Bác ái Kitô giáo trải qua lịch sử: thực hành và lý thuyết

25

Bác ái Kitô giáo trải qua lịch sử: thực hành và lý thuyết

Daniel de Pablo Maroto OCD[1]

I. Cổ thời (tk I-VII)

A. Những định chế và thực hành bác ái

B. Những nền tảng thần học.

1/ Hội thánh nguyên thủy: a) Giáo hội là nhiệm thể Đức Kitô; b) Mục tiêu của tài sản; c) Đức Kitô nơi người nghèo.

2/ Từ thế kỷ IV. – a) Những lý do tự nhiên: con người sống trong xã hội; mục tiêu sử dụng tái sản. – b) Những lý do lịch sử cứu độ: Kitô học; phẩm giá con người; hiệu quả đền tội của việc bác ái.

II. Thời Trung đại (tk.VII-XV)

A. Những dữ kiện lịch sử

B. Những nền tảng thần học. 1/ Kitô học. 2/ Giáo hội học. 3/ Công bình và bác ái

III. Thời cận đại (tk. XVI-XVII)

A. Những định chế mới

B. Sự tiến triển trong quan niệm về người nghèo vá bác ái

C. Ý thức hệ mới

IV. Thời đương đại (tk. XVIII-XX)

A. Thế kỷ XVIII

B. Thế kỷ XIX

C Thế kỷ XX. Giáo huấn xã hội. Công đồng Vaticanô II và người nghèo

———–

Không ai có thể viết nổi lịch sử về đức ái toàn diện trong đời sống Giáo hội, bởi vì nó thuộc về “đời sống nội tâm” của sự “hiệp thông các thánh”. Những bài viết về lịch sử của bác ái[2] chẳng qua chỉ là những biểu hiện bên ngoài của đức ái. Khi ôn lại lịch sử và thần học của bác ái, ta thấy rằng chuyện này không phải là sáng kiến của vài tư nhân hảo tâm hay của vài vị lãnh đạo sáng suốt, nhưng việc thực hành bác ái nằm ngay trong cấu trúc của Giáo hội. Trong sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 8, Công đồng Vaticanô II đã viết như sau:

Dù ở thời đại nào, Giáo hội cũng muốn được nhận diện nhờ dấu chỉ tình yêu, và trong khi vẫn vui mừng vì những đề xuất của người khác, Giáo hội muốn tự đảm nhận những hoạt động bác ái như là nhiệm vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình.

Bài tóm lược sau đây muốn chứng minh nhận xét vừa nói của công đồng. Chúng tôi sẽ phân chia lịch sử Giáo hội theo bốn giai đoạn để dễ theo dõi: Cổ thời, Trung đại, Cận đại, Đương đại.

I. Cổ thời (thế kỷ I-VII)

Chúng tôi sẽ phân biệt hai khía cạnh: thực hành và đạo lý.

A. Những định chế và thực hành bác ái

Một yêu sách thường xuyên được gợi lên cho các tín hữu là những đoạn văn của sách Tông đồ Công vụ 2,44; 4,32-37, bàn đến việc chia sẻ tài sản giữa các phần tử của cộng đoàn tiếp theo việc chia sẻ đức tin và cử hành Thánh Thể. Động lực của cử chỉ này không phải là ước mong sống nghèo cho bằng sống tình huynh đệ.

Thử hỏi: đó là sự thật lịch sử hay chỉ là giấc mơ lý tưởng? Dù nói gì đi nữa, chứng tích của sách Tông đồ công vụ về việc chia sẻ tài sản vẫn là một lý tưởng cho các Kitô hữu trong hai thế kỷ đầu tiên[3]. Chúng ta gặp thấy nhiều chứng cớ lịch sử, bên Đông cũng như bên Tây, về điều này, và tôi chỉ muốn thuật vài một vài bản văn tiêu biểu. Chẳng hạn như cuốn Apologia (Hộ giáo) của Aristides (đầu thế kỷ II), nói đến việc giúp đỡ các quả phụ, các cô nhi, các lữ khách, những người bị cầm tù vì đức tin[4]. Đặc biệt là chứng tích của thánh Giustinô (+165) nhắc đến việc các tín hữu đặt tài sản làm của chung, và việc cộng đoàn quyên góp nhân buổi cử hành Thánh Thể, nhờ đó vị chủ tọa có thể giúp đỡ những người túng cực: mồ côi, quả phụ, bệnh nhân, lữ khách, tù nhân. Việc đóng góp mang tính cách tự nguyện, tùy theo khả năng của mỗi người[5]. Ông Tertullianô cũng nói như vậy, và thêm rằng các Kitô hữu yêu thương nhau (một điều khiến cho người ngoại thán phục) bởi vì họ là con cái của một Cha là Thiên Chúa và họp thành một thân thể là Hội thánh:

“Mỗi người đóng góp, nếu muốn và có thể, một số tiền hàng tháng hoặc khi nào muốn. Không ai bị bắt buộc hết, nhưng ai thích thì tự nguyện làm. Đây là một quỹ đạo đức, không dùng vào việc chè chén, nhưng để nuôi dưỡng và chôn cất các người nghèo, mồ côi không có gia tài, các người đầy tớ già nua, cũng như để giúp đỡ những người đắm tàu, những tín hữu bị giam hoặc bị khổ sai lưu đày vì tuyên xưng danh Chúa”[6].

Cũng vào thời Hội thánh nguyên thủy có hai khuôn mặt nổi bật là Ignaxiô giám mục Antiôkía (+ 117) và Điônisiô giám mục Corintô (+ k.190), được sử gia Eusebio Cesárea nhắc đến trong Historia Eclesiástica khi thuật lại công cuộc bác ái ở Rôma. Vào thời thánh Inhaxiô có “hơn 500 quả phụ và người túng thiếu được nuôi dưỡng do ân sủng và tình thương của Chúa đối với con người”. Eusebiô cũng ghi lại lá thư của Đionisiô viết vào cuối thế kỷ II để ca ngợi lòng bác ái của giáo đoàn Rôma dành cho người nghèo túng[7].

Sau khi đã được hưởng tự do hành đạo vào đầu thế kỷ IV, Giáo hội có thể tổ chức quy mô hơn các định chế bác ái, qua việc thiết lập những cơ sở để đón tiếp những người túng thiếu, với sự hỗ trợ của chính quyền vừa mới theo đạo. Bộ dân luật Codex Theodosianus (năm 438) ủy thác cho các giám mục trách vụ giúp đỡ những người nghèo, tuy nhìn nhận rằng điều này là một nghĩa vụ của hoàng đế: điều này cho thấy rằng Giáo hội đã được chuyển giao những công tác, không phải là làm thay cho chính quyền, nhưng là những công tác cố hữu của mình nhưng được hỗ trợ thêm với tài nguyên của Nhà nước[8]. Với việc tài trợ này, cộng thêm vào sự đóng góp của các tín hữu, giám mục trở thành “cha của những người nghèo”, một danh hiệu bắt nguồn từ thời Giáo hội sơ khai và còn tiếp tục qua nhiều thế kỷ.

