MỘT NHẬN ĐỊNH KHÁC VỀ THÁNH MARIA MAĐALÊNA

234

MỘT NHẬN ĐỊNH KHÁC VỀ THÁNH MARIA MAĐALÊNA

Ngày 03 tháng 6, 2016 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký sắc lệnh nâng lễ nhớ Thánh Maria Mađalêna lên hàng lễ kính, ngang hàng với lễ kính các thánh Tông Đồ. Đức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Bí tích, viết: “Thánh Maria Mađalêna là gương mẫu đích thực của việc Phúc âm hoá. Thánh nữ là người đã rao giảng và loan báo tin mừng Chúa Phục sinh”. Người cũng nhắc đến Thánh Thomas đã tuyên xưng Thánh Maria Madalêna là vị “Tông đồ của các Tông đồ”. Nhân dịp này Kitô hữu chúng ta nên có một nhận định đúng về Thánh Mađalêna.

Thánh Mađalêna là nạn nhân của những âm mưu đen tối

Trong chiều hướng duy trí (intellectualism) và duy ngã (egoism) của thời hiện đại, ồn ào nhất là nhóm muốn phục hồi niềm tin‎ của Ngộ Giáo (Gnosticsm). Niềm tin này cho rằng khi trí tuệ của một người nào đó đạt tới mức thượng trí, người ấy có thể tự cứu độ cho mình. Định hướng sống đạo kiểu này có sức thu hút rất mạnh giới thanh niên. Họ muốn loại bỏ Giáo Hội Công Giáo vì cho là không cần thiết. Mở đường cho họ là một số học giả thiên về giáo lý của ngụy kinh (apocryphal gospels) và Ngộ Giáo (Gnostic gospels). Chúng là những kinh điển đề cao năng lực cá nhân. Robert Langdon và Leigh Teabing là hai người tiêu biểu cho khuynh hướng ấy. Hai ông vin vào kinh điển Ngộ Giáo và 2 sách phúc âm theo Philíp và Maria [Mađalêna] của ngụy kinh, để đưa ra luận chứng rằng có mối tình cảm trần thế giữa Đức Giêsu và bà Maria Mađalêna. Nhà văn Dan Brown phụ họa theo, ông sáng tác ra truyện “Da Vinci Code” kể rằng bà Mađalêna đã có con với Đức Giêsu. Brown khéo léo viết truyện theo dạng tài liệu nghiên cứu nên đã tạo được tiếng vang khắp thế giới. Hollywood cũng lợi dụng cơ hội vội dựng lên phim ảnh để trục lợi.

Ý đồ của họ là dùng bà Maria Mađalêna làm đòn bẩy để hủy bỏ vị thế “Đấng Cứu Thế Giêsu”, đồng thời hủy bỏ Kitô Giáo. Thánh Maria Mađalêna trở thành nạn nhân cho một âm mưu đen tối khi càng ngày càng có nhiều người lợi dụng sự mờ nhạt lịch sử, cố ý đưa ra những nhận định hàm hồ. (1) Bà là vị Tông Đồ duy nhất chịu rất nhiều ngộ nhận từ phía thế tục và đáng tiếc đã một thời từ phía Giáo Hội.

