ĐỨC TRINH NỮ MARIA PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

12

HÀNH HƯƠNG

ĐỨC TRINH NỮ MARIA PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

Lời Chúa trích sách Khải Huyền

          Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện

          Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:

“Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,

giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,

và Đức Ki-tô của Người

giờ đây cũng biểu dương quyền bính,

vì kẻ tố cáo anh em của ta,

ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,

nay bị tống ra ngoài.

Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên

và nhờ lời họ làm chứng về Đức Ki-tô:

họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết.

Nào thiên quốc cùng chư vị ở chốn thiên đình,

hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ!

          Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su.

Ga 2, 1-11

          Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

          Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

          Kính thưa cộng đoàn

          Chắc có lẽ không ai có thể quên được một sự kiện hay nói khác một tí là một biến cố bi đát nhất cho nhân loại đó là biến cố bà Eva đưa tay ăn trái cấm ! Chính giây phút đó, tội lỗi đã đi vào trần gian. Trước đó, một vườn địa đàng hết sức đẹp được Thiên Chúa trao ban cho con người mà đại diện, tiên khởi, khai trương đó là ông bà Adam Eva. Thế nhưng cái đẹp, sự thiêng thánh đó đã bị hai ông bà và khởi sự cho sự đánh đó chính là bà Eva.

          Sau khi phạm tội, Thiên Chúa phán với con rắn : “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn gót nó”.

          Evà chính là hiện thân của con người yếu đuối và tội lỗi.

          Người đàn bà cũng như dòng giống người đàn bà đánh vào đầu con rắn đó chính là hình ảnh của Mẹ Maria. Mẹ Maria cứu con người khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi hay nói cách khác là Đức Maria phù hộ con cái của Mẹ, chở che con cái của Mẹ khỏi ác thần.

          Hình ảnh Mẹ Maria mà Thiên Chúa gửi cho nhân loại đó phảng phất đâu trong những trang Thánh Kinh.

          Chúng ta vừa thấy hình ảnh của Mẹ Maria mà sách Khải Huyền gợi lên :

          (Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện

          Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:

          “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,

          giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,

          và Đức Ki-tô của Người

          giờ đây cũng biểu dương quyền bính,

          vì kẻ tố cáo anh em của ta,

          ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,

          nay bị tống ra ngoài.

          Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên

          và nhờ lời họ làm chứng về Đức Ki-tô:

          họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết.

          Nào thiên quốc cùng chư vị ở chốn thiên đình,

          hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ!

          Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su).

          Thiên thần của Thiên Chúa, quyền năng của Thiên Chúa đã chở che, đã bao bọc để rồi Mẹ vẫn bảo toàn con của Mẹ, che chở con của Mẹ.

          Mẹ là thế đó ! Mẹ luôn luôn chở che, luôn luôn phù hộ mọi lúc mọi nơi có thể.

          Và, hình ảnh chở che, phù hộ của Mẹ hết sức quen thuộc mà chúng ta vừa nghe trong trang Tin Mừng theo Thánh Gioan.

          Không cần phải nhiều lời, thử hỏi ai trong chúng ta đang đãi tiệc mà thiếu cái gì đó thì chúng ta cảm thấy điều gì. Thức ăn thì có thể nhường nhau một tí hay là chia sẻ với nhau một tí nhưng rượu thì không nhất là khi niềm vui đang cao dâng. Niềm vui đang cao dâng bỗng dưng hết rượu ! Niềm vui coi như phải chấm dứt và dĩ nhiên là mọi người phải ra về. Hết rượu thì còn gì là vui nữa, còn gì là để ở lại nữa, ở lại để làm chi nữa ? Ra về thôi !

          Với ánh mắt nhạy cảm, với tâm tình chở che, với tấm lòng phù hộ con cái, Mẹ đã đến can thiệp với Chúa Giêsu. Kết quả là tiệc cưới đang vui lại vui hơn với những chum rượu hảo hạng thật ngon.

