Trang Tin Mừng hôm nay nêu bật lòng quảng đại của Chúa Giêsu đối với con người. Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, là vì Ngài đã chạnh lòng thương xót họ. Mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối thực phẩm đều phải được khởi đi từ tấm lòng yêu thương, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trở ngại, hoặc không sớm thì muộn, những công việc ấy cũng bị chen vào những ý đồ ích kỷ, vụ lợi.
Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Từ bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ, Người đã cho chừng bốn ngàn người được ăn no nê, mà vẫn còn dư bảy thúng. Sở dĩ Chúa Giêsu làm như vậy là vì Người đã chạnh lòng thương xót họ. Lòng thương xót đã khiến Người không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước sự đói khát của đám đông dân chúng đi theo Người. Cũng vì lòng thương xót ấy, Người có thể vượt qua tình thế tưởng chừng bế tắc : “Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn”.
Trong trình thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai Mc 8,1-10, Chúa chạnh lòng thương đám đông vì tình trạng khốn quẫn, đói khát của họ. Phép lạ này diễn tả lòng từ bi thương xót của Chúa Giêsu miển Thập Tỉnh thuộc vùng lương dân. “Dân chúng theo Người”, theo Chúa thì chấp nhận vất vả khổ cực, có khi phải đói khát nữa. Nhưng hãy nhìn vào phép lạ hoá bánh này để chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, nuôi dưỡng an bài, vì Người vẫn hằng thương yêu săn sóc những ai biết bỏ mọi sự theo Thầy.
Một khía cạnh khác, đó là mọi hành vi của Chúa Giêsu đều bắt đầu từ sự thật của chính Ngài hay của những người khác. Chúa Giêsu đã không khởi sự phép lạ một cách mơ hồ, nhưng từ chính sự thật của con người, cho dù đó là sự thật yếu kém đến đâu đi nữa. Ngài đã làm phép lạ từ bảy chiếc bánh và mấy con cái và mấy con cá nhỏ. Hành vi của Chúa không phải là hành vi đột xuất, bởi vì Ngài vẫn tiếp tục phục vụ kẻ khác một cách quảng đại như thế ngay cả khi đã chết.
Quả thật, các kiểu nói và từ ngữ trong Tin Mừng hôm nay, cũng chính là các kiểu nói và từ ngữ được áp dụng cho Bí tích Thánh Thể, như “cầm lấy bánh”, “dâng lời tạ ơn”, “bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Như vậy, phải hiểu Bí tích Thánh Thể là một hành vi cứu giúp người đói khát, là sự nối dài hành vi quảng đại của Chúa Giêsu hôm nào, khi từ bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã cho đám đông ăn no nê chỉ vì Ngài yêu thương họ.
Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước sự bối rối và bất lực của các tông đồ khi phải đối diện với cái đói của đám đông, Đức Giêsu đã làm phép lạ gỡ bí cho các ngài. Trước cảnh hoang vắng của đất trời và cái hối hả của thời gian, Chúa đã biến nơi hoang vắng ấy thành lời tạ ơn, thành bữa tiệc huynh đệ, thành nơi trao gởi tình thương và sự cảm thong.
“Hãy đem đến cho Thầy”: Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta đóng góp phần nhỏ mọn của mình vào công việc của Chúa. Chúng ta có gì cứ quảng đẹi dâng cho Ngài. Noi gương các môn đệ, chúng ta sẵn sang dâng cho Chúa những gì mình có để thực hiện việc tông đồ, đừng ngại thua kém hay có ít quá…hãy cộng tác vào công việc của Chúa, nhất là đức tin, vì Chúa có thể làm tất cả từ “không” ra “có”, nhưng Người muốn cho con người đóng góp vào công trình của Ngài.
“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời” để bày tỏ sự hiệp nhất với Chúa Cha và tạ ơn Người. Là tông đồ của Chúa cũng hãy noi gương Thầy, trước khi thực hiện công việc cần có sự hiệp nhất với Chúa bằng sự cầu nguyện tìm ý Ngài.
“Bẻ ra và trao cho các môn đệ”: Chúa Giêsu chia sẻ công việc của Mình cho các môn đệ, chính các ông đưa cho Chúa, và khi xong Chúa lại trao lại cho các ông để các ông tự tay phân phát cho dân. Các môn đệ đóng vai trò trung gian giữa Chúa và dân chúng. Noi gương Chúa, trong việc tông đồ chúng ta cần có tinh thần cộng tác với nhau, chia sẻ công việc của mình cho người khác để cùng nhau thực hiện, chú đừng ích kỷ độc quyền để tìm vinh danh cho riêng mình.
“Các con hãy cho họ ăn”: mỗi chúng ta hãy sẵn sang làm trung gian giữa Chúa và dân chúng theo phận vụ, công việc của mình. Vì thế để cứu rỗi con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác với Ngài. “Các con cho họ ăn đi”, Chúa quan tâm đến cả đời sống tinh thần lẫn vật chất cho dân chúng, Chúa nuôi họ vật chất mà không cần tìm hiểu vì sao họ thiếu; Chúa cũng nhắn nhủ mỗi người chúng ta biết lo lắng săn sóc những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cho tha nhân.
“Tất cả đều ăn no nê và người ta thu lượm…”: “Ăn no” và “còn dư” là hai yếu tố nói lên sự dồi dào của bữa ăn. Điều này có nghĩa là lương thực đem ra phân phối, chia sẻ thì không bao giờ cạn. Đó là biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể, luôn được dọn ra cho những ai muốn đón nhận sự sống thần linh của Chúa. Người “cho” hơn cả những gì họ cần thiết, hơn cả sức ăn uống của họ đến độ “còn dư bảy thúng…”, Người muốn ban cho chúng ta được dư thừa niềm hy vọng, bình an, niềm vui, ý tốt và tự do để chúng ta có tới bảy thúng đầy mà đem phân phát cho người khác đấy!
Ngày hôm nay, để nuôi sống nhân loại, Chúa Giêsu đã lấy chính Thịt Máu Ngài làm lương thực. Với lương thực này, Ngài tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa. Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Chúa Giêsu cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo Hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Ðám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho người khác, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Nếu vậy, cảnh đói khát hiện nay vẫn còn, là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.
Với quyền năng Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể làm từ không thành có, thế nhưng Chúa đã không làm như thế. Chúa lại cần đến mấy chiếc bánh và ít cá của các môn đệ để làm phép lạ. Qua đó, Chúa muốn mời gọi mọi người hãy biết cảm thông và chia sẻ cho người khác, cho dù đó chỉ là một sự đóng góp nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng với lòng thương xót và quyền năng của Chúa, nó sẽ trở thành vô cùng lớn lao và quý giá.
Nếu không có tấm lòng yêu thương, thì chẳng những chúng ta không thể có sáng kiến trong việc cứu giúp người khác, mà còn biện hộ cho khả năng giới hạn của mình và đình hoãn việc trợ giúp. Những lúc ấy, Bí tích Thánh Thể chúng ta đón nhận mỗi ngày trở thành vô hiệu: thay vì là nguồn lương thực không bao giờ cạn thúc đẩy chúng ta quảng đại hiến tặng người khác, nó trở thành gia sản độc quyền và cằn cỗi của riêng chúng ta.