ĐỨC MẸ FATIMA

356

ĐỨC MẸ FATIMA
(ĐỨC MẸ MÂN CÔI)

Đức Mẹ Fatima là một trong số nhiều tước hiệu mà giáo hội dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào nha) là Lucia dos Santos , Francisco Marto và Jacinta Marto từ ngày 13.5 tới ngày 13.10.1917.
.
Tước hiệu Đức Bà Mân Côi cũng được dùng để chỉ Đức Trinh Vương Maria đã hiện ra này. Ba em bé kể rằng, bà đẹp đã đích thân xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi“.
.
Từ hai tước hiệu trên gộp lại thành: “Đức Mẹ Mân Côi Fatima”
.
Bối cảnh lịch sử

Năm 1917, Fatima là 1 giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv…Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết.

Các gia đình Dos Santos và Marto cư ngụ trong thôn Aljustrel. Gia đình Dos Santos có 1 bé gái là Lucia, sinh ngày 22.3.1907. Gia đình người em họ Marto có 1 con trai là Francisco Marto, sinh ngày 11.6.1908 và 1 con gái là Jacinta Marto, sinh 11.3.1910. Ba em bé này thường chăn dắt đàn cừu tại bãi cỏ ở triền đồi gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km.

Trong năm 1915, Lúcia, Francisco và Jacinta đã gặp thiên thần hiện ra với chúng ở bãi này. Khi về nhà thuật lại với cha mẹ, chúng bị cha mẹ mắng, cho là đặt chuyện nói láo. Mùa xuân và mùa hè năm 1916, thiên thần lại hiện ra với các em và dạy các em cầu nguyện như sau :
.
« Lạy Chúa !
Con tin, con thờ lạy
Con trông cậy và con yêu mến Chúa.
Con xin Chúa tha thứ cho những ai không tin, không thờ lạy,không trông cậy,và không yêu mến Chúa. »
.
Đức Mẹ hiện ra lần đầu

Ngày 13.5.1917, vào lúc trưa, 1 bà mặc áo trắng toát hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi, đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được hòa bình. Trước khi biến đi, Bà bảo 3 em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.

Jacinta còn qúa nhỏ mới có hơn 6 tuổi nên quên giữ kín , về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này loan truyền nhanh khắp làng. Mọi người tỏ ra không tin. Vị linh mục chính xứ hỏi Lúcia, nhưng cũng không tin. Trong báo cáo gửi lên giám mục cai quản giáo phận Leiria, vị linh mục quản xứ viết : «cần phải xa lánh chuyện này».
.
Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai
Ngày 13 tháng 6, đúng giờ trưa, 3 em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh mân côi thì Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, và nhắc lại với Lúcia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi. Hãy câu nguyện dâng kính «trái tim vô nhiễm Maria», đồng thời Đức Mẹ cũng báo trước cái chết của 2 anh em Francisco và Jacinta : «Mẹ sẽ sớm đưa Francisco và Jacinta về trời, còn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian nữa. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta». Đức Mẹ cũng yêu cầu Lucia đi học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho các người khác.
.
Các người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ (mà Đức Mẹ đứng) trĩu xuống dưới 1 sức nặng, rồi đột nhiên bật lên (khi Đức Mẹ biến đi)
.
Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba
Ngày thứ Sáu 13.7.1917, «bà mặc áo trắng» lại hiện ra với 3 em – có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lucia việc đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để chiến tranh chóng chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em “bí mật” gọi là “bí mật Fatima”. (Năm 1942, 2 bí mật đầu đã được công bố, còn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo Hội mới công bố).
.
Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư

Ngày 10.8.1917, viên chánh tổng – 1 người chống đối hàng giáo sĩ – đòi 3 em Lucia, Francisco và Jacinta tới để tra hỏi, nhưng không có kết quả, nên ông rất bực bội.
.

Ngày 13.8, có khoảng 18.000 người tới nơi Đức Mẹ hiện ra chờ xem sự lạ. Ông ta nhốt 3 em vì làm rối loạn trật tự công cộng và tiếp tục tra hỏi, nhưng vẫn hoài công. Rốt cuộc cho đến ngày 15.8, ông ta phải thả 3 em ra.
.
Chúa nhật 19.8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de iria, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho các người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm 1 phép lạ cho mọi người tin.
.
Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm

Ngày 13.9, có khoảng 30.000 người tụ họp tại bãi Cova de iria, cầu nguyện cùng với 3 em. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em và cho biết tháng sau, sẽ có Chúa, Đức Mẹ núi Carmêlô, thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng tới.
.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu
.
Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi cỏ Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người – kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả tụ tập tại đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lúc giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây 1 nguyện đường tại đây để vinh danh Đức Trinh Vương Maria. Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối.
.