          Lưu ý một tí, đây là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm khi khởi hành sứ vụ của mình. Mẹ đã cộng tác với Chúa, Mẹ đã xin với Chúa để phù hộ, để chở che con của Mẹ ngay từ khi khởi đầu sứ vụ và lưu ý thêm nữa đó là dưới chân cây thập giá. Dưới chân thập giá, Mẹ đã ôm Gioan vào lòng. Gioan là hình ảnh của nhân loại, của con cái Mẹ, của Giáo Hội.

          Thế đó, mãi mãi Mẹ vẫn là Mẹ của sự chở che, của sự hộ phù.

          Với tình thương bao la của mẹ, với tấm lòng chở che phù hộ đó của Mẹ thì con cái của Mẹ lại đến với Mẹ và tỏ lòng súng kính Mẹ dưới danh hiệu Phù Hộ Các Giáo Hữu.

          Lòng sùng kính Đức Mẹ dưới danh hiệu Phù Hộ Các Giáo Hữu muốn bày tỏ sự tin tưởng của chúng ta vào sự hiện diện từ mẫu của Đức Maria trong các biến cố của nhân loại, của Giáo Hội và của mỗi chúng ta. Đức Maria là Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái mình, nhưng dõi theo và trợ giúp bằng sự cầu bầu đắc lực.

          Tước hiệu Đức Maria Phù Hộ các giáo hữu hiện nay đã có từ năm 1500, trong kinh cầu Loreto.

          Lòng sùng kính Đức Maria Phù Hộ các giáo hữu được biết đến và phổ biến thời Đức Giáo Hoàng Piô V và lan truyền rộng rãi sau chiến thắng của các Kitô hữu chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ ở Lepanto (1571) và Vienna (1683). Đức Giáo Hoàng Piô VII, sau khi được giải thoát khỏi tù của Napoleon (1814), đã thiết lập lễ Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, kính nhớ ngày 24/5.

          Trong những thời điểm đặc biệt khó khăn của Giáo Hội, Don Bosco (1815-1888) đã trở thành vị tông đồ của lòng sùng kính Đức Maria: Năm 1862, ngài tâm sự với Cha Cagliero (sau này trở thành Hồng Y): “Đức Mẹ muốn được tôn vinh với tước hiệu Mẹ Phù Hộ các giáo hữu… chúng ta cần Thánh Trinh Nữ Maria giúp chúng ta duy trì và bảo vệ đức tin Kitô giáo” (MB 7,334).

          Vào năm 1868, Don Bosco đã cho xây tại Torino một ngôi đền thánh tuyệt đẹp tôn kính Mẹ. Năm 1869, ngài  thành lập Hiệp hội những người sùng kính Mẹ Phù Hộ và sau đó lan truyền trên toàn thế giới.

          Mẹ phù hộ cho con cái của Mẹ trên toàn thế giới chứ không chỉ dừng lại ở tiệc cưới Cana, ở đỉnh đồi Gôngôtha hay chỉ nước này nước kia nhưng đã trải rộng trên toàn thế giới.

          Nhìn lại với quê hương Việt Nam thân yêu, chắc hẳn chúng ta không thể nào quên được lòng của Mẹ.

          Theo những lời truyền miệng của tiền nhân, cách đây 200 năm (năm 1777) dưới thời vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nhà Tây Sơn cấm đạo Công giáo rất ngặt, vì họ cho là người Công giáo theo Tây, phản Tổ quốc. Thời bấy giờ tỉnh Quảng Trị đã có nhiều người theo đạo Công giáo, cha Đắc Lộ (Alexander Rhode đã giảng đạo cho miền này). Sắc lệnh truyền phá hủy hết các nhà thờ, nhà xứ, bắt các cố đạo và giáo dân…

          Nhiều người Công giáo ở Dinh Cát đã chạy trốn vào phường Lá Vằng để tị nạn, vì bấy giờ phường Lá Vằng ở  giữa rừng xanh núi hiểm, xa thị xã, quan quân không dòm ngó tới.