Bà Maria Mađalêna Trong Ngụy Thư

Như chúng ta đã biết, ngụy thư là những sách không được Công Giáo chấp nhận. Chúng có rất nhiều sai lạc không đúng với giáo huấn của Đức Giêsu. Vì nhóm Langdon và Teabing đưa ra dẫn chứng lấy trong phúc âm của Philíp và Maria [Mađalêna], nên các học giả công giáo cũng phải dùng hai sách này để thẩm định sự việc. Hai sách nói trên được viết vào khoảng cuối thế kỷ II hay đầu thế kỷ III. Điều đáng nói là sách không do Philíp và Maria viết, vì lúc đó họ đã qua đời. Giáo sư Susan A. Calef (2) có công khảo sát hai quyển sách trên để tìm hiểu về mối tình giữa Đức Giêsu và bà Maria Mađalêna. Trong sách của Philíp, bà chỉ thấy có chữ “cảm thương” khi diễn tả lòng nhân từ của Đức Giêsu dành cho bà Maria Mađalêna. Nhưng đây là lối bộc lộ tình cảm rất bình thường của Đức Giêsu đối với mọi người, đâu có gì đặc biệt. Trong sách của Maria có một đoạn nói rõ hơn. Đó là lần các tông đồ khiếu nại với Đức Giêsu rằng, “Tại sao Thầy lại yêu bà ấy hơn chúng tôi?” Nếu phân tích kỹ câu nói, người ta sẽ thầy nhiều điểm vô lý của nó. Nếu thật sự Đức Giêsu và bà Maria có tình nghĩa vợ chồng, không lẽ các Tông Đồ lại ganh tị với bà. Vì vậy trình thuật này có tính cách hoang đường và không đủ chứng cớ để đưa ra những nhận xét ác ý.

Thánh Maria Mađalêna Trong Chính Kinh

Cả bốn sách Phúc Âm chính kinh đều viết về bà Maria Mađalêna, nhưng lại không làm sáng tỏ vị thế đặc biệt của bà. Vậy bà Maria Mađalêna là ai? Tên thật của bà là Maria, bởi sinh trưởng ở xứ Mađala nên được gọi là Maria Mađalêna. Maria là một tên nữ rất thông dụng của dân Do Thái. Ngay mẹ của Đức Giêsu cũng có tên là Maria. Đa số các bà theo Đức Giêsu đều có tên là Maria. Thánh Kinh khi nhắc đến họ thường chỉ nói là “có bà Maria.” Vì vậy người đọc hầu như không thể xác định được người được nhắc đến là bà Maria nào.

Theo các giáo phụ Hy Lạp, trong số những môn đồ nữ của Đức Giêsu, có ba bà khác nhau nhưng đều mang tên Maria. Họ là:

  1. Bà Maria tội lỗi, người lấy nước mắt rửa chân cho Đức Giêsu (Lc 7:36-50).
  2. Bà Maria chị của Martha và Lazaru (Ga 11:1-3 và Lc 10:38-42).
  3. Bà Maria xứ Mađala, tức Maria Mađalêna, người bị 7 quỉ ám (Lc 8:2).

Theo truyền thống Protestant chỉ có hai bà Maria:

  1. Bà Maria xứ Bêthani, tức người đàn bà tội lỗi, cũng là chị em của Martha và Lazaru.
  2. Bà Maria xứ Mađala, tức người bị 7 quỉ ám.

Tuy nhiên theo truyền thống Tây Phương ba nhân vật nói trên lại chỉ là một người, mang tên Maria Mađalêna. Ngoài ra Thánh Kinh còn nói tới một cô gái giang hồ, tức người đàn bà phạm tội ngoại tình (Ga 8:1-11). Cũng theo truyền thống Tây Phương, bà Maria Mađalêna lại bị đồng hóa với cô gái này.