Khi Đức Mẹ biến về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời từ trên cao lao xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi la lên và qùy xuống cầu nguyện. Việc lạ xẩy ra trong khoảng 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Những người lúc trước quần áo dầm mưa ướt đẫm sau khi mặt trời sa xuống đều khô ráo cả. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy.

(Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận 1 hiện tượng khác thường nào của mặt trời).
.

Trong khi đó, riêng 3 em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bị, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau chót là Đức Mẹ núi Carmêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với 3 em.
.

Số phận 3 em chăn cừu

Francisco và Jacinta qua đời sớm trong đợt dịch cúm Tây Ban Nha Francisco mất năm 1919, một năm sau Jacinta mất năm 1920. Cả 2 em đã được ĐGH. Gioan Phaolô II nâng lên hàng đáng tôn kính (venerable) ngày 13.5.1989 và được phong chân phước ngày 13.5.2000. Mộ của 2 em hiện nằm trong lòng Vương cung thánh đường Fatima.

.
Còn Lucia ngày 24.10.1925 vào tu viện dòng Dorothea ở Pontevedra (Galicia, ở Tây Ban Nha). Năm 1928 khấn lần đầu ở Tuy (Tây ban nha).
.
Năm 1925 và 1929, Lucia lại được Đức Mẹ hiện ra với mình. Tháng 10.1934, Lucia vĩnh khấn và lấy tên thánh Đức Mẹ Maria Sầu Bi.
.
Sau nhiều năm điều tra, Đức Giám Mục da Silva, giáo phận Leiria, trong thư mục vụ ngày 13.10.1930 đã công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra với 3 em nói trên ở Fatima và chính thức cho phép việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima.
.
Lucia được lẽnh đã viết các hồi ký về sự kiện trên gồm 4 bản (versions) :
.
1 bản năm 1935, 1 năm 1937, 1 năm 1941 và 1 đầu năm 1942.
.
Năm 1946, nhân kỷ niệm 300 năm ngày dâng nước Bồ Đào Nha cho Đức Trinh Nữ Maria, sứ thần tòa thánh là Đức Hồng Y Masella đã đội (vương miện) triều thiên lên tượng Đức Mẹ Fatima, với sự tham dự chứng kiến của khoảng 600.000 tín hữu hành hương. Vương miện này do các phụ nữ Bồ Đào Nha cung hiến để cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ Bồ Đào Nha trong cuộc thế chiến thứ nhất.
.
Từ năm 1948, Lúcia vào tu trong đan viện dòng kín Carmêlô ở Coimbra (Bồ Đào Nha), dưới tên nữ tu Lucia Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội.
Lucia từ trần ngày 14.2.2005 ở tuổi 97.
.
Đúng như lời Đức Mẹ nói với Lucia là:
con còn phải ở lại và nói với mọi người là hãy:
.
“Hãy Ăn Năn Đền Tội”
“HãyTôn Sùng Mẫu Tâm Mẹ”
“Hãy Năng Lần Hạt Mân Côi” 
.
Rồi đây nước Nga sẽ được thoát ách cộng sản vô thần, và chính Chị và chúng ta đã được chứng kiến những điều này như lời Đức Mẹ hứa.
.
Thanh Sơn 13.10.2012
Kỷ niệm 95 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima tìm hiều và tóm lược.
.

Lần Hạt Mân Côi

 

Chuỗi Mân Côi

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Cùng Mẹ xin vâng

Lm. Anmai, CSsR

Cv 1, 12-14; Gl 4, 4-7; Lc 1, 26-38

Trong số các lễ nhớ Đức Maria, ngoài lễ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ Đức Bà Camêlô, còn có lễ Đức Mẹ Mân Côi, do Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII thành lập năm 1573. Nhưng để biết nguồn gốc của lễ này trước hết phải tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi ”Rosario”. Từ Rosario phát xuất từ chữ Latinh ”Rosarium” có nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, tràng hoa hồng, hoặc chuỗi hoa hồng, và cũng còn gọi là Kinh Mân Côi.

