Có phải tâm trí con người là phi vật chất?

37

Tác giả: William Newton
Chuyển ngữ: Tuấn Việt
Từ: faith.org.uk

Mục lục1. Các luận chứng2. Những khái niệm thuộc trí3. Các khái niệm4. Những điều vật chất5. Yếu tính của các sự vật6. Lập luận và nhân quả7. Ý hướng tính(Intentionality)8. Và kết luận…


WHĐ (07.6.2021) – Một trong những lãnh vực đáng quan tâm của triết học hiện đại đó là triết học tâm trí (philosophy of the mind). Đáng quan tâm bởi vì nó đưa triết gia xuống khỏi tháp ngà tưởng tượng của mình để đi vào trận chiến khốc liệt giữa những người hữu thần và những người vô thần hiện đại. Điều này đặt nền tảng trên thực tế là nếu như chứng minh được rằng tâm trí là phi vật chất (immaterial), thì điều này hàm ý tâm trí con người có thể tồn tại sau cái chết của thân xác. Như vậy, mặc dù điều này không trực tiếp chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng nó vẫn mở ra một thế giới bao la vượt ra khỏi thế giới vật chất, và khiến cho các nhà vô thần phải suy nghĩ lại quan điểm của mình, bởi vì chúng không phải là những điều chắc chắn như bấy lâu nay họ vẫn nghĩ.

1. Các luận chứng

Xem xét khả năng sau đây: bạn thức dậy vào buổi sáng và khám phá ra rằng đầu của bạn đã biến mất. Bạn chạy tới gương để xác minh sự kiện không mong đợi này. Bạn nhìn thấy trong gương là một thân thể không có đầu. Nếu điều này có thể tưởng tượng được, nó sẽ hàm ý rằng tâm trí (mind) và não bộ (brain) của bạn là hai thứ khác nhau: bởi vì chúng ta có thể nhận thức về các hoạt động liên quan đến tâm trí – như là nhìn, suy nghĩ, và lo lắng – mà không cần sự tồn tại của một bộ não.

Điểm quan trọng cần lưu ý: điều này không có nghĩa rằng, trong thế giới này, thực sự nó vượt ra ngoài chúng ta, hay nói cách khác, người ta có thể thực sự ý thức, suy nghĩ và hoạt động mà không cần một bộ não. Cuộc Cách mạng Pháp đã chứng minh rằng điều này không thể. Nhưng, giống như một kịch bản, nó hoàn toàn không phải bất khả dĩ về mặt siêu hình. Nó chỉ bất khả dĩ trong hình thái của thế giới mà chúng ta đang sống. Kiểu bất khả dĩ này tương tự với tuyên bố rằng hai cộng hai bằng năm. Đó là điều bất khả dĩ trong một vài thế giới nào đó. Bây giờ, lập luận là: những gì có thể nhận thức được thì không thể là bất khả dĩ về mặt siêu hình (cho dù nó thực sự bất khả dĩ) và chúng ta có thể nhận thức về một hoạt động liên quan đến tâm trí (cụ thể là suy nghĩ) mà không cần một bộ não. Như vậy, tâm trí và não bộ phải là hai thực tại phân biệt.[2]

Những luận chứng về tính có thể nhận thức được phát xuất từ triết gia  Descartes (cf. Sixth Meditation).[3]

Mặc dù chúng thú vị hơn bất cứ luận chứng nào khác về tính chất phi vật chất của tâm trí, nhưng chúng không hoàn toàn thuyết phục, bởi vì chúng kết hợp thế giới ý niệm với thế giới tự nhiên, như Aquinas nói, sự hiện hữu trong ý niệm với sự hiện hữu tự nhiên. Theo Thánh Thomas, trong mọi loài thụ tạo, sự hiện hữu (existence) và yếu tính (essence) là phân biệt, và như vậy một điều gì đó được nhận thức như là có một yếu tính (bản tính – nature) chắc chắn không có sự hiện hữu thực sự trong thế giới bên ngoài tâm trí.

