Chuyện về một con voi lớn ra đi
Gọi là voi, vì vốn danh hiệu của linh mục Giuse Tiến Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Lộc) khi ông còn sinh hoạt với ngành hướng đạo là Voi Hoạt Bát. Chiều ngày 05.12.2022, ông đã thanh thản ra đi tại bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, để lại ký ức khó quên về một cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, tạo ảnh hưởng đến nhiều thế hệ Công giáo cũng như Lương giáo.
Linh mục Tiến Lộc (1943-2022) được hầu hết những người sinh hoạt xã hội, hướng đạo và công giáo biết đến từ trước năm 1975. Việc góp sức theo đuổi ngành hướng đạo với tinh thần công dân phục vụ xã hội và xây dựng cộng đồng, linh mục Tiến Lộc trở thành ngôi sao của ngành hướng đạo suốt nhiều năm liền. Kể từ khi cùng gia đình di cư vào Nam năm 1955, cha Tiến Lộc đã không ngừng cải tiến và tạo niềm vui cho sinh hoạt hướng đạo, đến mức nhiều gia đình có con em tham gia chương trình hướng đạo lúc đó luôn tự hào.
Linh mục Tiến Lộc quen thuộc với giới hướng đạo sinh với vai trò tổ chức thành lập các Tráng đoàn và hoạt động. Cần nói thêm, trước năm 1975, các sinh hoạt và tổ chức nhóm, đoàn, hội… ở miền Nam Việt Nam là tự do và luôn được khuyến khích. Tráng đoàn (Rover Scouting) là nơi tập hợp tất cả những người đã tham gia hướng đạo sinh nhưng nay đã quá tuổi nhi đồng, là thanh niên nam, nữ. Đây là một hình thái hoạt động công ích xã hội được Hướng đạo sinh quốc tế công nhận từ năm 1922, mà Hướng đạo VNCH là một thành viên chính thức, hoạt động với màu sắc văn hóa Việt Nam và chỉ bị ngừng lại, cắt đứt với thế giới sau năm 1975. Biệt danh Voi Hoạt Bát của linh mục Tiến Lộc cũng xuất phát từ đây, do mọi nơi ông đến, ông đều đẩy mạnh các sinh hoạt văn nghệ yêu quê hương tự do, sinh hoạt anh em và xây dựng phát triển tôn giáo. Nhiều bài hát của ông đã nằm lòng với người miền Nam Việt Nam như Anh em ta về, Chúa là cây đàn, Con voi, Giây phút chia ly…
Cho tới trước Tháng Tư 1975, đặc biệt vào năm 1972, sự thành công và nở rộ các Tráng đoàn Việt Nam khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng kinh ngạc. Đi đâu, các chương trình giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, giáo dục miễn phí, xây dựng tinh thần đồng bào, kiến thiết xã hội… không chỉ ở Việt Nam mà còn phát triển ở nơi khác như Pháp, Mỹ, Úc…
Sau khi chấm dứt chiến tranh, trong chiến dịch truy quét “tàn dư văn hóa cũ”, hướng đạo sinh bị chấm dứt không có lý do, các sinh hoạt tập hợp bị cấm. Chỉ còn một số ít trường học ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn cố gắng bí mật sinh hoạt nhưng tàn dần.
Ngày 25 Tháng Một 1978 là biến cố với linh mục Tiến Lộc. Trong giai đoạn bị chính sách ngăn sông cấm chợ của chính quyền mới, cái đói và sợ hãi diễn ra khắp miền Nam. Lúc đó đang là Cha cai quản Đệ tử Viện ở Thủ Đức, ông phân công cho các tu sinh trồng rau, bắt ốc để trợ giúp đời sống hàng ngày. Vô tình một tu sinh moi được một cây súng ngắn đã hỏng, ai đã vứt ở đó, không có đạn và bị rỉ sét và mang về đưa cho linh mục Tiến Lộc. Ông không nỡ vứt đi và dùng nó như một món đồ chặn giấy độc đáo.