          Trong lúc trốn tránh cuộc tàn sát, đốt phá, những người trốn vào Lá vằng rất khổ sở, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vừa đói, vừa khổ, lại bị muỗi chích, bọ cắn, nhiều người đau ốm mà không có thuốc chữa.

          Năm 1798 – Truyền khẩu nói rằng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng hiện ra nhiều lần để an ủi các giáo dân trốn chạy những cuộc bách hại của triều Tây Sơn vào trong rừng sâu Lá Vằng, thuộc địa hạt Dinh Cát, nay là Quảng Trị.

          Trong lúc đau khổ tột cùng, họ đã luôn kêu cầu cùng Chúa và Đức Mẹ, họ đọc nhiều kinh Mân côi, là kinh rất dễ đọc để cầu khấn. Đêm ngày họ cùng nhau cầu nguyện bằng chuỗi hạt Mân côi, dâng lên Mẹ những tiếng thở than của đoàn con đau khổ.

          Bỗng một đêm,  họ thấy một Bà đẹp, mặc áo choàng hiện ra gần cây đa cổ thụ, mà họ nhận ngay là Đức Mẹ, vì Bà bồng Chúa Hài Nhi, hai bên có 2 thiên thần cầm đèn chầu, giống như  ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

          Đức Mẹ ngỏ lời an ủi họ, và dạy họ bẻ lá vằng quanh đó nấu nước uống để chữa bệnh. Đức Mẹ còn căn dặn, như một sứ điệp, và hứa rằng:

          “Các con hãy tin tưởng,

          hãy vui lòng chịu khổ.

          Mẹ đã nhận lời các con cầu xin.

          Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.  

          Những sự việc gì diễn ra tại La vang sau đó cho tới ngày nay?

          – Câu chuyện về Lá vằng có Bà đẹp hiện ra, lá vằng chữa bệnh, không những người Công giáo mà cả người ngoài Công giáo cũng loan truyền, cũng hái lá chữa bệnh và được khỏi.

          – Năm 1801 – Sau khi Gia Long thống nhất, người bên lương cũng nghe biết có Bà Linh Thiêng hiện ra ở rừng Lá Vằng. Khi họ đi làm trong rừng thường ghé tới cây đa vái lạy và đắp một nền cao, có rào cây chung quanh.

          – Năm 1823 – Đầu đời Minh Mạng, 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ chung nhau làm một cái miếu trên nền đất cao nơi cây đa chỗ Đức Mẹ hiện ra, nhưng gặp nhiều dấu lạ (mộng mị, tượng bị lật đổ) họ đành thôi và truyền tụng nhau rằng: “Bà ấy là bà bên lương mà bên giáo đã dành đi đó”. Ngày nay có người cho rằng dân bên lương gọi Bà Linh Thiêng đó là Phật Bà Quan Âm cứu đời. Ba làng đồng lòng nhường đất và chùa lại cho bên Công Giáo. Cha bổn sở ở Dinh Cát đồng ý cho người Công Giáo biến chùa thành nhà thờ. Đó là nhà thờ tranh đầu tiên tại La Vang.

          -Năm 1830 – Một giai thoại kể rằng Đức Mẹ đã mua vải để trang hoàng bàn thờ.

          -Năm 1852 – Đức Cha Pellerin kêu gọi các cha hô hào cho giáo dân nhập Hội Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu. (Tước hiệu này năm 1901, Đức Cha Gaspar đã chính thức tuyên bố là tước hiệu của Đức Mẹ La Vang).

