Truyền thuyết về nguồn gốc Thánh giá Chúa Giêsu

104

Truyền thuyết về nguồn gốc Thánh giá Chúa Giêsu

Không có gì ngạc nhiên khi thấy thanh gỗ mà Chúa Giêsu chịu treo trên đó 2000 năm về trước đã luôn là chủ đề của nhiều huyền thoại và truyền thuyết. Các tín hữu thời trung cổ tin rằng mọi sự đều đã được Chúa an bài rõ ràng, nên cây gỗ để làm ra Thánh giá Chúa cũng không thể là một khúc cây vô danh ngẫu nhiên nào đó, mà phải có nguồn gốc huyền nhiệm đầy ý nghĩa tâm linh.
Truyền thuyết về nguồn gốc Thánh giá Chúa Giêsu
Truyền thuyết về nguồn gốc Thánh giá Chúa Giêsu
Một trong những câu chuyện phổ biến về gỗ Thánh giá được tìm thấy vào thế kỷ 12 có tên là ‘Về nguồn gốc Gỗ Thánh giá từ Cây Hiểu Biết’. Một tu sĩ tên là Lambertus đã kể câu chuyện như sau:

Khi ông Ađam được khoảng 930 tuổi, ông công bố rằng ông phải chết; nhưng ông sẽ phải chịu đựng bệnh tật cho đến khi ngửi được mùi của cây đã khiến ông phạm tội chống lại Thiên Chúa trong vườn địa đàng. Và ông nói với Sết là con trai của ông: “Con hãy đi về phía đông, đến sát ranh bờ biển, rồi kêu cầu Thiên Chúa với đôi tay mở rộng hướng về trời, và rồi con sẽ nhận được ơn trợ giúp cho điều này .” Khi ông Sết đã hoàn tất lệnh truyền của cha, một thiên thần hiện ra và mang ông đến vườn địa đàng xưa. Ông Sết bẻ một cành cây của cây ở giữa vườn, rồi được mang về lại chỗ cũ, và ông về cùng cha ông. Khi đã ngửi được mùi của cây, ông Ađam nhắm mắt tắt thở. Ông Sết trồng nhánh cây kia xuống, nó lớn lên và thành một cây cổ thụ to lớn đến tận thời Salômôn. Những người xây dựng đền thờ theo lệnh vua Salômôn khi nhìn thấy cái cây thật xanh tốt này thì đã chặt nó để sử dụng. Tuy nhiên, sau đó họ loại bỏ cây gỗ kia như thể tảng đá sẽ trở nên đá tảng góc tường. Cái cây nằm yên suốt 1090 năm, cho đến khi Đức Kitô xuất hiện. cái cây này mà Thánh giá của Người đã được tạo ra.

Mặc dù không có cách nào để kiểm chứng truyền thuyết trên, nhưng nó vẫn làm nổi bật lên sự liên kết thiêng liêng giữa hai cây gỗ. Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô Tông đồ đã viết: “Bởi một người phạm tội mà cả loài người bị kết án, thì cũng bởi một người công chính mà cả loài người được tha thứ và được sống. Vì chưng bởi một người bất tuân mà nhiều người đã trở thành tội nhân, thì cũng bởi một người vâng lời mà nhiều người nên công chính” (Rm 5,18-19).

Hoặc đặt câu chuyện vào hoàn cảnh của hai cây, “Vì chưng bởi một người bất tuân mà nhiều người đã trở thành tội nhân, thì cũng bởi một người vâng lời mà nhiều người nên công chính .” Theo truyền thuyết được kể trên, với cùng một cây mà cả sự chết lẫn sự sống đã được mang đến cho loài người.

Thánh Phaolô lần thứ hai kết nối hai sự kiện này trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Vì như tất cả đều phải chết nơi Ađam, thì cũng vậy tất cả đều được ban cho sống nơi Đức Kitô … Sự chết đã bị đánh bại. Hỡi sự chết, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi sự chết, đâu là nọc độc của ngươi ?” (1Cr 15,22.55).

Cho dù truyền thuyết là không thật đi chăng nữa, nó cũng cho chúng ta một suy tư tuyệt vời trong mùa Chay, nhắc ta nhớ về những công trình mầu nhiệm trong kế hoạch của Thiên Chúa theo dòng lịch sử, và về cách Chúa Giêsu đã gánh lấy tội lỗi chúng ta mà đóng đinh chúng trên cây gỗ. Cây biết điều thiện điều ác đã không còn nữa, chỉ còn lại sừng sững một Cây vinh quang ban sự sống.

Theo Aleteia
Gioakim lược dịch

Previous articleTại sao gọi là Tuần Thương Khó?
Next articleCầu Xin và Cảm Tạ