Sự giàu có mang lại bất hạnh

50

Có lẽ tất cả chúng ta đều mơ một ngày nào đó sẽ trở nên giàu có, trừ những người sinh ra trong những gia đình khá giả…

Và có lẽ ai cũng từng mơ về việc sở hữu khối tài sản khổng lồ, lối sống xa hoa của những người giàu có và nổi tiếng, những căn biệt thự với sân vườn được cắt tỉa tỉ mỉ và những hồ bơi khổng lồ, những hòn đảo của riêng mình, xe thể thao đắt tiền, phi cơ riêng và nói chung là tiền để phung phí vào bất cứ thứ gì bạn muốn.

Vậy, điều gì đã xảy ra với những người đạt được giấc mơ đó?

Góc tối của sự giàu có

Tiền mang lại những thay đổi, đôi lúc là theo hướng tích cực, đôi lúc lại là tiêu cực.

Carol Philo đã chứng kiến cha mẹ mình, từ những người nghèo khó, biến thành những triệu phú sau khi công ty in ấn của họ làm ăn phát đạt.

Tuy nhiên lợi nhuận càng nhiều thì tham vọng cũng càng tăng.

“Mẹ tôi trở thành người mê tiền … Không có gì là đủ đối với bà,” Philo nói.

Sau một thời gian, quan hệ gia đình bắt đầu đổ vỡ.

“Là người đã chứng kiến tất cả những điều đó, tôi có thể khẳng định rằng có thể phấn đấu để sống thoải mái, nhưng để giàu có thì không nên”.

Murat Morrison cũng đồng ý với quan điểm trên.

Ông đã kiếm được nhiều tiền sau khi bán một công ty vận tải vào cuối những năm 90. Thế nhưng điều mà ông rút ra được, đó là “tiền chỉ mua sự thoải mái”.

“Sự thoải mái không tạo nên hạnh phúc hay sự mãn nguyện. Tôi cảm thấy trống trải suốt nhiều năm trời. Dù sống thoải mái là điều tốt, nhưng hạnh phúc sẽ mang lại cho bạn cảm giác trọn vẹn”.

Sự giàu có cũng làm lộ ra bản chất của con người, ông Paul Buchheit nhận định.

“Nói chung nó khắc đậm hơn những tính cách mà một người đã sở hữu,” ông nói.

“Nếu bạn là một kẻ đáng ghét, việc trở nên giàu có sẽ khiến bạn trở nên đáng ghét hơn”.

“Thế nhưng nếu bạn là người sống có mục đích và muốn lẽ sống của mình không chỉ đơn thuần là chạy theo đồng tiền, thì sự giàu có sẽ giúp bạn có thêm khả năng để theo đuổi ước mơ của mình”.

Liệu vật chất có làm nên hạnh phúc? Liệu vật chất có làm nên hạnh phúc?

Sống với thực tế

Khía cạnh tiêu cực của sự giàu có đôi lúc có thể áp đảo những điều tích cực.

“Có lẽ khi nghe ai nói như vậy, bạn sẽ nghĩ họ nói dóc, vì bạn nghĩ người ta không có quyền than thở vì sự giàu có của mình,” một người ẩn danh, vốn đã kiếm được 15 triệu đôla sau khi bán một công ty công nghệ, nói.

“Nếu như bạn là người giàu có, bạn không có quyền được biểu lộ những bức xúc hay nhu cầu của mình trước công chúng. Người ta không nhìn bạn giống như một người thường”.

“Sự giàu có cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn bè và gia đình. Người ta bắt đầu trông đợi được hưởng lợi từ bạn, và bạn bắt đầu tự hỏi liệu người ta có quý mến bạn thực sự, hay chỉ đến vì tiền”.

“Nếu bạn còn độc thân, việc biết được ai đó tìm đến với mình vì bản thân mình hay vì tiền còn khó khăn hơn”.

Thế nhưng phần lớn những người khác đều cho rằng sự giàu có mang lại nhiều lợi ích.

“Có nhiều tiền vẫn tốt hơn, nhưng có điều chắc chắn là sự giàu có không phải tuyệt vời như nhiều người tưởng tượng”, người này nói thêm.

Christopher Angus, một người kiếm nhiều tiền sau khi bán bốn công ty do mình thành lập, nói “tôi thà có tiền hơn là không. Bảy năm qua, tiền bạc đã cho tôi sự thoải mái và trải nghiệm mà người khác không thể có được trong cả cuộc đời.”

“Ví dụ như tôi đã đi nghỉ mát 25 lần trong một năm và đã xài hết 20 nghìn đôla chỉ trong một tối thứ Bảy”.

Sự cô lập

Thế nhưng sự giàu có cũng khiến cho tiêu chuẩn của bạn tăng lên.

“Ban đầu bạn lái một chiếc Audi hoặc ăn trong một nhà hàng sang trọng”.

“Nhưng sau đó bạn bắt đầu quen với điều đó và bắt đầu trông đợi vào những thứ ở tầm cao hơn, và những thứ dưới mức đó sẽ không làm bạn hứng thú nữa”.

Sự thoải mái không làm nên hạnh phúc hay sự mãn nguyện
(Doanh nhân Morat Morrison)

Angus, một người từng có nhiều tiền hơn nhu cầu khi chỉ mới 20 tuổi, nói cảm giác chán ngán đến với ông rất sớm.

“Tôi cảm thấy việc có đủ tiền cho gần như tất cả mọi thứ vật chất đã khiến tôi mất hết hứng thú và động lực để đạt được những điều mình từng mong ước trước khi trở nên giàu có.”

“Một chiếc Porsche và những thứ khác không còn đáp ứng nhu cầu của tôi nữa. Ba năm sau đó tôi mua 5 chiếc Porsche và những chiếc xe thể thao khác,” Angus nói.

Tôi trở nên nghiện ngập những thứ chỉ có giá trị hình thức để thu hút sự chú ý và khiến người ta muốn giao du với mình chỉ vì những gì tôi có và những gì tôi có thể mang lại cho họ.”

Một người giàu có khác, với khối tài sản hơn 20 triệu đôla, nói với điều kiện ẩn danh rằng “tôi đã luôn muốn trở nên giàu có và thực tế tôi đã đạt được giấc mơ đó.”

“Nhưng giờ đây tôi cảm thấy dường như nó không giống những gì tôi tưởng tượng”.

“Có lẽ con người ta cần tiến tới sự giàu có một cách chậm rãi hơn để có thể làm việc và sống lành mạnh hơn”.

“Tất nhiên là một khi đã giàu có thì khó mà từ bỏ nó. Bạn sẽ muốn được như vậy mãi mãi”.

Previous articleĐêm Thánh Ca mừng Chúa Giáng Sinh tại họ đạo Chợ Đũi : Ca đoàn Lumen rất thần học
Next articleNgười nữ tu trong cô nhi viện Pleiku