Nguồn gốc của Giáng sinh

41

Lễ Giáng Sinh

Tiếng Anh gọi Lễ Giáng Sinh là Christmas, tiếng Anh cổ thời xưa gọi Lễ Giáng Sinh là Cristes Maesse. Từ Cristes Maesse có nghĩa ngày lễ của Chúa (Christ’s Mass). Ngày Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào 25 Tháng 12 dương lịch để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus Christ và được coi là ngày nghỉ lễ chính thức của các nước có người theo đạo Thiên Chúa.

Câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng Trinh tự nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ thai này do quyền lực thần diệu của Thượng Đế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger) vì lúc đó trong nhà trọ (inn) không còn một phòng trống nào. Sau đó, Chúa Jesus được Đức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo đường ở Jerusalem và đã làm kinh ngạc các giáo sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài.

Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palestine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực hiện các phép lạ. Một trong những phép lạ đó là phép “Loaves and Fishes” (những ổ bánh mì và những con cá). Chuyện phép lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra lệnh cho các đệ tử của ngài phân phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy đủ đồ ăn và ăn một cách no nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy.

Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng Đế, ngài đã có rất nhiều tín đồ và đồng thời cũng có nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản bội, bị Pontius Pilate – người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ kết án, và bị chính quyền La Mã đóng đinh trên thập tự giá. Những người Thiên Chúa giáo tin là ngài đã cải tử hoàn sinh và sự phục sinh này đã cứu vớt được bao linh hồn.

Theo những tài liệu liên quan tới ngày sinh nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, tức là cách đây (2007) là 2010 năm. Tây lịch được tính theo năm đầu tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên giám La Mã, Lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức ở La Mã vào năm 336 Tây Lịch Kỷ Nguyên. Tuy nhiên, ở miền đông đế quốc La Mã, một buổi lễ được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ niệm chung cho ngày sinh nhật và ngày rửa tội của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do Thái (Israel) người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa mà thôi.

Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu hết các nhà thờ ở miền đông đế quốc La Mã mới chấp nhận tổ chức sinh nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống đối việc tổ chức Lễ Giáng Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng Sinh lại được chấp nhận ở Jerusalem. Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây Á, đã không chấp nhận Lễ Giáng Sinh. Họ tổ chức ngày sinh nhật của Chúa vào 6 tháng giêng. Sau khi Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, được thiết lập ở miền đông đế quốc La Mã, ngày kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa được tổ chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông thái (Magus) từ miền đông đế quốc La Mã đến Bethlehem để chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng.

Những tục-lệ cổ-truyền về Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ-niệm về nông tang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên Chúa.

Ở La Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ niệm thần Saturn. Đây là thời gian ăn chơi tưng bừng nhất và là dịp để mọi người trao đổi quà kỷ niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh nhật của Thần Mithra, Thần Toàn-Chân-Thái-Dương, thuộc xứ Ba Tư. Năm mới của người La Mã là ngày 1 tháng giêng dương lịch. Vào những dịp này người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.

Lửa, đèn, và nến là vật tượng trưng của sự ấm cúng và sự sống, nó luôn luôn liên hệ với các lễ lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên Chúa và các đạo khác. Từ thời trung cổ, cây thông, một loại cây vạn niên thanh, là biểu hiệu cho sự sống và luôn luôn liên hệ với Lễ Giáng Sinh.

Previous articleMột Căn Nhà Trật Tự
Next articleCây Nô-En