn ra đây lời của chị:

Cách đây khoảng một năm, chồng tôi lìa bỏ tôi và con gái. Không có một dấu hiệu nào báo trước cho chúng tôi biết, là anh sẽ ra đi và bỏ chúng tôi lại tự lo liệu lấy. Đúng, hình như anh rất căng thẳng và buồn khổ, nhưng lúc nào anh cũng cố nói anh không sao. Một ngày nọ, sau khi tan sở, anh không về nhà. Hôm sau người ta tìm thấy xác anh. Anh đã tự kết liễu đời mình.

Mặc dầu tôi được gia đình và bạn bè bảo bọc yêu thương, nhưng trước thực tế này, tôi phải đối diện một mình. Nỗi đau này quá sức, một nỗi đau không ai có thể chia sẻ được. Một nỗi cô đơn không thể tin được. Một gánh nặng u tối đè lên cuộc sống, một gánh nặng làm nghẹt thở và hủy hoại. Tôi dường như đang sống ở hai cảnh, cảnh địa ngục. Tôi liên tục cầu nguyện xin Chúa giúp sức. Giúp, giúp, giúp. Tôi cần được giúp đỡ. Chồng tôi đã quá bạc bẽo với tôi. Các con gái của tôi mồ côi cha. Lời nói không thể chuyển hết được nỗi đớn đau, tuyệt vọng, đau khổ tôi cảm nhận lúc đó. Tôi bị tổn thương nghiêm trọng. Tôi giận sôi sùng sục. Tôi bị bao phủ trong một không gian u tối nghiệt ngã. Cuộc sống của tôi bị hủy hoại, quả tim tôi cơ hồ tan vỡ, tâm hồn tôi cần được giúp đỡ khủng khiếp. Xin giúp tôi. Tôi cần được giúp. Tôi cầu xin Thiên Chúa phù trợ cho tôi.

Một người bạn gởi cho tôi tấm thiệp chia buồn “Hãy nghỉ ngơi trong Thiên Chúa.” Tôi chẳng còn hy vọng để làm được. Tôi cầu xin và cầu xin. Nhưng không có một hơi thở bình an nào đến với tôi khi tôi khóc lóc suốt đêm để cầu xin trợ giúp. Có, bạn bè có mang thức ăn, dọn dẹp sân vườn, cố gắng ở bên tôi. Nhưng không người bạn nào có khả năng chia sẻ nỗi đau, cảnh hỏa ngục của tôi cả. Tôi cố gắng nghỉ ngơi trong Chúa, nhưng nỗi cô đơn này quá sức đối với tôi.

Tôi quay lưng lại với Chúa,  nỗi đau anh ấy bỏ lại cho tôi quá lớn. Tôi ngừng đi nhà thờ. Ngừng cầu nguyện. Ngừng săn sóc. Tôi chỉ để ý đến ma túy, rượu và làm tình theo hứng. Mặc kệ. Tôi đã bị gãy đổ, tổn thương và chẳng còn thật sự quan tâm đến điều gì khác nữa. Tôi vẫn ở hai cảnh, cảnh địa ngục, tôi cóc cần.

Tôi bắt đầu cảm thấy khá hơn. Dù tiềm thức vẫn còn tuyệt vọng, tôi đã quỳ xuống cầu xin Thiên Chúa ủi an. Giúp, giúp, giúp. Lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện đơn sơ, lời cầu nguyện trong tuyệt vọng này tự nó đã len lỏi vào cuộc sống của tôi. Những lần như vậy tôi cảm nhận như tôi sẽ phá tan được hết nỗi tuyệt vọng của mình.

Dù không thường xuyên, tôi cũng đã làm như thế suốt năm đầu tiên. Nhưng vào ngày giỗ đầu của anh, tôi như sống lại từng giây phút đau khổ, sống lại với nỗi sợ hãi khi nhìn xác anh, với nỗi đau đớn không thể nào chịu được khi tôi an ủi con gái đang than khóc mà lòng mình thì đang tuyệt vọng an ủi chính mình. Tôi vào nhà thờ khi lễ canh thức cử hành, lòng tôi đau đớn tột cùng. Tôi sống lại với nỗi căm hờn, giận dữ, tội lỗi, bỏ bê, bóng tối và tuyệt vọng. Nỗi giận dữ của tôi dần dần chuyển thành nỗi buồn. Một nỗi buồn vô cùng sâu thẳm. Nỗi buồn đó tiếp tục vắt kiệt tâm can, linh hồn, cuộc sống tôi.

Chồng tôi không phải được sinh ra để tự hủy mình như vậy. Anh được sinh ra theo hình ảnh của Chúa, trở thành con người như Chúa muốn. Nhưng anh lại tự kết liễu đời mình. Thật quá sai trái và lệch lạc. Tôi không thể nào chấp nhận điều đó.

Vị linh mục của tôi nói rằng, đôi khi Thiên Chúa dẫn chúng ta đến với những gì chúng ta sợ hãi nhất, để chúng ta thấy rằng chúng ta không còn gì để sợ nữa cả. Đúng là tôi chẳng còn sợ chết. Khi nhìn xác anh, rõ ràng tôi thấy tinh thần của anh không còn ở đó nữa. Không nghi ngờ gì nữa, tôi biết bây giờ anh đã được bình an. Tôi chỉ không biết làm cách nào để tôi cũng sẽ có được bình an, ít nhất ở cõi thế này. Tôi thường xuyên cảm thấy mình bất lực, tổn thương và đau buồn.

Tôi òa khóc khi tôi thở sâu và cố gắng tin tưởng. Hãy hướng dẫn con và bảo vệ con, Chúa ôi.

J.B. Thái Hòa dịch 

Previous articleNhững lời nguyện của linh mục trong thánh lễ mà bạn không thể nghe thấy
Next articleHuyền bí của có mặt và vắng mặt trong tình yêu