HÃY CẦU NGUYỆN LUÔN

213

 

Trang Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta noi gương Chúa Giêsu trong việc cầu nguyện. Với gương của Chúa Giêsu, ta hãy sống gắn bó với Thiên Chúa nhiều hơn, đặc biệt khi cần quyết định, khi có những sự việc quan trọng phải lựa chọn, và trong tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống. Chớ gì ta biết đến với Thiên Chúa như một người Cha đầy yêu thương, như một người Thầy khôn ngoan thượng trí, như một người Bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, để kín múc nghị lực và sức sống của Người cho mỗi ngày, để mỗi ngày sống của ta được ngập tràn tình yêu ân sủng Chúa và nên hoàn trọn theo thánh ý của Người.

Ta thấy mỗi lần Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Chúa Giêsu chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha.

Cầu nguyện là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Nếu sách giáo lý công giáo định nghĩa: “Cầu nguyện là trò chuyện thân mật với Thiên Chúa”, thì Thánh kinh cho chúng ta thấy từ thuở hồng hoang, con người đã biết cầu nguyện. Sách Sáng thế ký kể lại rằng: Ngày ấy, vào những buổi chiều tà Thiên Chúa thường dạo cùng Adam để trò chuyện (St 3, 8).

Dù là tín ngưỡng nào, tự bản thân, con người vẫn ý thức thân phận mỏng dòn, giới hạn và thấy rằng mình cần cầu nguyện. Vì vậy mà con người đã có rất nhiều sáng kiến để bày tỏ lòng tôn sùng của mình với ‘Đấng ở trên cao’. Và đã có rất nhiều hình thức cầu nguyện trở thành lễ hội văn hóa của con người.

Chúa Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Chúa Giêsu, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Chúa Giêsu trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Chúa Giêsu: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Kitô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.

Qua những trang Tin Mừng, ta thấy Giêsu là một con người luôn luôn cầu nguyện, cho dù bận rộn, vất vả suốt ngày với đám đông trong hành trình rao giảng và chữa lành. Ngài là mẫu gương cầu nguyện cho người tín hữu chúng ta. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt Ngài thường lên núi cao hoặc lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mc 1,15; 6,46; Lc 5,16; 6,12; Ga 6,15); điều đó cho thấy được Ngài là con rất mực hiếu thảo của Chúa Cha, luôn gắn bó mật thiết với Cha, trò chuyện cùng Cha, hỏi ý kiến Cha trong mọi quyết định của Người. Trình thuật tin mừng hôm nay kể lại Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông đồ, những con người sẽ sát cánh bên Ngài trong sứ vụ loan báo Tin mừng nước trời, cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của biến cố.

Thật vậy, vì chính cộng đoàn 12 tông đồ này sẽ là hạt nhân của Giáo hội Người xây dựng giữa trần gian, là ‘cột trụ, là nền móng của thành thánh Giêrusalem trên trời, là những chứng nhân loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi người.

Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.

Với nếp sống công nghiệp, đô thị hóa, con người, nhất là người trẻ thường nại vào cớ bận rộn không có thời gian để cầu nguyện, họ chủ trương: “có thực mới vực được đạo” để tránh cầu nguyện, để thoái thác bổn phận phụng thờ Thiên Chúa.

Hậu quả là các bậc cha mẹ trẻ không còn biết cầu nguyện cho nên không thể làm gương hoặc dạy con cái biết cầu nguyện, dẫn đến việc suy thoái trong đời sống đức tin, nhà thờ và gia đình tách rời nhau. Họ dễ phó mặc đời sống đức tin của con em cho ‘nhà xứ’ và không quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con em. Họ lo cho con cái có những kiến thức khoa học đời nhiều hơn là khoa học thánh. Việc giáo dục đức tin được xếp vào hàng thứ yếu. Thậm chí có những bậc cha mẹ không thèm đếm xỉa gì đến việc lo cho con em có đời sống đức tin.

Bởi vì chính bản thân họ cũng không còn đức tin. Cha mẹ không cầu nguyện, cũng không dạy cho con cái biết cầu nguyện, từ đó, dẫn đến tình trạng con người trống rỗng về đời sống tâm linh, các giá trị về luân lý đạo đức bị tuột dốc, con người tôn thờ vật chất, tin vào vật chất, cố gắng sao để hưởng thụ vật chất cho nhiều, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và những giáo huấn của Người dẫn đến biết bao điều xấu xa tệ nạn xảy ra trên hành tinh này, nơi thế giới, trong xã hội: môi trường suy thoái, chiến tranh, kỳ thị, ly dị, phá thai…

Cầu nguyện thực là quan trọng. Nhờ cầu nguyện ta được thần khí và sức sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng tâm linh, được sự khôn ngoan của Người hướng dẫn; qua cầu nguyện, thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ, đồng thời ta nhận được sức mạnh và ân sủng giúp ta can đảm thực thi thánh ý của Ngài trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, khi mà xã hội khoa học vật chất tiến bộ, thì niềm tin con người vào ‘Đấng trên cao’ dường như bị giảm sút. Người ta tin vào sức mạnh của đồng tiền, của quyền lực vốn dĩ rất chóng qua.

Chúa đã nói: “Không có thầy các con không thể làm chi được”, xin cho ta biết siêng năng cầu nguyện, biết đặt niềm tin tưởng ở nơi Chúa hơn là nơi vật chất, nơi người đời. Chúa luôn ở bên ta, lắng nghe ta và sẵn sàng đáp trả miễn là tâm hồn ta có đủ tĩnh lặng để nghe tiếng Chúa. Vì thế ta có thể cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi, trên đường đi, trong công sở, hay lúc nghỉ ngơi. Chớ gì ta cảm nghiệm được tình yêu Chúa luôn trải rộng và thấm nhuận cuộc đời ta.