Dâng đời để thành tôi tớ thế nhân
“Dâng đời để thành tôi tớ thế nhân” là đường hướng dấn bước của mỗi tu sĩ dòng Nữ tu Bác ái Thánh Carôlô Bôrômêô trong mọi cảnh sống mỗi ngày.
Năm 2004, hai nữ tu Bác ái từ Philippines đến Việt Nam để cổ vũ, tìm kiếm ơn gọi. Chẳng nói được tiếng Việt, hoàn toàn xa lạ với văn hóa bản địa, các chị đã phải trải qua chuỗi ngày “chân ướt chân ráo” xoay sở đủ đường để bước qua khó khăn, hầu mang linh đạo, đặc sủng của dòng gieo vào lòng đất mới. “Thời điểm đó, các sơ quy tụ được một số chị em, nhưng rồi người ở lại chỉ là thiểu số, bởi rào cản ngôn ngữ và cộng thêm nhiều ngăn trở khác nên hành trình mở rộng hội dòng chưa thể đạt được hiệu quả như mong đợi”, nữ tu Maria Hoàng Thị Mận – một trong những hoa trái đầu tiên của ơn gọi theo chân thánh Carôlô Bôrômêô kể lại. Chính sơ Mận cũng có một thời gian tưởng như sẽ bỏ cuộc, nhưng ý Chúa đã dẫn bước chị đi qua bao nỗi e dè, lo lắng để gắn kết trọn đời với con đường hiến mình phục vụ tha nhân.
Lễ khấn của lớp ơn gọi nữ tu Bác ái đầu tiên tại Việt Nam |
Mới chỉ có 3 nữ tu khấn trọn, cộng thêm 9 đệ tử và học viên, số lượng nữ tu Bác ái ở nước Việt còn rất khiêm tốn, song hội dòng tin đó sẽ là nền tảng cho dòng hình thành về sau. Sứ mệnh của các sơ là chăm lo cho những bệnh nhân HIV, trẻ em mồ côi, phụ nữ lỡ lầm, người già neo đơn… Chị Trang, người đang tìm hiểu về ơn gọi dòng từ hơn một năm nay vẫn nhớ như in cảm giác khi lần đầu đi theo các sơ đến với những người khốn khổ. “Chưa bao giờ tôi tiếp xúc gần với họ như thế, nên có phần nào hơi e ngại. Sau chuyến đó, tôi nghĩ sẽ không thể tiếp tục được nữa… Vậy mà bây giờ tôi không chỉ quen mà còn yêu thích những gì mình đang làm cùng mọi người”, chị tâm sự.
Thăm hỏi, chuyện trò cùng các cụ già neo đơn – ảnh: dòng cung cấp
|
Hơn 15 năm trước, hội dòng do mẹ Maria Elisabeth Gruyters thiết lập là một cái tên hoàn toàn xa lạ ở đất Việt thì đến hôm nay hình ảnh của các nữ tu Bác ái đã quen thuộc hơn và có một chỗ đứng trong tâm thức của nhiều Kitô hữu đó đây. Các chị sẵn lòng trợ giúp ai cần đến bất kể họ là Công giáo hay không. Tinh thần sống hòa đồng mọi lúc, mọi nơi cùng mọi người đã giúp các nữ tu dễ dàng thấu hiểu và đồng hành với tha nhân. “Ước nguyện làm tôi tớ thế nhân với sức mạnh cùng lòng yêu thương chăm sóc” của đấng sáng lập dòng đã được các chị em tiếp nối và sống mỗi ngày trong đời dâng hiến để đỡ nâng, đồng hành cùng tha nhân.
Một thập niên rưỡi có mặt trên dải đất hình chữ S là ngần ấy thời gian các chị đi tìm và trợ giúp những ai đang sống ở “vùng ngoại biên”. Năm nay, trọng tâm phát triển mà các nữ tu đề ra là hướng về hoạt động bác ái thay cho các chương trình tìm kiếm, đào tạo ơn gọi của những năm trước. “Chị em chúng tôi ước mong các thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành để có thể thành lập một mái nhà nuôi dưỡng các trẻ không nơi nương tựa, các cụ già neo đơn”, sơ Mận chia sẻ.
Tình yêu thương dành cho các bạn nhỏ bị bỏ rơi |
Ðược thành lập ngày 29.4.1837 tại Maastricht, Hà Lan, dòng Nữ tu Bác ái Thánh Carôlô Bôrômêô là hội dòng hoạt động. Hiến pháp đầu tiên của dòng được phê chuẩn ngày 14.12.1856. Với khoảng 1.000 nữ tu, dòng hiện có mặt tại Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Tanzania… để thực hiện sứ vụ tông đồ qua việc mở bệnh viện, nhà tĩnh tâm, trường học, đến vùng sâu, vùng xa gặp gỡ và trợ giúp bà con dân tộc thiểu số. Ở Việt Nam, dòng có trụ sở cộng đoàn tại số 74/8 Bùi Quang Là, phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM. Ðặc sủng: Tình yêu thương vô điều kiện của Ðức Kitô chịu đóng đinh. Sứ mạng: Tận hiến cho Chúa, kết hợp mật thiết với Ngài qua đời sống chiêm niệm và cách sống chứng nhân, phục vụ mọi người, đáp ứng những thách đố của thời đại trong tinh thần vui tươi, giản dị. |