Sở dĩ gọi là ”chuỗi hoa hồng” hay ”tràng hoa hồng” là vì nó bao gồm nhiều hạt. Mỗi một hạt là một kinh Kính Mừng. Khi đọc nó giống như một đóa hồng tín hữu dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Rồi nó cũng được gọi là Kinh Mân Côi, vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quí lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là ”chuỗi ngọc Mân và ngọc quí lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quí lạ tín hữu dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi trước kia người ta ít lưu tâm đến, nhưng từ khi Đức Mẹ ban ơn lạ lùng cho Đạo Binh Thánh Giá chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Lépante vào năm 1571, Đức Thánh Cha Piô V đã cho phổ biến lễ này một cách rộng rãi trong Hội Thánh toàn cầu. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã giải thích tầm quan trọng của lễ Mân Côi trong rất nhiều thông điệp Ngài ban bố. Đến nay, người Kitô hữu trên toàn thế giới đã mừng lễ này cách rất sốt sắng và tôn kính đặc biệt đối với lễ Mân Côi.

Mẹ Maria với hai tiếng xin vâng đã góp tay vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu và hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.Thánh lễ Mân Côi cũng nối kết những biến cố lớn trong cuộc đời Chúa Giêsu : “Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh”.

Thư gửi giáo đoàn Galát, Thánh Phaolô gợi lại niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian như chúng ta nghe : “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi! ” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”. Thánh Phaolô khẳng định lại ơn cứu độ đến tự nơi Chúa Giêsu để rồi những ai tin vào Ngài thì không còn sống nô lệ cho tội lỗi nữa mà là được cứu thoát.

Đấng Cứu Độ trần gian mà Thánh Phaolô nhắc đó cũng đã được các ngôn sứ, người này người kia trong Cựu Ước nói đến. Đặc biệt, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả cũng đã loan báo nhưng rồi mấy ai đón nhận. Không ai đón nhận bởi vì họ không tin Đấng Cứu Độ trần gian đến trần gian qua người phụ nữ nhỏ bé. Họ nghĩ rằng Đấng Cứu Độ trần gian đó đến trong uy quyền, đến trong vinh quang và sẽ làm cho dân tộc của họ được vinh quang nhưng Chúa đến khác với suy nghĩ của họ.

Trong niềm tin sâu thẳm của lòng mình, Mẹ Maria đã đón nhận Đấng Cứu độ trần gian. Trang Tin Mừng quá quen thuộc chúng ta nghe thánh Luca thuật lại lời xin vâng đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian vào trong đời mình. Mẹ tin và hoàn toàn bỏ ngõ đời mình cho Thánh ý của Chúa.

Ngày hôm nay, lời xin vâng được mở ra, được bỏ ngõ với biết bao nhiêu biến cố bi thương trong đời của Mẹ. Phải nói rằng quá sức chịu đựng của một cô gái như Mẹ. Không còn gì nhục nhã cho bằng khi phải đón nhận, khi phải đồng hành, khi cùng với con chịu đau khổ trên hành trình thương khó và bi thương nhất là cái chết trên thập giá.

Nhưng, niềm tin ấy của không dừng trên đỉnh đồi Canvê mà còn tiếp tục sau khi chôn con yêu của mình. Sách Công Vụ Tông Đồ cũng vừa kệ lại niềm tin của Mẹ khi các tông đồ bấn loạn, người đi về nhà, kẻ chán nản vì Thầy của mình đã chết. Không chỉ đơn thuần là Thầy mà là người mà cả cuộc đời mình tín thác, mình trao phó, thậm chí bỏ cả vợ cả con, cả gia đình để theo mà nay đã chết nên chẳng còn gì để mất cả. Các môn đệ tán loạn nhưng may mắn Mẹ đã giữ vững niềm tin ấy để quy tụ các môn đệ cùng quay trợ lại nơi các ông trú ngụ để cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau giữ vững niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian.

Niềm tin đó chính Mẹ đã giữ, giữ từ ngày xin vâng lời sứ thần cho đến khi Chúa Giêsu ra đi.

Tràng chuỗi Mân Côi mà ngày nay đoàn con cùng suy niệm chính là cùng nhau suy niệm niềm tin của Mẹ vào cuộc đời của Đấng Cứu Thế.

Mừng Mẹ Mân Côi là mừng niềm tin của Mẹ vào cuộc đời của Đấng Cứu Thế.

Không phải mừng lễ Mẹ như là mừng một biến cố, ghi dấu một kỷ niêm nhưng lại một lần nữa ta cùng nhau chiêm ngưỡng niềm tin của Mẹ. Và, cũng không phải chỉ để chiêm ngưỡng nhưng là để cùng nhau sống niềm tin vào Đấng Cứu Độ trần gian như Mẹ đã sống.