Như vậy, nếu tiếp tục phân tích, luận chứng về tính có thể nhận thức, như là một cách chứng minh tính phi vật chất của tâm trí, dường như sụp đổ. Nhưng những người theo thuyết phi vật chất không cần hoảng loạn. Mặc dù những luận chứng về tính chất có thể nhận thức là phổ biến với những ai mong muốn bảo vệ phẩm giá của linh hồn, nhưng còn có những luận chứng đáng tin hơn về tính phi vật chất của tâm trí: chắc chắn là ít vui hơn, nhưng có năng thuyết phục hơn. Dưới đây là khái quát một số luận chứng.

2. Những khái niệm thuộc trí

Một luận chứng tốt hơn phát xuất từ việc xem xét tính chất của các khái niệm thuộc trí. Ở đây tôi đang đề cập tới nhiều ý niệm mà chúng ta có về các sự vật khác nhau, như là ý niệm về con chó, những trái táo, những cái bàn, vv… Trong mọi trường hợp, ý niệm chúng ta có về những gì được phân biệt từ những hình ảnh mà chúng ta có về một con chó, một trái táo hay một cái bàn trong trí tưởng tượng của chúng ta. Sự khác biệt đó là trong mỗi ý niệm hay khái niệm, tất cả những cái cụ thể đều bị dẹp bỏ. Ý niệm của tôi về “con chó” phù hợp với mọi trường hợp của các con chó mà không cần xét đến kích thước, hình dáng, màu sắc, giống loại, địa phương, vv… Trái lại, bất cứ hình ảnh nào chúng ta có về một con chó, cho dù trong trí tưởng tượng của tôi hay trên một bức tranh, hình ảnh, truyền hình, phải bao gồm tối thiểu một vài tính chất đặc trưng trong số đó. Một cách cụ thể, nếu tôi tưởng tượng một con chó, nó phải có hình dáng, màu sắc, tư thế (đứng, ngồi, chạy) nào đó.

Nói cách khác, các khái niệm luôn là phổ quát, trong khi hình ảnh hay bất cứ miêu tả vật chất nào khác đều là cụ thể. Hệ quả của điều này đó là bất cứ miêu tả vật chất nào về một sự vật không thể là những gì chúng ta có được bởi khái niệm, bởi vì sự miêu tả vật chất về một sự vật luôn là cái đặc thù, do đó nó không phổ quát (như một khái niệm). Lấy một ví dụ một hình tam giác: không có miêu tả vật chất nào về một hình tam giác (cụ thể là một hình tam giác được vẽ trên bảng) có thể có được yếu tính về những gì là một tam giác. Không chỉ nó có những điểm bất toàn – không phải là những đường thẳng hoàn toàn, vv… – nhưng nó hoặc là một tam giác đều, hoặc tam giác cân hoặc là tam giác vuông: và do đó không đại diện cho “tam giác tính” nói chung được.

Nhưng nếu việc khái niệm hoá của chúng ta phụ thuộc vào những miêu tả của vật chất về sự vật (một chuỗi đốt cháy tế bào thần kinh trong não), nó hoàn toàn không thể là một tri thức phổ quát. Như là một miêu tả vật chất, việc đốt cháy tế bào thần kinh không khác với việc dùng phấn viết lên một tấm bảng. Nó cũng không thoát ra khỏi thế giới đặc thù.[4]

3. Các khái niệm

Như chúng ta đã thấy, các khái niệm là phi vật chất, bởi vì theo định nghĩa, chúng không có những tính chất đặc trưng của vật chất. Tuyên bố này có thể được hiểu theo hai cách: trước hết các khái niệm là những thực thể thủ đắc yếu tính của một sự vật nào đó, nhưng vẫn tách biệt với những cái đặc thù vốn thuộc về vật chất cụ thể (như là hình dáng, kích thước, màu sắc) ; kế đó, chính các khái niệm không có những tính chất của vật chất: ý niệm “cây” của tôi không có mùi vị, không nơi chốn, vv… Do đó, từ cả hai quan điểm trên chúng ta suy ra: khái niệm là phi vật chất. Trong thực tế, có một số khái niệm không thể được miêu tả một cách cụ thể: ví dụ như công bằng và tính vĩnh cửu. Người ta không thể tưởng tượng chúng, mặc dù chúng không phải là không thể nhận thức.[5]

