ĐẸP THAY NHỮNG BƯỚC CHÂN NGƯỜI SỨ GIẢ

37

ĐẸP THAY NHỮNG BƯỚC CHÂN NGƯỜI SỨ GIẢ

          Trời buồn thêm buồn bởi những cơn mưa rả rích và viết những suy nghĩ về dòng đời và dòng người …

          Chợt nhớ đến “người thương” ở tận đằng đầu của đất nước. Thương thì nhớ mà nhớ thì hỏi thăm nhau cũng là chuyện bình thường, lẽ thường trong cuộc sống.

          Hết hồn, bỡ ngỡ, cảm mến … nói chung là thật nhiều cảm xúc trào tràn khi nhận được không chỉ những dòng chữ nhắn tin mà còn là những hình ảnh thực và không thể nào thực hơn kể về sinh hoạt của “người thương” đang rong ruỗi trên bước đường truyền giáo.

          Có thể Đức Cha không muốn viết cũng như không muốn nói nhưng buộc tôi phải nói bởi lẽ đây là sự thật cũng như muốn viết ra những dòng chia sẻ để mọi người thêm lời cầu nguyện cho Đức Cha cũng như đồng hành với Đức Cha trên mọi nẻo đường đời trong sứ vụ mà Chúa trao phó.

          Hình ảnh ghi lại niềm vui không chỉ của Đức Cha mà với những trẻ bé nghèo người dân tộc thiểu số cứ ám vào mắt, vào tâm, vào trí tôi. Kèm theo đó là hình ảnh của dĩa khoai lang, vài con cá khô cùng với những sinh hoạt và đồi núi chập chùng làm cho mình lại dấy lên ngọn lửa của sự ra đi. Ra đi để không còn bám víu chỗ tựa nương xem ra an lành, ra đi để đến với người nghèo khó. Chả cần làm gì to tát cả, chỉ cần ở với họ, đồng bàn với họ thôi cũng là đủ rồi.

          Dường như niềm vui đọng lại trên khuôn mặt của Đức Cha với những con người nghèo này khác với niềm vui ở những yến tiệc hay đại Lễ. Yến tiệc, đại lễ, mời đón … dường như chỉ dừng lại ở góc cạnh xã giao còn niềm vui đến với người nghèo có lẽ là niềm vui đích thực và đó là điều mà các chủ chăn hướng đến.

          Tôi cảm thấy vui khi thăm một mục tử nào đó mà thấy, mà nghe, mà nhìn hình ảnh của các vị mục tử chịu thương chịu khó đến với người nghèo như Đức Cha xứ Lạng.

          Không chỉ có Đức Cha xứ Lạng mà đâu đó vẫn còn những hình ảnh đẹp của Đức Cha Xuân Lộc, Đức Cha Vĩnh Long, Đức Cha Buôn Ma Thuột, Đức Cha Kontum, Đức Cha Bắc Ninh, Đức Cha Hưng Hóa … đã đến rời bỏ nơi yên ổn để đến với người nghèo.

          Một điều hết sức dễ thương mà trong những năm gần đây nhiều người chợt nhận thấy đó chính là một số Đức Cha không còn dâng Thánh Lễ truyền Dầu ở nhà thờ Chính Tòa nữa mà chọn đi đến những nơi nghèo để dâng Lễ. Phải chăng đây là một bước đột phá để xua tan não trạng giáo sĩ trị và đến với người nghèo.

          Với những người có tiền và có chức quyền thì chả dám nói, những người nghèo thì với họ chỉ cần chộp được vài tấm ảnh với vị Cha Chung của Giáo Phận hay được Ngài cầm lấy tay cho hôn nhẫn quả là “sướng” lắm rồi. Giản đơn là niềm tin và niềm vui của người nghèo chỉ cần đơn giản là thế.

          Đức Cha Phêrô của giáo phận Mỹ Tho làm cho chính tôi ngạc nhiên khi Đức Cha dừng lại để chụp với từng người nghèo sau Thánh Lễ tại Trung Tâm hành hương Fatima Bình Triệu.

          Có gì khó đâu ! Gần gũi với con chiên mình chỉ cần vậy thôi. Họ biết thân biết phận của họ để chả bao giờ nghĩ tới việc chung mâm chung bàn. Họ chỉ cần gần như thế là họ cảm thấy như gần Chúa lắm rồi vì Đức Cha chính là hiện thân của Chúa.

          Một bà mẹ phải gào thét khóc lớn bởi cái rào cản quá lớn sau Thánh Lễ có Đức Cha. Đơn giản, bà chỉ xin Đức Cha đặt tay chúc lành cho đứa con tật nguyền của bà nhưng vô vọng bởi lòng người vô cảm.

          Đứng đó lặng người nhìn người đàn bà đau xé ruột nhưng chả làm gì được hơn bởi cái thân phận bọt bèo.

          Ngày hôm nay, người ta cần nhân chứng hơn là thầy dạy. Muốn biết gì, chắc có lẽ chỉ cần nhìn qua nhìn lại trên màn hình vi tính hay điện thoại thôi thì người ta có thể biết mọi sự và có thể thấy hình của Đức Cha nọ Đức Cha kia thật lung linh tỏa sáng. Thế nhưng, có lẽ họ không cần nhìn như thế mà họ muốn nhìn rõ hình ảnh của những vị Chủ Chăn đến và ở giữa người nghèo.

          Lòng ấm lại, tim vui hơn, máu chảy đều hơn sau khi ngắm nghía hình ảnh của vị Cha Chung xứ Lạng đang “đồng hình đồng dạng” với người nghèo. Và, vẫn ước mong Đức Cha hãy có nhiều chuyến như thế để an ủi người nghèo, sưởi ấm lòng của người nghèo giữa tiết trời băng giá và đời sống quạnh cô.

          Thật sự mà nói, công tâm mà nói và cứ tiếng lòng mà nói, chắc có lẽ không chỉ suy nghĩ của riêng tôi nhưng của đại đa số người Công Giáo đều mong muốn và ước ao được thấy tận mắt hình ảnh của những vị chủ chăn hãy bỏ đi cái “ngai” của mình ở Tòa Giám Mục để đi đến với vùng ngoại biên.

          Xin Chúa thêm ơn cho Đức Cha xứ Lạng để Đức Cha ngày mỗi ngày sống gần với người nghèo hơn và sống giữa người nghèo hơn. Có thể, qua hình ảnh, qua sự hiện diện của Cha để rồi cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát mà Đức Cha từng chia sẻ với con sẽ thu được nhiều đồng lúa vàng óng ánh nhờ tấm lòng và cung cách sống của Đức Cha.

v1iber image vib4er image viber i5ma6ge viber i6mage viber im6age viber im99age viber ima6ge viber imag666e viber image

 

Previous articleGIÁO PHẬN VĨNH LONG : LÀM PHÉP BÀN THỜ VÀ NHÀ THỜ VĨNH BÌNH
Next articleDÒNG TRINH VƯƠNG : CUNG HIẾN KHÁNH THÀNH NGUYỆN ĐƯỜNG