Lịch sử còn nhắc đến một vài định chế từ thiện to lớn dưới sự quản trị của Giáo hội, được tổ chức bởi các giám mục và các người quyền thế. Bên Đông phương, thánh Basiliô đã cất một “thị trấn bác ái” ở Cêsarêa (Capađôxia) vào khoảng năm 379, được đặt tên là Basiliada, “vừa là bệnh viện, nhà trọ, xưởng thợ, trường học, trại phong”[9]. Thánh Gioan Kim khẩu, một trong những nhà giảng thuyết hăng say nhất chống lại những người giàu có sống xa hoa mà lại hà tiện khi giúp đỡ người nghèo, cũng đã thiết lập những cơ sở từ thiện tương tự ở Antiôkía (386-398) và Constantinopolis (398-402)[10]. Xem ra tại thủ đô Constantinopolis đã có hơn 30 bệnh viện[11].

Bên Tây phương, ngay từ trước thế kỷ IV, Giáo hội Rôma đã có nhiều tài sản không những ở Italia và Tây phương, mà còn ở Syria, Ai-cập và Tiểu Á. Vì thế ta có thể hiểu được cuộc bách hại của hoàng đế Valerianô năm 257 được thúc đẩy không chỉ vì lý do tôn giáo mà còn vì lý do kinh tế. Ông Macriano, bộ trưởng tài chính, là “nhà chính trị đầu tiên đã biết sử dụng chiêu bài chống Kitô giáo để làm đầy kho bạc nhà nước”[12]. Những tài sản này là của Giáo hội và của các tín hữu giàu có dùng để giúp đỡ người túng thiếu. Nhiều cơ sở bác ái đã được biết đến, chẳng hạn như bà Fabiola ở Rôma, là người đầu tiên đã lập ra một bệnh viện (nosocomium), và bà đích thân phục vụ các bệnh nhân. Đôi vợ chồng Pammaquio và Paulina thuộc hàng quý tộc cũng làm như vậy[13]. Không thể nào kể hết các cơ sở từ thiện bên Đông phương và Tây phương, được thiết lập tại Rôma và các giáo phận khác, dưới sự huy động của các giám mục, khiến cho các ngài được tặng danh hiệu là “cha của người nghèo”, “tôi tới các tôi tớ” (kể từ thánh Grêgoriô Cả, + 604), “kẻ bảo vệ nền văn minh” (như thánh Lêo Cả vào thời Rôma bị quân man di tấn công)[14].

B. Những nền tảng thần học

Những thể chế bác ái được nâng đỡ bởi những ý tưởng thần học đã được gợi lên từ thời Hội thánh sơ khai và kéo dài suốt giai đoạn các giáo phụ.

1/ Thời Hội thánh nguyên thủy

Trong ba thế kỷ đầu tiên, mặc dù chưa có những khảo luận thần học hệ thống, nhưng qua các thư từ, bài giảng, chứng tích, chúng ta nhận ra vài tư tưởng hướng dẫn các hành động của Giáo hội.

a) Trước hết là một quan niệm về Giáo hội như là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Bản tính của Hội thánh được biểu lộ không những khi cử hành mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa trong bí tích Thánh Thể, mà còn qua việc chia sẻ các của cải vật chất cũng như của cải thiêng liêng[15]. Thực hành bác ái có nghĩa là xây dựng Hội thánh. Phương tiện cụ thể nhất là bố thí như là chia sẻ điều mình thủ đắc được do công sức lao đông, hoặc do dành dụm từ việc chay tịnh. Nó mang giá trị đền tội và lập công phúc: việc bố thí có sức giải thoát khỏi tội lỗi[16].

b) Tuy bênh vực quyền sở hữu chính đáng của mỗi người, nhưng ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ cũng nêu bật rằng ở trên đời này, mọi sự đều là của chung, Việc sở hữu tài sản không mang tính tuyệt đối, nhưng sự khước từ san sẻ với người nghèo có thể là một thứ tội sát nhân. Thánh Clêmentê Alêxandria viết: “Mọi của cải trên địa cầu đều là của chung bởi vì Thiên Chúa đã làm cho hết mọi người; vì thế, những người giàu đừng đòi hỏi phải có nhiều hơn những người khác”[17]. Thực ra, có một sự tương tác giữa người giàu với người nghèo: cả hai cùng lấy của cải mình để giúp nhau: người giàu bằng của vật chất, người nghèo bằng của tinh thần; người giàu được rao giảng Tin mừng nhờ người nghèo[18]. Như vậy, một nền tảng đạo lý thứ hai của tình bác ái là niềm tin vào Thiên Chúa tạo thành muôn vật và quan phòng cho hết mọi người.

c) Một nền tảng thần học thứ ba được nhìn trong tương quan với Đức Kitô, đó là nhận ra Đức Kitô nơi người nghèo. Tư tưởng này được thánh Inhaxiô Antiokia và thánh Clêmentê Alexandria sử dụng trong việc bảo vệ nhân tính của Đức Kitô trong cuộc chiến đấu với thuyết ảo nhân (docetismus). Thật vậy, Đức Kitô là con người thật, có thân xác, chứ không phải là siêu nhân. Từ niềm tin vào Đức Giêsu là người thật, nảy ra tình liên đới với người nghèo: người thân cận túng thiếu là chính Đức Giêsu[19].

2/ Các giáo phụ từ thế kỷ IV

Tiếp nối truyền thống Tân ước và Hội thánh nguyên thủy, các giáo phụ thế kỷ IV (sau khi Kitô giáo đã được tự do hành đạo) đã phát triển những nguyên tắc thần học có ảnh hưởng sang các giai đoạn kế tiếp cho đến ngày nay. Thật khó tóm lược toàn bộ giáo huấn của các giáo phụ, chúng tôi chỉ muốn ghi nhận một vài điểm quan trọng, tạm phân làm hai cấp độ: một cấp độ lý luận theo nguyên tắc tự nhiên của lý trí, và một cấp độ lý luận theo thần học cứu độ.

a) Trên bình diện tự nhiên, các giáo phụ lý luận rằng con người sống trong xã hội, vì thế cần phải quan tâm đến nhau, tương trợ lẫn nhau[20]. Nhưng chính lúc suy tư về tình bác ái mà các giáo phụ đi sâu vào vấn đề tài sản và việc sử dụng của cải. Ý kiến của các ngài khá đồng nhất về điểm này: quyền sở hữu là điều hợp pháp, miễn là ngưởi sở hữu phải coi mình như là quản lý chứ không phải như là chủ nhân tuyệt đối; họ không được giữ riêng cho mình những gì mà Thiên Chúa đã muốn cho hết mọi người được sử dụng. Đối với của cải, con người chỉ có quyền hưởng hoa lợi, bởi vì chủ nhân tuyệt đối của chúng là Đấng Tạo hóa. Sau khi đã trang trải những nhu cầu bản thân, thì những của dư thừa phải được chia sẻ cho những người nghèo khổ túng cực, theo như đòi hỏi của đức bác ái và công bình. Hiểu như vậy, của bố thí không phải là cho đi tài sản của riêng mình, mà là “hoàn lại” cho người nghèo cái thuộc về họ[21]. Vì thế, quyền tư hữu mang tính xã hội và chịu nhiều giới hạn. Mặt khác, những của cải mà ta sở hữu tạo điều kiện cho việc thi hành bác ái, tạo ra tinh thần liên đới với tha nhân[22]. Thậm chí các giáo phụ còn dùng ngôn ngữ rất mạnh khi tố cáo những người có tài sản mà không giúp người nghèo: họ phạm tội ăn cắp và giết người[23]. Đây không phải là ngôn từ hùng biện, nhưng còn mang theo việc đánh giá luân lý.

b) Trên bình diện lịch sử cứu độ. Các giáo phụ trưng dẫn nhiều nền tảng đạo lý dựa trên mặc khải Kitô giáo.