Đi tìm Thánh Mađalêna

Chúng ta hãy lần theo sử liệu để tìm hiểu tại sao lại có vấn đề bất nhất về sự nhận diện về bà Maria Mađalêna. Trước hết theo Thánh Sử Luca, Đức Giêsu gặp bà Maria “thứ nhất” tại miền Galilê. Bà Maria này được nhận diện là người đàn bà tội lỗi, người rửa chân cho Đức Giêsu (Lc 7:36-50). Kế đó Đức Giêsu rời Galilê đến một tỉnh nào đó và Người đã làm phép đuổi 7 quỉ ám ra khỏi bà Maria Mađalêna (Lc 8:1-3). Tuy Thánh Kinh không nêu địa danh nơi Đức Giêsu làm phép đuổi quỉ, nhưng căn cứ vào địa danh Mađala, người ta có thể biết Đức Giêsu đã đi về hướng Bắc của xứ Galilê. Thánh Luca không nói gì đến sự đồng nhất giữa bà Maria bị quỉ ám và bà Maria “tội lỗi” ở Galilê. Hơn nữa nếu bà Maria “tội lỗi” chính là bà Maria bị 7 quỉ ám tại sao Đức Giêsu không chữa cho bà ngay lần gặp gỡ đầu tiên? Sau đó Đức Giêsu đến một tỉnh khác, ta có thể phỏng đoán là tỉnh Bêthani. Tại đây Người gặp bà Maria, chị em của Martha và Lazarô (Lc 10:38-42). Căn cứ vào 3 địa điểm khác biệt và cách quãng, nên đã có khuynh hướng tin rằng có 3 nhân vật Maria khác nhau. Tuy nhiên Thánh Sử Gioan lại khẳng định 3 nhân vật trên chỉ là một người, đó chính là bà Maria Mađalêna (Ga 11:1-3; 12:1-3). Sự lẫn lộn hàm hồ bắt đầu từ đấy.

Đã có nhiều giả thuyết giải thích về sự khác biệt của sử liệu, nhằm mục đích thống nhất những cá biệt về một mối. Chẳng hạn có thuyết cho rằng Bà Maria Mađalêna vốn là người xứ Mađala, nhưng sinh sống ở Bêthani, và có một thời cư ngụ ở Galilê. Thần học gia Elizabeth A. Johnson phủ nhận ý kiến này vì nó đầy vẻ gượng ép. Elizabeth nhận xét rằng vì Thánh Gioan khẳng định 3 nhân vật nói trên là một người, nên tín hữu có khuynh hướng cố tình uốn nắn lý lẽ cho hợp với chiều hướng ấy.

Theo Elizabeth, Thánh Gioan viết Phúc Âm khoảng 50-80 năm sau khi Đức Giêsu chịu nạn. Thời gian 50-80 năm đủ để làm phai nhạt trí nhớ về độ chính xác của sự kiện. Hơn nữa thánh sử đặt trọng tâm vào sứ mạng truyền bá đạo lý hơn là việc ghi chép sử liệu. Do đó mọi tình tiết phụ thường chỉ dựa vào truyền thuyết mà viết lại, cốt sao cho câu truyện được đầy đủ mà thôi. Vào lúc ấy bà Maria Mađalêna đã qua đời. Những gì viết về bà dù không chính xác cũng không còn ai đính chính nữa. Một dẫn chứng về độ chính xác của Thánh Sử Gioan là biến cố bà Maria Mađalêna rửa chân cho Đức Giêsu. Cả hai thánh Máccô và Mátthêu đều nhất trí cho biết trước ngày lễ Vượt Qua 2 ngày, Đức Giêsu ở trong nhà ông Simon thuộc tỉnh Bêthani. Tại đây bà Maria Mađalêna đã rửa chân cho Đức Giêsu (Mc 14: 1-3; Mt 26: 1-8). Tuy nhiên Thánh Gioan lại kể rằng sự kiện rửa chân xảy ra tại nhà bà Martha trước lễ Vượt Qua 6 ngày (Ga 12: 1-3). Nếu không muốn chấp nhận có hai lần rửa chân, chúng ta đành phải lựa một bỏ một. Trong trường hợp này, sử liệu của hai thánh Máccô và Mátthêu chính xác hơn của Thánh Gioan. Bởi vì hai vị đều tường thuật như nhau. Hơn nữa sách của họ được viết sau biến cố phục sinh khoảng 10 – 20 năm, thời gian rất gần với biến cố nêu ra và còn được hỗ trợ bởi nhiều nhân chứng còn sống.

