“Hôn nhân” là một hành trình không hề dễ dàng!

17

“Hôn nhân” là một hành trình không hề dễ dàng!

Hai con người với hai bản thể, hai tính cách, hai nền tảng văn hóa, hai thế giới riêng cùng kết hợp để xây dựng nên một “gia đình”, cùng gắn bó và ràng buộc cuộc đời vào nhau. Vì vậy lẽ tất nhiên sẽ không thể tránh khỏi ít nhiều xung đột và mâu thuẫn.

Đôi khi, chiêm nghiệm lại, cảm thấy đây quả là một “trò chơi dại dột” của nhân loại…

Tự do tự tại không muốn, lại đem đời mình cột lại-dính dấp vào người khác, rồi thề thốt trọn đời mới ghê… Ối zời ơi…

Để rồi sau cái giây phút thề thốt lung linh lộng lẫy ấy, sau cái “tuần trăng mật” ngọt lịm là chuỗi ngày dài “mửa mật” dzới nhao. Bắt đầu khám phá “sự thật” về nhao khi về chung sống, khi không còn phải “giữ kẽ” dzới nhao nữa.

Và rồi đến giai đoạn cùng vật lộn với bỉm-tã-sữa, với con ốm con đau, con khóc lóc, con nổi loạn, blablabla…

Và rồi “cơm áo gạo tiền”, và công việc-sự nghiệp-danh vọng…

Vấn đề cốt lõi gây sóng gió hôn nhân là ở điểm mấu chốt này:

Song song với giai đoạn gầy dựng gia đình, cho dù tất bật đến đâu, người phụ nữ vẫn luôn có nhu cầu được quan tâm, được yêu thương, được nâng niu như ngày đầu. Vẫn thích được “yêu bằng tai và bằng cử chỉ”. Vì vậy, phụ nữ tuy đang đóng vai mẹ bỉm cả ngày, lại vẫn có thể làm việc tại công ty hay gom đơn hàng online, đồng thời vẫn để tâm xem “hắn” có nhớ nhắn tin hỏi han gì mình hem, có quan tâm mình đang bị cảm hem, có nhớ mua hoa/quà tặng sinh nhật mình hem, có nhớ mai là kỷ niệm ngày hai đứa quen nhau hem, blablabla…

Trớ trêu thay, đa phần cảm xúc của người đàn ông sẽ tỉ lệ nghịch với mức độ stress và những lo toan cho gia đình và sự nghiệp. Đàn ông tuy mạnh về lý trí, nhưng họ lại kém hơn phụ nữ ở khả năng xử lý nhiều tình huống/nhiều cảm xúc cùng một thời điểm. Khả năng tập trung của họ cao, nhưng họ chỉ có thể tập trung để xử lý 1 vấn đề tại 1 thời điểm mà thôi!

Vì vậy, khi bạn bị thu hút bởi người đàn ông coi trọng sự nghiệp, bạn phải chấp nhận anh ta sẽ hơi khô khan, sẽ không có nhiều thời gian và tâm trí để quan tâm chăm sóc hay dành những lời có cánh cho bạn. Hoặc với người đàn ông hoạt ngôn, trau chuốt ngôn từ, khéo ăn khéo nói, dễ lấy lòng phụ nữ, thì thường người đó sẽ ít có chiều sâu tình cảm. Nếu bạn thích mẫu đàn ông chu đáo, tỉ mỉ chi tiết, thì bạn cần chấp nhận anh ấy sẽ không thuộc tuýp người “nghĩ lớn, làm lớn”…v.v…

Sóng gió hôn nhân sẽ rất dễ kéo tới trong suốt 20 năm đầu, trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng của xung đột tính cách, xung đột lối sống, xung đột văn hoá gia đình, xung đột “cái tôi”, cùng với stress từ vô vàn những nỗi lo trong quá trình sinh con, nuôi con và gầy dựng sự nghiệp. Chưa kể đến những “rủi ro” khác, như sự xuất hiện của “tuesday” (người thứ ba)…

Sau 20 năm, khi con cái đã lớn, không cần sự chăm bẵm nữa, sự nghiệp và kinh tế gia đình đã tạm ổn định, hai vợ chồng bắt đầu có thời gian để được “sống cho mình”, để có thể thảnh thơi đôi chút, khi ấy họ mới có thể “bình tĩnh sống” để nhìn mọi thứ thoáng hơn, dễ tha thứ cho nhao hơn, dễ chấp nhận khuyết điểm của nhao hơn, và cũng ít kỳ vọng ở nhao hơn!

Khi ít kỳ vọng thì sẽ ít thất vọng. Đến giai đoạn này của cuộc đời, người ta sẽ thấy nên có cái nhìn khác về hôn nhân thì hơn!

Không nên có tư duy “sở hữu nhau”, càng không nên có mong muốn “buộc người kia phải có lối sống giống mình”.

Hôn nhân, đừng buộc chặt đời nhau quá, càng chặt càng dễ đứt. Chặt quá ngộp thở lắm, dễ bung lắm!

Hôn nhân, cần lơi lơi chút, để mỗi người đều có được khoảng trời riêng. Không phải để tự do tơ tưởng đến ai khác, mà là khi có được khoảng trời riêng người ta mới có thể hít thở sâu, được là chính mình, cảm thấy trân quý hạnh phúc mình đang có, và luôn trân trọng người bạn đời bên cạnh mình!

Hôn nhân, nếu có thể, hãy trở nên tri kỷ của nhau. Tri kỷ: nghĩa là “bạn thân”. Chuyện gì cũng muốn tìm đến để chia sẻ với nhao.

Muốn được vậy thì phải có ý thức trân trọng nhau mỗi ngày!

Và cho dù gì đi nữa, cứu cánh sau cùng là hãy nghĩ đến “lý do mà ta đã chọn để đến bên nhau”.

Nghĩ đến đó để mà “tha thứ”!