Điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cựu Tổng thống Shimon Peres từ trần

44

 

Sáng sớm 28-09-2016, ông Shimon Peres, cựu Thủ tướng và Tổng thống Israel, qua đời tại Tel Aviv (Israel), thọ 93 tuổi.

Là một khuôn mặt Israel quen thuộc trên chính trường vùng Trung Đông và quốc tế trong nhiều thập niên, ông Shimon Peres từng hoạt động trong 12 nhiệm kỳ chính phủ của Israel, trong đó 2 lần giữ chức Thủ tướng và 1 lần làm Tổng thống. Ông được trao giải Nobel Hoà bình năm 1994 về những nỗ lực tìm kiếm hoà bình cho vùng Trung Đông, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc ký hiệp định Oslo (1993), hiệp định đầu tiên giữa Israel và Palestin, trong đó nêu rõ hai bên sẽ “phấn đấu chung sống trong hoà bình”.

Cố Thủ tướng-Tổng thống Shimon Peres đã từng có nhiều cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô, nhằm bàn thảo về những giải pháp kiến tạo hoà bình lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestin: Ngày 8-06-2014, nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, ông đã tham dự buổi cầu nguyện lịch sử tại Vườn Vatican cùng với Đức Thánh Cha và ông Mahmoud Abbas Tổng thống Palestin; tháng 9-2014, ông được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến riêng tại Vatican sau khi mãn nhiệm Tổng thống; và mới đây, ngày 20-06-2016, ông được gặp Đức Thánh Cha lần thứ ba trong vòng hai năm và cũng là lần cuối cùng, không lâu trước khi mất.

Trước sự ra đi của cựu Thủ tướng-Tổng thống Shimon Peres, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi điện văn chia buồn đến ông Reuven Rivlin, Tổng thống Israel.

Toàn văn bức điện chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô:

***

Kính gửi Ngài Reuven Rivlin, Tổng thống Israel

Tôi vô cùng đau buồn khi được tin Ngài Shimon Peres từ trần, và mong được gửi đến Ngài và mọi người dân Israel lời phân ưu chân thành. Tôi bồi hồi nhớ đến lần được gặp Ngài Peres tại Vatican và nhắc lại niềm trân trọng của tôi đối với những nỗ lực không ngừng của Cố Tổng thống mưu cầu nền hoà bình. Trong lúc Nhà nước Israel đang đau buồn vĩnh biệt Ngài Peres, tôi hi vọng ký ức về Cố Tổng thống cũng như cuộc đời phục vụ nhiều năm của Ngài sẽ là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta phải nhanh chóng hơn nữa để kiến tạo hoà bình và hoà giải giữa các dân tộc. Như vậy, di sản của Cố Tống thống sẽ thực sự được tôn vinh và nền công ích Cố Tổng thống đã dày công vun đắp sẽ được phát huy giữa lúc nhân loại đang phấn đấu đạt được những tiến bộ trên con đường hướng tới nền hoà bình lâu dài. Tôi cầu nguyện cho tất cả những ai đang thương tiếc Cố Tổng thống, nhất là cho tang quyến của Cố Tổng thống, và xin Chúa ban ơn an ủi và nâng đỡ quý quốc.

PHANXICÔ, GIÁO HOÀNG