Cách riêng, trong năm Đức Tin này, một lần nữa, cơ hội, dịp để chúng ta soi chiếu niềm tin của chúng ta vào Đấng Cứu Độ trần gian như thế nào ? Dĩ nhiên, niềm tin ấy cũng như cơn sóng xô của cuộc đời. Niềm tin ấy cũng có lúc mãnh liệt, cũng có lúc cảm thấy mệt nhoài với những đau khổ trong đời . Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, nhìn tới nhìn lui thì những đau khổ mà ta phải chịu đó cũng chẳng thấm vào đâu so với tất cả những nỗi đau của Mẹ Maria. Và, Mẹ Maria cũng đau chưa bằng chính Chúa Giêsu con của Mẹ phải chấp nhận đau khổ đến hiến mạng sống của mình để đem lại ơn cứu độ cho con người. Chúa Giêsu, trong tất cả nỗi đau của mình, Ngài đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá.

Ngày mỗi ngày, khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng đi với Mẹ Maria hành trình cuộc đời của Chúa Giêsu từ nhập thể, nhập thế và chết trên cây thánh giá. Nhìn như vậy, chiêm ngắm như vậy, suy niệm như vậy để cùng Mẹ dâng lên Chúa mọi đau thương thử thách của cuộc đời.

Dĩ nhiên với bản tính mỏng dòn non yếu và phận người tội lỗi, chúng ta khó có thể đi theo Chúa trên con đường thập giá. Nhưng, khi cùng đồng hành với Mẹ, có Mẹ trong cuộc đời, chúng ta sẽ cảm thấy thập giá đời của ta nó nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Hãy cùng với Mẹ Maria và thưa với Chúa hai tiếng xin vâng như Mẹ để tất cả mọi khổ đau của đời ta nên nhẹ nhàng. Hãy cùng xin vâng như Mẹ để niềm tin của chúng ta ngày mỗi ngày trao phó cuộc đời của chúng ta càng thêm mạnh đủ để chúng ta bắt chước như Mẹ mở toang cuộc đời của ta cho Chúa vào để Chúa hành động trong ta.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

Bàn Tay Từ Mẫu

Trần Mỹ Duyệt

“Mẹ là khiên thuẫn che chở đời con.

Và là ơn cứu độ của con trong giờ chết” (Thánh Anphongsô).

Dong duổi trên đường đời gió bụi, gánh của sầu thương nặng trĩu đôi vai. Giữa tháng ngày trôi trong cô liêu, lặng lẽ, băn khoăn và thổn thức, lạc lõng và vô vọng, người con thường luôn nghĩ tới mẹ và gọi mẹ. Mong tìm gặp bàn tay và trái tim yêu thương của mẹ mình để làm nơi nương tựa, ủi an.

Trong cuộc đời của một người, không có mẹ, mồ côi mẹ, hay bị mẹ bỏ, là điều bất hạnh lớn lao nhất. Người đó không bao giờ hiểu được những dịu ngọt và hạnh phúc mỗi khi gục đầu vào lòng mẹ, hay được mẹ đặt một nụ hôn trên trán mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.

Sự quyến luyến nồng nàn của tình mẫu tử đã trở thành một tình cảm thiêng liêng, đến độ mặc dù sau này khi đã lớn tuổi và trưởng thành, người con vẫn không sao quên nổi. Bởi vì tình yêu thương của mẹ dành cho con thật vô bờ bến, và không bút nào có thể diễn tả một cách đầy đủ.

Tình mẹ thương con đã cho người con sự tin tưởng và niềm hy vọng rằng những gì mình muốn, đều có thể tìm được nơi trái tim yêu thương của mẹ mình. Kể cả những lúc nguy nan và đau khổ, câu nói trên miệng con vẫn là: “Mẹ ơi! Mẹ cứu con”.

Trong đời sống siêu nhiên, Maria là người mẹ uy quyền, cao sang, nhưng luôn yêu thương và săn sóc con cái mình.

Thánh Bênađô khi diễn tả quyền năng và tình thương của Mẹ, đã phấn khích mọi người hãy tin tưởng và phó thác mọi sự nơi Mẹ:

“Lậy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ. Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”.

Sự xác tín trên, đã khiến Ngài mạnh mẽ quả quyết nếu có trường hợp nào xẩy ra là có người chạy đến cầu xin Mẹ, mà bị từ chối hãy cho Ngài biết để Ngài bảo mọi người đừng yêu mến và cậy trông Mẹ nữa.

Lo âu của cuộc sống, vất vả của kiếp người, thôi thúc của dục vọng , tất cả đã làm cho con người nhiều khi chơi vơi, đắm đuối, thất vọng, và chán chường giữa dòng đời.

Với nhiều gia đình, đời sống hôn nhân, vợ chồng, cha mẹ và con cái không còn là những ân huệ của Thiên Chúa, không còn là một dấu chứng của tình yêu, và mái ấm hạnh phúc, nhưng đã biến thành một chiến trường hằng ngày vẫn ẩm ỷ, hoặc bùng nổ những tranh chấp và hận thù đưa tới bất hạnh.

