trong Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh
cho Mẹ Tê-rê-sa Calcutta ngày mồng 04.09.2016:
“Mẹ Tê-rê-sa hiện diện ở đó cho tất cả!”
“Nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?” (Kn 9,13). Câu hỏi này được trích từ sách Khôn Ngoan, mà chúng ta vừa nghe trong bài Đọc I, nó đặt cuộc sống của chúng ta ngay trước mắt chúng ta với tư cách là một mầu nhiệm, mà chìa khóa để giải thích mầu nhiệm ấy chúng ta không sở hữu. Những nhân vật chính của lịch sử luôn luôn là hai: Thiên Chúa một bên và bên kia là con người. Sứ mạng của chúng ta hệ tại ở chỗ nhận ra tiếng gọi mời của Thiên Chúa, và sau đó đón nhận Thánh Ý Ngài. Để đón nhận Thánh Ý Ngài mà không hề có sự do dự hay ngập ngừng, chúng ta phải tự hỏi: Thiên Chúa đang muốn gì trong cuộc sống của tôi?
Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời ngay trong chính đoạn văn được trích từ sách Khôn Ngoan:“Con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Kn 9,18). Để thẩm định tiếng gọi mời của Thiên Chúa, chúng ta phải tự hỏi và phải nhận ra được điều làm đẹp lòng Ngài. Các Ngôn Sứ đã rất nhiều lần công bố điều làm đẹp lòng Thiên Chúa. Sứ điệp của các Ngài được tóm tắt lại trong một câu văn rất tuyệt vời sau đây: “Ta muốn Lòng Thương Xót chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; Hs 6,6). Thiên Chúa hài lòng về bất cứ công việc nào của Lòng Thương Xót, vì trong những con người mà chúng ta giúp đỡ, chúng ta sẽ nhận ra dung nhan của Thiên chúa, mà dung nhan ấy không ai có thể thấy (xc. Ga 1,18). Bất cứ khi nào chúng ta nghiêng mình xuống để nhìn xem những nỗi cùng khốn của những người anh chị em, thì có nghĩa là lúc ấy chúng ta đang cho Chúa Giê-su ăn, cũng như đang cho Ngài uống, chúng ta đang mặc quần áo cho Con Thiên Chúa, đang hỗ trợ và đang viếng thăm Ngài (xc. Mt 25,40).
Chúng ta được kêu gọi để cụ thể hóa tất cả những gì chúng ta cầu xin trong lời cầu nguyện và trong sự tuyên xưng Đức Tin. Không có sự chọn lựa trước Đức Ái đối với tha nhân: tất cả những ai đặt mình vào trong sự phục vụ những người đồng loại, thì đó đều là những người mến yêu Thiên Chúa, ngay cả khi họ không biết điều đó (xc. 1Ga 3,16-18; Gc 2,14-18). Nhưng đời sống người Ki-tô hữu không chỉ hệ tại ở chỗ thực hiện sự giúp đỡ trong khoảnh khắc khẩn cấp. Nếu chỉ như thế thì một cách nào đó, nó cũng chỉ là một nhân sinh quan tốt đẹp trong tình liên đới nhân loại mà thôi, dù nhân sinh quan ấy đang khởi động một việc thiện trực tiếp, tuy nhiên, nó sẽ trở nên vô sinh, không có khả năng đơm bông kết trái, vì nó không có gốc rễ. Trái lại, sự dấn thân mà Thiên Chúa đòi hỏi, chính là một ơn gọi để thực hiện Đức Ái đối với tha nhân, mà với nó, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Ki-tô cũng đều phải đặt cuộc sống của mình vào trong sự phục vụ Chúa Giê-su, để lớn lên mỗi ngày trong Tình Yêu.
Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe: “Có rất đông người cùng đồng hành với Chúa Giê-su” (Lc 14,25). Hôm nay “rất nhiều người” ấy đang là đại diện cho thế giới rộng lớn của các tình nguyện viên, mà họ đã quy tụ về đây nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em chính là những đám đông quần chúng đã đi theo vị Thầy, và làm cho Tình Yêu cụ thể của Ngài đối với từng người trở nên rõ rệt. Vì thế Cha xin dành cho anh chị em những lời sau đây của Thánh Phao-lô Tông Đồ: “Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí của mọi người trong dân thánh được phấn khởi” (Plm 7). Biết bao nhiêu là những con tim sẽ được phấn khởi và khích lệ nhờ vào những người giúp đỡ cách tình nguyện! Biết bao nhiêu là đôi tay đã được đỡ nâng, biết bao nhiêu là những giọt lụy đang được lau khô; biết bao nhiêu là Tình Yêu đã và đang được đổ vào trong sự phục vụ âm thầm, khiêm nhượng và vô vị lợi! Sự phục vụ đáng ca ngợi ấy làm cho Đức Tin nói lên, cũng như diễn tả Lòng Thương Xót của Cha Trên Trời, Đấng đến gần với những kẻ khốn cùng.