– Kitô học. Các giáo phụ thường nêu bật nền tảng tối hậu của đức bác ai ở chỗ Đức Kitô đã tự đồng hóa mình người nghèo. Vì thế phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Kitô, Đấng đã nhập thể trong họ[24].

– Ơn gọi siêu nhiên của con người. Con người không chỉ được tạo dựng bởi Thiên Chúa, được đồng hóa với Đức Kitô, nhưng còn được “thiên hóa” (divinisatio) nữa. Đây mới thực sự là phẩm giá cao quý của con người. Điều này được nêu bật cách đặc biệt nơi các giáo phụ Đông phương. Trong một bài giảng nói về người phong hủi, thánh Grêgôriô Nazianzô nói rằng tuy thân thể của họ đã bị nát tan vì bệnh, nhưng con người của họ vẫn phản ánh thiên tính của Chúa Cha (tạo dựng), Chúa Con (cứu chuộc) và Chúa Thánh Linh (thánh hóa); họ sẽ đạt tới đời sống vĩnh cữu giống như bao vị thánh khác[25].

– Sau những luận cứ tín lý sâu sắc gặp thấy nơi các giáo phụ Đông phương, các giáo phụ bên Tây thêm vào những luận cứ mang tính luân lý tu đức: việc bố thí cho người nghèo là cách thức biểu lộ đức bác ái, và mang lại hiệu quả tha tội, cũng tương tự như việc ăn chay cầu nguyện. Điều này đã được thánh Cyprianô gợi lên từ những thế kỷ đầu tiên, và được các giáo hoàng Lêo Cả và Grêgoriô Cả nhắc lại[26].

Dựa trên các nguyên tắc của nhân-luận thần-học và nhiều lý do khác nữa (chẳng hạn sự bình đẳng giữa mọi nhân sinh, sự tự do của con cái Chúa), vài giáo phụ đã bắt đầu chỉ trích chế độ nô lệ. Tiếc rằng đó là một vài tiếng nói yếu ớt và không gây tác dụng thực tiễn[27].

II. Thời Trung đại (thế kỷ VIII-XV)

Trước hết, chúng tôi sẽ trình bày những dữ kiện lịch sử, kế đó là các nền tảng đạo lý.

A. Những dữ kiện lịch sử

Trong việc thực hành bác ái, thời Trung đại tiếp tục thời các giáo phụ qua các định chế của Giáo hội, được xây cất nhờ tài sản của mình hoặc nhờ tài sản của giới tư sản (thủ công nghệ, thương mại, ngân hàng). Mặt khác, không thiếu những nét mới mẻ do tác dụng của các thay đổi kinh tế, xã hội, tôn giáo, đặc biệt là trong giai đoạn hai của thời Trung đại.

Một biến cố tác dụng không ít đến lịch sử của bác ái là các cuộc chiến thập-tự-quân Một đàng, nó giúp cho việc tái khám phá Đức Giêsu lịch sử. Đàng khác là sự thành lập các tổ chức và dòng tu nhằm giúp đỡ những khách lữ hành, những người bệnh, những người nghèo. Một vài dòng tu vừa mang tinh thần hiệp sĩ (nhằm chiến đấu chống lại các lực lượng tấn công Kitô hữu) vừa mang tinh thần phục vụ, tựa như: Dòng bệnh viện thánh Gioan ở Giêrusalem, Dòng Teutonia, Dòng bệnh viện Chúa Thánh Thần, Dòng bệnh viện thánh Antôn, Dòng các hiệp sĩ bệnh viện thánh Lazaro ở Giêrusalem, Dòng Chúa Ba ngôi, Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi[28]. Trong khi đó, các tòa giám mục, các đan viện vẫn tiếp tục các công tác từ thiện đã có từ xưa.

Mặt khác, tâm thức bình dân tôn trọng như thánh nhân những người thi hành việc bác ái qua việc từ bỏ của cải, cách riêng nếu trước đó họ thuộc hàng quý tộc. Mặc dù không thiếu những người chỉ trích Giáo hội là giàu có, nhưng người ta cũng sẵn sàng chấp nhận những tài sản mà các vị chức sắc dùng vào việc phục vụ người nghèo[29].

B. Những nền tảng thần học

Chúng ta có thể nói đến: nền tảng Kitô học, nền tảng Giáo hội học của việc thực hành bác ái; thêm vào đó là những quan niệm thần học về ý nghĩa của tài sản.

1/ Những nền tảng Kitô học

Vào lúc giao thời giữa giai đoạn Thượng và Hạ Trung đại (thế kỷ XI), người ta tái khám phá Đức Giêsu làm người, nghĩa là Nhân tính của Ngài. Hai hiện tượng đã góp phần vào sự kiện ấy: a Những cuộc thập tự chinh cho phép tiếp tục các cuộc hành hương sang Thánh địa; b) thần học về Ngôi Lời nhập thể kể từ thánh Anselmô Canterbury (Cur Deus Homo?) và linh đạo tiếp theo của các thánh Bênarđô, Phanxicô, Bônaventura, vv. Một hệ luận trực tiếp là đời sống nghèo được nhìn như là “đi theo và bắt chước Đức Giêsu” và hoạt động tông đồ được coi như phục vụ dân chúng. Điều này đã gây ra việc thành lập các dòng tu phục vụ những người nghèo khổ, tức là những người được nhìn nhận như là con cái Thiên Chúa và khuôn mặt của Đức Kitô. Các dòng khất sĩ cũng đặt lý tưởng là khó nghèo trần trụi đi theo Đức Kitô trần trụi (nudus nudum Christum sequi[30]. Vì thế người nghèo được xem như “đại diện của Đức Kitô” («pauper Christi vicarius est», châm ngôn của Pierre de Blois, + 1200); hoặc người ta nói đến “những người nghèo của Đức Kitô” (Rabán Mauro, Antôn Padova, Raymunđô Lull)[31]. Thậm chí đời sống huyền bí cũng được mô tả như là kết hiệp với Đức Kitô phục vụ những người nghèo, theo như chứng tích của nhà thần bí Marie d’Ognies, sinh năm1178 [32]. Đó cũng là cảm nghiệm của thánh Phanxicô Assisi, khi nhận ra Đức Kitô nơi người phong hủi. Thiên Chúa và Đức Kitô đội lốt người nghèo[33].

2/ Những nền tảng Giáo hội học của sự khó nghèo và bác ái

Việc thực hành đức khó nghèo như là đi theo Đức Kitô cũng như giá trị của đức khó nghèo trong đời sống tâm linh đã dẫn đến việc nảy sinh một vài nhóm cực đoan bị Giáo hội kết án là lạc giáo (Khuynh hướng của nhóm Spirituales trong dòng Phan sinh, hoặc fraticelli: Michael de Cesena, Angelo Clareno, Pietro Olivi, Jacopone da Todi, vv.). Cuộc tranh luận này mang lại nhiều hệ luận lịch sử:

a) Ý nghĩa của đời sống khó nghèo và thực hành bác ái trong Giáo hội.

b) Nguy cơ của việc tuyệt đối hóa vài phương thế diễn tả đức khó nghèo.

c) Việc chỉ trích một Giáo hội quyền lực chính trị, xã hội và kinh tế về phía những người tìm kiếm đức khó nghèo nhằm hoàn thiện bản thân hơn là do tinh thần liên đới.