Nhưng một năng lực có thể tạo ra và liên hệ đến một điều phi vật chất, ví dụ như là một ý niệm, thì năng lực ấy tự bản chất cũng phải phi vật chất theo định đề “hành động theo hữu thể” (agere sequitur esse). Định đề này đúng đắn, bởi vì chính bản tính của một sự vật xác định phạm vi những khả năng hành động của nó. Con người có thể suy luận bởi vì con người có bản tính con người, trong khi một cây táo có thể sản sinh ra những quả táo bởi vì nó có bản tính của một cây táo. Theo định đề đó, nếu một hành động là phi vật chất (ví dụ như hình thành các ý niệm/khái niệm), thì nó phải là sản phẩm của một năng lực phi vật chất. Nói cách khác, kết quả không thể lớn hơn nguyên nhân của nó.

4. Những điều vật chất

Hai luận chứng ở trên về tính phi vật chất của lý trí dựa trên sự liên kết cái phổ quát với tính phi vật chất và cái đặc thù với tính vật chất. Thế giới phi vật chất và thế giới vật chất có thể được phân biệt dựa trên nền tảng là: phi vật chất thì tất yếu(determinate) trong khi vật chất thì bất tất (indeterminate).

Một hoạ sĩ nổi tiếng vẽ vợ ông ta, Anna, và đặt tên cho bức tranh ấy là “Người phụ nữ mặc áo đầm xanh”. Nó trở nên nổi tiếng, và như vậy rất quý giá. Một nhà sưu tầm nghệ thuật gian manh đã tìm cách để cho kẻ trộm lấy đi mất. Như vậy, để tên trộm ấy biết cần phải lấy cái gì, người buôn bán tranh đã thuê một hoạ sĩ tài hoa vẽ lại bức tranh. Giờ đây, chúng ta có một bản gốc là bức tranh miêu tả người vợ, và một bản chép lại miêu tả bức tranh gốc. Đặt hai bức tranh cạnh nhau, người ta không thể phân biệt chúng, nhưng chúng trình bày hai điều khác nhau: một bức miêu tả Anna, trong khi bức kia trình bày “Người phụ nữ mặc áo đầm xanh”. Chính hai bức tranh không cho thấy dấu hiệu gì về những điều chúng miêu tả: chỉ một điều gì đó ngoài bức tranh (ví dụ người hoạ sĩ) mới có thể xác định điều này.

Điều này cho thấy rằng chính những trình bày là bất tất; và đây là chân lý đối với mọi trình bày của vật/thể lý (bao gồm việc miêu tả của não bộ). Nhưng khi bạn nghĩ về một điều gì đó – ví dụ như người vợ của bạn – bạn suy nghĩ một cách rõ ràng về một điều duy nhất đó, chứ không phải miêu tả về điều đó hay miêu tả về một miêu tả về điều đó. Như vậy, một điều gì đó khác hơn là một miêu tả của thể lý phải ở đây để làm công việc xác định này.[6]

5. Yếu tính của các sự vật

Ở trên là ví dụ về tính bất định ở mức độ hiểu biết yếu tính của các sự vật: biết một điều gì đó là cái gì. Ngoài hiểu biết về yếu tính (bản chất của các sự vật – whatness), lý trí cũng suy luận, rút ra những chân lý mới từ những gì sẵn có. Một ví dụ đơn giản về điều này đó là suy luận toán học. Chúng ta khởi đi từ một kiến thức về “hai” có nghĩa là gì, và “ba” có nghĩa là gì, và “cộng” có nghĩa là gì, và từ đó chúng ta kết luận, “năm”.

Giờ đây, chắc chắn ở đây chúng ta có một trường hợp mà một tiến trình suy lý không khác gì một tiến trình vật chất, bởi vì các máy điện toán hiện tại, cũng như một máy tính đơn giản, đều có thể làm điều này. Xét cho cùng, trong một máy tính, việc nhấn “2” sau đó nhấn “+” rồi nhấn “3” và nhấn “=” là một chuỗi các sự kiện tuần tuý vật chất mà kết quả là bảng điện tử cho ra con số 5.

Tuy nhiên, thật sự là các tiến trình vật chất dưới hoạt động của máy tính là bất định, bởi vì chúng ta có thể sử dụng chính những chuỗi vật chất (điện tử) để làm ra một trình tự hợp lý hoàn toàn khác. Chúng ta làm phím “2” có nghĩa là “8” và phím  “+” có nghĩa là “-” và sau đó chúng ta kết thúc với trình tự hợp lý 8-3 = 5, điều này đúng nhưng đó là một vấn đề hợp lý khác từ 2+3=5 nhưng cùng một trình tự vật lý giống nhau. Điều này cho thấy sự tách rời giữa tiến trình vật chất và tiến trình lý luận và không thể chuyển từ cái này sang cái kia. Sự tách rời này phát xuất từ thực tế là các tiến trình suy lý là tất định, ví dụ 2+3=5 là chân lý hợp lý độc nhất và phân biệt hoàn toàn với 8-3=5, cho dù các tiến trình vật chất bất định và mở ra với nhiều áp dụng và giải thích.[7] Do đó, các tiến trình của lý trí không thể là các tiến trình vật chất thuần tuý.

6. Lập luận và nhân quả

Mối tương quan giữa một nguyên nhân vật lý và kết quả của nó là khác biệt so với tương quan luận lý giữa một nguyên lý và một kết luận. Nói cách khác: X gây ra Y không đồng thời có nghĩa X dẫn tới Y. Khi chúng ta nói rằng lửa gây ra khói và khói đi theo lửa, trong khi cả hai trường hợp lửa và khói có liên hệ với nhau, chúng ta đang nói về các loại khác biệt thiết yếu của các mối tương quan.[8]

Tương quan giữa hai chân lý (trong một tương quan luận lý) là một tương quan tất yếu và nó tồn tại cho dù người ta không nghĩ về nó. Tương quan giữa một nguyên nhân vật lý và hệ quả của nó là bất tất (ngẫu nhiên, tình cờ) theo nghĩa là nó chỉ tồn tại khi nguyên nhân thực sự tạo ra hệ quả của nó.

Một lần nữa, các nguyên nhân vật lý đem lại những hệ quả, mà những hệ quả này phân biệt với chính nguyên nhân, nhưng ngược lại, khi một kết luận phát xuất từ một nguyên lý, thì nó không có gì khác hơn là một suy tư sâu hơn về nguyên lý. Ví dụ, hơi nóng trong ngọn lửa đem lại sức nóng để nấu nước: nguyên nhân và hệ quả là hai thực tại phân biệt. Nhưng khi chúng ta rút ra kết luận rằng tổng số đo các góc trong của một tam giác là 180 độ từ nguyên lý về một tam giác có ba cạnh, kết luận này không thực sự là một chân lý tách biệt bởi vì nó không là gì khác hơn là một suy tư rộng lớn hơn về nguyên lý.

Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta hoàn toàn không thể rút giảm các tương quan luận lý vào các tương quan phát sinh giữa các nguyên nhân vật lý và kết quả của chúng: do đó, suy tư không thể dựa trên một tiến trình thuần tuý vật lý về nhân quả.

7. Ý hướng tính(Intentionality)

Một tính chất rõ ràng của hoạt động tâm trí là khả năng của tâm trí chỉ ra, hay hướng về, đôi khi một điều gì đó khác chính nó. Vì vậy, khi tâm trí đang xem xét một điều gì đó như “công bằng” hay “Paris”, nó đang chỉ ra một cái gì đó vượt ra khỏi chính nó vì không phải tâm trí (hoặc trạng thái tâm thần) của tôi cũng không phải tâm trí (hoặc trạng thái tâm thần) của bạn, hay bất cứ tâm trí (hoặc trạng thái tâm thần) của bất cứ ai đó, là công bằng hay là Paris. Hiện tượng này được gọi là ý hướng tính (intentionality).