Chân dung thật của Thánh Maria Mađalêna

Như vậy những gì chúng ta biết chính xác về Thánh Maria Mađalêna đã được trình thuật trong thánh kinh là: bà là người xứ Mađala và là người bị 7 quỉ ám (Mc 16:9). Bà phụ giúp Đức Giêsu trong mọi hành trình rao giảng tin mừng (Lc 8:2-3). Bà là người đứng dưới chân Thánh Giá lúc Đức Giêsu từ trần (Mc 15:40; Mt 27:56; Lc 23:49; Ga 19:25). Bà chứng kiến cảnh táng xác Đức Giêsu (Mc 15:47). Bà là nhân chứng duy nhất đầu tiên của biến cố Đức Giêsu phục sinh (Ga 20:1-18). Với những sự kiện này, xét theo cương vị môn đồ, bà phải là một vị Tông Đồ có một vị thế rất cao trọng.

Sáu trăm năm sau, đại chúng dựa vào truyền thuyết cho rằng bà Maria Mađalêna là “người đàn bà tội lỗi” và là “người đàn bà ngoại tình.” Sự kiện này được hợp thức hóa bởi Giáo Hoàng Gregory Cả (590-604). Lỗi lầm về sự ngộ nhận này có thể hiểu là do sự vô ý hơn là chủ ý. Vào thời đó giáo hội không có lợi điểm lãnh hội sự đa dạng thâm sâu của thần học như ngày nay. Nhận định của Giáo Hoàng Gregory Cả chỉ là phản ảnh niềm tin của đại chúng. Theo truyền thống, tín hữu công giáo tin rằng người bị 7 quỉ ám phải là người tội lỗi nặng nề. Giáo Hoàng Gregory Cả nhận định 7 quỉ tượng trưng cho 7 tội, trong đó nặng nhất là tội dâm ô. Trong chiều hướng ấy giáo lý về “bảy mối tội” đã được giáo hội khai triển ra. Nghiên cứu về lịch sử, các học giả thấy rằng vào thời đó Giáo Hoàng Gregory Cả khởi xướng chương trình cải tổ nền luân lý Kitô giáo. Vì nhu cầu lợi ích cho giáo dân, giáo hoàng đặt bà Maria Mađalêna vào địa vị gương mẫu cho chủ thuyết của ngài. Người muốn đại chúng thấy một bằng chứng điển hình để chứng minh rằng kẻ tội lỗi nhất cũng có thể cải hóa để trở nên tốt lành.

Trên thực tế Thánh Kinh nói rất nhiều về trường hợp đàn ông bị quỉ ám, nhưng không có trường hợp nào nam nạn nhân bị gán là kẻ tội lỗi. Các thánh sử không hề đồng hóa sự việc bị quỉ ám với tội lỗi. Thần học cũng không thấy có sự liên hệ giữa hiện tượng quỉ ám và tội lỗi. Tại sao lại có thành kiến xấu về phía nữ nạn nhân bị quỉ ám. Thánh Kinh ghi rằng Đức Giêsu chữa lành bệnh quỉ ám cho bà Maria Mađalêna chứ không nói tha tội cho bà. Về vấn đề cô gái giang hồ, không hề có phúc âm nào, kể cả Phúc Âm theo Thánh Gioan, cho biết người đàn bà ngoại tình là bà Maria Mađalêna (Ga 8:1-11). Tại sao chúng ta phải gán cho bà những tội mà chứng cớ sử liệu không có. Các giáo phụ thời giáo hội sơ khai không hề nói bà Maria Mađalêna là người tội lỗi, trái lại các ngài rất tôn trọng bà. Câu tuyên bố nổi tiếng của bà với các Tông Đồ: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20:18) khiến các Tông Đồ cho bà là kẻ nói sảng (Lc 24:11). Nhưng chính câu tuyên bố ấy là nền móng xây dựng Giáo Hội Kitô và là bản tuyên xưng khải hoàn của Giáo Hội phục sinh. Cảm phục thành tích của bà, Thánh Hippolytus ở La mã (khoảng năm 200) đã đặt cho bà tước hiệu “Apostolorum Apostola” (Tông Đồ của các Tông Đồ). Hợp lòng với Thánh Hippolytus, Thánh Augustine  nói, “Chính Chúa Thánh Thần đã khiến bà Maria Mađalêna trở nên Tông Đồ của các Tông Đồ.”