Trong những hoàn cảnh như thế, khi con chạy lại với Mẹ, Mẹ sẽ làm gì? Mẹ sẽ dậy cho con biết lắng nghe, tìm hiểu, và chấp nhận ý Chúa. Nhất là Mẹ sẽ dậy con biết nhẫn nại, khiêm tốn chờ đợi thời giờ của Thiên Chúa.

Khi đánh mất niềm tin, là lúc con người bắt đầu than trách Chúa, bắt đầu phủ nhận sự thật về cuộc đời, và về chính mình. Bắt đầu vẽ ra một Thiên Chúa theo ý mình, chứ không phải là Thiên Chúa thực như Ngài hiện hữu. Trường hợp của bà mẹ đau khổ sau đây, phản ảnh lối suy tư và cái nhìn của con về Thiên Chúa, trong những lúc con gặp đau thương và thử thách.

Câu chuyện của một thiếu phụ sẵn sàng chấp nhận đời sống góa bụa, đơn côi và lạnh lẽo. Bà đặt trót niềm tin vào Thiên Chúa, giữ luật Chúa và Giáo Hội cách đầy đủ. Bà sống đạo sốt sắng, siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày. Ước vọng duy nhất của bà là xin cho được một cuộc sống bình thản, an vui và hạnh phúc bên đứa con gái của mình. Ngoài ra, bà chỉ xin sao cho được nhìn thấy đứa con của mình lớn lên, học hành, có công ăn việc làm, có gia thất, và có một cuộc sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình.

Giấc mơ của bà xem như không bao giờ thành sự thật. Chỉ ít lâu sau khi người con gái bà lập gia đình, cô cũng đã trở thành một góa phụ trẻ như bà. Rồi bản thân cô, cô cũng đã từ biệt cõi đời trong một tai nạn lưu thông, để lại cho bà đứa cháu gái mới lên một.

Một lần nữa, bà hướng về đứa cháu ngoại. Lại cũng chỉ là một giấc mơ rất nhỏ nhoi, rất thiết thực, và rất người của bà đối với đứa cháu nhỏ bé và côi cút. Trong kinh nguyện và hy sinh, bà chỉ cầu xin làm sao cho cháu bà lớn lên, khỏe mạnh, học hành, có công ăn việc làm, có gia thất và sống một cuộc sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình.

Rồi bỗng một hôm, cháu bà bỏ nhà trốn học. Nó bắt đầu lối sống buông thả, sa đọa khi nó chưa tròn 14 tuổi.

Quá hoảng hốt, bà càng thêm lời cầu. Bà xin khấn hết đền thánh này đến đền thánh khác, hết tuần cửu nhật này đến tuần cửu nhật khác. Bà xin hết lễ này đến lễ khác, chỉ để cầu cho cháu bà được ơn ăn năn trở lại, lo học hành và chuẩn bị cho tương lai. Nhưng rồi thực tế phũ phàng vẫn xẩy tới. Cháu bà có thai, và sinh ra một bé gái khi nó mới 15 tuổi.

Bà cảm thấy như Thiên Chúa đang nguyền rủa và xua đuổi bà. Quá chua chát, quá đắng đót, quá phũ phàng đối với cuộc đời, bà bắt đầu nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa.

Từ bà, qua con gái bà, rồi tới cháu gái bà, tất cả là một câu hỏi khó giải thích. Càng khó giải thích hơn nếu nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Mẹ Maria là đấng ban muôn ơn lành cho hết mọi người hằng cầu xin với Mẹ.

Nhưng những lời cầu và hy sinh của bà thật sự không trở thành vô nghĩa. Thiên Chúa vẫn lắng nghe những lời cầu xin của bà. Ngài vẫn tiếp nhận mọi hy sinh, và đếm từng giọt nước mắt của bà. Chỉ có điều là hành động của Ngài và cách thức trả lời của Ngài không phải là câu trả lời và hành động mà bà đang muốn có. Bà phải chờ thêm 15 năm nữa sau khi đã chết.

Câu chuyện được tiếp tục là người cháu gái của bà chỉ thay đổi lối sống 15 năm sau ngày bà qua đời. Trong một buổi tối nọ, khi nàng gặp cảnh éo le xô đẩy nàng bước sâu vào con đường trụy lạc, bỗng hình ảnh của bà chợt loé sáng vùng ký ức sâu thẳm tưởng chừng như đã chết của nàng. Nàng chợt bừng tỉnh. Và qua kinh nghiệm chua chát và đắng đót của cuộc đời, nàng đã thức tỉnh, quyết tâm làm lại cuộc.