Dù sao, nên biết là bên cạnh những phong trào chống đối Giáo hội, cũng có những ý kiến phê bình rất tích cực (chẳng hạn như Guigo II, đan sĩ dòng Chartreux; giám mục Jean de Cardaillac, viện phụ Bênarđô, Catarina Siena), khi nhắc nhở rằng Patrimonium Petri là patrimonium pauperum: tiền bạc của Giáo hội là để làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo, chứ không phải là để xây cất nhà thờ lộng lẫy, dinh thự xa hoa[34].

3/ Việc sở hữu tài sản; bác ái-bố thí và công bình

Các tác giả thời Trung đại lặp lại tư tưởng của các giáo phụ. Đại khái, họ tiếp tục khai triển các ý tưởng đã được nói trong mục trước, đó là:

a) Con người không phải là sở hữu chủ tuyệt đối của các tài sản trên địa cầu, mà chỉ là người quản lý (Pherô Đamiani, Abelardo).

b) Của cải dư thừa không thuộc về người giàu, nhưng thuộc về người nghèo. Việc bố thí hay bác ái là một hành động công bình: trả lại cho người nghèo điều thuộc về họ (Phêrô Đamiani).

c) Không quan tâm đến người nghèo khó túng cực là phạm tội giết người, ra như là giết Đức Kitô vậy (Abelardo).

d) Từ đó, suy ra rằng ở bên trên quyền sở hữu thủ đắc, còn có quyền tự nhiên sinh tồn; vì thế, ăn cắp trong trường hợp túng quẫn thì không có tội (T. Tôma Aquinô)[35].

III. Thời cận đại (thế kỷ XVI-XVII)

Vào thời này, đã có những sự thay đổi não trạng sẽ lớn dần ở các giai đoạn kế tiếp. Một cách tổng quát, có thể nói rằng có sự chuyển biến từ chỗ bác ái và từ thiện sang đến công bình và bảo hiểm xã hội. Cũng nên biết là các tư tưởng này không tiến triển đồng bộ trên khắp mọi quốc gia trên hoàn cầu, mà ngay cả tại các nước Kitô giáo lâu đời nhịp độ thay đổi cũng khác nhau. Cũng như những đoạn trước, chúng tôi xin trình bày trước tiên là các định chế, rồi sau đó là các tư tưởng thần học.

A. Những định chế bác ái mới

Một dấu hiệu cho thấy sức sống của Giáo hội và sự phục vụ bác ái thuộc về cơ cấu của Giáo hội là sự nảy sinh của những thể chế mới của công cuộc từ thiện, đặc biệt là tại những quốc gia công giáo, nơi mà các cơ sở không bị Nhà nước Tin lành truất hữu. Thật vậy, trong thế kỷ này, ta thấy có nhiều dòng tu được thiết lập để phục vụ những người bệnh tật, mồ côi, khó nghèo, mù chữ, vv. Thí dụ: dòng Oratorio của thánh Philippe Neri (Rôma, 1551); dòng Teatino của thánh Gaetano da Thiene (+ 1547) ở Rôma; dòng Barnabiti của thánh Antôn M.a Zacaría (Milano 1531); dòng Somaski của thánh Giêrônimo Emiliani (Somasca-Bérgamo, 1530); Dòng Tên của thánh Ignaxiô Loyola (París-Rôma, 1540); dòng Phục vụ bệnh nhân của thánh Camilô Lellis (Rôma 1586); dòng Bệnh viện của thánh Gioan Thiên Chúa (Granada, 1571); dòng Thừa sai của thánh Vinh-sơn Phaolô và các Nữ tử Bác ái của thánh nữ María Marillac; và nhiều dòng khác nữa[36]. Mặt khác, các thể chế thời Trung cổ, chẳng hạn như các hiệp hội bác ái từ thiện, vẫn tiếp tục hoạt động; ngoài ra cũng cần nói đến những thể chế giúp đỡ người nghèo, như là quỹ tiết kiệm, tiệm cầm đồ, vv.

B. Sự tiến triển trong quan niệm về người nghèo và bác ái

Một vài tác giả thuộc các thế kỷ XVI-XVII phát biểu một vài luận đề cách mạng về người nghèo, việc từ thiện và bác ái dựa theo tinh thần mới của thời Phục hưng đòi hỏi những giải pháp mới. Chẳng hạn như ông Luis Vives (De subventione pauperum, 1526): để chống lại chính sách xóa nghèo của thành phố Bruges (Bỉ), để bảo vệ những người thực sự nghèo, và vì thế đòi hỏi người ấy phải xin một giấy chứng nhận của cha quản xứ. Thật ra đây là một sự chỉ trích những người giàu là kẻ trộm cắp, bởi vì họ ăn trộm của người nghèo khi mà họ phung phí tài sản hay là họ chiếm giữ nhà cửa của người nghèo[37]. Cha Domingo de Soto O.P. (Deliberación en la causa de los pobres, 1545) chống lại những biện pháp xỏa bỏ cảnh nghèo bởi vì chúng tước mất quyền của người nghèo được xin ăn và quyền của người giàu được làm việc từ thiện; như vậy, tác giả bảo vệ việc ăn xin, dựa theo giáo huấn của các giáo phụ. Cha Juan de Robles O.S.B. (De la orden que en algunos pueblos se ha puesto en la limosna para remedio de los verdaderos pobres, 1545) chủ trương công bình xã hội thay vì bác ái từ thiện: cha gợi ý là nên quy tụ những người nghèo vào các nhà tình thương, nơi họ có thể làm việc. C. Pérez de Herrera (Amparo de pobres, 1598), Miguel Giginta (nhiều tác phẩm), bênh vực các tư tưởng của Vives và của Juan de Robles, chống lại ý kiến của Domingo Soto. Cha Juan de Mariana S.J. (De rege et regis institutione, 1599) chấp nhận cho Nhà Nước can thiệp vào công việc từ thiện.

C. Ý thức hệ mới

Ta có thể kết luận rằng trong hai thế kỷ này, những tư tưởng cổ điển của các giáo phụ và các tác giả tâm linh về việc giúp đỡ người nghèo nhờ công tác bác ái cùng tồn tại với những tư tưởng mới; tuy vậy, quan niệm cũ vẫn thắng thế. Giáo hội vẫn tiếp tục trợ giúp bằng vật chất và tinh thần cho những người túng cực. Nhà Nước bắt đầu can thiệp bằng cách giảm bớt các bệnh xá và cất những y viện lớn và chuyên khoa hơn[38].

Vì thế người ta lại gặp những tư tưởng tựa như: Đức Kitô (cách riêng Đức Kitô chịu đóng đinh) nhập thể trong những người nghèo (Bossuet), ở nơi họ Người chịu đau khổ (Henry Amauld) và chúng ta phục vụ Thiên Chúa nơi họ; giá trị của công tác xã hội: chúng ta rời Chúa đang lúc cầu nguyện để đi gặp Chúa nơi người nghèo (thánh Vinh-sơn Phaolô). Giáo hội là “thị trấn của những người nghèo” (Bossuet). Trên thực tế, người ta gặp thấy những nhà giảng thuyết hùng hồn nói về người nghèo, đề cao phẩm giá của họ, nhưng lại sống phong lưu và quen thân với hạng thượng lưu. Từ đó, Giáo hội bỉ chỉ trích là nói hay về người nghèo nhưng không sống nghèo. Thực ra, cũng không thiếu những khuôn mặt anh hùng chia sẻ nếp sống với người nghèo: thánh Vinh-sơn Phaolô (phục vụ những người nghèo và người bệnh), Phêrô Claver (che chở những người nô lệ), Giuse Calasanz và Gioan de la Salle (mở trường giáo dục các trẻ em nghèo), và vô số những vị khác. Các ngài đã lấy phương châm hoạt động là: những người nghèo là “cửa tiệm của Thiên Chúa” (Vinh-sơn Phaolô), “huy hiệu của Giáo hội” (Pedro Claver), “những người chủ và người thầy của chúng ta” (Vinh-sơn Phaolô, lấy lại một ý tưởng của thánh Gioan Thiên Chúa); người nghèo có quyền được giáo dục hơn là người giàu (Gioan La-san, Giuse Calasanz), được trợ giúp không chỉ về vật chất và cả về tinh thần nữa (Vinh-sơn Phaolô)[39].

