BỎ HÒN ĐÁ NẮM TRÊN TAY XUỐNG !

115

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã đưa mạc khải về lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước đến chỗ hoàn tất. Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến để làm chứng về tình thương này; là Đấng Cứu Thế, Người đã đến để cứu những gì đã mất; là thầy thuốc, Người đã đến để chữa các bệnh nhân. Nếu chúng ta có được sự thẳng thắn để nhìn nhận rằng chúng ta cũng là những kẻ bị mất, bị đau ốm, chúng ta sẽ biết mở lòng ra đón tiếp Người.

Cung cách hành xử của Chúa Giêsu theo cái lôgíc của Thiên Chúa, không theo tâm địa hẹp hòi gian ác và giả hình của con người, lại cho thấy, Thiên Chúa luôn mở ra cho người tội lỗi một lối thoát, lối thoát của cuộc đời hoán cải. Qua cách hành xử của Thiên Chúa đối với người tội lỗi là còn nước còn tát, nghĩa là luôn cống hiến ơn tha thứ và ơn cứu độ cho họ. Không ai biết Chúa Giêsu đã viết trên cát điều gì hay Ngài đang cần phải qui chiếu theo một thứ luật lệ khác: luật lệ của tình yêu thương tha thứ.

Chúa Giêsu không chối bỏ những cái nặng nề và những hệ lụy do cuộc ái tình trong cuộc sống con người. Nhưng Ngài muốn ném cho người phạm tội một sợi dây của lòng trông cậy. Bởi vì đối với Thiên Chúa, quá khứ tội lỗi của con người không quan trọng, điều quan trọng là nỗ lực tìm lại sự trong trắng, thơ ngây, vô tội trong tâm hồn từ giây phút này trở lên. Nói cách khác, trước mặt Thiên Chúa điều quan trọng duy nhất là ý chí hoán cải tâm lòng và cách mạng cuộc sống của chúng ta.

Hết sức bình thản, Đức Giêsu cúi xuống viết, hoặc vẽ những dấu trên mặt đất. Người chẳng hề liếc nhìn họ hay trả lời họ gì cả. Dường như Người hoàn toàn chỉ lo làm công việc là dùng ngón tay vẽ trên đất. Mọi người cứ chờ một lời nói của Người: các đối thủ thì rất tự tin, người phụ nữ thì cam chịu, dân chúng thì căng thẳng. Người vẽ như thế để làm gì? Người muốn làm cho các đối thủ phải mệt mỏi hoặc bực bội chăng? Đây là một cử chỉ biểu tượng chăng? Ở Gr 17,13, chúng ta đọc được: “Ai tráo trở với Người sẽ có tên viết mặt đất, vì chúng đã bỏ Yavê, mạch nước hằng sống”. Phải chăng Đức Giêsu muốn nhắc cho họ nhớ rằng họ đã thất trung với Thiên Chúa, nên tên họ đáng bị viết trên mặt đất để rồi xóa đi? Dù sao, họ cũng nôn nóng, thúc bách Người cho câu trả lời.

Say giây phút im lặng làm choáng váng mặt mày, mọi người tố cáo người đàn bà ngoại tình bắt đầu bỏ rơi viên đá xuống đất và rút lui có trật tự, già trước trẻ sau. Ðược phép dạy phải sửa chữa tội lỗi, nhưng mỗi một người phải bắt đầu từ chính mình trước. Nếu Chúa Giêsu đã mở ra cho người đàn bà ngoại tình con đường mới của cuộc sống hoán cải thánh thiện: “Tôi cũng không kết án chị. Hãy ra về và đừng phạm tội nữa”. Thì Ngài cũng chỉ cho tất cả mọi người đã hăng hái tố cáo và đòi ném đá xử tử chị ta một con đường mới, con đường của lòng khiêm tốn, từ nay biết nhận mình là người có tội.