Một trong những vô số đợt kiểm tra nửa đêm, xét hỏi và lục soát vào những năm sau khi ngừng chiến tranh vẫn diễn ra ở tu viện, chùa, ký túc xá, nhà riêng… Đệ tử Viện cũng bị kiểm tra bất ngờ. Công an viên nhìn thấy cây súng, dù để ở trên bàn giấy, không sử dụng được nhưng cũng quyết định tội trạng của ông là “tàng trữ vũ khí”. Tòa án chóng vánh không luật sư sau đó kết tội ông 4 năm tù, dù khi tang vật được kiểm tra là không còn khả năng sử dụng.
Nói về giai đoạn này, linh mục Tiến Lộc có ghi lại như sau “Tôi lần lần nhận ra đây là một hồng ân Chúa ban nhờ bốn năm tù tội, tôi được sáng mắt như Thánh Phao lô và ngộ được nhiều giá trị hay… Trong thời gian này sống chung phòng với nhiều “loại người”, tôi học được thêm bao nhiêu điều hay và chứng kiến bao nhiêu điều dở, từ những vị mà ngoài đời mình chỉ đáng là học trò, cho đến những người cùng đinh cặn bạ xã hội, từng cướp của giết người…”
Linh mục Tiến Lộc trải qua những ngày tù bình an và lạc quan giữa bao điều khốn khó. Ông học thêm được tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong tù, tập hát và làm trò chơi nhỏ với những người bạn tù, đem lại sự lạc quan và ấm áp tình người. Khi được hỏi, ông tâm tình rằng mình đã an nhiên giữa mọi thứ, do luôn mang theo bên mình Đức Tin và Tinh thần Hướng đạo.
Trong tù, ông đã làm Lễ Lên Đường trong ngành Hướng đạo cho linh mục Phạm Quang Hồng, người cũng ở tù chung. Linh mục Hồng là người hiện nay đang sống ở nước ngoài, có những bài giảng Công giáo hàng tuần được giáo dân ghi lại, để trên youtube, với lối nói chuyện hài hước và gần gũi, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.
Một trong những nỗ lực thầm lặng của Đức Tổng giám mục Phao Lô Nguyễn Văn Bình cho đến khi qua đời, là ông đã liên tục gửi thư kêu gọi nhà cầm quyền hãy trả tự do cho những linh mục bị giam giữ vô cớ hoặc đang đau yếu. Linh mục Tiến Lộc được trả về sau hơn phân nửa thời gian thụ án. Ông được trả về vào ngày 28 Tết. Khi ấy, thăm hỏi ông, Đức Tổng giám mục nói có nghe ai ở tù chung với linh mục Lộc đều rất vui vẻ. Ông cười, trả lời rằng “Thưa Đức Tổng, bây giờ người ký bài sai ra lệnh cho con vào tù đi, con xin vâng lời ngay. Ra tù thì khó, chứ vào tù thì dễ lắm Đức Tổng ạ”.
Người suốt đời đóng góp cho xã hội, xây dựng tinh thần giới trẻ tự do, kết nối cộng đồng hòa bình anh em như linh mục Tiến Lộc thì có tận tụy hơn chắc ông cũng không được trao tặng huân chương, hay một bằng cấp nào đó của chính quyền ban cho. Nhưng sức ảnh hưởng của ông thì vô cùng lớn và tác động đến nhiều thế hệ, là chỗ dựa để nhận biết tình thương, tình đồng bào và sự cống hiến của đời người là gì.
Sự ra đi của ông nhắc cho nhiều thế hệ người Miền nam tiếc nhớ rằng sẽ không dễ tìm được những tấm gương sáng như linh Mục Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Trương, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Thu Giang Nguyễn Duy Cần.. đã từng nở rộ trong nền giáo dục với tinh thần tự do.
Khanh Nguyễn