Đi theo Chúa Giê-su chính là một sự mạo hiểm đầy nghiêm túc, và đồng thời cũng là một sự đánh bạo đầy niềm vui; nó đòi hỏi sự triệt để và sự can đảm, để nhận ra vị Thầy Thần Tính trong những con người túng thiếu nghèo hèn nhất, và trở nên những người phục vụ Ngài. Vì thế, những tình nguyện viên mà, vì Tình Yêu đối với Chúa Giê-su, họ đang phục vụ những con người cùng rốt và những con người túng thiếu nghèo hèn nhất, tuyệt đối sẽ không mong chờ lời cám ơn, cũng không mong chờ được trả công, nhưng khước từ tất cả những điều đó, vì họ đã khám phá ra Tình Yêu đích thực. Như Chúa Giê-su đã đến với tôi trong phút giây khổ đau, cũng như đã nghiêng mình về phía tôi, tôi cũng đi đến với Ngài và nghiêng mình về phía những người mà họ đã đánh mất Đức Tin hay đang sống như thể là không có Thiên Chúa. Đồng thời tôi cũng hiến thân mình cho những người trẻ mà họ đã đánh mất giá trị cuộc sống, đánh mất lý tưởng sống, hiến thân cho các gia đình đang rơi vào khủng hoảng, hiến thân cho các bệnh nhân và các tù nhân, hiến thân cho những trẻ vị thành niên đang sống trong sự buông thả, cũng như cho các cụ già đang bị bỏ mặc một mình trong cô đơn. Bất cứ nơi đâu có một bàn tay giơ ra để cầu xin sự giúp đỡ hầu tái đứng dậy, thì ở đó cũng phải có sự hiện diện của chúng ta và sự hiện diện của Giáo hội để đưa ra sự hỗ trợ và niềm hy vọng.
Trong toàn bộ cuộc sống của mình, Mẹ Tê-rê-sa chính là một nữ thừa tác viên đầy quảng đại đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, bằng cách là Mẹ hiện diện ở đó cho tất cả thông qua sự đón nhận và sự bảo vệ sự sống con người – bảo vệ những thai nhi chưa được sinh ra cũng như bảo vệ những em bé bị bỏ rơi và những em é bị vất bỏ. Mẹ dấn thân cho việc bảo vệ sự sống, và không ngừng nhấn mạnh đi nhấn mạnh rằng, “những em bé không được sinh ra chính là những người yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người nghèo nàn nhất.” Mẹ cúi mình xuống trên những người bị kiệt lực mà người ta để cho họ chết cách vất vưởng bên những vệ đường, vì Mẹ nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ cất cao giọng nói của họ trước các thế lực trần gian, để các thế lực ấy nhận ra những thiếu sót và những món nợ của mình khi tận mắt chứng kiến tội ác dẫn tới sự nghèo túng mà chính họ đã tạo ra. Đối với Mẹ, Lòng Thương Xót chính là “muối” tạo ra hương vị cho công việc của mỗi người, và là “ánh sáng” chiếu tỏa trong những vùng u tối của những con người mà họ chưa một lần ngưng nhỏ lệ để khóc than về sự nghèo túng và về nỗi khổ đau của mình.
Sứ vụ của Mẹ tại những khu vực ngoại ô của các thành phố cũng như tại những vùng ngoại vi của cuộc sống, vẫn luôn là một chứng tá hùng hồn cho sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người nghèo nhất của những người nghèo trong thời đại chúng ta. Ngày hôm nay Cha xin trao cho toàn giới tình nguyện viên hình tượng đầy gương mẫu của một phụ nữ và của một con người được thánh hiến cho Thiên Chúa: Ước chi Mẹ sẽ trở thành một tấm gương cho anh chị em về sự thánh thiện!
Thật khó để gọi Mẹ là Thánh Tê-rê-sa. Cha nghĩ rằng, chúng ta có thể tiếp tục gọi Mẹ là Mẹ Tê-rê-sa.
Cầu xin vị nữ lao công không biết mệt mỏi của Lòng Thương Xót giúp chúng ta, càng ngày càng nhận ra rằng, tiêu chuẩn duy nhất đối với các hành động của chúng ta chính là Tình Yêu tự do đáp trả, mà Tình Yêu ấy không lệ thuộc vào bất cứ ý thức hệ hay mối liên hệ nào, và tưới gội trên tất cả mà không hề có sự phân biệt nào về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Tê-rê-sa thường thích nói: “Có lẽ tôi không nói được ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có thể cười.” Chúng ta hãy mang nụ cười của Mẹ trong tâm hồn chúng ta, và chúng ta hãy trao tặng nụ cười đó cho tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ trên những con đường cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là những con người khổ đau. Bằng cách đó, chúng ta sẽ mở ra đường chân trời của niềm vui và niềm hy vọng cho một nhân loại đang bị gây thất vọng, mà nhân loại ấy đang cần tới sự cảm thông cũng như sự trìu mến.
Quảng trường Thánh Phê-rô sáng Chúa Nhật ngày mồng 04 tháng 09 năm 2016
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô