Hôn nhân giữa hai người không chịu phép Rửa Tội được tháo gỡ nhờ đặc ân thánh Phaolô vì lợi ích đức tin của người đã được Rửa tội do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa Tội chia tay người ấy (đ 1143§1).
Đặc ân Thánh Phaolô hệ tại ở việc cho tháo gỡ hôn nhân giữa hai người không được Rửa tội (người lương) vì lợi ích đức tin của một bên người lương trở lại đã được Rửa tội.
Đặc ân có mục đích trợ giúp đức tin cho người tân tòng, có nguồn gốc từ giáo huấn của Thánh Phaolô, trong thư 1Cr7,12- 13: Ai trong anh em có chồng hay vợ không tin mà họ muốn sống chung thì không được chia tay, nhưng “nếu người không tin chia tay, thì hãy để họ chia tay” và người tin không còn bị ràng buộc.
b- Những quy định pháp lý
Những điều kiện thiết yếu để áp dụng đặc ân thánh Phaolô là:
– Đã có kết hôn giữa hai người không được Rửa tội.
– Sau đó một người và chỉ một người trong hai người đó, được Rửa tội.[1]
– -Sự “chia tay” của bên không Rửa tội.[2]
Ngoài ra, Giáo luật thêm quy định: Sau khi được rửa tội, nếu người này gây ra nguyên nhân chính đáng để người kia chia tay, thì đặc ân cũng không được ban (đ. 1143§2).
Khi hội đủ những điều kiện và khi tân tòng kết hôn thì hôn nhân trước được giải gỡ. Sự giải gỡ không do thẩm quyền của Đấng Bản Quyền địa phương hay của Tòa Thánh. Bản Quyền địa phương có thể kiểm soát việc áp dụng các điều kiện của đặc ân. Vì vậy khi hội đủ điều kiện, cha sở tiến hành chứng hôn, không cần phải xin phép Đấng Bản Quyền, ngoại trừ những trường hợp riêng có quy định xin phép hay xin miễn chuẩn.
Đôi khi có trường hợp đặc biệt được phép: Bên tân tòng nếu được Rửa Tội trong một cộng đoàn thuộc một giáo hội hay một cộng đoàn giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo (Vd. Anh Giáo, Tin lành…), thì vẫn được hưởng đặc ân để kết hôn với bên Công Giáo.[3]
Bản Quyền địa phương cũng có thể cho phép tân tòng Công Giáo kết hôn với một Kitô hữu không Công Giáo như Tin Lành, Anh Giáo, hoặc ban miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân khác đạo để kết hôn với người lương, chiếu theo quy tắc của điều 1147: Tuy nhiên vì một lý do nghiêm trọng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép bên đã được Rửa Tội dùng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn với bên không Công giáo đã được Rửa Tội hay không, nhưng cũng phải tuân giữ những điều mà luật đã quy định về hôn nhân hỗn hợp.
d- Sự “chia tay” phải hiểu theo nghĩa pháp lý
Sự “chia tay” trong đặc ân không được hiểu theo nghĩa thông thường, nhưng theo nghĩa của Giáo Luật quy định:
Người không chịu phép Rửa tội được kể là chia tay, nếu không muốn sống chung với người đã được Rửa tội hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, trừ trường hợp sau khi chịu phép Rửa tội, người được Rửa tội đã gây ra nguyên nhân chính đáng để người kia được chia tay (đ. 1143§2).
Trong bối cảnh thời Thánh Phaolô, ngài nói với những người “anh em” tức là những người mới tin theo Đức Kitô (1Cr7, 12- 13). Ngài nhận thấy người vợ hay chồng của những “anh em này” vẫn là người lương, có thể chống lại Kitô giáo, gây khó khăn cho cuộc sống chung hòa bình và sống đức tin của người mới theo đạo. Vì vậy, Thánh Phaolô ban đặc ân xóa bỏ hôn phối để bên tân tòng dễ sống đạo và dĩ nhiên có thể thiết lập một hôn nhân mới.
Theo ý nghĩa của bối cảnh trên, bên lương được kể là “chia tay” không nhất thiết phải là người này đã chủ động chia tay, nhưng cũng được kể là “chia tay” khi người này, đã gây ra sự không chịu đựng nỗi về thể lý hay tinh thần khiến bên tân tòng phải chủ động chia tay.
“Xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa” được thánh Ambrosio vào thế kỷ thứ tư có ý nói đến những tình trạng người lương cấm cách người tân tòng giữ đạo hoặc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo hoặc đòi hỏi thực hiện tính dục đồi bại. Người lương này tuy vẫn muốn sống chung nhưng đã xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa.[4]
Trong trường hợp bên lương không muốn chia tay và không muốn chống lại đạo, tức là không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, thì bên theo đạo không có lý do gì để chia tay. Trong hoàn cảnh này, việc ban đặc ân để giúp bảo vệ đức tin cho người tân tòng không còn ý nghĩa.
e- Người được Rửa tội gây ra chia tay
Đặc ân không được ban nếu: “sau khi chịu phép Rửa tội, người được Rửa tội đã gây ra nguyên nhân chính đáng để người kia được chia tay” (đ. 1143§2).
Luật chỉ quy định gây ra cớ chia tay là sau khi được rửa tội của bên tân tòng.
Nếu sau khi được rửa tội, tân tòng gây ra cớ chính đáng cho bên lương kia chia tay. Ví dụ, tân tòng ngoại tình, hay đánh đập, mắng chưởi vợ… thì làm cho bên lương có cớ chính đáng để chia tay.
Không kể là đã gây cho lương bên kia có cớ chính đáng để chia tay khi bên tân tòng nếu có gợi ý cho bên kia chia tay trước hay sau khi mình được rửa tội. Sự gợi ý này không có nghĩa là sự có lỗi gây ra chia tay, nên đặc ân vẫn được hưởng.[5]
Theo Cappello,[6] mà Beal trích dẫn, nếu tân tòng đã gây ra chia tay trước khi được rửa tội thì vẫn có thể được hưởng đặc ân; tội lỗi này không ngăn cản sự hưởng đặc ân vì Bí Tích Rửa Tội xóa bỏ tội lỗi của con người cũ.[7] Tuy nhiên, đây là áp dụng luật cho những trường hợp tân tòng thật sự có đức tin vàthật lòng hoán cải.
Trong trường hợp rất là thông thường hiện nay thì không như vậy. Nếu người lương vì đã có ý muốn kết hôn với người Công Giáo nên đã đi lại hay ngoại tình với người Công Giáo; hoặc đã đối xử tệ bạc khiến bên người lương kia phải chia tay, thì cho dù đã gây ra sự chia tay trước khi người này được rửa tội, đặc ân cũng không được ban. Người lương này thực sự đã có lỗi gây ra chia tay và sự theo Đạo sau đó cũng không thực lòng.
e- Chất vấn (interpellatio)
Theo luật, để “được kể là chia tay” phải được kiểm chứng qua sự chất vấn, theo như điều 1144§1 quy định. Nếu không, việc tái hôn không thành sự:
Để người được Rửa tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa tội để biết:
– người này có muốn được Rửa tội hay không;
– ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa tội mà xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không (đ. 1144§1).
Việc chất vấn được làm sau khi bên lương đã được rửa tội. Nếu vì lý do quan trọng phải làm trước khi rửa tội thì phải xin phép Đấng Bản Quyền (đ. 1144§2). Việc chất vấn có thể qua một thủ tục đơn giản, ngoại tư pháp, do Đấng Bản Quyền (hành pháp), hoặc cha sở, hay ngay cả bên trở lại làm riêng tư khi có khó khăn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp sự kiện chất vấn và kết quả của việc chất vấn phải được xác minh ở tòa ngoài (đ. 1145). Vì vậy, bất cứ ai thực hiện việc chất vấn, ngay cả bên trở lại làm riêng tư, cũng phải làm bản xác nhận, ký tên, và cha sở lưu vào hồ sơ.
Nếu bên được chất vấn từ chối trả lời thì đặc ân vẫn được ban (đ. 1144).
g- Xin miễn chuẩn việc chất vấn
Nhiều khi cha sở thấy rõ việc chất vấn không thể thực hiện được hoặc có chất vấn cũng vô ích, ví dụ như thấy họ đã có giấy ly dị dân sự, bên kia vẫn là người lương và đã có vợ chồng khác rồi. Tuy vậy, cha sở cũng không được tự động bỏ qua, nhưng phải xin Đấng Bản Quyền miễn chuẩn việc chất vấn, cho dù thấy không thể thực hiện được hoặc có chất vấn cũng vô ích.
Việc chất vấn phía bên người lương là một điều kiện để việc cử hành đặc ân thánh Phalô được thành sự. Nếu bỏ việc chất vấn mà không xin miễn chuẩn chất vấn, việc kết hôn sẽ vô hiệu (đ. 1144).[8]
h- Thực hành chất vấn trong đặc ân thánh Phaolô
Sự ly dị của hai người lương ở tòa án dân sự, cho dù có chứng thư ly dị cũng không đủ để kể là “chia tay” theo Giáo luật. Vì vậy, phải chất vấn (interpellatio) như Giáo luật quy định thì mới đủ.
Hiện nay, đa số trường hợp là đôi vợ chồng người lương đã chia tay hay đã li dị trước khi tiến hành cho hưởng đặc ân. Nếu đặt câu hỏi y như luật định thì thấy có những vô nghĩa hay dư thừa, nên đề nghị được chuyển thành 2 câu hỏi tế nhị như sau:
– Ông/bà còn có muốn tái hợp với ông/bà. .. này nữa không?
– Ông/bà có khi nào muốn theo đạo Công Giáo không?
Nếu câu trả lời là “muốn tái hợp” thì hầu như không thể cho hưởng đặc ân, trừ khi người lương này không cho bên tân tòng giữ đạo hay làm điều đồi bại (nghĩa là xúc phạm đến Chúa). Nếu câu trả lời là “có muốn theo đạo” thì bên tân tòng cũng không được nhận đặc ân.
Sau đó, hỏi thêm một ít để biết lý do họ chia tay, để thẩm định rằng bên tân tòng có gây ra cớ chính đáng để bên kia chia tay không.
d- Vấn đề điều kiện theo đạo và đức tin
– Trong việc áp dụng đặc ân Thánh Phaolô, nếu bên lương không muốn theo đạo, sẽ thắc mắc: “Tại sao bên đạo lại bắt tôi theo đạo mới cho kết hôn?”.
Nên cho họ biết rằng, theo luật Công Giáo thì chính hôn nhân trước của người lương gây ngăn trở tiêu hôn. Vì vậy người lương đã kết hôn ly dị thì không được kết hôn với người Công Giáo. Việc được kết hôn là một “đặc ân”, ngoại luật, vượt lên trên sự tự do chọn lựa của mỗi người. Đặc ân này được ban cách đặc biệt mà thôi, cho người lương theo đạo, có đức tin chân thật.
– Người lương theo đạo, để được hưởng đặc ân, trước tiên phải là một tân tòng có đức tin. Vì vậy không được chấp thuận rút ngắn thời gian dự tòng. Họ nên được học giáo lý và trải qua thời gian dự tòng ít là 6 tháng cho đầy đủ. Khi có hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo của người tân tòng, đặc ân Thánh Phaolô không được phép ban, dù bên lương đã được rửa tội.[9]
Vì vậy, nên cho đôi bên biết trước, việc bên lương theo đạo không đương nhiên cha sở bị buộc phải cho họ hưởng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn.
——————-
[1] Thời các Tông Đồ, họ là những người tân tòng, nghe rao giảng và đã theo đạo.
[2] x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…,1365.
[3] x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…, 1366, Trả lời của Bộ GLĐT, 30-8-1976, CLD 8, 837-840.
[4] x. Ibid.
[5] x. Ibid.
[6] X. F.M. CAPPELLO, De matrimonio, n. 770.
[7] X. J.P. BEAL et alii, New Commentary…, 1366.
[8] Giấy ly dị dân sự không thay thế được cho việc chất vấn. Nếu không chất vấn và cũng không xin phép miễn chất vấn, hôn nhân vô hiệu.
[9] Sự hạn chế này được dựa vào bản chất của đặc ân, luật không quy định. Tuy nhiên, trong huấn thị Potestas Ecclesiae của Bộ giáo lý Đức Tin, năm 2001, có đòi hỏi tương tự để ban Đặc Ân Đức tin: “Đức Giám Mục không được gởi thỉnh cầu lên Bộ Giáo Lý Đức Tin nếu có sự hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo của người đứng đơn hay lời hứa của người kia trong hôn nhân, dù một hay cả hai đã nhận phép rửa tội” (đ. 7§3).
JB. Lê Ngọc Dũng