IV. Thời đương đại (thế kỷ XVIII-XX)

Ở đây “đương đại” không những ám chỉ thời đại mà chúng ta đang sống, mà còn ám chỉ tư tưởng hiện đang chi phối não trạng của chúng ta, chịu ảnh hưởng của những quan điểm “Khai sáng” từ thời cách mạng Pháp. Chúng ta hãy ôn lại những đường hướng nổi bật trong vòng ba thế kỷ gần đây.

A. Thế kỷ XVIII

 Về tư tưởng phục vụ người nghèo phục vụ xã hội, thế kỷ XVIII còn duy trì nhiều tư tưởng và thể chế của hai thế kỷ trước. Nhiều “nhà thương xót” (Casas de misericoria) được thiết lập, dành cho các bệnh nhân cũng như người nghèo, vừa để chứa chấp và kiểm soát những người nghèo (để phòng ngừa những tệ đoan xã hội), vừa giáo dục và tạo công ăn việc làm cho họ (để gia tăng sản xuất). Đây là một tư tưởng của phong trào Khai sáng sẽ được Cách mạng Pháp lấy lại[40]. Nói cho cùng, đây là một cuộc cách mạng của giới tư sản chống lại giới thượng lưu và hoàng gia; tuy nhiên, tầng lớp hạ lưu (công nhân, những người bị gạt ra bên lề) cũng đòi hỏi bình đẳng quyền lợi, và tuyên bố việc ăn xin là sự xâm phạm phẩm giá của họ xét như là những công dân. Kể từ đó, việc hành khất trở thành vấn đề xã hội, chính trị, chứ không còn là chuyện bác ái, từ thiện (tôn giáo) nữa.

Giáo hội đã chỉ trích giải pháp này vì xem đó như là một sự xen lấn của Nhà Nước, và làm ngăn cản công tác bác ái là một điều chuyên biệt của Giáo Hội. Các tác giả của trường phái tự do thì chỉ trích Giáo hội vì đã bao che những kẻ lang thang bất lương bằng bát cháo của các tu viện (Gerónimo de Ustáriz). Nói cho cùng, xem ra họ muốn xét lại vai trò lãnh đạo xã hội của Giáo hội, muốn kiểm soát dân chúng cả về khía cạnh tôn giáo lẫn về khía cạnh chính trị[41].

B. Thế kỷ XIX

Thế kỷ này chứng kiến hai hiện tượng xem ra trái ngược nhau[42]. Một đàng Nhà Nước bắt đầu can thiệp vào việc thiết lập và điều khiển các bệnh viện và trường học, trước đây nằm trong tay của Giáo hội: như vậy, xem ra lãnh vực hoạt động của Giáo hội bị thu hẹp lại. Đằng khác, hoạt động bác ái của Giáo hội lại tăng gia nhờ việc thiết lập các dòng tu chuyên lo việc bác ái: người ta tính có đến 1.139 hội dòng nữ tu ra đời trong thế kỷ XIX[43]. Hai hiện tượng ấy có liên hệ gì với nhau hay không? Phải chăng vì công cuộc từ thiện trở thành tục hóa (nằm trong tay Nhà Nước) cho nên Thánh Linh đã “thổi lên” các dòng tu bác ái, để nhắc nhở tính cách tôn giáo của công cuộc từ thiện? Đó là chưa nói đến các hiệp hội bác ái xã hội do các giáo dân điều khiển, chẳng hạn như Hội Bác ái thánh Vinh-sơn do một nhóm sinh viên thành lập tại Paris năm 1833, do Fredeic Ozanam điều khiển.

Đứng trước hai hiện tượng tương phản như vậy, ta có thể hình dung được nhiều lối phán đoán đối nghịch. Có người chỉ trích Giáo hội vì không theo kịp thời đại, cứ bám vào tư tưởng cổ xưa, khuyến khích người giàu thi hành việc bố thí của cải dư thừa để tỏ lòng bác ái, và khuyến khích người nghèo chấp nhận cảng cùng khổ để đền tội. Nói cách khác, vấn đề người nghèo được nhìn trong viễn tượng của đức mến, hướng đến hạnh phúc mai sau, thay vì chuyển sang viễn tượng công bình xã hội[44]. Nhưng cũng có người cho thấy những cái nhìn “tiên tri” của Giáo hội, qua những dự án giúp đỡ người nghèo, hoặc qua “học thuyết xã hội” của các giáo hoàng.

C. Thế kỷ XX

Kể từ cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ XVIII, tại nhiều quốc gia Âu châu, chính quyền dâ quốc hữu hóa các cơ sở bác ái, y tế, giáo dục của các Dòng tu, rồi sau một thời gian, lại trả về. Đằng khác, chính quyền đứng ra tổ chức mạng lưới y tế và giáo dục riêng: từ đó sinh ra sự cạnh tranh giữa bệnh viện công (của Nhà Nước) và bệnh viện tư (của các dòng tu), cũng như giữa các trường công lập (của nhà nước) và trường tư lập (của các dòng tu). Nên ghi nhận là phẩm chất của các cơ sở tư thường cao hơn là các cơ sở công; nhưng đối lại, phí tổn tại các bệnh viện và trường học tư thì cũng cao hơn các cơ sở công lập, với hệ quả trớ trêu là nhiều cơ sở của các dòng tu phục vụ người giàu thay vì dành ưu tiên cho người nghèo! Trong cuộc “cạnh tranh” dài hạn, tất nhiên là các cơ sở công lập phát triển mạnh hơn nhờ được tài trợ bởi nguồn lực quốc gia, trong khi các cơ sở tư lập sụt giảm do những khó khăn về tài chính và nhân sự. Phải chăng công cuộc bác ái của Giáo hội trở nên thừa thãi, không cần thiết nữa? Đó là những câu hỏi được đặt ra trước những thách đố mới của thế kỷ. Chúng tôi xin lược qua các sự kiện và dừng lại lâu hơn ở lãnh vực học thuyết.

1/ Trước hết, cần ghi nhận rằng các thể chế bác ái của Giáo hội không ngừng gia tăng trong những thế kỷ gần đây, chỉ cần trưng dẫn dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têresa Calcutta như một trường hợp điển hình mà mọi người đều biết; ngoài ra còn có những người dấn thân không chỉ để cứu trợ người nghèo mà còn tìm cách cải thiện nếp sống của họ, tựa như bà Madeleine Delbrél, cha Joseph Wresinski, Dom Helder Cámara, Đức cha Oscar Rome­ro[45]. Trên phương diện cơ cấu của Giáo hội, có thể nhắc đến rất nhiều tổ chức bác ái, chú trọng đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của các người nghèo trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, mà điển hình là các tổ chức trực thuộc Caritas mà chúng tôi sẽ có dịp trở lại.

2/ Chúng tôi muốn chú ý hơn đến khía cạnh tư tưởng đạo lý, đặc biệt là những tư tưởng không chỉ của vài cá nhân mà còn là đường hướng hoạt động do các thẩm quyền Trung ương của Giáo hội đề xướng.

