Lần đầu tiên tôi biết đến món chay giả mặn là ở một cái quán trong khu Chợ Vườn Chuối ở Sài Gòn.
Cũng mấy chục năm rồi, chưa được 10 tuổi đầu, hôm đó tôi ăn món “thịt heo quay” hay sao đó, mà làm bằng… mì căn.
Về sau tôi mới biết là không chỉ ở quán, mà ở nhà, đôi khi cả chùa chiền, chuyện làm “chay giả mặn” là rất thường tình.
Nào là vịt quay, chả giò, chả lụa, bún bò… Cái nào cũng có thể “chay giả mặn” được cả, và người ta hay tấm tắc khen: Ồ làm giống quá!
Thế mới sinh ra câu hỏi: đã chay tịnh không sát sinh hại vật, từ chối những nhục (có nghĩa là thịt) cảm, thì sao lại vọng tưởng đến những món đồ mặn như vậy?
Tôi để câu hỏi đó sang một bên, để xét một chuyện, đúng hơn là một trào lưu ăn uống đang diễn ra ở Mỹ.
Người Mỹ nói riêng và người phương Tây nói chung được biết tới như là những giống dân ăn… thịt. Nhưng rồi do ảnh hưởng của tôn giáo, họ cũng bắt đầu ăn chay, mà ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là việc truyền bá đạo Phật, đạo Hindu từ Ấn Ðộ sang nước Anh, khi Ðế quốc này chinh phục Ấn Ðộ.
Đồ chay giả mặn –
Nhưng trào lưu ăn chay, được hiểu là chỉ có thực vật (vegan), hoặc bỏ thịt mà ăn trứng, phô mai (vegetarian), có lẽ bắt đầu khi có những nghiên cứu nói ăn thịt cá, chất đạm động vật nhiều quá có hại cho sức khỏe.
Rồi tiếp đến là phong trào bảo vệ môi trường cũng thúc đẩy những người phương Tây từ bỏ thịt, vì nuôi bò, heo công nghiệp “thâm canh”, sẽ phát nhiều chất khí nhà kính làm trái đất nóng lên.
Cách đây độ bốn năm, lần đầu tiên tôi biết đến những “món chay Mỹ” là trong một hiệu tạp hóa tại Virginia, trong một khu rất giàu có, với tên gọi là “món thay thịt” (meat alternatives).
Có đủ cả, từ steak cho đến bacon, làm bằng các loại đậu, bắp, tàu hủ…
Nhưng trong hai năm trở lại đây, theo thống kê của tờ New York Times, các “món thay thịt” này mới là phát triển mạnh mẽ, với đủ các nhà sản xuất, Beyond Burger (Hơn cả thịt xay), Impossible Foods (Thực phẩm bạn không thể tưởng), Before the Butcher (Qua mặt ông hàng thịt)…
Một cái bánh của nhà sản xuất Beyond Meat tại miền Nam California có thành phần như sau: nước; đạm từ đậu pea; dầu canola; dầu dừa; đạm chiết xuất từ gạo; bơ cocoa; đậu xanh; khoai tây; táo; muối; giấm; nước chanh; dầu hướng dương; bột nghiền từ quả lựu… Giá của cái bánh này là $5.99, trọng lượng khoảng 2 ounces. (The New York Times.)
Ðiều thú vị trong việc bán những món mới này là ở cái tên của chúng, thường đi kèm với Burger (thịt xay) hoặc Meat (thịt).
Ðặc biệt câu quảng cáo của hãng Beyond the Butcher là: Meaty but Meatless (Như thịt nhưng không có thịt.)
À như vậy là Đông Tây hội ngộ, Việt Mỹ giao hòa rồi, Meaty but Meatless rõ ràng là Món chay giả mặn kiểu Mỹ.
Cái khác là đối với món “chay giả mặn” của dân Việt ta thì ai ăn chay giả mặn thì ăn, ai ăn mặn thật thì cứ ăn, nhà hàng Phở chay bên cạnh Phở bò tái cứ mỉm cười với nhau thôi, không có vấn đề gì, vì có cạnh tranh nhau đâu.