Ta thấy rằng các kinh sư và người Pharisee thiếu lòng từ bi thương xót: họ nằng nặc tố cáo người phụ nữ; họ nôn nóng đưa Đức Giêsu vào bẫy. Khi mục đích là tiêu diệt kẻ khác, thì mọi sự việc, kể cả con người, đều có thể trở thành phương tiện cho người ta thực hiện ý đồ gian ác. Luật lệ có thể trở thành phương thế để gây áp lực; con người có thể trở thành cái bẫy để ám hại kẻ khác. Các kinh sư và người Pharisee coi người phụ nữ ngoại tình như một “ca” đơn thuần, cách lạnh lùng, y như thể là một bài toán phải tìm ra đáp án. Đức Giêsu mời gọi chúng ta: khi hành động, cần phải xem ý hướng chúng ta thế nào. Ở đây, chúng ta gặp lại các giáo huấn của Đức Giêsu trong Bài Giảng trên núi (Mt 7,1-5).

Sứ mạng của Đức Giêsu là cứu chữa qua lòng nhân từ và tha thứ. Nhờ Phép Rửa, tất cảchúng ta được trở nên thọ tạo mới và chia sẻ bản tính của Người. Khi những người khác vội vã kết án thì Đức Giêsu tuyên bố, im lặng và cho họ cơ hội để rút lui. Chẳng có ai ở lại với người phụ nữ ngoại trừ Đức Giêsu, và câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng bản tính của Người không phải là kết án, nhưng là để giải thoát. Đức Giêsu đã nghiêm túc nhìn nhận người phụ nữ kia. Chị không phải là đối tượng cho việc tranh luận về vấn đề đạo đức với các Kinh sư và những người Pharisee. Thay vào đó, Đức Giêsu xem chị như một con người có trách nhiệm, bất luận quá khứcủa chị ra sao, Người đã giải thoát và ban cho chị ta một tương lai mới mẻ. Chúng ta lên án tội lỗi, nhưng trong khuôn mặt của tội nhân, chúng ta nên động lòng trắc ẩn như Đức Giêsu đã làm

Cách thức Đức Giêsu đối xử với những người tội lỗi lâu nay chắc chắn không được các đối thủ của Người chấp nhận. Người đã ăn uống đồng bàn với những người tội lỗi, đã loan báo cho họ biết Thiên Chúa từ bi thương xót, sẵn sàng tha thứ cho họ. Trong khi đó, các đối thủ của Người tỏ một thái độ khinh bỉ, giữ khoảng cách với những người tội lỗi, không muốn bị họ làm cho ra “nhơ uế”. Họ phản đối cách thức xử sự của Đức Giêsu và muốn chứng tỏ cho Người thấy rằng chỉ lối sống của họ mới tương ứng với Lề Luật, nghĩa là với ý muốn của Thiên Chúa đã được mạc khải.

Hãy cảnh giác với lương tâm mình để tìm thấy cái mặt lọ lem của mình, để nhìn thấy tâm hồn đen đủi, xấu xa của mình. Hãy cầm lấy cục đá, không phải để ném người khác mà là để vạch lên ngực, lên tim của mình cho chảy máu ăn năn sám hối, rồi bỏ nó xuống đất. Phải làm điều đó một cách công khai trước mặt mọi người.

Nói cách khác, lời nói và cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu đã khiến cho mọi thứ mặt nạ che giấu gương mặt tâm hồn bệnh hoạn, phong cùi của mỗi người hiện diện rơi xuống đất cùng với viên đá trong tay họ.

Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết rằng, chỉ khi nào chúng ta ý thức được tội lỗi yếu hèn của chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu sống trong sạch, vì không còn phải đeo mặt nạ, để đóng kịch, để bênh vực vai trò của chúng ta để khỏi mất mặt nữa. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy biết có một cái nhìn mới để hiểu rằng, một tâm hồn dầu có tội lỗi và xấu xa đến đâu đi nữa, cũng vẫn còn một góc nhỏ xíu tinh tuyền, sẵn sàng rộng mở cho những người biết thương mến họ, và con đường duy nhất giúp tiến vào đó là con đường của lòng kính trọng, cảm thông, chấp nhận và yêu thương.