Một sự chuyển hướng quan trọng trong các văn kiện của Huấn quyền Giáo hội là không chỉ khuyến khích việc thực hành bác ái mà còn nêu lên những yêu sách của công bình xã hội. Thật ra, đây cũng là một cách đáp trả lại thách đố của thời đại, khi nổi lên những phong trào tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo: theo các nhà chính trị thuộc chủ nghĩa xã hội, những người nghèo không ngửa tay xin bố thí nhưng đòi hỏi quyền lợi của họ. Mặt khác, vấn đề tranh chấp giữa người giàu và người nghèo không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của một quốc gia mà còn giữa các quốc gia trên thế giới (những nước giàu và những nước nghèo).

Những văn kiện về Giáo huấn xã hội bắt đầu ra đời từ cuối thế kỷ XIX (thường lấy mốc là thông điệp Rerum novarum của ĐTC Leo XIII năm 1891). Tuy nhiên, có thể nói được phải chờ đến công đồng Vaticanô II mới phát triển việc suy tư thần học về người nghèo, không chỉ như là đối tượng của đức bác ái mà còn như là mục tiêu dấn thân của Giáo hội. Chúng ta có thể gợi lại vài chặng tiến triển.

Một tháng trước khi khai mạc công đồng, trong sứ điệp truyền thanh ngày 11 tháng 9 năm 1962, Đức thánh cha Gioan XXIII tuyên bố rằng “trước mắt các nước chậm tiến, Giáo hội muốn được nhận biết qua bộ mặt thật của mình là Giáo hội của những người nghèo”. Giáo hội muốn trở nên nghèo để biến thành một cộng đoàn của những người nghèo và có thể loan báo cho các người nghèo sự giải thoát khỏi mọi cảnh áp bức. Giáo hội nghèo, của những người nghèo và cho người nghèo. Thật là một cuộc cách mạng tư tưởng, bởi vì xưa nay không thiếu người nghĩ rằng Giáo hội là của những người giàu và dành cho người giàu.

Vào chính ngày khai mạc công đồng, các nghị phụ đã gửi một sứ điệp cho toàn thể nhân loại, và nhấn mạnh rằng công đồng “tiên vàn hướng đến những người bé nhỏ, những người nghèo khó, những người yếu ớt”, và theo gương Đức Kitô, công đồng động lòng trắc ẩn “trước những đám đông bị đè nén bị đói khát, khốn cùng và dốt nát” (số 9).

Trong bài diễn từ khai mạc khóa hai của công đồng, Đức thánh cha Phaolô VI nói rằng “Giáo hội quan tâm đặc biệt đến một vài thành phần. Giáo hội nhìn đến những người nghèo, những người túng quẫn, những người âu lo, những người đói, những người bệnh, người người bị giam tù, tức là toàn thể nhân loại đang đau khổ và than khóc: họ có quyền được loan báo Tin mừng”[46].

Đặc biệt trong bài diễn văn bế mạc công đồng, Đức thánh cha Phaolô VI đã phác họa một nền nhân học Kitô giáo, để đáp lại những trào lưu vô thần nhân bản trong nền văn hóa hiện đại. Kitô giáo là một tôn giáo hướng về Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là một tôn giáo của con người, tôn giáo của tình bác ái. Câu chuyện của người Samaria nhân hậu vẫn là điểm mốc của linh đạo của công đồng. Trước những thách đố của các chủ nghĩa nhân bản thời nay muốn phủ nhận Đấng Siêu việt, công đồng đã giới thiệu một “chủ nghĩa nhân bản mới”. Công đồng tuyên bố rằng hơn bất cứ ai hết, Giáo hội phục vụ con người (số 13). Công đồng nghiêng mình xuống trên con người, để nâng nó lên tới vương quốc Thiên Chúa[47].

Trong văn kiện cuối cùng, tức là Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, Công đồng kết luận rằng “tinh thần khó nghèo và bác ái là vinh dự và chứng tá của Giáo hội Công giáo; vì thế Dân Thiên Chúa, đứng đầu là các giám mục, có nghĩa vụ phải cứu trợ những cảnh khốn cùng của thời đại… không những bằng những của cải dư thừa mà ngay cả bằng những của cải cần thiết” (GS 88). Dựa theo đó, các văn kiện xã hội của Giáo hội nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cố gắng tiến đến việc san sẻ tài sản giữa thế giới thứ nhất và thế giới thứ bốn. Trong thông điệp Sollicitudo rei socialis, Đức thánh cha Gioan Phaolô II, theo gót các giáo phụ, đã đề nghị bán những đồ trang trí trong các đền thờ, để lấy tiền cung cấp cơm ăn, thức uống, áo mặc và nhà cửa cho những ai thiếu thốn[48].

Vào thời nay, Giáo hội không chỉ tham gia vào việc giúp đỡ người nghèo bằng việc loan báo đạo lý về sự công bình và phát triển toàn diện con người, nhưng còn tích cực tham gia vào công cuộc ấy qua rất nhiều tổ chức được khởi xướng và điều hành bởi các tư nhân, hiệp hội, giáo xứ và giáo phận, dòng tu cũng như qua việc điều phối từ cơ quan trung ương. Ở đây, chỉ cần nhắc đến hai định chế đã được nhiều người biết đến. Một là Hội đồng giáo hoàng “Cor unum” do ĐTC Phaolô VI thiết lập ngày 15/7/1971, với nhiệm vụ là “thúc đẩy việc huấn giáo về đức bác ái và khuyến khích các tín hữu làm chứng tá cho tình thương Kitô giáo; phối hợp các sáng kiến của các cơ quan công giáo nhắm giúp đỡ sự phát triển nhân bản”[49]. Hai là Liên minh Caritas Internationalis, phối hợp công tác của 165 tổ chức cứu trợ tại các quốc gia, giáo phận, đang hoạt động trong 200 nước trên thế giới.

Kết luận

Khi nhìn lại lịch sử hai mươi thế kỷ hoạt động bác ái của Giáo hội, Đức thánh cha Benedicto XVI, trong thông điệp Deus caritas est, đã đi đến kết luận là công tác bác ái không phải là phản ứng cấp thời trước một vài hoàn cảnh tai họa nào đó, nhưng nằm trong bản tính của Giáo hội. Thông điệp đã bắt đầu bằng việc suy niệm về Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu, để rồi đi đến kết luận là tình yêu cũng là yếu tố định nghĩa căn tính và sứ mạng của Giáo hội. Mặc dù ngày nay có nhiều tổ chức bác ái được thiết lập do các cơ quan Nhà Nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, nhưng Giáo hội không chấm dứt bổn phận làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Cách riêng, trong phần thứ hai (các số 19-39), thông điệp đã trả lời hai câu hỏi quan trọng:

– Một, Giáo hội có thể nhường lại công việc phục vụ bác ái cho các tổ chức nhân đạo khác không? Câu trả lời là: không được, bởi vì Giáo hội cần phải thực hành tình yêu tha nhân với tư cách là “cộng đồng tình yêu”; nếu không, thì Giáo hội sẽ loan báo Thiên Chúa tình yêu một cách bất toàn.

