BÁNH TRƯỜNG SINH

88

Thứ Ba tuần III PS

Ga 6, 30-35

BÁNH TRƯỜNG SINH

Trong Cựu ước, manna vẫn được xem là bánh của Thiên Chúa (x. Tv 78,24; Xh 16,15). Người Do thái có một niềm tin mạnh mẽ rằng, khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ lại ban cho họ manna. Ban manna là việc tối quan trọng trong cuộc sống của Môsê, thì Đấng Messia thì phải làm hơn thế nữa. Vị cứu tinh đầu tiên (Môsê) thế nào, thì vị cứu tinh cuối cùng (Đấng Messia) cũng phải như thế. Vị cứu tinh đầu tiên đã khiến manna từ trời xuống thế nào, thì vị sau cùng cũng phải khiến được manna từ trời xuống như vậy. Khi Đấng Messia đến, dân chúng sẽ được thấy manna.

Con người ta thường hiếu kỳ, thích dấu lạ (c.30). Chẳng phải chỉ những người đương thời Đức Giê-su mà người thời nay cũng thế, mỗi khi nghe ở đâu có sự lạ là người ta ùn ùn kéo đến; lắm khi phải vượt đường xa vạn dặm, tốn tiền, tốn của, người ta cũng vẫn sẵn sàng để được chứng kiến dấu lạ, mà thường khi họ lại chẳng thấy gì hết. Do đó, việc hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng của Đức Giê-su là sự lạ khá hấp dẫn đối với người Do-thái đương thời; bởi chẳng phải cũng vì cơm bánh mà người ta phải lao tâm khổ trí, vất vả nhọc nhằn đó sao.

Họ liên tưởng đến tổ tiên họ đã được ăn manna – bánh từ trời rơi xuống; và sự kiện này xem ra còn kỳ diệu hơn cả phép lạ Đức Giê-su đã làm. Họ chất vấn Đức Giê-su: “Ông sẽ làm gì đây?” Theo người Do-thái thì một ngôn sứ đích thật phải làm được dấu lạ nào đó cho họ tin. Ở đây, họ muốn so sánh Đức Giê-su với ông Mô-sê; Mô-sê đã cho tổ tiên họ manna, còn Đức Giê-su, Ngài làm được gì? Câu hỏi dường như có ngầm ý khích Đức Giê-su tỏ uy quyền của Ngài và làm cho họ những cái lời lớn hơn.

Chúa Giêsu làm nhiều dấu lạ, nhất là dấu lạ hoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no. Dân chúng rất hồ hởi tuôn đến với Ngài. Thấy thế, Chúa Giêsu khuyên họ hãy ra công làm việc không phải vì của ăn nuôi sống thể xác mà là linh hồn. Việc cần làm là Tin vào Ngài. Nghe thế, người Do thái yêu cầu Chúa Giêsu làm dấu lạ. Lạ thay, khi yêu cầu Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ, họ lại gợi đến manna: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc như có lời chép: ‘Người đã cho họ ăn bánh bởi trời'”. (Ga 6,30-31)

Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, uy tín và tiếng đồn về Chúa Giêsu ngày một vang xa.Một số người vì óc tò mò kéo nhau đến theo Chúa để tìm hiểu thực hư thế nào Một số người tỏ ra ngưỡng mộ quyền năng của Chúa. Thế nhưng còn một số vẫn chưa thỏa mãn, họ muốn đòi thêm một bằng chứng khác phi thường hơn nữa.Họ bắt đầu so sánh việc làm của Chúa với tổ tiên của họ, bánh của Chúa có gì khác với man-na của cha ông họ. Chúa Giêsu giải thích cho họ biết “không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Chúa Giêsu còn khẳng định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Lời khẳng định của Chúa Giêsu không chỉ cho những người Do Thái bấy giờ mà còn cho mỗi người trong chúng ta hôm nay. Thánh lễ là bàn tiệc thánh của Thiên Chúa. Thánh lễ tái diễn lễ Vượt Qua. Trong Thánh Lễ mọi người đều được mời gọi tụ họp quanh Chúa Giêsu để cùng với Ngài dâng hy tế lên Thiên Chúa Cha. Ðồng thời, họ được thông phần vào Thịt Máu của Ngài. Chính đây là lương thực nuôi sống muôn đời.

          Chúa Giêsu không đến đáp ứng những đòi hỏi và tham vọng trần tục của đám đông dân chúng, Người không tự hào vì phép lạ nhưng Người đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha là chuộc lại những gì đã hư mất và đưa nhân loại về nguồn sống đích thực.

Khi khẳng định “Chính tôi là bánh trường sinh”, Chúa Giêsu cũng khẳng định quyền năng và tình thương yêu của Thiên Chúa. Vì chỉ Thiên Chúa mới có được sáng kiến và quyền năng làm cho loài người được sống và sống bất diệt. Vì quá yêu thương thế gian nên Thiên Chúa đã sai Con Một đến để ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời. Như vậy điều kiện để sống đời đời không phải chỉ ăn thứ bánh vật chất nhưng phải có lòng tin.

Với diễn từ về bánh trường sinh, Chúa Giêsu đưa chúng ta tiến xa thêm một bước, ăn bánh không phải để tồn tại nhưng là để tiến sâu vào sự kết hợp trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đón nhận bánh trường sinh là đón nhận chính Chúa Giêsu, là nuốt lấy bí mật Thần Linh và chúng ta trở nên bất tử.

Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều.

Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người.

 

Previous articleƠN GỌI MARIA MAĐALÊNA – ƠN GỌI CỦA MỖI NGƯỜI CHÚNG TA
Next articleCác nhà thờ lạ lùng nhất thế giới