Nhưng mà anh Burger thứ thiệt làm bằng thịt bò không thể nào nhìn mặt anh Meaty but Meatless được, vì lo ngại anh “Thay thịt” này giành hết khách của mình.
Hơn hai năm nay người ta hay nghe nói đến Fake News (tin vịt), nay các nhà chăn bò lại đưa ra Fake Meat (thịt dỏm) để công kích loại thức ăn mới này.
Theo số liệu của tờ The Wall Street Journal, hiện nay tổng khối lượng “Thịt giả” này bán trên thị trường Mỹ chỉ chiếm có 1% tổng lượng thịt thật bán ra.
Nhưng con số đó dần tăng lên. Tính cho đến tháng 10-2019 thì trong 12 tháng trước đó, lượng thịt bán ở Mỹ giảm 0.4%, trong khi “thịt giả” tăng 8%.
Thế là bắt đầu từ tháng Chín năm 2019, các nhà chăn nuôi thuộc hiệp hội những nhà chăn nuôi Hoa Kỳ (The U.S. Cattlemen’s Association) bắt đầu một cuộc vận động chống “thịt giả”, “burger giả”.
Họ bỏ tiền ra cho các phòng thí nghiệm đi tìm những thứ có thể có hại cho sức khỏe trong “thịt giả”, họ đòi các nhà sản xuất thịt giả không được ghi chữ Meat (thịt) hay Burger vào trong sản phẩm của họ, họ vận động các nhà lập pháp v.v.
Món thay thịt (meat alternatives) –
Phe bên kia cũng không vừa. Họ tung ra những nghiên cứu lâu nay về sự có hại cho sức khỏe của thịt, những hình ảnh giết bò, mổ gà ghê rợn, họ viện cả Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ về tự do ngôn luận, bảo rằng họ muốn quảng cáo có chữ Thịt thì cứ quảng cáo không thể cấm được, mà ai lại ngu ngốc đến mức đi mua Meaty but Meatless để hy vọng là có thịt thật trong đấy bao giờ?
Cuộc chiến dù chưa ngã ngũ nhưng phe các nhà chăn nuôi tỏ vẻ ngày càng lo lắng, vì khuynh hướng ăn chay, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe ngày càng mạnh, khó chống lại.
Các nhà hàng bán các loại thịt giả này nói với Wall Street Journal rằng: mấy ông nuôi bò khẩn khoản tụi tôi lắm, nhưng khách hàng họ đòi ăn thứ kia thì biết làm sao?
Các siêu thị cũng nhập vô ngày càng nhiều các loại “thịt giả”, để ngay bên cạnh quày bán thịt thật.
Ông Pat Brown, Tổng giám đốc công ty Beyond Meat, nói ông có nhắn với những người nuôi bò rằng tại sao chúng ta lại gây gổ nhau?
Các anh có thể dùng đất nuôi bò để trồng đậu bán cho tụi tôi!
Bà Jennifer Houston, Chủ tịch Hiệp hội Thịt bò Quốc gia, và cũng là chủ một trại bò đã mấy đời cha truyền con nối ở Tennessee, trả lời rằng làm thế nào được mà làm, tôi là người nuôi bò mà, tôi có biết trồng đậu đâu!
Trở lại câu hỏi ở đầu bài viết này là tại sao dân ta ăn chay mà cứ giả mặn, thì tôi dường như thấy câu trả lời được tìm ra trong câu chuyện Như thịt nhưng không có thịt của người Mỹ.
Có phải chăng là người ta muốn giải tỏa một thói quen cũ để bắt đầu một thói quen mới, trong giai đoạn mà các Phật tử gọi là chúng ta vẫn còn “chấp ở hình tướng”?
Tôi bèn nhớ câu chuyện Ngài Ðại sư Huyền Quang đời nhà Trần, bị Nhà vua thử thách và chế giễu, khi bày cho Ngài một mâm cỗ mặn. Với sự đạt ngộ tuyệt vời, Ngài đã hóa cả mâm cỗ thành đồ chay.