– Hai, có cần phải tiến một trật tự thế giới công bình, trong đó sẽ không còn người túng quẫn và nhờ vậy việc bác ái sẽ trở thành thừa thãi không? Câu trả lời là: mục đích của chính trị là tạo ra một trật tự công bình trong xã hội, trong đó mỗi người được nhìn nhận quyền lợi của mình, và không còn ai phải lâm cảnh cực khổ nữa. Công lý là mục tiêu thực sự của chính trị cũng tựa như hòa bình, (mà không thể nào có hòa bình nếu không có công lý). Việc tìm kiếm trật tự công lý là nhiệm vụ của lý trí, cũng như việc chính trị là công việc chung của tất cả mọi công dân. Tiếc rằng, lý trí thường bị mù quáng bởi những ích lợi riêng tư và ý muốn chiếm giữ quyền lực. Bởi vậy, đức tin đến để thanh luyện lý trí, hầu giúp cho nó nhìn thấy và quyết định đúng đắn. Vì thế vai trò của Giáo hội là chữa lành lý trí và củng cố ý muốn làm điều thiện. Dưới phương diện này, Giáo hội tham gia vào việc tranh đấu cho công lý, tuy không làm chính trị. Dù vậy, nói thế vẫn chưa đủ: cần phải thêm rằng công lý sẽ không bao giờ khiến cho tình yêu trở nên thừa thãi. Con người luôn luôn cần đến tình yêu, và tình yêu mang lại cái hồn cho công lý. Trong một thế giới mà chúng ta đang trải nghiệm hiện nay, không cần dài dòng về điểm này. Thế giới đang chờ đợi chứng tá của tình yêu Kitô giáo được gợi lên từ đức tin. Trong thế giới đen tối hiện nay, tình yêu sẽ làm bật chiếu lên ánh sáng của Thiên Chúa[50].

Đề tài này đã được trình bày trong các bài khác của số báo này, vì thế không cần dài dòng ở đây. Lịch sử của Giáo hội, cũng như của bất cứ thể chế nào của loài người, gồm những bức tranh sáng và tối, nhân đức và tội lỗi. Tiếc rằng có người chỉ nhìn thấy bộ mặt trái với những thiếu sót, cũng như có người chỉ muốn ca ngợi bộ mặt sáng bằng việc đề cao các nhân đức thánh thiện. Đúng ra, Giáo hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng gồm bởi các thành phần tội lỗi, như ta có thể đọc ở số 827 của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, lặp lại giáo huấn của Lumen gentium (số 8), và vì thế phải không ngừng sám hối và canh tân. Dù sao, phải nhìn nhận rằng lòng bác ái là dấu chỉ hùng hồn nhất cho sự thánh thiện của Giáo hội, và cuối cùng cho chính Thiên Chúa là tình yêu (Ga 13,35).

————————————————————–

[1] Tác giả là giáo sư đại học Salamanca (Tây-ban-nha), và chuyên gia về lịch sử linh đạo. Bài này trích từ Praxis de la caridad en la Iglesia. Historia y teología de la caridad, đăng trên: Salmanticensis vol 44 (1997) 203-238, và được bổ sung với bài La caridad como presencia de la Iglesia en la sociedad, in: Revista de espiritualidad 67 (2008) 93-122.

[2] Vài tác phẩm về lịch sử bác ái: L. Lallemand, Histoire de la charité, 4 vols., 1902-1912; Michel Riquet, La caridad de Cristo en acción (Desde los orí­genes hasta san Vicente de Paúl), Andorra, Casal I Valí, 1962; W. Líese, Ges­chichte der Caritas, 2 vols., 1922; R. Hermann, La charité de l’Église de ses ori­gines à nos jours, Mulhouse, Ed. Salvator, 1961; F. De Champagny, La charité chrétienne dans les premiers siècles de l’Eglise, Paris, 1854.

[3] Paul Christophe, Para leer la historia de la pobreza, Estella, EDV, 1989, p. 11 (nguyên tác bằng tiếng Pháp: Les pauvres et la pauvreté des origines à nos jours, 2 vol. Paris 1985-1987).

[4] Apología, 16, 7-8

[5] Apología, 15, 2-3; 67, 1.6-7.

[6] Apologético, 39.

[7] HE VI, 43, 11; IV, 23, 10.

[8] B. Llorca, Historia de la Iglesia católica, I, Madrid, BAC, 1964, pp. 841-­842.

[9] Louis Prunell, Les pauvres e l’Église, en DAFC, 3, 1681-1682, được trích dẫn trong M. Riquet, La caridad de Cristo en acción, p. 53. Xem thêm P. Christophe, Para leer la historia de la pobreza, p. 49.

[10] X. Michel Riquet, La caridad de Cristo en acción, pp. 54-55.

[11] Du Cange, Constantinopolis christiana. Trích dẫn trong H. Leclerq, Charité, in DACL, III (l.°), 652,

[12] H. Leclerq, Charité, in: DACL, III, 646; H. Grégoire, Nueva historia de la Iglesia, I, Madrid, Cristiandad, 1964, p. 243.

[13] Như thánh Hieronimo kể lại trong thư số 77 gửi Oceano, trong: Cartas de san Jerónimo, I, Madrid, BAC, 1962, pp. 725-726 y 730-731.

[14] Vài thông tin cụ thể có thể đọc trong Michel Riquet, La caridad de Cristo en acción, pp. 56-78; P. Christophe, Para leer la historia de la pobreza, pp. 50-52.

[15] Didaché, 4, 8; Giustinô, Apología, 67, 1; Tertulianô, Apologético, 39.

[16] Didaché, 4, 6; Pastor Hermas, ẩn dụ 5, 3-7.

[17] Clementê Alêxandria, Quis dives salvetur?, passim.

[18] Pastor Hermas, Ẩn dụ II, 3, 4.

[19] T. Ignaxiô Antiokía, Thư gửi hội thánh Smyrna, 6, 2. T. Clementê Alexandria, Quis dives salvetur, 29

[20] T. Basiliô, Regulae fusius tractatae, Interr. III, 1; Interr. VII. Những tư tưởng xã hội của các giáo phụ, bên Đông cũng như bên Tây, được thu thập trong tuyển tập của: R. Sierra Bravo, El mensaje social de los Padres de la Iglesia, Madrid, Ciudad Nueva, 1989

[21] T Augustínô nói rất nhiều về việc các của cải dư thừa của người giàu thì thuộc về người nghèo, Khảo luận về Tin mừng thánh Gioan, 50, 6; Chú giải các thánh vịnh 147, 12; Sermones, 206, 2.

[22] Vài bản văn điển hình của các giáo phụ: T. Basilio, Destruam horrea mea, 2 và 5. Regulae brevius tractatae, Interr. 92; T. Gioan Kim khẩu, Super Lázarum, Hom. 6, 8. Những bài giảng về Tin mừng Matthêu 77, 4. Những bài giảng về 1 Timothe, 2; T Asterio Amaseno, Bài giảng về người quản gia bất lương PG 40, 180-184; T. Ambrô­siô, Libro de Nabot, Jezraelita, 53; T. Grêgoriô Cả, Regula Pastoralis, II, 21.