          -Năm 1866 – Sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh tự do tôn giáo, Đức Cha Sohier coi địa phận Huế có chương trình mở rộng linh địa La Vang : xây chủng viện, tu viện Mến Thánh Giá, cô nhi viện, nhà dưỡng lão cho các cha.Chương trình không thành vì địa phương Cổ Vưu không cho đất. Tuy nhiên hằng năm vào Tết Nguyên Đán giáo dân các vùng Dinh Cát, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa … họp nhau vài ba chục người cầm dùi, giáo mác xua thú dữ để vào linh địa La Vang kính viếng.

          -Năm 1885 – Văn Thân nổi loạn ở triều đình Huế với khẩu hiệu Bình Tây Sát Tả, giáo dân Cổ Vưu vào trốn ở La Vang. Khi nhóm người đuổi theo thì họ trốn lên núi. Có 30 người bị bắt và được đặc ân và được đặc ân thiêu sống trên nền nhà thờ Đức Mẹ. Nhóm Văn Thân đốt hết các nhà của dân trừ ngôi nhà tranh nhỏ bé của Đức Mẹ.

          -Năm 1886 – Sau biến cố Văn Thân, linh địa La Vang trở nên nơi hành hương đông người, vì thế Đức Cha Gaspar quyết định làm lại nhà thờ. Đây là nhà thờ thứ hai tại La Vang. Nhà thờ làm trong 15 năm.

          -1901 – Khánh thành nhà thờ và tổ chức đại hội 6=8/8/1901. Chính thức công nhận tước hiệu Đức Mẹ La Vang là Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu và chọn kiểu tượng Đức Mẹ chiến thắng: Đức Mẹ đứng trên đám mây và hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên qủa địa cầu. Định lệ cứ 3 năm kiệu Đức Mẹ La Vang từ Cổ Vưu vào La Vang ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán.

          Thế đó, Mẹ vẫn đứng đó, Mẹ vẫn ở đó để hộ phù con cái Mẹ, hộ phù những ai đến với Mẹ.

          Và, hết sức gần gũi, hết sức thân thương với Mẹ Hằng Cứu Giúp tại ngôi Đền thân thương này. Con cái của Mẹ vẫn đến bên Mẹ để xin Mẹ cứu giúp, che chở hộ phù.

          Mẹ tuyệt vời lắm !

          Mẹ ơi, trên trần gian con chưa thấy ai, đến nhờ Mẹ mà Mẹ không thương giúp. Mẹ ơi, con biết rằng tình Mẹ rất bao la, luôn dõi nhìn từng nhịp bước con thơ.  

          Mẹ nguồn cậy trông cho người thất vọng. Mẹ là niềm tin cho người lữ thứ. Mẹ là niềm vui cho người buồn đau. Mẹ là nghỉ ngơi cho người đơn côi.  

          Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không. Hỡi Mẹ Thiên Chúa xin hãy lắng nghe con nài van. Mẹ nguồn an vui, ôi Nữ trinh là nguồn an vui. Hết tình kêu khấn con tin chắc Mẹ thương nhận lời.       

          Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội và là Đấng Phù Trợ các Kitô hữu, chúng ta hãy hướng niềm tin và lòng biết ơn của mình về Mẹ. 

          Những lời của Don Bosco nói về Mẹ Phù Hộ: 

          “Ai tin tưởng nơi Đức Mẹ sẽ không bao giờ phải thất vọng”. 

          “Trong Đức Maria, tôi đặt tất cả niềm tin của tôi. Mẹ không bao giờ cho phép những thứ nửa vời”.

          “Tôi sẽ luôn luôn khuyên bạn nên gọi tên của Mẹ Maria, đặc biệt là bằng lời cầu nguyện này: “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”. Đó là một lời cầu nguyện không phải là quá dài, nhưng đó là thử nghiệm rất hiệu quả. 

          “Chúng ta tin tưởng vào sự trợ giúp của Mẹ”.

          Hãy chạy đến với Mẹ, hãy nép vào cánh áo từ bi của Mẹ để Mẹ luôn che chở hộ phù chúng ta.