Home Đức Mẹ Chân Dung Mẹ Maria

Chân Dung Mẹ Maria

Chân Dung Mẹ Maria

      Trong lịch Phụng vụ hiện hành của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy có ba ngày lễ mừng sinh nhật: sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6), sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (8/9) và ngày lễ Chúa Giáng Sinh (25/12). Về ngày sinh của Đức Mẹ, Kinh Thánh hầu như không nói gì nhiều. Nhưng nhìn vào cuộc đời của Mẹ Maria với những biến cố trong đời sống thường ngày cũng như những biến cố trong đời sống đức tin.

Mỗi người chúng ta tin rằng Mẹ cũng là một con người, sống kiếp người như chúng ta nhưng lại được Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác cách riêng vào chương trình của Thiên Chúa. Trong ngày Lễ kính mừng sinh nhật Đức Mẹ hôm nay, mỗi người chúng ta cùng nhìn vào cuộc đời của Mẹ, để thấy được và học được phần nào chân dung của một người nữ rất bình thường nhưng lại có những nét đẹp phi thường.

     1. Một người nữ đạo đức

      Dấu hiệu đầu tiên để nhận ra Mẹ là một người đạo đức là Mẹ rất khôn ngoan trong cách ứng xử. Khi Thiên thần truyền tin, Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa: Bấy giờ bà Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Rồi khi Đức Mẹ đi thăm bà Elisabet, bà Elisabet được Thánh Thần thúc đẩy đã ngợi khen Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,41-43). Trước lời ngợi khen đó, Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn tôi tớ: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48). Không  chỉ thế, Mẹ Maria là một người mẫu mực trong việc cầu nguyện. Tinh thần cầu nguyện của Mẹ là đi hành hương lên Giêrusalem hằng năm theo như luật dạy: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. (Lc 2,41-42). Sự đạo đức của Mẹ còn thề hiện qua việc tuân hành đúng luật Môsê. Mẹ đã tiến dâng chúa Giêsu cho Thiên Chúa: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giu-se đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa.” (Lc 2, 22).

     2. Luôn cộng tác với Chúa

        Thiên Chúa luôn quan phòng và có chương trình tốt đẹp cho loài người. Chương trình của Thiên Chúa là luôn muốn con người hạnh phúc. Nhưng để chương trình đó thành công thì cần phải có sự cộng tác của con người. Nơi Mẹ Maria, sự cộng tác đó được cụ thể bằng hành động vâng phục. Vì khiêm nhường, Mẹ đã vâng phục bằng việc đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Mẹ đã vâng phục để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ đã bỏ chương trình riêng của mình là sống độc thân trinh khiết: Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”(Lc 1,34). Mẹ đã thưa “Xin vâng” trong biến cố truyền tin:  Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1,38). Khi thưa “Xin vâng” Mẹ đã hoàn toàn phó thác số phận của mình trong tay Chúa. Khi thưa “Xin vâng” Mẹ đã chấp nhận tất cả thánh ý Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng của mình.

      3. Kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu

        Cả cuộc đời của Mẹ luôn là mẫu gương kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Mẹ Maria đã cưu mangChúa Giêsu và bị người bạn đời của mình nghi ngờ. Khi sinh hạ Chúa Giêsu, vua Hêrôđê ra lệnh giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận. Thế là gia đình Chúa Giêsu phải trốn sang Ai Cập. Những biến động lớn lao đó dồn dập xảy đến. Giữa những biến động ấy, làm sao Đức Mẹ có thể vượt qua được, nếu sâu thẳm trong tâm hồn Mẹ không tin tưởng và phó thác vào chương trình của Thiên Chúa. Nếu mẹ không xác tín rằng người con mình sinh ra là con của Thiên Chúa thì làm sao Mẹ có động lực để bước tiếp. Đức Mẹ đã để tâm suy niệm Lời Chúa để tìm thánh ý Thiên Chúa, và từ đó Mẹ đã tìm một hướng đi chính xác cho đời mình.

  Trong thời gian Chúa Giêsu sống ẩn dật, trong vai trò là một người Mẹ, chắc chắn rằng Mẹ luôn đồng hành với con của mình. Rồi trong tiệc cưới Cana, quan tâm đến nhu cầu của bữa tiệc, khi thấy thiếu rượu, Mẹ đã xin Chúa Giêsu làm một phép lạ: “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.( Ga 2, 3-5).

Khi Chúa Giêsu sống đời công khai để rao giảng Tin mừng nước Trời cho đến khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, Mẹ luôn là người đồng hành với con mẹ: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria MácđalaKhi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.(Ga 19, 25-27)

        Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban muôn ơn cho mọi người chúng con trong cuộc sống luôn biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày. Xin Mẹ đồng hành, nâng đỡ đời dâng hiến của chúng con đây. Amen.