[23] T. Basiliô, Destruam horrea mea, 7; T. Gioan Kim Khẩu, Super Láza­rum, Hom. 2, 4 y 6. Khi bị phê bình là quá nặng lời với người giàu, thánh Gioan Kim Khẩu nhắc lại là ngài không xét đoán họ vì là người giàu nhưng vì là kẻ trộm cắp bởi vì đã chiếm đoạt điều thuộc về các người nghèo Xc. Sobre Eutropio, Hom. 2, 3. Họ phạm tội sát nhân, bởi vì còn tệ hơn súc vật, họ đã để cho người khác chết đói khi mình có thể cứu được. Xem thêm: T. Basiliô, Bài giảng trong thời đói kém hạn hán, 7

[24] T. Grêgoriô Nazianzô, Về tình yêu dành cho những người nghèo. Diễn từ XIV, 8; T. Grêgoriô Nysa, Về những người nghèo cần được yêu thương Diễn từ I; T. Gioan Kim Khẩu, Những bài giảng về Tin mừng Matthêu 88, 3, 89, 4. Người nghèo là hiện thân của Đức Kitô, là hình ảnh của Người: T. Cyprianô, Về y phục của các trinh nữ, II; T. Ambrôsiô, Chú giải thánh vịnh, Tv 118, Sermo 10, 26; T. Lêo Cả, Sermo 9, 2.

[25] Về tình yêu dành cho những người nghèo, Diễn từ XIV, 14.

[26] T. Cyprianô, Về các việc lành và việc bố thí, II.. T. Lêo Cả, Sermo, 89, 6. T. Grêgoriô Cả, Các bài giảng sách Tin mừng 1, 16 (PL 76, 1137).

[27] Mãi đến gần đây, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại tại các quốc gia Kitô giáo, và điều này đã gây tranh cãi bên trong cũng như bên ngoài Kitô giáo. Chế độ nô lệ đã hiện hành từ các nền văn hóa lâu đời, phải chăng Kitô giáo chấp nhận “hội nhập văn hóa” thay vì tố cáo chế độ bất công? Chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề ở đây, nhưng chỉ muốn ghi nhận phản ứng của vài giáo phụ. T. Gregori Nyssa đã cực lực lên án chế độ nô lệ trong Bài giảng IV về sách Giảng huấn. Nhiều đan viện chấp nhận ứng sinh bất kể là thành phần nô lệ hay tự do, chẳng hạn luật thánh Biển đức 2, 18. 20. Về thái độ của Giáo hội đối với chế độ nô lệ, x. Gustav Schnürer, La Iglesia y la civilización occidental en la Edad Media, I, Madrid, FAX, 1955.

[28] Chú thích của người dịch. Ngày nay, danh từ hospital được dịch là “bệnh viện”; nguyên gốc của nó là nơi đón tiếp các lữ khách (hospes, hospitium), thường được hiểu về những người đi hành hương bên thánh địa. Họ cần nơi đón tiếp và chăm sóc sức khỏe sau hành trình dài.

[29] Xc. Michel Vauchez, La santità nel Medioevo, Bologna, Il Mulino, 1989, pp. 116, 124, 159-162, 340, 352-353.

[30] Về điểm này, xem A. Vauchez, La espi­ritualidad del Occidente medieval, Madrid, Cátedra, 1985, pp. 109-110.

[31] Các bản văn được trưng dẫn trong J. I. González Faus, Vicarios de Cristo, Madrid, Trotta, 1991, pp. 85, 125, 133-134.

[32] A. Vauchez, La espiritualidad del Occidente medieval, p. 119.

[33] Pedro Lombardo, Bài giảng về việc bố thí, PL 178, 564-567, trong: J. I. González Faus, opcit., p. 91.

[34] Về cuộc tranh luận của nhóm Spirituales, xem: R. G. Villoslada, Histo­ria de la Iglesia católica, III, Madrid, BAC, 1960, pp. 60 y 72-78. Những bản văn phê bình việc sử dụng tài sản Giáo hội được trich đăng trong J. I. González Faus, Vicarios de Cristo: GuigoThư gửi hồng y Aimeric (pp. 98-100); Jean de Cardaillac, Nhật ký (p. 131); T. Bênarđô, De consideratione, I, 9 (p. 94); T. Catalina Siena, Đối thoại, 127 (pp. 136-137).

[35] Các đoạn văn của các tác giả trưng dân có thể đọc trong J. I. González Faus, Vicarios de Cristo: T. Phêrô Đamiani, Opúsculo sobre la limosna (pp. 87-88), Carta a sus ermitaños (p. 87); Phêro Abelardo, Sermón sobre la limosna (p. 91); T. Tôma Aquino, Summa, II-II, q. 76 a. 7 (pp. 127-128).

[36] Xc Michel Riquet, La caridad de Cristo en acción, pp. 131-154; P. Christophe, Para leer la historia de la pobreza, pp. 119-176.

[37] Những lời lẽ cứng rắn được trích dẫn trong J. I. González Faus, Vicarios de Cristo, pp. 171-175.

[38] Về các tác giả được nhắc đến, xem: Juan Ignacio Carmona García, «La asis­tencia social en la España de los Austrias», in: AA. VV., Cuatro siglos de acción social. De la beneñcencia al bienestar social, Madrid. Siglo XXI, 1988, pp. 69-88.

[39] Những bản văn được trưng dẫn trong J. I. González Faus, Vicarios de Cristo, trang 237-264, kèm theo những hệ luận ở các trang 265-268.

[40] Về tình trạng của người nghèo trong xã hội vào thời cách mạnh Pháp, xem. P. Christophe, Para leer la historia de la pobreza, pp. 177-194; J. I. González Faus, Vicarios de Cristo, pp. 271-278. Về các “nhà thương” ở Tây-ban-nha trong khoảng thời gian 1750-1800, người ta ước lượng có khoảng 100 cơ sở, đón nhận 11.786 người nghèo. Xc Pedro Trinidad Fernández, «Asistencia y previsión social en el siglo xviii», in: Cuatro siglos de acción social, pp. 92-96.

[41] Xc. Pedro Trinidad Fer­nández, «Asistencia y previsión social en el siglo xviii», in: AA.VV., Cuatro siglos de acción social, pp. 89-115; F. Álvarez Uría, «Los visitadores del pobre. Cari­dad, economía social y asistencia en la España del siglo xix», ib., pp. 119-146.

[42] Chú thích của người dịch. Khi nói đến “Giáo hội” và “Chính quyền”, tác giả hiểu về hoàn cảnh của nước Tây-ban-nha nói riêng và Tây Âu nói chung.

[43] Xc. J. Álvarez Gómez, Historia de la vida religiosa, III, Madrid, Publi­caciones Claretianas, 1990, p. 530. Ilustra el tema F. Fernández Uría, «Los visi­tadores del pobre…», o. c., pp. 119-128.

[44] Gon­zález Faus, Vicarios de Cristo, p. 273.

[45] Bài nghiên cứu này chỉ giới hạn trong phạm vi Giáo hội Công giáo. Chúng ta cần phải nhìn nhận những “anh hùng bác ái xã hội” ở các giáo hội khác nữa, chẳng hạn như Albert Schweiser, Martin Luther King, Desmond Tutu, vv.

[46] Diễn từ ngày 29 tháng 9 năm 1963, số 51.

[47] Diễn từ ngày 7 tháng 12 năm 1965. Số 14.

[48] Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 31, trích dẫn các giáo phụ Gioan Kim khẩu, Ambrosiô và Augustinô.            .

[49] Trong cuộc cải tổ giáo triều Rôma dưới thời ĐTC Phanxicô, Hội đồng này được sát nhập, cùng với các Hội đồng Công lý và Hòa binh, Mục vụ Di dân, Mục vụ nhân viên y tế, thành một cơ quan cấp Bộ mang danh là “Phục vụ sự phát triển toàn diện con người”.

[50] Trích lời giới thiệu thông điệp Deus caritas est do chính ĐTC Benedicto XVI viết cho các độc giả của tuần báo Famiglia cristiana tiếng Ý, số 6, năm 2006.