Chó sói và cừu non

140

 

Đây là một truyện ngụ ngôn được La Fontaine viết vào cuối thế kỷ 17, tôi xin chép lại theo trí nhớ, có thể thừa thiếu vài chỗ:

“Một hôm có chú cừu non tìm đến con suối trong rừng uống nước. Lập tức, một con sói đói xuất hiện. Nó quát con cừu: “ Tao đã cấm không cho ai uống nước suối này mấy tháng. Sao mày lại dám làm đục nước suối của tao?…” Cừu non vội đáp: “ Dạ thưa ông, xin ông bớt giận nhìn cho kỹ. Đây là con suối mấy đời nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Lũ cá chỗ suối này vốn là chỗ quen biết và có thể làm chứng cho tôi. Vả lại, tôi đang uống nước phía dưới ông mấy chục bước, sao lại có thể làm đục nước chỗ ông được ạ?” Sói đang đói cồn cào, nhìn cừu nhỏ dãi, hét to: “ Nếu hôm nay mày không làm đục nước suối thì năm ngoái mày có tội nói xấu tao!’ Cừu nói: “Thưa ông, năm ngoái mẹ tôi còn chưa sinh tôi ra, sao tôi lại có thể nói xấu ông được?” Sói: “ Vậy à? Nếu không là mày thì chính anh trai mày năm ngoái đã nói xấu tao!” Cừu: “ Dạ thưa, ông lại nhầm rồi! Tôi là con một, đâu có anh em!” Sói tiếp: “ Vậy thì một trong mấy đứa họ hàng bè lũ nhà mày nói xấu tao năm ngoái! Bọn các ngươi một lũ, nào thằng chăn cừu rồi lại mấy con chó nữa cùng hùa vào nói xấu tao, còn xua đuổi tao mười mấy bận! Tao phải báo thù này mới được!” Nói chưa dứt câu, Sói bổ nhào lên con cừu non, tha vào rừng”.

Sau đó chuyện gì xẩy ra trong rừng ta thì ta đã thừa biết.

Thực ra ngay từ thời La Fontaine truyện này cũng không mới. Chính nhà thơ cổ điển người Pháp đã dựa vào truyện ngụ ngôn của Phaedrus và Esope, những nhà ngụ ngôn Hy Lạp sống cách ta khoảng 2700 năm! Nghĩa là chuyện “lấy thịt đè người” cũng không phải là chuyện lạ.

Ỷ vào sức mạnh, coi thường đạo lý đã quá quen thuộc với loài người và xưa như trái đất. Vả lại, thời đại ngày nay đâu phải là thế kỷ 17 của La Fontaine hay thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên của Esope? Nền văn minh Á hay Âu hay Phi bắt nguồn từ thời Chiến Quốc với Khổng Tử, từ cái nôi Hy Lạp, Ai Cập đã có dư vài ngàn năm tuổi. Dù bản chất của lũ sói có thay đổi chậm chạp đến đâu, dù chúng có ngoan cố đến đâu chúng cũng phải nhận rằng chúng đang sống trong thời đại mà không phải bao giờ, không phải ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất lẽ phải bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh như trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng trên.

Sói thì có thể vẫn thế, nhưng cừu thì không mãi là con “aigneau” bé bỏng, yếu ớt và ngây thơ như con cừu của Esope hay La Fontaine. Cừu của thời đại ngày nay biết thế nào là sức mạnh của luật pháp cộng đồng quốc tế văn minh, biết giữ phẩm giá làm người, biết phải làm gì để cho ánh sáng lịch sử trên những con sông như Bạch Đằng Giang không bị lu mờ mà mãi ngời sắc đỏ của tình yêu non sông xã tắc.

Sức mạnh của luật rừng xem chừng không phải bao giờ cũng là sức mạnh đáng sợ!