Nhưng một hiện tượng thể lý không thể chỉ ra, hướng về hay có nghĩa gì đó trong và của chính nó. Viết từ “Paris” và “Wuspid” trên một mảnh giấy trắng bằng bút chì. Ở mức độ hoàn toàn thể lý, những từ này không có gì khác hơn là một nhóm các hình bằng bút chì vô nghĩa. Dĩ nhiên từ “Paris” có nghĩa gì đó đối với tôi khi tôi đọc nó, trong khi từ “Wuspid” chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng ngay cả ở mức độ thể lý (như là một nhóm các hình) chúng cũng không có bất cứ ý nghĩa nào: chúng không chỉ ra một điều gì vượt qua ngoài chúng.

Nhưng nếu hiện tượng thể lý không có ý hướng tính thì ý hướng tính không thể được giải thích bằng cách nại đến một tình trạng của não bộ đơn thuần bởi vì tất cả những gì chúng ta có là các hiện tượng thể lý như là các hoạt động/sự kiện của điện tử, các phản ứng hoá sinh.

8. Và kết luận…

Để kết luận, hãy lưu ý rằng không một luận chứng nào trình bày ở đây phủ nhận hoạt động tâm trí có tương quan với hoạt động của não bộ. Nhưng thay vào đó, các luận chứng này muốn chứng minh rằng hoạt động tâm trí không thể bị rút giảm vào hoạt động não bộ hay bất cứ hệ thống nhân quả hoàn toàn mang tính vật chất.

Ngoài ra, đây không phải là vấn đề chưa hiểu biết đầy đủ về não bộ. Một số trong các luận chứng này chứng minh rằng về mặt siêu hình, không thể làm nên một sự rút giảm như vậy. Ý hướng tính của tâm trí không chỉ là đồn luỹ cuối cùng của những người hữu thần – phi vật chất, điều đó sẽ (cần thời gian và những nghiên cứu khoa học thêm) chắc chắn sụp đổ trước sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa duy vật. Nhiều người cho đây là những nỗ lực để cứu vãn tình hình trong một trận chiến mà các nhà duy vật đã chiến thắng. Nhưng phải nói đúng hơn, chân lý về tính phi vật chất của tâm trí là một pháo đài bất khả xâm phạm.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 97 (Tháng 11 & 12 năm 2016)


[1] Tiêu đề do  người dịch đặt. Nguyên bản: The Human Mind, Material Things and Argument, đăng trên Tạp chí FAITH, số Tháng Năm – Sáu, năm 2016.

[2] Cần lưu ý rằng không thể đưa ra luận chứng chống lại điều này. Có thể những người duy vật nói rằng ông ta có thể nhận thức điều thuần tuý vật chất có thể suy nghĩ. Do đó, ông ta kết luận không có thực tại phi vật chất nào cần cho việc suy nghĩ. Câu trả lời đó là: nhà duy vật của chúng ta thực sự không nhận thức về “việc suy nghĩ mà không có một thực thể phi vật chất” nhưng đúng hơn ông ta chỉ nhận thức về “việc suy nghĩ với hiện tại vật chất”. Nhưng, chỉ vì chúng ta có thể nhận thức về hai điều cùng tồn tại với nhau (ví dụ sức nóng và hơi ẩm), điều này không có nghĩa là chúng là hai thực tại giống nhau trong mọi khía cạnh.

[3] Về việc bàn luận chi tiết về luận chứng này, cf. Edward Feser, Philosophy of Mind (Oxford: OneWorld, 2005), 29-38.

[4] Cf. St. Thomas Aquinas, Disputed Questions on Truth, 10.8, Summa Theologiae I 75.5.  Đồng thời xem Edward Feser, Aquinas (Oxford: OneWorld, 2009), 155ff và Herbert McCabe, “The Immortality of the Soul”, trong Aquinas: A Collection of Critical Essays, ed. Anthony Kenny (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1976), 297-306.

[5] Thomas Crean, God is No Delusion (San Francisco: Ignatius, 2007), 27.

[6] Cf. Feser, Philosophy of Mind, 220.

[7] Có một luận chứng tương tự dựa trên tính chất bất định của các tiến trình vật chất, xem James Ross, “Immaterial Aspects of Thought,” The Journal of Philosophy, Vol. 89, No. 3, (Mar. 1992): 136-150.

[8] C. S. Lewis, Miracles (London: HarperCollins, 2002), 24-25.