Nàng bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh bà ngoại, và hồi tưởng như nghe được những câu kinh, nhìn thấy những giọt nước mắt của bà ngoại mỗi khi cầu nguyện cho nàng. Nàng rất ân hận về cuộc sống quá khứ của mình…

Nhiều khi con vẫn thắc mắc là tại sao Thiên Chúa lại bắt bà phải chờ đợi lâu như thế? Và tại sao Thiên Chúa lại trả lời cho một người đã chết? Câu trả lời này lại cũng chỉ có một mình Chúa biết.

Như người đàn bà đau khổ trên, con ngày ngày vẫn cầu xin và nhìn lên đôi tay từ bi Mẹ, vì biết rằng từ đôi tay tình thương ấy, mọi phúc lành của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên con.

Thiên Chúa đã đặt vào tay Mẹ kho tàng ơn phúc, để Mẹ ban cho ai, ban khi nào, và ban bao nhiêu theo ý Mẹ muốn. Tư tưởng của Thánh Anphongsô được diễn tả một cách dễ hiểu hơn, có nghĩa là Mẹ chính là Quản Lý mọi phúc lành của Thiên Chúa. Chỉ có một điều con cần phải lưu ý mỗi khi cầu xin Mẹ, đó là để Mẹ tự do hành xử quyền ban phát ơn sủng hợp với thánh ý của Thiên Chúa.

Một người mẹ giầu lòng thương yêu con cái như Mẹ, đứng trước kho tàng ơn phúc vô tận đó, thử hỏi khi được xử dụng quyền ban phát những ơn lành cho con cái mình, Mẹ sẽ vui mừng biết bao. Mẹ lại có thể hẹp hòi, hoặc từ chối những ai chạy đến kêu cầu Mẹ sao.

Thánh Kinh kể lại, xưa kia người Ai Cập trong cơn đói khổ đã đến với Giuse như đến với nguồn sống. Họ tìm gặp Giuse như tìm gặp vị cứu tinh, và người ban cho họ nguồn sinh lực để sống:

“Khi nạn đói lan tràn khắp Ai Cập, người dân kêu cầu cùng Pharaon xin lúa gạo. Pharaon liền nói với những người Ai Cập hãy đến với Giuse và làm những gì ngài bảo họ” (St 41:55).

Như Pharaon xưa đã nói với dân chúng của ông mỗi khi họ tới trước bệ rồng xin cứu sống, ngày nay Thiên Chúa cũng nói với con như vậy khi con đến với Ngài: “Hãy đến với Mẹ Maria”.

Trần Mỹ Duyệt

Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Một trong những lễ đẹp lòng trái tim Mẹ Maria nhất, chắc chắn là lễ vô nhiễm nguyên tội. Thánh lễ này nhằm tôn kính đặc ân riêng cho mẹ là đã được thụ thai trong lòng thánh Anna một cách tinh tuyền không vương tì ố. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi tội tổ tông, tội mà vì mọi người chúng ta khi sinh ra đều vướng mắc vì thuộc dòng giống Adam. Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa. Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời thánh kinh đã được quy về Mẹ: – Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.

Người ta có thể tự hỏi, làm sao lại có đặc ân này ? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông. Chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng phép lạ này không lạ lùng hơn các điều kỳ diệu trong cuộc đời Đức Mẹ. Hơn nữa, các dặc ân khác Đức Mẹ thụ hưởng mà chúng ta chấp nhận sễ dàng, đều là hiệu quả của ơn vô nhiễm nguyên tội và giả thuyết ơn huệ này, nếu chối bỏ ơn Vô Nhiễm nguyên tội, mỗi biến cố trong cuộc đời Đức Maria đều giả thiết một phép lạ mới, nhưng với ơn vô nhiễm nguyên tội, mọi điều đều có thể giải thích được dễ dàng, vì không vương mắc tội nguyên, Mẹ Maria vượt qua tất cả những gì là hiệu quả và hình phạt do tội gây nên, như tình tư dục, thống khổ và tan rữa sau khi chết. Con người không mắc tội nguyên tổ là một bí ẩn không thể giải thích nổi. Đức Maria, nếu mắc tội nguyên tổ lại còn là một bí ẩn khó giải thích hơn nữa.

Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thễ thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến… nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8 tháng 12 năm 1854, trước sự hiện diện của 54 hồng y, 42 Đức Tổng giám mục và 92 Đức Giám mục cùng đoàn người đông đảo, vị đại diện Chúa Kitô đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông. Chúng ta kể ra một vài lý do khiến Giáo hội công bố tín điều : Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao ? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria. Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa !

2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để hủy diệt sự uy quyền của quỉ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỉ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội. Người đã thắng ma quỉ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hóa từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan tẩy giả, thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ.

Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hỏa ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: – Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,15).

Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố : – Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.

Việc mừng trọng thể lễ Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội vào mùa vọng có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng “cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết” (Marialis Cultus 3)

Hiền … BERNADETTE

.

….Thế nào là Hiền? Và thế nào là Thảo?

Ðể trả lời câu hỏi này, sau đây là những suy nghĩ về Hiền, còn Thảo…nếu có dịp, xin được luận sau.

Ðại cương: ‘ Hiền là người có những nhân đức như: Khiêm nhường, dịu dàng, nhân từ, ngay thẳng, nhẫn nhục và…vâng lời’.

Trong Giáo hội Công giáo, mỗi khi nói đến gương hiền lành và khiêm nhường, có lẽ không ai là không nghĩ tới Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng. Thánh là Ðấng được nhiều người nhắc tới, được người đời viết về đời sống của Thánh nhiều nhất. Tuy thế, còn có một người khác, thành tích ‘Hiền lành và khiêm nhường’ xem ra cũng đặc biệt lắm, nhưng lại ít được nói tới, người đó chính là cô Bernadette.

Bernadette (1844-1879), người có diễm phúc vô cùng lớn lao là được Ðức Mẹ hiện ra với cô, không phải một lần mà tới 18 lần chỉ trong vòng 5 tháng, từ 11 tháng 2 đến 16 tháng 7 năm 1858 tại Lộ Ðức thuộc miền Nam nước Pháp.

Trước sự việc lạ lùng và quan trọng như thế, Bernadette, từ hồi hộp, lo sợ đến vui mừng, thích thú, cô hăm hở đi loan báo cho mọi người, kể cả các Bề trên địa phương, Với ai cô cũng thành khẩn trình thuật đầu đuôi, tỏ tường, thế nhưng…thật là thất vọng và lo sợ, nghe Bernadette thuật lại, người tin thì ít mà kẻ nghi ngờ, không tin thì nhiều, khiến cô vô cùng bối rối, lo âu! Có người còn buộc tội cô là bịa đặt, láo lếu, thậm chí nhiều người còn chê bai, nạt nộ, ngay cả các đấng thẩm quyền Tôn giáo địa phương cũng chẳng ai tin cô! Người ta đã nói thẳng với cô là: ‘Chúng tôi không tin những chuyện hiện ra này đâu, đừng nói nhiều nữa’.

Nghe những lời cự tuyệt gần như phỉ báng, chống đối như vậy quá nhiều, Bernadette biết mình phải làm gì, cô chạy đến bắt đền và ăn vạ với Mẹ, cô liên tục cầu nguyện, xin Mẹ thêm sức mạnh chịu đưng cho cô, xin cho được can đảm hơn trong sứ mạng đem Tin Mừng này đến cho mọi người và nhất là xin Mẹ soi sáng để người ta nhận ra được đây là ơn đặc biệt mà Mẹ giành cho loài người.

Thế rồi, thời gian ngắn sau đó, thật ngạc nhiên, trước những thờ ơ, lạnh nhạt cũng như chống đối công khai diễn ra hằng ngày, người ta thấy, Bernadette chẳng những không còn tỏ ra thất vọng nữa, trái lại, cô sống rất hồn nhiên, bình thản. Ðể trả lời cho những người cô cho là cứng lòng này, cô vui vẻ nói:’ Ðức Mẹ hiện ra với cháu thì cháu kể cho qúi ông bà hay, cháu đâu có nhiệm vụ làm cho qúi ông bà Tin, cháu chỉ làm nhiệm vụ nói để qúi ông bà biết thôi mà’.

Qua câu trả lới trên đây, chúng ta thấy Bernadette, dù chỉ là một thiếu nữ đồng quê, tuy mới 14 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan, hiền lành và khiêm tốn tới mức nào!

Thời gian sống trong dòng tu, Bernadette được tất cả các chị em trong dòng thương mến và cảm phục. Một chị nữ tu đã nói: “Chị Bernadette rõ ràng là một tấm gương của mọi nhân đức mà tất cả chị em trong dòng chúng tôi phải noi theo”. Mẹ Bề trên thì bảo: “Bernadette là một Thiên Thần, Bernadette trong trắng như một đoá hoa. Trước khi nhận Bernadette vào dòng, tôi cũng nghe người ta đồn đãi rất nhiều về cô bé này, thoạt đầu, tôi không tin, nhưng về sau…rõ ràng là Mẹ Maria đã ban cho Bernadette Hồng Ân giữ được nét đơn sơ, trong sạch, hồn nhiên, hiền lành của một trẻ thơ, khi vào dòng rồi tôi mới nhận những lời đồn này là…thiệt”.

