Nỗi lòng của Chúa Giêsu yêu thương con người thật tha thiết. Ngài muốn con người nhận ra được sự thật về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho con người và mọi người đều là con cái Chúa nên phải yêu thương nhau. Chúa Giêsu đã ném ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa vào mặt đất. Ngài muốn Lời Yêu Thương – Tin Mừng – được bùng cháy khắp nơi. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc.12,49).
Trong Kinh Thánh, từ “lửa” được đề cập 480 lần. Lửa mang nghĩa biểu tượng thánh thiêng chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực cháy (x. Xh 3,2). Thiên Chúa lập giao ước dưới chân núi Sinai (x. Đnl 1,33; 4,11-12.36; 5,4.22). Lửa là hình ảnh Thiên Chúa hướng dẫn dân Do thái trong sa mạc (x. Xh 13,21).
Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các Tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 3,2). Lửa là sức mạnh của Thánh Linh, khi các Tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên con người hoàn toàn mới: Can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng (x. Cv 1,8), làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Lửa chính là tình yêu nồng cháy của Đức Giêsu (x. Lc 12,49).
Lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét. Đó là ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra (x. St 19,24), mưa lửa từ trời xuống như một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (x. Lc 17,29); hay là lửa soi sáng trong Ngày của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,13; Mt 3,11-12).
Theo các nhà chú giải Kinh thánh, lửa ấy chính là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa.
Khi vào trần gian, Đức Giêsu đã đưa lửa vào, và Người ước mong lửa đó bùng lên. Theo Kinh thánh, Lửa là biểu tượng hình phạt của Thiên Chúa, nhất là vào lúc tận cùng thời gian. Lửa còn là biểu tượng cho sự thanh tẩy và làm đổi mới. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cuộc thanh tẩy tâm linh nhờ Chúa Thánh Thần.
“Lửa” mà Người nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay đúng hơn nên hiểu về “Thánh Thần”. Người đến để cho những kẻ tin Người được Thần Khí của Thiên Chúa. Người mong muốn, đến nỗi nôn nóng thấy việc đó chóng xảy đến để loài người chóng nhận được Thánh Thần khiến họ có thể kêu lên “Abba ! Lạy Cha”. Một cách cụ thể, có thể nói, trong suốt cuộc đời trần gian, Ðức Giêsu hằng mong mỏi ngày lửa Thánh Thần sẽ xuống trên các môn đệ, vì đó là mục đích cuộc giáng sinh cứu thế của Người, để tất cả loài người trở thành con cái Thiên Chúa.
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao?… Không phải thế đâu, nhưng đúng hơn là để gây chia rẽ”. “Sự chia rẽ là đối cực của sự bình an. Nhưng đây là sự chia rẽ vì Chúa, một sự chia rẽ đi vào qui luật của thập giá: Khi mất đi là khi tìm thấy, khi chết đi là khi được sống muôn đời. Hơn nữa, Đức Giêsu đã hứa: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Bởi thế Đức Giêsu không đến trần gian để gieo sự bất hòa, nhưng là đem đến sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng nghĩa với sự bình an.
Sự bình an Đức Giêsu mang đến là sự bình an phải chiến đấu trong chân lý, phải được xây dựng trong khó nhọc, trước hết ở trong chính bản thân ta rồi lan tỏa chung quanh ta: đó là dám chấp nhận những mệt nhọc, đói khát, thua lỗ, nhường nhịn vì những điều lành, biết tách mình ra khỏi những đố kị và muôn vàn những cái vừa vụn vặt vừa tầm thường của cuộc sống. Lương thực của sự bình an luôn là một thách thức”
Cuộc đời theo Chúa, đón nhận lửa Chúa gieo xuống và lãnh nhận Phép Rửa Chúa chịu. Cuộc đời theo Chúa này là một cuộc đời đầy hy sinh từ bỏ, chấp nhận tách rời ra khỏi những gì cản trở ta trở nên giống Chúa và đây là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Theo Chúa, sống trung thành với Lời Chúa, lãnh nhận lửa tình yêu của Chúa trong tâm hồn và chấp nhận hy sinh như Chúa đã hy sinh trên thập giá, chấp nhận chịu Phép Rửa của Chúa. Theo Chúa như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an thật Chúa ban cho, nhưng đồng thời chúng ta cũng bị chia rẽ, bị tách rời ra khỏi kẻ khác, nhất là khi những kẻ khác đó a dua hoạt động cho ma quỉ chống lại chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.
Thiên Chúa chiếu soi chúng ta, để chúng ta được bình an. Khi cuộc sống có những lo âu, buồn chán, tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với ơn Chúa; “ơn Chúa sẽ lôi cuốn bạn, cho tới khi bạn tìm lại được nguồn vui” (thánh Bênađô). Người kitô hữu đích thực là người sống trong niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Chúa. Người kitô hữu đích thực thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần trong lòng mình và nơi người khác.
Ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong mà Đức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng là chấp nhận bị từ khước và đe dọa. Đức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình. Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Ngài đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp tay với Ngài để cho sứ mạng của Ngài được chóng hoàn tất. Chính vì thế mỗi người chúng ta cũng phải là một ngọn lửa truyền nóng và chiếu sáng cho những người chung quanh bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.
Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.