Với một vị thế như vậy, tại sao Maria Mađalêna không được Kinh Thánh lưu ý một cách đúng mức? Thực ra Thánh Kinh đã có nêu tên bà một cách đặc biệt, nhưng vẫn còn vướng mắc trong nền văn hóa trọng nam khinh nữ. Vào thời đó người phụ nữ không có chỗ đứng trong xã hội. Họ không được nêu tên ra trước công chúng. Ngay cả mẹ Đức Giêsu cũng ít được nhắc đến. Các thánh sử khi nhắc đến họ thường dùng cách nói trống như “có mấy người phụ nữ” (Lc 23:55). Nếu có nhắc đến một cá nhân đặc biệt nào, người ấy thường được xác nhận nương vào tên của người đàn ông. Chẳng hạn “bà Maria vợ của Clôbát”, “bà Maria mẹ của Giacôbê” (Ga 19:25; Mc 15:40; Lc 24:10). Tuy thế tên của bà Maria Mađalêna đã được các thánh sử nhắc đến nhiều lần. Nhiều khi có nhiều bà hiện diện, nhưng thánh sử vẫn chỉ nêu danh của riêng bà: “Có bà Maria Mađalêna và những bà Maria khác” (Mt 28:1). Điều đó chứng tỏ bà là người nổi bật không thể bỏ qua.

Các học giả và thần học gia Công Giáo kêu gọi tín hữu hãy có một nhận định mới về Thánh Maria Mađalêna. Xưa kia bà đã là nạn nhân của sự ngộ nhận gán cho bà là kẻ đầy tội lỗi. Ngày nay bà lại là nạn nhân trong sự lợi dụng của phong trào đề cao cá nhân và hủy bỏ Giáo Hội. Thánh Maria Mađalêna đã được các học giả và thần học gia Công Giáo nhận diện là một trong những vị sáng lập ra giáo hội sơ khai. Bà là người duy nhất chia sẻ với Đức Giêsu trong hành trình giảng đạo từ Galilê, trung thành với Người cho đến phút cuối cùng của cuộc khổ nạn, và đón chào Người lúc phục sinh. Đó là những kho tàng ẩn dấu cần khai quật hơn là trưng bày những gán ghép lấy từ dã sử và truyền thuyết.

Theo truyền thống Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, Thánh Maria Mađalêna cùng Thánh Gioan và Đức Mẹ Maria di chuyển về miền Êphêsô, Tiểu Á. Thánh Maria Mađalêna sống một cuộc đời sám hối đúng với chân lý Phúc Âm rồi qua đời ở đó. Lễ kính Thánh Maria Mađalêna nhằm ngày 22 tháng Bảy. Từ năm 1970, Giáo hội Công Giáo đã điều chỉnh bài phúc âm trong thánh lễ. Bài đọc về câu truyện “người đàn bà ngoại tình” được thay thế bằng câu truyện bà gặp Đức Giêsu phục sinh (Ga 20:11-20). Thật đáng mừng Giáo Hoàng Phanxicô đã tôn vinh Thánh Maria Mađalêna ngang hàng với các thánh Tông Đồ. Kitô hữu chúng ta hãy rửa chân cho sạch bụi bặm của những bước đi lạc đường, để cúi đầu tôn kính một vị thánh cao cả.

Đỗ Trân Duy

____________________________________

(1) Phim “the Last Temptation of Christ” của Hollywood và sách “The Da Vinci Code” của Dan Brown có thể coi là tiêu biểu cho khuynh hướng sai lạc hiện nay.

(2) Susan A. Calef, Ph.D. thành viên trong ban giám đốc khoa thần học tại Creighton University, Omaha, bang Nebraska.

Previous articleTÔI ĐÃ ĐỂ ĐI QUA
Next articleThứ sáu tuần 14 Thường Niên