Bernadette được khấn vào dòng ngày 30 tháng 10 năm 1867.

Theo truyền thống sinh hoạt của dòng, trong ngày khấn, Ðức Giám mục điạ phương thường đến chủ tế. Ðiều khiến nhiều người thắc mắc là không hiểu tại sao, trong ngày vui mừng này, Mẹ Bề trên lại trình ngay với Ðức Cha là… ‘Bertnadette hiền lành, khiêm tốn thì có nhưng …thưa Ðức Cha, em vụng về lắm’! Bất ngờ nghe vậy, Ðức Cha ngạc nhiên vô cùng, Ngài không tin, để cho ra lẽ, Ngài liền gọi Bernadette lên hỏi: “Con quả thật không biết làm cái gì hết sao?” Bernadette cúi đầu, nghẹn ngào trả lời: “Thưa Ðức Cha, Mẹ Bề trên thật không sai, con không biết làm gì cả!” Ðức Cha nói tiếp: “Thật tội nghiệp con, Cha phải làm gì cho con bây giờ? Mà tại sao con lại xin vô dòng chứ?” Bernadette sững sờ, ngước mắt nhìn vị Giám Mục, hai tay đang đặt trên vai cô, trong cử chỉ âu yếm, đầy nhân từ, giây lát, Bernadette thổn thức thưa: “Hồi còn ở Lộ Ðức, con đã trình bày với Ðức Cha chuyện này mà, Ðức Cha bảo con là…không sao, con cứ xin vô dòng đi”. Nghe Bernedette nói thế, vị Giám Mục tỏ ra bối rối, hơi lung túng, không biết phải giải quyết ra sao, bỗng Ngài nói: “thì ít ra con cũng phải biết gọt khoai, nhặt rau chứ!” Bernadette đơn sơ thưa: “Con sẽ cố gắng Ðức Cha ạ”. Mỉm cười, Ðức Cha quay sang Mẹ Bề trên, chậm rãi nói: “Thôi được, nhà dòng nên giữ trẻ này ở lại thêm một thời gian nữa, theo dõi, nếu thấy là cô bé hữu ích trong vài công việc nhỏ nào đó thì gửi ngay đi giúp các xứ đạo cũng tốt vậy.”

Bất an trong xã hội ngày nay, căn nguyên là từ những rối loạn nơi tâm hồn con người. Chỉ có những tâm hồn biểu lộ những đức tính hiền lành và khiêm nhường mới hy vọng có được bình an thật sự. Bạn công nhận điều này không? Có phải khi con người đã nằm…xoài (không phải là nằm xuống đâu) trên đất mới không thể té phải không? Cũng thế, người hiền lành, khiêm nhường, có bao giờ sợ… mất danh thơm đâu. Người hiền và khiêm nhường luôn vui với những gì mình có, không mơ tưởng hão huyền, xa thực tế. Ngoài ra, người hiền vốn là người có lòng quảng đại, không đố kỵ, nhỏ nhen, không ghen, hờn, ấm ức, lại luôn chia sẻ, nâng đỡ tha nhân những gì cần thiết. Ðức Khổng Tử bảo: ‘Người hiền thường hay nhường nhịn mà nhường nhịn lại chính là hành động của kẻ Dũng’. Hiểu được thế, chúng ta rút ra được nhận xét: Khi người ta chấp nhận nhường và nhịn thì rõ ràng là người ta đã chấp nhận thua và thiệt. Khi người nào đã chấp nhận thua và thiệt, người đó chỉ có thể thêm bạn và nhất định bớt thù. Khi đã không sợ thiệt thì người ta có thể sống hoà thuận với mọi người.

Trong cuộc sống đầy bon chen, cám dỗ này, chỉ cần quan sát chung quanh chúng ta cũng dễ nhận ra một điều: Kẻ hung hăng, háo thắng, người không biết nhường nhịn, chính đó là kẻ… hèn! Người đã hèn thì còn trông mong chi nơi họ có được tinh thần mã thượng hay lòng bao dung, nhường nhịn, bởi bản chất của họ là loại người luôn từ chối hoặc lẩn trốn trách nhiệm và… hy sinh!

Qua sử sách (Ta và Tàu), thấy rõ: Chỉ những xứ sở nào có được những vị Vua Anh Minh, biết trọng người Hiền thì xứ sở, đất nước ấy mới có được bình an, thịnh vương mà thôi.

Vymainguyen